3 thg 5, 2015
Vì sao Bhutan không cho Trung Quốc mở sứ quán ở nước mình?
Ngay sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Bhutan, thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay vừa tuyên bố nước này không cho phép Trung Quốc mở Đại sứ quán tại thủ đô Thimphu.
Trả lời phỏng vấn truyền hình New Dehli, Thủ tướng Tobgay nói:” Chúng tôi thậm chí còn chưa có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Làm sao có thể mở sứ quán nếu như còn chưa có quan hệ ngoại giao?”.
Thời gian gần đây, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với Bhutan. Vương quốc Phật giáo Bhutan dù được coi là khá biệt lập, nhưng cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao với một số quốc gia Nam Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Việt Nam)… nhưng không có quan hệ ngoại giao với nước láng giềng Trung Quốc.
Cũng cần lưu ý rằng, đã nhiều năm nay, Trung Quốc có những tranh chấp biên giới với Ấn Độ và Buhtan. Tờ The Epoch Times dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng, sở dĩ chính quyền cũ của cựu Thủ tướng Jigme Thinley không nhận được sự ủng hộ của dân chúng vì đã từng có những hành động muốn gần gũi hơn với Trung Quốc, thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Ấn Độ.
Tiến sĩ Ashok K. Behuria, giám đốc Trung tâm Nam Á của Viện nghiên cứu quốc phòng và phân tích Ấn Độ nhận định: “Trung Quốc tích cực tìm kiếm một mối quan hệ tin cậy và tình bạn với Bhutan. Tuy nhiên, người dân Bhutan hiểu rõ Trung Quốc luôn muốn giành phần thắng trong các cuộc tranh chấp biên giới với tất cả các nước láng giềng. Chính vì vậy, họ không muốn dây dưa gì với nước này. Thêm nữa, ở Buhtan người dân vẫn luôn cho rằng Trung Quốc chả bao giờ muốn quan hệ đôi bên cùng có lợi”.
Cũng theo tiến sĩ Behuria, xét về cội rễ văn hóa và tinh thần, Bhutan chịu ảnh hưởng nhiều của Ấn Độ và người dân nước này cảm thấy an toàn hơn với Ấn Độ hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực.
Bhutan là một nước nhỏ, dân số khoảng 750.000 người – nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ và Bhutan có quan hệ từ lâu đời, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã từng đến thăm nước láng giềng nằm trên dãy Himalaya này vào năm 1958. Tuy nhiên, quan hệ này có bị ảnh hưởng khi tháng 6 năm 2012, tại hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về môi trường tại Rio de Janero (Brazil),Thủ tướng Bhutan khi đó là Jigme Thinley và người đồng cấp Trung quốc Ôn Gia Bảo đã có một cuộc hội đàm tay đôi. Đây cũng là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa nguyên thủ hai quốc gia láng giềng này.
(Theo Tri Thức)
An Truong st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét