23 thg 3, 2018
CỬA PHẬT - Chuyện Ngắn của Trần thị NgH( TC.DA MÀU)
Hác Lục, tức Sáu Quạu, sinh ra đã trục trặc thần kinh; điên thì không điên nhưng tàng tàng, nhậy cảm với mọi chỉ trích trêu chọc, có những phản ứng hung hăng không thể lường trước, thường tự đập đầu phun máu khi bất bình, sẵn sàng cãi lý đến cùng trong mọi trận gây gổ với người khác nhưng may, không bao giờ dùng đến vũ lực để tấn công hoặc chỉ là để tự vệ. Xong tiểu học Hác không chịu đến trường nữa, ở nhà quanh quẩn bên tủ sách thánh hiền trí giả của ông già, đặc biệt thán phục Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Xuân Nhị, Trần Trọng Kim, Phạm Công Thiện.
Sáu Quạu là cách gọi vui trong gia đình, lâu ngày chết tên. Ông già tự cho mình hay chữ, ráp tên các con theo chữ và số, réo rắc hàn lâm nhưng gộp lại chẳng diễn giải được điều gì: San Tứ, Hác Lục, Mâu Bát, Liêu Cửu…, lại kèm thêm biệt danh dựa vào nét riêng từng đứa: Bốn Trợn, Sáu Quạu, Tám Mun, Chín Quắn…. Nghe thì giang hồ võ hiệp, trớ trêu là toàn thể 9 anh chị em bị đời đưa đẩy sao mà va cả vào những nghề nho nhã dính líu đến văn-thể-mỹ.
Bà già vẫn thường nhắc nhở mấy đứa con đã có công ăn việc làm, gia đình ổn định:
– Thằng Sáu Quạu không vợ không con nhưng phải sống để trả nợ đời, gánh hết tai ương cho cả nhà, anh chị em tụi bay nhớ lời má dặn, phải có trách nhiệm chăm lo nó sau ngày ba má trăm tuổi.
Gây với Sáu thì thành viên nào trong gia đình cũng đều trải qua nhiều trận kịch liệt vì ông này có khả năng đặc biệt trong việc khích bác và khiêu chiến khiến bất cứ ai cũng có thể sập bẫy, lâm trận lúc nào không hay; tuy nhiên thường thì mỗi người một cách, răm rắp nghe lời má dặn: nhượng bộ hoặc đầu hàng – nhất là khi Sáu đuối lý, tự làm mình thịt rơi máu đổ. Cả nhà, Sáu ngán mỗi mình San Tứ, tức Bốn Trợn, kẻ luôn giải quyết mọi vấn đề bằng bạo lực chứ không ưa cãi cọ.
Bốn Trợn có cặp mắt nhiều tròng trắng hơn tròng đen, không trợn đã thấy ghê. Khi Bốn nổi xung thiên, hai con ngươi biến mất chỉ còn một màu trắng dã như bị đục thủy tinh thể. Cái tên giang hồ có vẻ như vận vào Bốn. Ở tuổi thiếu nhi, do gia đình có chút của ăn của để, Bốn nuôi một bầy chó Berger ăn sập nhà sập cửa; khi bị cằn nhằn, Bốn trợn mắt phán: tui chấp nhận nhịn ăn phần mình để phần cho chó. Đến tuổi thiếu niên, ba bữa nửa tháng Bốn lại chuẩn bị dây thừng, lòi tói, bỏ nhà chèo ghe mất biệt ra Hòn Khoai, trợn mắt bảo theo Việt Minh đi bắt Tây. Lúc về te tua chỉ còn cái quần xà lỏn.
Ào ào vậy nhưng rất có khiếu vẽ vời. Nạn nhân là em Liêu Cửu, tức Chín Quắn 4 tuổi, thường bị anh Bốn bắt bỏ lên ghế đẩu, tát cho hai bạt tai xiễng niễng tha hồ khóc mấy tiếng đồng hồ làm mẫu cho họa sĩ trợn mắt nhướn mày vẽ chân dung; sau một hồi tức tưởi thật lâu nhi đồng mệt quá hước hước lấy hơi chuẩn bị nín khóc liền bị ăn thêm hai bạt tai nữa cho nghệ sĩ có thêm thì giờ hoàn thành tác phẩm. Một tay cầm cọ, tay kia quơ lấy cây cán bột làm bánh ở giàn bếp dí dí vào mặt đứa nhỏ, Bốn gầm gừ hù dọa:
– Ngồi yên! Liệu hồn! Nhúc nhích tao tán mầy ra thành bột!
Một lần được má mua cho đôi guốc gỗ quai nhựa có in bông trắng trên nền xanh, Chín vui thích đi tới đi lui trong nhà khua lóc cóc lọc cọc làm Bốn điên tiết tước đôi guốc nhỏ xíu quăng tõm xuống sông, mắng: đồ tiểu tư sản! Chín vừa sợ vừa thù. Oan ức tức tối ngày càng chồng chất. Lúc ấy Chín không biết căm hờn này sẽ lớn theo tuổi. Nó cũng hình thành nơi Chín một nhân cách: bo bo quyền tư hữu, lì lợm trong mọi nghịch cảnh nhưng lại hèn nhát tháo chạy trước bạo lực.
OOOO
Do chiến tranh cày xới đặc biệt hung hãn ở miền sông nước, gia đình trọc phú ngày xưa tán gia bại sản, bỏ làng quê lên thành phố làm thị dân nghèo. Ba má già yếu lần lượt qua đời. Chín anh chị em tan đàn xẻ nghé, mỗi người một cảnh ngộ, không ai đoái hoài đến ai. Khi Mâu Bát, tức Tám Mun, tiến hành thủ tục pháp lý để giao căn nhà 25 mét vuông trong một hẻm quận 4 cho Hác Lục như một nghĩa cử trước khi đi định cư ở Úc, San Tứ cười lạt nhách:
– Thằng Sáu nó khùng muốn chết, làm sao cai quản được bất động sản? Cả đời lẩn quẩn bên cha mẹ, nó không có khả năng xoay xở để sống một mình đâu. Tám cứ làm giấy tờ chuyển giao chủ quyền nhà cho người bảo hộ là anh Bốn, mọi thứ liên quan đến thằng Sáu để anh lo.
Đây là việc lớn, vì không ai trong số những người còn lại có dũng khí nói được một câu ngon lành như vậy. Ai cũng mắc đời riêng, chỉ vợ chồng con cái thôi đã đủ mệt nhoài, mang Sáu về chẳng khác nào mang họa. Chưa kể những cơn chìm nổi động trời: đập đầu vô tường phun máu, ngồi trong mùng cười sằng sặc giữa khuya, thủ dâm rần rần như trình diễn văn nghệ quần chúng. Trẻ con, thậm chí cả người lớn nữa, phải được hô hấp trong môi trường lành mạnh. Bảo hộ cho một người bị nhiễu thần kinh, với tài sản tuy nhỏ, không bao giờ là một việc đơn giản. Không nói ra nhưng mọi người đều nén một tiếng thở khì hú vía, lòng thầm biết ơn vị hảo hớn đã ra tay nghĩa hiệp.
Không lâu sau ngày Mâu Bát xa xứ, người bảo hộ bán tháo bán đổ căn nhà nhỏ lấy tiền tiêu xài cho mục đích riêng. Chẳng biết có phải do vẫn còn sót chút liêm sỉ, do khó ăn khó nói với em Tám cái mưu đồ đá cá lăn dưa, hay do cần mồi câu đô-la tiếp viện mà Bốn thu xếp cho Sáu Quạu về ở trong cái xưởng vẽ dẹp lép dài thòng ở một hẻm nhỏ phường Tân Định, thay vì dùng vũ lực áp giải của nợ giao cho ai đó trong số mấy anh em còn lại. Cổng xưởng được trang trí hoa hòe, ngay cửa ra vào có tượng lãnh tụ trấn bên phải, bên trái dựng chân dung tự tạc. Cuối xưởng là cái góc tối om dành cho Sáu, lùm xùm mùng mền chiếu gối. Ở đó, Sáu vất vưởng ngổn ngang giữa quần thể tranh và tượng, toàn các nhân vật nổi tiếng.
Tưởng tá túc với Bốn vậy yên thân sao? Đâu có! Sáu khổ như chó. Cơm đường cháo chợ tự túc nhờ phước sương tùy hỉ từ người này người kia; lớ ngớ bị vét sạch túi hoài bởi chính bàn tay bẩn của người bảo hộ; thường xuyên ăn đấm ăn đá do cái tật cãi nhây, lý sự cùi, lại còn thêm thắt trích dẫn lời hay ý đẹp của các triết nhân hiền sĩ. Lâu lâu, với nhiều lý do khác nhau, Bốn thuê xích-lô giải Sáu về căn nhà cũ cấp 4 đã sập trần nứt nền – gia tài em Liêu Cửu được hưởng từ cha mẹ sau rất nhiều tranh chấp của những người còn lại. Nhà khóa cửa cả ngày. Một chiều đi làm về Liêu thấy Hác ngồi chồm hổm trước sân giữa nhá nhem chạng vạng, kè kè giỏ quần áo dơ, trong có tấm danh thiếp của San.
Mặt trước Mặt sau
Chín đi làm khóa cửa nhốt Sáu từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Là mẹ đơn thân, hàng ngày Chín phải tất tả ngược xuôi đi chợ nấu ăn, đưa đón con ở nhà trẻ, ngồi hành chính 8 tiếng ở sở, tối về còn dạy kèm tại nhà đến khuya các lớp tiếng Anh được chia nhóm theo trình độ, mỗi lớp từ 8 đến 10 học viên, toàn là dân ban ngày đi làm phờ phạc, tối mày mò học thêm ngoại ngữ với hi vọng có lúc đổi đời. Quần quật vậy, giờ lại kiêm thêm giặt quần cứt với nấu cháo cho người ỉa chảy. Được vài hôm, hơi tươi tỉnh, Sáu nói:
– Tui phải đi về Tân Định. Ở đây thấy cô lu bu tui rất ngại, với lại ông Bốn có nói ở chơi hết bịnh thì về. Không về ổng đánh chết. Gần nhà trên đó có tiệm bán cháo ngon hơn của Chín nấu, mỗi tô 5 ngàn. Ở với cô bị nhốt cả ngày bực mình quá.
– Anh thiệt thà ghê. Đi luôn ổng rảnh nợ, càng khoái. Thôi ở thêm chút cho mạnh hẳn rồi đi. Sẵn vài bữa nữa có người ở xa về mang tiền anh Hai gửi cho Sáu.
– Ai cho tui nhiêu tiền ông Bốn móc sạch sẽ, nói mượn nhưng không thấy trả. Đòi, ổng đánh hộc máu. Bị vậy hà rầm. Shakespeare nói: “Đừng bao giờ mượn, cũng đừng bao giờ cho mượn”.
Hai hôm sau Chín kêu xích lô cho Sáu ôm cái giỏ quần áo sạch về lại xưởng vẽ. Trước khi Sáu ra xe Chín giúi tiền vô tay Sáu:
– Anh Hai gửi về 100 đô biểu Chín đổi 50 ra tiền Việt đưa cho Sáu, phần còn lại để mai mốt Sáu xài hết sẽ đổi ra đưa tiếp. Hai biểu đừng đưa một lần sợ Sáu rủi ro làm mất. Nhớ đừng khoe ông Bốn, ổng… móc sạch sẽ.
– Ổng đập một hồi tui cũng khai. Mẹ Teresa nói: “Hãy trung thực trong những việc nhỏ bởi sức mạnh của bạn nằm ở đó”.
Tối cùng ngày họa sĩ San Tứ xuất hiện trong khi cô giáo Liêu Cửu đang giữa giờ dạy lớp tiếng Anh ở nhà. Lão hầm hầm xộc vô cái phòng khách đã được biến thành lớp học. Không đếm xỉa gì đến những người có mặt đang ngồi dọc hai bên chiếc bàn dài, lão rống:
– Tính sang đoạt 50 đô của thằng Sáu hả? Nó nói mày còn giữ phân nửa!
– Dạ đúng. Anh Hai dặn…
– Đưa đây!
Hai chục con mắt nhìn gia sư như quái vật. Liêu lật đật vào trong lấy ra tờ 50 đô còn ém trong phong bì, trong có cái thư dặn dò của anh Hai. Trong khi San – tay cầm chặt phong bì đựng tiền, chân hể hả đá ập cửa đánh rầm – cô giáo đứng ép bụng vào một đầu bàn, hai tay bấu lấy mép gỗ hai bên như để giữ cho người khỏi sụm, mắt hướng ngu ngơ về phía 10 học viên với ánh nhìn dẫy chết của con quái vật vừa bị đâm một nhát trí mạng.
OOOO
Tịnh Không Tự được xây dựng khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước; vào thời điểm hai hũ tro cốt của ông bà già được gửi ở đó chùa đã rất khang trang sau nhiều lần đại tu. Muốn thăm người quá cố, con cháu họ hàng men theo các hành lang dài mát rượi bóng cây bên hông chính điện, đi miết một hồi mới đến phòng giữ tro cốt ở cuối khuôn viên chùa. Bỏ giày dép bên ngoài, bước vào cửa thấy liền tượng Phật uy nghi, khói hương nghi ngút, hoa quả ngũ sắc. Khe khẽ đều đều là tiếng tụng kinh từ băng ghi âm không biết phát ra từ đâu; không khí tôn nghiêm trầm lắng khiến ai cũng nhỏ giọng thì thầm. Sau khi đốt nhang lễ Phật, để tìm địa chỉ người thân, thiện nam tín nữ phải lách qua các hẻm nhỏ giữa những kệ tủ cao; ngang dọc là hàng trăm hộc có cửa kính trượt, cùng kích thước 60x40x30cm được ghi mã số theo danh bạ của chùa. Tết năm nào Liêu Cửu cũng viếng Tịnh Không, không vì tín ngưỡng hay tập quán, chỉ để bắc cái ghế đẩu leo lên đứng chắp tay trước hộc tủ A144 rồi thưa:
– Con đây.
Thường thì Liêu chẳng van vái xin xỏ gì, chỉ nhìn chăm chăm hai hũ tro cốt của ba má, nhân tiện quan sát những vật dụng trong đó. Đây là địa chỉ chung duy nhất của cả đại gia đình, nhưng chỉ lèo tèo một vài trong số 9 đứa con – chưa tính dâu rể và 25 đứa cháu nội ngoại – có đủ động lực tình cảm lui tới chào hỏi thắp nhang. Số còn lại phiêu dạt tứ xứ; dăm ba người hiện ở cùng một thành phố nhưng không thấy thôi thúc ràng buộc, hoặc có ghé qua cũng so le thời điểm không ai gặp ai. Hàng năm mạnh nhà nào nhà nấy cúng giỗ, thậm chí thường ngày bàn thờ cũng nhang tàn hương lạnh.
Bằng cách quan sát các thứ trong tủ và nhận ra những thay đổi nho nhỏ bên trong, Liêu đoán có lẽ ai đó bữa nào đó đã thêm vào mấy bông sen giấy, một cặp chân đèn bằng nhựa hoặc vài trái cây giả trông xa y như thật. Rốt cuộc thì Liêu đi chùa không chỉ để mừng tuổi cha mẹ ngày Tết dù biết có ai còn tuổi tác chi đâu mà mừng, điều u uẩn là, A144 giống như một điểm hẹn ảo cho mong chờ thật.
Khi trở lại chùa một chiều cuối năm trước Tết con Dê, Liêu phải loay hoay một hồi mới biết nhà chùa đã chuyển phòng gửi tro cốt ra gần cổng vào. Tra danh bạ thì thấy cha mẹ đã có nhà mới, không còn ở địa chỉ A144. Vẫn là các hộc tủ với kích thước cũ nhưng các thứ lặt vặt trang trí bên trong đã được dẹp bỏ, chừa chỏng chơ hai cái hũ, cửa kính trượt bị khóa. Liêu bắc cái ghế đẩu leo lên đứng chắp tay trước hộc tủ M31 rồi thưa:
– Con đây.
Xong leo xuống đi vòng vòng tìm sư thầy phụ trách phòng tro cốt. Được chỉ qua chỉ lại một lát mới gặp đúng người cầm xâu chìa khóa đang bách bộ đủng đỉnh cuối hành lang.
– Thưa thầy, xin phiền thầy mở giúp hộc tủ M31.
– Nhà chùa không còn chủ trương để người nhà bày biện hoa quả trong các tủ đựng tro cốt. Xin hỏi cần mở để làm chi?
– Dạ để ….gửi một cái thư.
– Thư gì? Gửi cho ai?
– Dạ… gửi cho một người anh đã mất nhưng không biết mất khi nào, như thế nào, chôn hay thiêu ở đâu… nên định nhờ cha mẹ chuyển giùm chút tin.
Sư thầy trố mắt đứng sựng mấy giây, rồi không biết nghĩ sao bèn quày quả bước vào trong đi thẳng đến ngăn tủ có mã số yêu cầu. Liêu lại leo lên ghế đẩu, cẩn thận kéo cánh cửa trượt đã được thầy tử tế mở khóa, dựng lá thư viết cho Hác Lục giữa hai hũ tro cốt của ba má, chắp tay xá xá, kéo cánh tủ lại, leo xuống, lầm lũi ra về sau khi đã cúi đầu tạ ơn sư thầy lúc bấy giờ đang băn khoăn kiên nhẫn đứng chờ.
Lấp lánh trong đó là bao lì-xì in kim nhũ của Ngân Hàng Thương Mại Á Châu, ngoài có mấy chữ ghi rõ bằng bút lông đen: Gửi Sáu Quạu, trong là lá thư của Liêu Cửu viết trên nửa tờ giấy A4 được gấp ba cho thuôn dài đút vừa khít bao lì-xì.
Anh Sáu,
Anh đã được hỏa táng hay địa táng?
Hiện giờ anh an nghỉ ở đâu?
Mọi năm khoảng này em đã cụ bị áo sơ-mi mới, hoặc py-gia-ma mới cùng bánh trái và chút tiền lì-xì nhờ thám tử xe ôm Văn Bình mang đến Tết anh, nhân danh một người nặc danh. Sợ ông Bốn Trợn quá trời nên không dám chường mặt ra.
Hôm nay người nặc danh đến chùa Tịnh Không thăm ba má, sẵn tiện nhờ ông bà già chuyển anh cái thư này. Vẫn luôn nhớ lời má dặn: “Thằng Sáu nó gánh quả cho cả đám anh chị em, tụi con phải thương nó”.
Anh Sáu ơi, trong gia đình mình muốn thương nhau sao khó quá! Gặp anh lần sau chót ở Bệnh viện Nhân Dân, hình ảnh còn sót lại trong đầu Chín bây giờ là một Sáu tiều tụy, bầm dập, mắt sưng bụp, hàm bể ngứu đến không nuốt được cháo, không nhả nổi ra tiếng, tóc dài sùm sụp phủ gáy y hệt Đức Tôn Sư Huỳnh Phú Sổ. Nghe người ta đồn sau trận hành hung thập tử nhất sinh thì ông Bốn Trợn – do áp lực tổ dân phố – phải miễn cưỡng đưa Sáu Quạu đi bệnh viện. Qua mật báo từ thám tử xe ôm, người nặc danh đã lẻn đến thanh toán viện phí chứ ai! Vậy mà sau khi Sáu xuất viện ổng đành đoạn đẩy của nợ vô nhà dưỡng lão nơi Sáu qua đời không có lấy một người thân thích.
Ở một nghĩa nào đó, coi như Sáu đắc đạo rồi. Giờ cứ tạm trú với ba má, lâu lâu Chín lại vô chùa để ngóng hồi âm.
Vậy nhe Sáu.
Em Chín Quắn.
Sư thầy tọc mạch đọc xong se sẽ trả lại lá thư đúng chỗ cũ, đoạn đứng yên bên cạnh cái ghế đẩu trong hẻm nhỏ giữa hai dãy kệ, để lòng chùng xuống một lúc trước khi khóa tủ đủng đỉnh bước ra hành lang.
Tết con Khỉ, Tết con Gà rồi Tết con Chó, lần nào ghé chùa mừng tuổi ba má, Liêu thấy các ngăn tủ khác vẫn trơ trọi các hũ tro cốt, chỉ riêng M31 vẫn còn cái bao lì-xì lấp lánh nhũ vàng của Ngân Hàng Thương Mại Á Châu.
Trần Thị NgH
NgK, 03.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét