30 thg 5, 2016
Khi con người lãng quên con người
Tranh của Pawel Kuczynski
Cuộc sống này tồn tại những thứ đối lập, chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra điều đó mà không cần phải đợi đến khi đủ khôn lớn: vui – buồn, sướng – khổ, yêu thương – oán hận, chiến tranh – hòa bình... Những mặt đối lập của cuộc sống cứ tồn tại song song với nhau để nhờ điều này mà ta nhớ đến điều kia. Những cơn buồn gợi nhắc những ngày vui, khi đau khổ chúng ta mang trong mình khát khao được hạnh phúc. Cứ như thế cuộc sống xoay vần trong cả sự sung khắc lẫn giao hoà của những mặt đối lập. Tuy rằng chúng ta thấy rõ cái tốt và xấu trong từng cặp đối lập nhưng bạn hãy thừa nhận một điều rằng không có một thứ nào giữa chúng là không đáng tồn tại. Bạn cần nỗi buồn để nhìn sâu vào tâm hồn mình, cần niềm vui để tạo năng lượng sống, nỗi khổ là để tôi luyện con người và được tưởng thưởng bằng sự sung sướng…
Nhìn vào xã hội Việt Nam mà chúng ta đang sống hôm nay sau từng ấy năm hòa bình được lặp lại hay nói chính xác hơn là chiến tranh đã chấm dứt. Vì sao tôi phải nói như vậy? Là vì để chúng ta có một cái nhìn sâu xa hơn về thứ hòa bình mà chúng ta đang thụ hưởng ngày hôm nay. Có phải đơn giản là kết thúc chiến tranh thì sẽ có được hòa bình hay không? Tư duy một chiều là thứ đã khiến con người Việt Nam bao nhiêu năm qua đặc biệt là những thế hệ sau này ngày một mất đi sự sâu sắc trong lối sống, suy nghĩ nông cạn, đánh rơi dần cảm xúc và thờ ơ hơn với cộng đồng. Con người tìm kiếm niềm vui trong những thú chơi vô bổ, ước ao được sung sướng bản thân mà không phải lao nhọc vô tình mở ra cánh cửa dẫn đến tội ác.
Và trong những ngày qua, một sự bất ổn không đáng có diễn ra trên đất nước chúng ta là hậu quả của việc nhà cầm quyền buộc người dân phải tin vào một thứ bình yên giả tạo từ đó lãng quên đi việc đấu tranh để đẩy lùi bất công. Mỗi chúng ta khi lớn khôn đã được dạy rằng sự đấu tranh giữa các mặt đối lập là một trong những quy luật của sự phát triển, là một bước để đẩy lùi cái lạc hậu ra khỏi xã hội. Như vậy, việc dập tắt tiếng nói phản kháng và ngăn cản đấu tranh phải chăng là một việc gián tiếp làm kiềm hãm sự phát triển. Đến đây chúng ta hẳn đã có thể trả lời đâu là nguyên nhân khiến Việt Nam là đất nước không chịu phát triển trong nhiều năm qua hầu như về mọi lĩnh vực.
Trở lại với hòa bình, hãy đặt ra một câu hỏi. Người ta giống với cái gì khi chấp nhận sống yên ổn mà không cần đến sự tiến bộ? Đó có phải là cách sống của con người, giống loài được Thượng đế ưu ái cho làm chủ trái đất hay không? Con người hơn loài vật là ở suy nghĩ và có linh hồn vì nếu chỉ xét về thể chất, chúng ta là một giống loài yếu đuối. Chỉ có hiểu biết mới làm người ta tiến bộ, nhưng bạn có công nhận rằng trong hành trình khôn lớn của con người, rõ ràng nhất là ở giữa xã hội Việt Nam, càng hiểu biết nhiều bao nhiêu, càng đau khổ bấy nhiêu. Và như vậy vì người ta sợ đau khổ, sợ biết nhiều thì nặng đầu, nặng lòng và nặng nhiều thứ khác nên không muốn hiểu biết vô hình trung khước từ sự tiến bộ. Và vì chỉ nghĩ cho bản thân nên người ta cho rằng như thế là khôn ngoan. Hòa bình mà vẫn không thể phát triển, phải chăng là vì chúng ta quá ngu dốt. Người Việt Nam đang hạnh phúc với sự ngu dốt để mong cho thân xác được no lành.
Tư duy ấy, cái tư duy rất chi hẹp hòi ấy đang khiến chúng ta, những kẻ sống với hình hài của một con người lại lãng quên đi tầm vóc của một giống loài được gọi là con người, vứt bỏ đi món quà mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng. Chúng ta đang tự hạ thấp mình mà cứ mãi nghĩ rằng đó là đang sống cho bản thân mình, là tự yêu thương lấy mình, góp vào đó là sự ru ngủ của chính quyền về một thứ hòa bình đen tối, một sự phát triển đầy phù phiếm, hư ảo. Ngăn tủ lạnh càng rộng thì ngăn con tim càng hẹp cũng như ngoài kia những kẻ đang vươn cao những tượng đài, nối dài những quảng trường thì cũng đang hạ thấp lương tri và cắt đi sợi dây rung cảm của tình người.
Liệu những cảnh người đánh người ngay giữa một đất nước “hòa bình” mà chúng ta nhìn thấy ngoài kia có làm chúng ta cảm thấy ớn lạnh về một thực trạng xã hội đang mục nát từ sâu bên trong lương tâm mỗi con người là sản phẩm của bộ máy tuyên truyền nhồi sọ. Và những con người với thứ nhân phẩm đang mục nát ấy liệu có cấu thành một xã hội tươi đẹp hay không? Hãy nhớ rằng trong tất cả những điều mà chúng ta phải lo liệu cho chính mình và cuộc sống của con cháu mình sau này có cả việc phải kiến tạo một xã hội tươi đẹp để từ đó mỗi con người được cung cấp những thứ dưỡng chất trong lành cho tâm hồn của mình.
Những chua xót mà người Việt cảm nhận được hôm nay không phải chỉ mang đến những đớn đau trong nhất thời mà để dẫn dắt chúng ta đến với sự tỉnh thức. Từ sự tỉnh thức ấy, hãy nhớ lại chúng ta đã bỏ quên bản chất con người của mình từ lúc nào, hãy đi tìm lại nó và giúp những người anh em của mình tìm lại nó để cùng nhau xây dựng lại ngôi nhà dân tộc từ trong cội rễ là tâm tính của mỗi con người chứ không phải xây dựng bằng những công trình mà rồi đây sẽ hư nát vì lương tâm con người cũng đã trở nên hư nát.
Nguyen Tai.
(Triết Học Đường Phố)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét