6 thg 12, 2015
100 NĂM LỊCH SỬ CHỢ BẾN THÀNH
Chợ Bến Thành có thể được xem là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của thành phố Sài Gòn xưa. Trong tác phẩm Nam kỳ Phong tục Nhơn vật Diễn ca xuất bản năm 1909, tác giả Nguyễn Liên Phong đã dành hơn 50 câu thơ để chỉ nói riêng về ngôi chợ này:
…Bến Thành chợ rộng tứ vi,
Mấy cửa hàng xén ở thì luôn năm,
Chỗ ăn, chỗ bán chỗ nằm,
Ba tăng tiền thuế bạc trăm không cầu.
Tuy nhiên tác phẩm trên của Nguyễn Liên Phong viết về ngôi chợ Bến Thành cũ, phải sau 5 năm thì chợ Bến Thành mới như chúng ta thấy hiện nay mới hình thành, đến nay là đúng 100 năm (1914-2014)
Chợ Bến Thành mới vào thập niên 1920
Không như một số người tưởng nhầm là cái tên chợ Bến Thành có từ thời Pháp thuộc, thật ra, nó đã có từ thời Nguyễn, ít nhất là dưới triều Gia Long-Minh Mạng. Trong tác phẩm Gia định Thành thông chí soạn vào khoảng thập niên 1810-1820, danh sĩ Trịnh Hoài Đức đã viết: “Chợ Bến Thành – Phố, chợ, nhà cửa trù mật, ở dọc theo bến sông. Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang đón chở khách buôn ngoài biển lên bờ. Đầu phía bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, 2 bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thức hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền…” (Sđd – Tập Hạ – Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa –Sài Gòn 1972, trang 90). Theo sách của Trịnh Hoài Đức và một số tài liệu khác, chợ Bến Thành xưa nằm dọc theo rạch Bến Nghé (sông Sài Gòn), từ cột cờ Thủ ngữ đến ngòi Sa ngư, tức con kênh lớn chạy từ sông vào trong đất liền, nơi sau này kênh bị lấp để trở thành đại lộ Charner (nay là đường Nguyễn Huệ). Về hai từ Bến Thành, tác giả Pháp Jean Bouchot, trong “La naissance et les premières années de Saigon, ville française” (Sự ra đời và những năm đầu tiên của Sài Gòn, thành phố thuộc Pháp) đã giải thích là “la citadelle du rach Ben-nghe”: Thành nằm gần rạch Bến nghé.Tháng 2.1859, khi quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn thì chợ Bến Thành bị đốt cháy, chung số phận với nhiều kiến trúc khác. Vì thế khoảng năm 1860-1861, Pháp xây một chợ khác xa bờ sông hơn, nằm cạnh con rạch mà Trịnh Hoài Đức gọi là ngòi Sa Ngư, chạy từ rạch Bến Nghé đến địa điểm nay là ngả tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi, trước mặt Xã Tây (nay là UBND Thành phố Hồ Chí Minh). Ngôi chợ này có 5 gian, được xây dựng chủ yếu bằng gỗ và mái lợp tranh. Năm 1870, một trận hỏa hoạn bùng phát đã thiêu rụi một gian trong ngôi chợ và vụ việc được đưa ra các phiên họp của Hội đồng Thành phố Sài Gòn để quyết định. Trên tinh thần các nghị định của Thống đốc Nam kỳ cấm chỉ việc lợp tranh các kiến trúc xây trong nội thành Sài Gòn vì lý do an ninh công cộng, Hội đồng thành phố quyết định dành một ngân khoản 70 ngàn quan Pháp (franc) để xây dựng lại ngôi chợ Bến Thành tại vị trí gần ngòi Sa Ngư, với kiến trúc làm bằng những cột gạch để chống đỡ, sườn bằng gỗ, lợp ngói, trừ một gian lợp tôn dợn sóng. Ngày 30.11.1870, công trình được giao cho nhà thầu Albert Mayer và việc khởi công diễn ra vào ngày 27.12.1870. Sau khi hoàn thành, ngôi chợ này cũng có 5 gian xây theo kiểu lán hàng (hangar), được chia ra: gian thứ nhất dành cho thực phẩm khô, gian thứ hai bán cá, gian thứ ba bán thịt, gian thứ tư bán thức ăn và gian thứ năm bán đồ tạp hóa. Về mái lợp, bốn gian được lợp ngói, chỉ có gian bán thịt được lợp tôn dợn sóng. Nền chợ được lát đá granit. Sinh hoạt chợ Bến Thành lúc bấy giờ khá sầm uất, ghe thuyền các địa phương miền Tây đổ về tấp nập, từ rạch Bến Nghé chạy vào ngòi Sa Ngư ngay trước mặt chợ, việc giao nhận hàng khá thuận tiện. Sinh hoạt chợ vào thời điểm này được Nguyễn Liên Phong miêu tả:
Bánh trái biết mấy chục hàng,
Bò heo thớt thịt nhảy tràn dọc ngang,
Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ tổ chức cả những toán tuần tra để kiểm soát chất lượng hàng hóa buôn bán trong chợ:
Thường khi chợ sớm không sai,
Lính tuần đi xét các loài cá ương (sic)
(Nam kỳ Phong tục Nhơn vật Diễn ca)
Năm 1887, chính quyền thành phố Sài Gòn cho lấp ngòi Sa Ngư, đã quen được gọi là Kênh lớn, để làm thành con đường Charner rộng lớn (nay là đường Nguyễn Huệ). Từ đó trong cửa miệng người dân Sài Gòn, con đường này được gọi một cách hình tượng là đường Kinh Lấp. Nhờ có chợ Bến Thành nên hai bên đường, nhà cửa của người Việt, người Hoa, người Campuchia, người Ấn Độ …được xây dựng san sát nhau, các sinh hoạt mua bán diễn ra thật sầm uất. Song đến năm 1894, sau hơn 20 năm, ngôi chợ đã có những dấu hiệu xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu vệ sinh, vì thế trong các phiên họp của Hội đồng Thành phố, các nghị viên đã bàn đến việc xây dựng lại chợ cùng với việc xây mới một nhà hát và tòa thị chính (Xã Tây). Kinh phí để xây dựng nhà hát là 800 ngàn franc, cho tòa thị chính là 600 ngàn franc, và cho chợ mới là 400 ngàn franc. Tuy nhiên do nhiều trở ngại về việc chọn địa điểm, chủ yếu do nhiều khu đất thấp, và nhất là việc thiếu kinh phí, việc xây dựng ba công trình này kéo dài, hoàn thành sớm nhất là Nhà hát, vào ngày đầu tiên của thế kỷ 20 (1.1.1900), sau đó là Xã Tây (nay là UBND TPHCM) vào năm 1909. Về chợ Bến Thành, sau nhiều cuộc thảo luận, trong phiên họp ngày 12.9.1907, Hội đồng Thành phố Sài Gòn quyết định tìm một vị trí để xây ngôi chợ mới cho xứng đáng với tầm cỡ một thành phố lớn. Cuối cùng, trong phiên họp ngày 21.5.1908, Hội đồng quyết định chọn khu đất nằm giữa 4 con đường: Némésis (nay là Phó Đức Chính), Roland Garros (nay là Thủ Khoa Huân), Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) và Amiral Courbet (nay là Nguyễn An Ninh). Đây là một khu đất trũng có tên là Marais de Boresse (Đầm Boresse) nên việc thi công đòi hỏi nhiều đất để lấp đầy. Sau khi đã quyết định xây dựng chợ Bến Thành mới tại đây (vị trí chúng ta thấy ngày nay), chính quyền Pháp cho đập phá phần lớn ngôi chợ cũ (nơi đây về sau trở thành Tổng Nha Ngân khố, nhìn ra đường Nguyễn Huệ), chỉ giữ lại gian hàng bán thịt lợp bằng tôn dợn sóng. Gian chợ đó tồn tại đến ngày nay dưới cái tên Chợ Cũ. Riêng chợ Bến Thành mới mãi đến ngày 28.3.1914 mới được khánh thành, trở thành bộ mặt tiêu biểu của một thành phố từng được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, và nay vẫn còn là một trong hai thành phố lớn nhất của cả nước.
Lê Nguyễn – 20.7.2014
Nguồn Fb
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét