9 thg 1, 2018
CÁ BỐNG TƯỢNG
Hẳn là những con số biết nói, nói rõ nữa là khác bởi chẳng ai ngoài ông Bá mới dám làm những chuyện mà kết quả thì chẳng biết mô tê gì ngoài lời hứa suông của bọn thương lái. Con số ấy cũng biết chuyển động, khi sụt khi trồi, khi lên khi xuống nhưng chung quy thì cái túi của ông Bá ngày càng phình to ra.
Gầy như bọ que, da đen nhẻm, quần áo lúc nào cũng bùn đất, váng phèn, chữ nghĩa lốp bốp nhưng chất phác thật thà nên ai cũng mến, cũng yêu. Cái chất nông dân muôn đời ấy đã thành cội rễ bám sâu vào tim gan ông, vào cây cuốc lưỡi cày của ông từ khi nảo khi nào. Rồi khi dừng chân ở miệt này cái chất nông dân ấy càng thêm thăng hoa.
Nghèo rớt mồng tơi, nhà tranh vách lá hầu như là không của riêng ai ở cánh đồng hoang hoá đầy muỗi mòng, rắn rít này. Ý chí mới chính là đường gươm mở cõi bởi đất đai ngày ấy không hiếm hoi như bây giờ. Nghèo đến không có tăm xỉa răng nữa chứ nói gì đến bát sứ, mâm đồng. Cây dừa mênh mông bạt ngàn kia mới là cứu cánh của họ. Nó cho họ cái chén, đôi đũa; những cây cầu lắt lẻo chênh vênh nhưng quan trọng nhất là cái nhà, cái nôi hạnh phúc. Nhà lợp lá dừa mát rượi, cột dừa chắc khoẻ không mối mọt là lựa chọn tối ưu dù cây rừng ở đây khá nhiều.
Năm nào cũng thiếu ăn, mùa giáp hạt cũng củ ấu, củ từ nhưng chẳng ai buồn lo cả bởi huơ tay ra là có cái ăn tức thì. Sông nước chằng chịt, cá tôm đặc lềnh, rau rừng bát ngát bạt ngàn là món quà biếu không của trời đất dành cho miệt này, họ chỉ cần bỏ chút công sức ra là sẽ được cái no.
Không biết ở đây có phải là cái nôi của loài cá bống tượng hay không nhưng cá thì nhiều vô kể. Cá chạy lăn tăn khắp hang cùng ngõ ngách miễn sao là có nước. Cá đùa trên ruộng, trong ao, trong nỗi sung sướng của người quê chân lấm tay bùn bởi chẳng phải tốn công nuôi nấng gì. Mâm cơm ngày ấy của gia đình ông Bá toàn là cá với cá nhưng đa phần là cá bống tượng. Từ khô tới mắm. Từ canh tới kho mẳn, kho tiêu. Giỗ chạp thì nướng rơm, quết chả.
Cái gì dùng riết cũng thành quen, ăn cá thay cơm lúc đầu hơi khó chịu nhưng khi cá đã thành cứu cánh để xua những cơn đói rã lòng thì nó lại hơn cơm.
Thương nhất là đàn con nheo nhóc của ông Bá, chúng chán cá lên tận cổ nhưng không cá thì biết ăn gì, nhất là mùa nước nổi, mùa mưa gió bão bùng. Mùa ấy là mùa nông nhàn, người lớn thường thích ngồi bên bếp lửa, bên chai cuốc lủi thơm ngát mùi cỏ nội hương đồng. Còn trẻ con thì thích chơi đùa, chạy nhảy hơn là bó gối trong căn nhà bé tẹo, cũ kỹ và đã quá thân quen.
Nước nổi thì không có nhiều trò chơi nhưng sẽ không có trò chơi với người không biết. Nước nổi thì trò chơi phải nổi trên nước mà nổi trên nước thì chỉ có thuyền bè, tre nứa…Với chúng chả cần như thế và cũng chẳng có tiền để lảm như thế. Bè chuối là cách đơn giản nhất để chúng tha hồ nghịch ngợm, đùa vui. Khi nước lên khỏi chân rạ là chúng bắt tay vào làm trò chơi cho mình. Xin những thân chuối mà người ta đã thu hoạch trái, đem về xếp sát vào nhau trên khoảnh sân bằng phẳng rồi dùng tre cán cuốc vót nhọn một đầu đâm xuyên qua. Tre cán cuốc là loại tre đặc ruột, thân nhỏ nhưng vô cùng chắc chắn dẻo dai nên đóng bè là rất an toàn. Chỉ cần đóng bốn cây dọc theo thân chuối là được, sau đó dùng dây mây cột chắc lại, choàng qua cả hai đầu tre còn thừa để chúng không bị rời ra.
Ném bần, quăng quả luôn là trò chơi mà lũ con trai ưa thích. Còn con gái thì có nhiều trò hơn như chơi đồ hàng, ô ăn quan, thảy banh nắm đũa…là những trò không phải chạy nhảy. Khổ thay, con gái thường ngán sông nước nên không có chất kích thích để lũ con trai hăng máu thi đua hết mình. Chỉ vẻn vẹn hai đứa là con Thu, con Nụ bạn thân của thằng Đạo mới vì nó mà lên bè thôi. Không lẽ bắt con gái ném bần, quăng quả, sưng mặt tím mày ai chịu, đành thi nhau đặt trúm đặt lờ, giăng lưới thả câu bắt cá bắt tôm là chính. Bè nào bắt được nhiều thì thắng, tính bằng con chứ không tính bằng trọng lượng, bằng cân. Cũng vui bởi có tôm cá thì có cái ăn. Thế là con Thu, con Nụ phải ra tay nấu nướng. Với con trai thì bữa cơm trên bè bao giờ cũng ngon bởi đói do ham chơi nhưng ngon nhất có lẽ là có hoa, có bướm trên bè.
Rồi đất chật người đông. Rồi cá tôm cạn kiệt. Ông Bá là người nghĩ xa trông rộng, đoán thế đoán thời, đi tiên phong trong việc giữ cá bống tượng ở lại xứ này. Cá bống tượng rất dễ nuôi, thức ăn cho cá cũng dễ kiếm nhưng con giống thì phải đi xa, phải lên tuốt miệt thượng nguồn mới tìm được do ngày ấy chưa biết cách làm cho cá đẻ. Không giàu nhưng không còn đói, vườn ruộng lại nhiều, thả vài công ao cá bống đối với ông Bá là chuyện không phải lo toan. Gặp thời cộng với siêng năng chăm sóc, con cá bống tượng đã cho ông cái chỗ chui ra chui vào khá khang trang, bề thế; cho con cái ông cái chữ mà thời ông có muốn cũng không được.
Rồi nguồn cá giống cũng tắt. Ông Bá giờ cũng đã già, kinh nghiệm sống của đời ông đã chuyển hết cho thằng Đạo là đứa con trai duy nhất. Thằng Đạo không giỏi giang như ông, người ta nghĩ thế; bởi chẳng mua thêm được công ruộng nào, chẳng làm ra thêm cơ ngơi nào nhưng sự thật thì đâu phải vậy. Thương trường giờ là chiến trường chứ không phải thao trường như thời ông Bá, kiếm được đồng tiền quả là cam go chứ không đơn giản chỉ là đổi mồ hôi như ông mà là tim não, nước mắt.
Lại một mùa nước nổi nữa về. Mây trời xám xịt, sũng nước nhưng mưa thì vẫn cầm canh, nước nổi thì vẫn nước nổi bởi nước nổi về từ thượng nguồn. Nước về tôm cá cũng theo về, đó là nguồn lợi mà nước nổi ban phát cho cư dân ở miệt hạ lưu này. Nước về thì hoa lá cũng mừng vui, cây cỏ vươn chồi bung búp. Nước lên, lúa lên. Điên điển trầm mình trong nước nhưng những cánh tay vẫn vươn ra vẫy gọi người qua đường bằng tấm lụa vàng thắp sáng cả một miền sông. Tấm lụa ấy là bông điên điển. Súng, sen, bồn bồn cũng đâu chịu cúi đầu dưới làn nước đục, thót mình lại để thân dài lên khoe những bông hoa đẹp đến say lòng. Chúng là linh hồn, là bạn đường của món lẩu, món xào; là tay chân thủ túc của món quệt, món kho.
Bữa cơm được thằng Đạo và con Nụ dọn ra đầy ắp món ngon như lẩu cá bông lau điên điển, bông súng chấm mắm kho, bồn bồn xào tôm…nhưng chỉ có ba người. Lần đầu tiên con Nụ qua nhà thằng Đạo với tư thế là cô láng giềng xinh đẹp chứ không xấu xí như thời chân đất đầu trần mải mê những trò đất cát xửa xưa. Hình như ông Bá cũng muốn nói điều gì nhưng còn ngại. Ông ngồi giữa hai đứa, ngọt ngào :
– Đơm cơm đi con…cùng mỗi thứ một ít…Thắp nhang cho mẹ.
Con Nụ nhanh nhảu làm việc này thay cho thằng Đạo mà chẳng cần nghĩ suy gì. Nghĩ suy chăng là khi nó nghe ông Bá kể lại cuộc đời gian lao vất vả của ông và bà. Từ con cá bống tượng cho tới căn nhà chái bếp, tới thằng Đạo không học được đến nơi đến chốn và cơn bệnh cảm nước ngặt nghèo rồi mất đi của bà. Con cá ấy như là thịt xương của thằng Đạo bây giờ, đầy ắp nghĩa tình và cũng là chỗ dựa cuối cùng của đời ông.
– Ăn đi các con…Các con nấu ngon lắm…Nhưng nếu là cá bống đồng…
Ông không nói nữa, mắt ông long lanh những nét buồn, Nếu không dằn lòng thì con Nụ đã khóc, mà nó khóc thật bởi hoàn cảnh của gia đình nó còn éo le hơn nhiều.
Nhai miếng cá bông lau béo ngậy với vài bông điên điển ngọt lịm giòn tan, ngon ơi là thế nhưng con Nụ chẳng cảm được gì. Trong mơ màng, con Nụ tưởng tượng ra được mùi thơm và vị béo bùi của cá bống tượng mà thú thật thì cá bống tượng nó cũng chưa được ăn bao giờ.
Lý Thị Minh Châu (TC.Da Màu )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét