12 thg 8, 2016
Ảnh hưởng nghiêm trọng của các tai họa môi trường -Ks Phạm Phan Long
RFA | 8.8.2016
Kỹ sư Phạm Phan Long là sáng lập viên Viet Ecology Foundation, một tổ chức NGO tại Hoa Kỳ. Ông từng làm Kỹ sư phục vụ tại cơ quan Quản trị Phẩm chất Không khí (South Coast Air Quality Management District) miền Nam California thời 1975-1976 và sau đó đã có trên 40 năm kinh nghiệm tham dự vào việc thiết kế các một số xí nghiệp kỹ nghệ bán dẫn, y và dược khoa tại Hoa Kỳ. Sau tai họa môi trường Vũng Áng và hàng loạt các cuộc biểu tình chống nhà máy Formosa, ông Phạm Phan Long có trả lời Kính Hòa đài RFA về mức độ trầm trọng của những tai họa môi trường lên đời sống xã hội và chính trị.
Kính Hòa: Xin ông trình bày nhận định về ảnh hưởng của thảm họa môi trường trên xã hội.
Kỹ sư Phạm Phan Long: Sự sống con người, nhất là dân tộc Việt Nam vốn đa số là nông ngư dân, hoàn tòan phải dựa vào môi truờng và cân bằng sinh tái của đất, nước, rừng, biển và không khí để con người và động thực vật cùng tồn tại trong hòa điệu và bền vững. Môi trường là nền tảng của kế sinh nhai, lưới an tòan thực phẩm và tài nguyên quốc gia nên phải đươc ưu tiên bảo vệ. Khi thảm họa xảy ra cho môi sinh sẽ gây ra bệnh tật, tử vong, thiệt hại kinh tế và đảo lộn cuộc sống dân cư, vì thế không những sẽ có bất ổn xã hội mà thường đi đôi với cả bất ổn chính trị.
Kính Hòa: Xin ông trình bày về những bài học thảm họa môi trường đã do chất thải xả ra từ các xí nghiệp kỹ nghệ đã xảy ra trên thế giới.
Kỹ Sư Phạm Phan Long: Sau đây là những bài học về thảm trạng chất thải từ xí nghiệp kỹ nghệ đáng chú ý:
1. Minamata: Công ty hóa chất Chisso của Nhật Bản đã xả methyl mercury vào vịnh Minamata từ năm 1932 đến 1968, là một độc tố sinh hóa, có độ cho phép an tòan (PEL) không được qúa 1% mg/m3, chất này tích tụ xâm nhập vào ngư sinh và thực phẩm hây bệnh tật, dị thai và có thể cả tử vong cho dân cư. Đã có 2265 nạn nhân tử vong vì thảm họa này và dân cư đã phải tranh đấu từ suốt 50 năm từ 1956 mãi đến năm 2010 mới kết thúc.
2. Love Canal: Công ty Hooker Chemical Company từ năm 1948 đến 1953 đã chôn 21.000 tấn thải chất kiềm, át xít, chlorinated hydrocarbon vào bãi chôn chất thải và lâp đi tại bãi Love Canal. Love Canal nằm trong vùng lân cận thác Niagara, tiểu bang New York. Sau đó họ nhượng đất lại cho Học khu Thành phố Niagara Falls sử dụng với giá $1 và Học Khu đà ký nhận chủ quyền và tất cả trách nhiệm từ đó. Việc xây cất trường học và nhà cửa trên vùng đất này sau đó đã làm nứt tường chắn bao bãi nên hóa chất chảy ra theo mưa lũ lan tỏa các độc tố ra ngoài và gây bệnh tật, dị thai, sau cùng 800 gia cư phải di tản khỏi khu vực vào năm 1978.
3. Bhopal: Xí nghiệp Union Carbide India Limited (UCIL) tại Bhopal, India, sản xuất chất trừ sâu rầy, vào năm 1984 vì sơ xuất đã thải ra trong 60 phút 30 metric tons khí methyl isocyanate (MIC) (PEL: 0.05 mg/m3) ra ngòai không khí, bao phủ làng mạc của trên 500.000 dân cư đã gây ra 16.000 tử vong và 558.125 bênh nhân.
4. Chernobyl: Nhà máy phát điện hạt nhân Chernobyl tại thành phố Pripyat, Ukraine Soviet Union, khi thực hiện thí nghiệm mất điện năm 1986 đã bị nổ và lò hạt nhân đã phóng thích phóng xạ ra vùng tây USSR và Tây Âu gây cho 31 tử vong và 18 tỉ rubles thiệt hại.
5. Fukushima Daiichi: Tokyo Power Electric Company (TPECO) khi thiết kế nhà máy đã không có biện pháp phòng bị chống Tsunami; trận bão năm 2011 đã gây lụt và làm tê liệt dàn máy điện khẩn cấp cần để giữ nguội khiến 4 lò hạt nhân đã nóng chảy và xả khí nhiễm phóng xạ ra khỏi nhà máy.
6. Fundao: Công ty Vale, BHP để vỡ đập giữ chất thải Fundao tại nhà máy khoáng chất năm 2015 đà gây 19 tử vong và nước thải tràn xuống sông chảy dài 400 dặm ra biển Đại Tây Dương. BHP hiện bị chính phủ Brazil kiện 43.55 tỉ US thiệt hại.
7. Ecuador: Texaco từ năm 1972 tới 1992 đã xả thải có độc tố ra 1.000 ao chứa và hàng tỉ m3 nước thải mang ô nhiễm dầu trên 1.700 dặm vuông. Chevron đã mua Texaco 2001 và bán sản nghiệp tại Ecuador tránh án phạt 19 tỉ USD và vụ kiện chưa giải quyết xong.
8. BP Oil Spill: Giàn khoan của hang BP British Petroleum đà nổ cháy vào năm 2010 , 11 nhân viên mất tích và 780.000 m3 dầu đã thóat ra tại vịnh Mexico trong 87 ngày loang vào tận bờ, trải dài 55 dặm dọc theo bờ biển Louisiana. BP đã chi ra 42.2 tỉ USD để bồi thường pháp lý.
9. Vedan: Công ty Vedan Việt Nam đã nâng công suất nhà máy 2 đến 3 lần không hề xin phép và bị lộ tấy sau điều tra năm 2008 khi Vedan đang thải ra sông Thị Vải, tỉnh Đồng Nai, 5.000 m3/ngày các chất độc 10 lần nhiều hơn tiêu chuẩn quy định, hôi thối và ô nhiễm nguồn nước.
Kính Hòa: Phải làm gì tránh thảm họa môi trường như thế thưa ông ?
Kỹ sư Phạm Phan Long: Để bảo vệ môi trường và an tòan cho dân cư các nước phát triển đã trả gía nặng nề cho những bài học đau thương đã kể trên và lập ra hệ thống pháp lý bảo vệ môi sinh và an tòan càng ngày càng chặt chẽ. Say đây là vài nét đại cương của tổ chức xã hội Hoa Kỳ:
1. Có bộ luật môi trường chặt chẽ để bảo vệ phẩm chất không khí, nguồn nước, đất đai, duyên hải, sinh vật và thực vật v.v.
2. Có bộ luật an tòan cho hoạt động xí nghiệp để bảo vệ an tòan cho công nhân, tài sản, kiểm soát từng kýt hóa chất, cả số lượng và nồng độ, theo dõi từ sản xuất, chuyên chở, sử dụng ra tới bãi chôn và cả việc liên tục giám sát các bãi chôn về sau.
3. Có chính quyền thi hành các luật lệ nghiêm minh, các cố vấn thiết lập ra đồ án, duyệt xét quá trình nguy hiểm, lập biện pháp an tòan, điều hành, bảo trì và kiểm soát xí nghiệp.
4. Có cơ chế dân chủ truyền thống nhờ đó dân chúng có thông tin, tham gia kiểm sóat các đề án và hoạt động của các xí nghiệp và chính quyền.
Kính Hòa: Những yếu tố trên quá cao cho xã hội đang phát triển như Viêt Nam thì chúng ta phải tiếp cận làm sao?
Kỹ sư Phạm Phan Long: Tôi tin rằng dân chúng và trí thức trong nước đều biết câu trả lời. Chúng ta cần một định chế và văn hóa khuyến khích dân chúng tham gia đóng góp ý kiến trọng đãi trí tuệ cao nhất tham gia vào các kế hoạch phát triển quốc gia. Cần cho họ làm việc tự do, độc lập, trong sáng, công khai, và không bị ảnh hưởng chính trị hay xung đột lợi ích vào việc nghiên cứu chuyên môn. Chúng ta phải tự chế không lao vào những dự án ngoài tầm trí tuệ và khả năng kiểm sóat của chính quyền hay sức chịu đựng của môi trường và dân cư. Với một xã hội tự do và mở rộng như vậy, thảm trạng như Vidan trên sông Thị Vải, Bauxite Chinalco ở Tây Nguyên và Formosa ở Vũng Áng không thể xảy ra. Nhất là sẽ phải áp dụng kỹ thuật tiêu chuẩn để kiểm tra các tình huống nguy cơ Hazard and Operability Analysis (HAZOP) hay Process Hazard Analsyis (PHA) cho các dự án đó.
Việt Nam nên bắt chước Liên Xô cũ và Nhật Bản đã yêu cầu Hoa Kỳ gởi chuyên viên sang giúp họ đối phó với phóng xạ hạt nhân không hề có bí mật hay bưng bít. Tiến Sĩ Nguyễn thị Hải Yến đã đề bạt ra sáng kiến Việt Nam hợp tác cùng UNEP Liên Hiệp Quốc mở một nghiên cứu quốc tế độc lập về Vũng Áng do Formosa đóng góp tài chánh. Chính phủ Việt Nam hãy thành tâm đón nhận sự trợ giúp của các nước ngòai và quốc tế đến tìm rõ nguyên nhân, xác định tình trạng ô nhiễm và tìm cách phục hồi môi sinh và an tòan cho dân cư. Làm việc này thôi chính phủ sẽ vãn hồi ngay niềm tin của dân và tao ổn định lại xã hội. Nếu không, người dân phải nghi ngờ và lịch sử sẽ ghi lại là chính phủ Việt Nam đã đứng chống cho Formosa, trì hoãn, che dấu nhân dân sự thật và bất ổn sẽ kéo dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét