30 thg 4, 2023

SAIGON THÁNG 4,VỀ LẤY TRÁI TIM , LÀ TÔI HAY LẢ EM.... - Trần Phong Vũ


 
1./ SAIGON THÁNG 4
 
Có một chỗ ngồi quen thuộc đâu đây
Nơi ta xây ký ức thành một lâu đài
Những sáng với chiều mông mênh phố
Góp gom hoài vừa đủ một bàn tay
Saigon tháng 4 nắng nóng lắm em
Khi lũ chúng mình giống những kẻ điên
Dung dăng đi giữa mùa khô hạn
Chẳng biết đâu là chốn lạ hay quen
Ờ thì cứ là xé chỉ với luồn kim
Sóng gió gì đâu mà cồn bãi đắm chìm
Nửa ổ bánh mì ly cà phê đá lạnh
Cũng đủ lót nền cho cái khát trong tim
Có một con đường lá vẫn xanh cây
Đôi lứa tình nhân ngồi đo đếm chỉ tay
Có ông thợ ảnh lăn trên phố
Vẽ những duyên tình hoàn mỹ gửi lên face
Saigon tháng 4 cũng là lúc giao mùa
Trời từ đang nắng chuyển qua mưa
Anh đi lòng khát khao ngọn gió
Thổi qua miền thương nhớ của xa xưa
TRẦN PHONG VŨ


 2./ VẼ LẤY TRÁI TIM
 
Em vẽ ngang trời một trái tim tình yêu
Làm hồn tôi dậy sóng giữa sông chiều
Chảy đi những đợt triều xao xuyến
Về tận nguồn ta vốn quạnh hiu
Chút nữa thôi hoàng hôn đổ tím một màu đêm
Em lặn vào đâu hỡi mái tóc nhung mềm
Lặn về đâu trái tim ngón tay em lỡ vẽ
Để tím tình tôi vừa trót dại yêu em
Làm ơn quay lại nhìn tôi đây
Mắt và môi kia còn hơn cả chén rượu đầy
Hãy chuốc men tình tôi cạn tất
Cho ngất ngư đời và ngả ngửa hồn say
Thế nhé chiều mơ, sông và giai nhân
Một chút hương xa hội tụ với tình gần
"Mỹ nhân tự cổ như danh tướng"
Chém gió cũng làm anh hùng ta thất kinh
TRẦN  PHONG VŨ 
 
3./ LÀ TÔI HAY LÀ EM.TÔI HAY EM
 
Vẫn là tôi trong buổi sáng hôm nay
Tìm niềm vui trong thế giới cỏ cây
Cái bông hoa lạ ẩn trong ngàn cỏ nội
Nở đi em cho tôi có một ngày
Nở đi em đâu đó thoảng mùi hương
Cuộc đời này vốn dĩ rất vô thường
Đừng lấp liếm ngụy trang bằng sắc màu ẩn dụ
Để trái tim tôi học lại tiếng yêu thương
Tôi thương em và thương cả chính mình
Mãi cứ đi tìm một thế giới siêu sinh
Giữa cơn nắng hạn tình khô héo
Nhặt những vàng rơi nhạt bóng hình

HẠ HỒNG HOA TRẮNG NỞ- Thơ hathuthuy


HẠ HỒNG HOA TRẮNG NỞ
 
Cây chào hạ bằng lung linh hoa trắng
Nở li ti bên lá tím chung tình
Như giọt nắng rơi vào vườn lãng đãng
Ôm những hoa tròn bé nhỏ xinh xinh.
Khẽ khàng gió về hôn trên tóc lá
Lấp lánh hạt sương tinh khiết trong lành
Hoa nhỏ nhoi nấp vào vòm bóng cả
Đón hạ hồng xào xạc giữa cành xanh.
Hoa như là hạt sương mai trình trắng
Giữa mùa thương yêu dấu rủ nhau về
Những đóa hoa tròn thơ ngây duyên dáng
Làm chao lòng mây nghiêng xuống say mê.
Lá tím biếc màu hoàng hôn biền biệt
Bao dung nâng niu hoa trắng vỗ về
Một đời hoa sẽ tàn khi mùa hết
Lá vẫn hoài màu tím ngát đam mê.
Lá nhớ gì mà tím buồn như vậy
Hoa thương ai mà trắng đến nao lòng
Nhắm mắt lại trong mịt mù vẫn thấy
Lá và hoa... Tím hoà Trắng mênh mông.
hathuthuy


 Mời Xem :

GỬI CHÚT THƯƠNG VÀO CỎ, THÁNG TƯ - Thơ hathuthuy

VẨN VƠ LẮM CHUYỆN...


 
Nhiều bữa không ngủ được, nằm nghĩ toàn mấy chuyện tào lao.
Ví dụ như những năm sau 1975, cơm không có ăn, toàn bo bo với bột mì, thức ăn toàn cá ươn và rau héo. Lúc đó chỉ mong có bát cơm trắng, bữa cơm có thịt. Giải trí thì chỉ quanh quẩn mấy bài ca cách mạng, thể thao thì chỉ loanh quanh bóng đá, bóng chuyền.
Thời mở cửa, tiền bạc khá hơn, đời sống được nâng cao, bắt đầu xuất hiện phong trào tennis. Thật ra trước 75 ở miền Nam, tennis cũng là bộ môn có khá nhiều người chơi, nhưng toàn tướng tá, nhà giàu, công chức cấp cao vì sân không nhiều mà dụng cụ thì giá rất đắt. Từ cuối thập niên 80, sân tennis mở ra nhiều, vợt, banh, giày, vớ, áo quần được nhập về, phong trào rầm rộ. Và tennis lúc đó là thú chơi của người có tiền, nhất là cán bộ. Ra đường mà mặc bộ đồ đánh tennis trắng, giày Adidas, Nike...với vợt Wilson, Head chính hãng là quý tộc rồi. Vẫn biết đó là môn thể thao để mang lại sức khoẻ. Thế nhưng lắm người đến với bộ môn này để khoe khoang. Thời đó tennis là thú chơi trưởng giả, có level cao trong xã hội. Ngồi đâu cũng nghe bàn về tennis, thể hiện đẳng cấp. Dần dà, khi phong trào Golf du nhập vào, nhiều sân golf xây lên, 18, 36 lỗ đều có đủ. Người ta lấy luôn đất sân bay làm sân golf. Từ đó tennis thành trò chơi bình dân, ít vốn, không còn được nhắc nhiều nữa. Từ đấy golf mới là quý tộc, là đẳng cấp, là dân chơi thứ thiệt. Đi vào thế giới của trưởng giả, của trọc phú, của doanh nhân, của cán bộ đều bàn chuyện golf và giá cả của các món đồ phục vụ thú chơi này với giá cao ngất ngưỡng. Tennis xuống giá, golf trồi lên. Giá trị đã thay đổi....
........
Một thời người ta mong có miếng thịt mỡ để có chất béo, để rán, để chiên. Mong có miếng thịt nạc để có thêm chất đạm.
Đến khi mở cửa, thức ăn tràn trề, thích gì có đấy, chỉ sợ không có tiền thì lại rộ lên phong trào ăn chay. Doanh nhân bạc tỷ cũng ăn chay, nghệ sĩ, người mẫu cũng ăn chay, tu cũng chay mà không tu cũng chay. Tiệm cơm chay mở ra tràn ngập, bình dân có, sang chảnh có. Đi đâu cũng nghe bàn chuyện ăn rau cỏ. Vào nhà hàng sang trọng, giá cả trên trời cũng chỉ gọi món rau trộn.
Ăn chay trở thành phong trào, trở thành mốt thời thượng. Ngược với ăn chay lại có một xu hướng kiếm ăn thịt thú rừng. Thú càng quý, càng được săn đuổi. Thưởng thức thịt rừng là một thú vui quý tộc. Ăn những món ăn bình thường là tầm thường, phải ăn tay gấu, óc khỉ, mật rắn, chồn hương, tê tê...rồi sừng tê, mật gấu, cao hổ, nhung hươu mới là dân chơi thứ thiệt. Cán bộ ta toàn là dân chơi.
......
Từ chuyện ăn chay lại dẫn đến chuyện tu hành. Xã hội càng tàn bạo, khát máu, bạo lực, lừa lọc, dối trá, láo toét thì người nói chuyện tu hành, kinh kệ càng nhiều. Chùa chiền mọc lên như nấm. Thằng du đãng giết người cướp của, bà cho vay nặng lãi, chứa gái, buôn ma tuý, cán bộ tham nhũng, cướp đất của dân ngày rằm, mồng một, lễ, vía... đều mang tiền, dâng hương, vàng mã cúng lạy Phật. Họ cầu chức, cầu tiền, làm ăn phát đạt. Họ cầu giàu càng giàu thêm, ghế càng cao thêm, chức tước bổng lộc càng nhiều hơn. Bởi có chức là có tiền, có nhà to, có đô la, hột xoàn, vàng ký.
.......
Chưa bao giờ mà câu A Di Đà Phật lại xuất hiện nhiều trên cửa miệng dân gian nhiều đến thế. Nó tràn đầy trong các mạng xã hội, đầy dẫy trong các comment. Tôi tự hỏi họ có hiểu câu ấy muốn nói điều gì, ẩn chứa tư tưởng gì, chắc hẳn chẳng mấy người hiểu. Họ bắt con chim đang sống tự do trên trời, con cá đang sống hạnh phúc dưới nước nhốt vào lồng, vào chậu, giam đói, chết khát rồi đúng giờ, đúng ngày đem thả ra gọi là phóng sinh. Sát sinh chứ phóng sinh nỗi gì. Tu theo phong trào, đọc kinh ê a theo phong trào, dạy người khác đạo lý, tín điều cũng theo phong trào. Trở thành một xã hội cuồng tín và mê muội. Một thời loạn tăng. Một số không ít thầy tu thuyết pháp toàn nói chuyện vớ vẩn, phản khoa học, công kích, nói xấu các tôn giáo khác. Xu nịnh người giàu, coi thường kẻ nghèo, cứ bước vào chùa là thấy rõ. Chùa thành doanh nghiệp, thầy tu thành doanh nhân, loạn xà ngầu cả lên.
.......
Lại thêm phong trào từ thiện. Bản chất của việc từ thiện là tốt, là sự sẻ chia. Nhưng làm từ thiện mà khoe khoang cho tất thảy mọi người, mà tự hào xem đó là công trạng thì chưa hiểu hết nghĩa bố thí của nhà Phật. Vật để cho là mối liên kết giữa người cho và kẻ nhận. Vật này trước tiên hết phải thuộc về người cho sở hữu, nghĩa là nó là vật của người cho. Cho một vật không phải của mình thời không thành nghĩa bố thí được. Sau khi cho, vật ấy trở thành vật của người nhận, và người cho không còn quyền hạn gì đối với vật ấy nữa. Cho như thế có nghĩa là "xả bỏ" các sở hữu của mình, xả bỏ những gì mà mình có. Còn cho rồi mà vẫn cầu ân, kể lể thì đó chỉ là làm cho cái tôi của mình chứ chẳng phải vì tha nhân.
........
Chơi lan, chơi bonsai là thú vui tao nhã. Nhưng rồi người ta không dừng lại đó, dẫn đến chuyện phá rừng, cưa cây đem về trưng bày trong vườn nhà. Cây trăm năm trong rừng già biến thành chậu bonsai cho lớp người nhà giàu mới. Cây lan biến hoá thành đột biến giá cả trăm tỷ đồng. Những thú chơi thanh lịch ngàn năm biến thành những trò cờ bạc, lọc lừa.
.........
Có một hiện tượng khó mà cắt nghĩa được là hiện nay ở miền Bắc có phong trào mặc quân phục lính Mỹ, lính Việt Nam Cộng Hoà, hát nhạc lính miền Nam. Họ tụ tập thành hội đoàn rất đông, có tổ chức đàng hoàng dù ngày xưa chửi Mỹ, hô hào đánh cho Mỹ cút, Nguỵ nhào. Nam thanh, nữ tú đủ cả, mỗi lần họ tập họp nhìn như tiểu đoàn quân đội VNCH chuẩn bị hành quân. Nhìn mặt họ hân hoan, sung sướng, tự hào, thoả mãn. Thế là sao nhỉ?
...........
Cũng một thời, người ta toàn nói chuyện yêu nước thương dân, lòng ái quốc, nghĩa đồng bào. Những gia đình vượt biên bị niêm phong với dấu đỏ lòm là phản quốc. Giờ thì ngồi đâu cũng nói chuyện Mỹ, chuyện Pháp, Anh. Người Việt ngày xưa trốn chạy, vượt biên giờ trở thành khúc ruột ngàn dặm. Con cán bộ từ cấp trung đến cấp cao đều du học Mỹ. Nhiều cán bộ chưa về hưu đã có thẻ xanh lận túi, chờ đến giờ là out. Thế mới thấy trên đời này mọi giá trị chẳng có chi là vĩnh cửu.
............
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra. Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong trí tuệ, trong ngôn ngữ thể hiện, trong điệu đi, cách nói, kiểu cười. Chẳng phải chơi golf mà sang. Cũng chẳng phải có cây hoa quý đắt tiền mà sang. Cũng chẳng phải tiền muôn, bạc tỷ mà sang. Chẳng phải có chút sắc đẹp , có chút địa vị xã hội, có hột xoàn cả ký, có nhiều người xu nịnh tiền hô hậu ủng mà sang.
.............
Cũng không phải miệng toàn nói chuyện đạo, chuyện chay tịnh, kể lể, khoe khoang chuyện bỏ tiền làm từ thiện, miệng luôn nam mô mới là người có lòng nhân ái, sống có đạo lý. Chiếc áo không làm nên thầy tu thì những kẻ cứ suốt ngày mô Phật cũng chưa hẳn là người tốt. Phật tại tâm chứ không phải tại miệng.
22.4.2021
FB DODUYNGOC


29 thg 4, 2023

MƯỜI NĂM - Thơ Đinh Hỏi

 MƯỜI  NĂM

 Mười năm chưa mỏi cánh chim, 

Mười năm bao đợt ngập chìm lo toan.

 Mười năm là chiếc đò ngang,

 Đưa bao nhiêu chuyến qua sang bến bờ.

 Mười năm như nhện nhả tơ,

 Yêu người yêu trẻ chở che nặng tình.

 Em ơi, trong kiếp nhân sinh, 

Thương em những muốn cực hình rời xa 

Mong em có mẹ có cha,

 Có người chia sẻ xót xa lúc buồn.

 Thương em những muốn phép dồn

 Hoá bao nhiêu lượt thổi hồn vào chân!

 Để em đứng dậy đi cùng,

 Xe lăn để đó không dùng nữa đâu! 

Thương em lòng những mong cầu

, Tìm điều kỳ diệu- nghe câu nói ,cười

 Để em không bị người người 

Nói em CÂM ĐIẾC bùi ngùi lòng cô 

Lòng cô bao đợt sóng xô 

Thương em mắt đã bặt vô bóng hình 

Xung quanh màu đỏ màu xanh

 Dáng cha bóng mẹ có nhìn được đâu

 Nhói lòng khi nói đến câu:

 Em tôi khiếm thị- nỗi đau thương đầy.

 Em ơi tình cảm cô đây

 Thương em trên cả tình thầy em ơi!

 ( Thương tặng các em học viên khuyết tật và mồ côi-2016)


 Mời Xem :

Về TT.Day nghề cho người khuyết tật Q.12 - Đinh Hỏi 

 Sinh hoat ở TTDN.NKT và TEMC.(Bài và hình : Đinh Hỏi)

 

28 thg 4, 2023

Giáo Sĩ Đắc Lộ Và Chữ Quốc Ngữ - Tap văn của Hoàng Đằng

Có người hỏi tôi: “Vì sao sáng tạo chữ Quốc Ngữ là công trình của nhiều người, mà bây giờ khi nói đến chữ Quốc Ngữ ai cũng chỉ nghĩ ngay đến giáo sĩ Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ)?”


Trước khi tìm hiểu và suy luận để có câu trả lời cho câu hỏi trên, tôi xin giải thích mấy từ “Chữ Quốc Ngữ”.

“Quốc” là “nước”, “ngữ” là “tiếng nói”; “quốc ngữ” là tiếng nói của người trong nước. “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân” đều nói thứ tiếng ấy, nên thứ tiếng ấy được gọi là quốc ngữ. Người xưa gọi là “quốc âm”
(Quốc Âm Thi Tập, Đại Nam Quốc Âm Tự Vị…)

Chữ ghi lại tiếng nói ấy là “chữ Quốc Ngữ”, “chữ Quốc Âm”. Còn Quốc Gia Văn Tự thì khác, Quốc Gia Văn Tự là thức chữ (văn tự) được dùng trong việc công, trong chính quyền; dân trình bày gì lên chính quyền, chính quyền phổ biến gì xuống dân bằng văn bản thì văn bản phải được viết bằng thứ chữ ấy.
Vì vậy, chữ Hán, dù không thể hiện tiếng nói người Việt, vẫn đã được xem là “Quốc Gia Văn Tự” của nước ta trong thời gian dài của lịch sử, trong khi chữ Nôm đã có, ít ra từ đời Trần (thế kỷ XIII) và chữ Quốc Ngữ đã có từ thế kỷ XVII, thế mà chữ Nôm không “phổ cập” đóng vai trò Quốc Gia Văn Tự và chữ Quốc Ngữ cũng mới phổ cập đóng vai trò Quốc Gia Văn Tự từ năm 1945 – năm Việt Nam có nền độc lập sau gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ, dù kể từ độc lập do đế quốc Nhật giao hay từ độc lập do giành được qua Cách Mạng tháng 8.

Vì nghĩ như vậy, tôi đã nói Việt Nam có đến 2 chữ quốc ngữ: chữ quốc ngữ hệ chữ Hán, đó là chữ Nôm và chữ quốc ngữ hệ chữ La Tinh, đó là chữ Quốc Ngữ đang dùng hiện nay.

Trong bài viết này, chữ Quốc Ngữ nói đến là chữ quốc ngữ hệ chữ La Tinh.

Đúng là việc sáng chế ra Chữ Quốc Ngữ đã được làm trước khi giáo sĩ Đắc Lộ (1591 – 1660) đến nước ta năm 1624 và do nhiều người làm.

Giáo sĩ Đắc Lộ chỉ là học trò học tiếng Việt của giáo sĩ Francisco de Pina (1585 – 1625) - người được lịch sử cho biết rất thông thạo tiếng Việt. Và còn nhiều, nhiều giáo sĩ nữa cũng thông thạo tiếng Việt.
Vừa rồi, chính quyền thành phố Đà Nẵng đề xuất tên hai giáo sĩ Tây Phương Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes để đặt tên cho hai tuyến đường trong thành phố do trân trọng công lao của hai Ngài trong sáng tạo chữ Quốc Ngữ. Nhờ thế, thêm nhiều người Việt biết đến giáo sĩ Francisco De Pina.

Sử sách cho biết giáo sĩ Francisco De Pina – người Bồ Đào Nha - đến nước ta năm 1617 trước Đắc Lộ; Ngài thông thạo tiếng Việt, giảng đạo bằng tiếng Việt, mở trường và viết tài liệu dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ khác, trong đó có Đắc Lộ. Ngoài ra, Ngài truyền giáo ôn hoà, được lòng chính quyền, nhờ vậy, Ngài mới có thể thi hành mục vụ bên cạnh chính quyền sở tại ngay trong dinh trấn Quảng Nam, còn gọi là dinh trấn Thanh Chiêm vì đặt tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Dinh trấn Quảng Nam là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá xứ Đàng Trong, về tầm quan trọng, chỉ xếp sau Phú Xuân (Huế).
Rủi là Francisco De Pina mất sớm (1625) lúc mới 40 tuổi do đuối nước ở biển Đà Nẵng khi cố cứu người trên một thuyền bị đắm.
Việc mất sớm của Francisco De Pina là một trong những lý do khiến giáo sĩ Đắc Lộ là người được biết đến nhiều hơn, được tôn sùng hơn từ trước tới nay.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lý do nữa.

Dựa theo một số tài liệu đã đọc, tôi suy luận như thế này:

1- Đầu thế kỷ XVII, để dễ dàng việc truyền giáo, nhiều nhà truyền giáo phương Tây đã học tiếng Việt thành thạo, sáng chế ra chữ Quốc Ngữ, mở trường dạy chữ Quốc Ngữ và viết tác phẩm bằng chữ Quốc Ngữ để phổ biến.
Tuy nhiên, vì điều kiện khó khăn, việc lưu trữ không tốt; ngày nay, các tác phẩm ấy phần lớn không còn.
Trong các giáo sĩ Tây phương viết tài liệu, sách, từ điển bằng chữ Quốc Ngữ, có thể kể:
- Giáo sĩ Francisco De Pina đã có soạn tài liệu giảng dạy: “Phương Pháp Latinh hoá tiếng Việt”, “Ngữ Pháp tiếng Việt”, đã có dịch từ chữ Latinh sang chữ Quốc Ngữ một số kinh: “Kinh Lạy Cha”, “Kinh Kính Mừng”, “Kinh Tin Kính”, “Kinh Sáng Danh” …,
- Giáo sĩ Gaspar De Amaral đã có soạn từ điển Việt – Bồ …
- Giáo sĩ Antonio De Barbosa đã có soạn từ điển Bồ - Việt …
- Giáo sĩ Đắc Lộ đã có soạn từ điển Việt – Bồ - La và đã viết “Phép Giảng 8 Ngày” …

May mắn chỉ dành cho giáo sĩ Đắc Lộ! Tác phẩm của Ngài vẫn còn và được các nhà nghiên cứu còn dùng, thành thử, tên Ngài nhiều người biết.


2- Vào thế kỷ XV, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dùng tàu thuyền đi khám phá các vùng đất mới trên trái đất. Toà Thánh muốn kết hợp việc truyền giáo vào việc thám hiểm, giáo hoàng Alexandre VI ký hiệp ước Tordesillas năm 1494 giao cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha công việc truyền giáo ở những vùng đất đã khám phá và sẽ khám phá, trong đó, Bồ Đào Nha trách nhiệm việc truyền giáo ở Á Châu, có trách nhiệm chuyên chở miễn phí các nhà truyền giáo, cấp phương tiện xây nhà thờ, nhà ở …, nhưng Tòa Thánh và các nhà truyền giáo phải lệ thuộc công việc vào vua Tây Ban Nha và vua Bồ Đào Nha, muốn phổ biến quyết định gì của Toà Thánh cũng phải được vua Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha chấp thuận.



Vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sử dụng các giáo sĩ Dòng Tên trong việc truyền giáo. Dòng Tên là Dòng Chúa Giêsu (Société des Jésuites), có lẽ được nói gọn lại như vậy vì tục cữ tên của người Việt. Dòng Tên được thành lập ở Paris năm 1535, ban đầu hoạt động trong lãnh vực tu viện và truyền giáo, từ năm 1547, tập trung sang lãnh vực giáo dục.

Trước Dòng Tên, đi theo tàu thuyền của các nhà hàng hải Bồ Đào Nha, nhiều giáo sĩ đã đến nước ta rao giảng Tin Mừng, nhưng do khác biệt quá lớn về ngôn ngữ, về phong tục, tập quán, về tín ngưỡng với dân bản địa, công việc truyền giáo không thành công.
Qua thế kỷ XVII, các giáo sĩ Dòng Tên đến; với tinh thần chịu khó, học ngôn ngữ, nghiên cứu phong tục tập quán, họ đã thành công thu hút được nhiều người theo đạo, trong đó, có những người trong giới “quý tộc”.
Dù là giáo sĩ thuộc Dòng Tên Bồ Đào Nha, Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ) là người vùng Avignon – lãnh địa của nhiều đời Giáo Hoàng (sáp nhập vào Pháp từ 1791); có lẽ nhờ thế, Alexandre De Rhodes có uy tín hơn các giáo sĩ khác dưới mắt Toà Thánh và, với uy tín đó, tên tuổi Ngài lan tỏa đến giới Ki Tô giáo Việt Nam.

3- Tình trạng lệ thuộc công việc của Toà Thánh vào vua Bồ Đào Nha như trình bày ở trên, càng về sau càng làm cho Toà Thánh và các nhà truyền giáo không muốn; vì vậy, Alexandre De Rhodes, với uy tín của mình, tìm chỗ dựa ở nước Pháp; Ngài thúc đẩy thành lập Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions Étrangères de Paris) năm 1653. Hội Thừa Sai Paris sau này thay các giáo sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha đóng vai chủ chốt trong việc truyền giáo vào Việt Nam, giai đoạn đầu một mình, giai đoạn sau đi cùng với đoàn quân xâm lược Pháp đánh chiếm nước ta.


Đắc Lộ là ông tổ của Hội Thừa Sai Paris; cho nên khi nói đến chữ Quốc Ngữ - một cộng cụ truyền giáo hiệu quả, tên tuổi Đắc Lộ được nhớ ngay và được nhắc đến, ban đầu, từ nhà thờ, sau lan toả ra toàn xã hội.

Việc truyền đạo Ki Tô ra khắp thế giới, buổi đầu, luôn gặp khó khăn; nhiều nơi và nhiều lần, máu đã đổ. Chuyện đó ở Việt Nam cũng không tránh khỏi.

Nghe bài hát “Biển Hát Chiều Nay”, tôi tự nhiên tâm đắc với câu: “Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương!” Lịch sử phải biết, biết đúng sự thật chừng nào hay chừng ấy, biết để “ôn cố nhi tri tân”; nhưng dùng lịch sử để khêu lại vết thương giữa lòng dân tộc thì xin đừng! Hãy bắt chước cách viết sử của cụ Trần Trọng Kim (1883 - 1953) trong “Việt Nam Sử Lược”, có phê phán những lời lẽ phê phán luôn ôn tồn.

Ngày xưa, ở nước ta, giữa “lương” và “giáo”, đã có nhiều chuyện không hay do hiểu lầm, do thế lực không tốt xúi giục.

“Vết thương” ấy trên thân thể dân tộc đã lành ở trong dân chúng, nhưng vẫn còn rỉ máu trong giới “trí thức”. Buồn! “Trí thức” không đóng đúng vai trò của mình là hướng dẫn quần chúng đi vào con đường Chân Thiện Mỹ, không cổ xuý đoàn kết mà khuyến khích chia rẽ.

Hãy xem trên thế giới! Nước nào biết xoá bỏ hận thù trong quá khứ thì giàu mạnh và ngược lại.

Việc dùng tên Alexandre De Rhodes để đặt tên đường đã được làm từ lâu ở Sài Gòn, vậy mà chưa nghe ai chống đối. Ở Sài Gòn, người ta đặt tên đường rất có ý tứ. Hai bên công viên 30/4, bên này là đường Hàn Thuyên (người có công với chữ Nôm), thì bên kia là đường Alexandre De Rhodes (người có công với chữ Quốc Ngữ).

Giá như chính quyền Đà Nẵng không biết chi về lịch sử hết, thì không nghĩ ra chuyện muốn dùng tên 2 giáo sĩ đặt tên đường và không có chuyện cãi vã “nên” hay “không nên” rồi.

Trong cãi vã, đã có những ngôn từ xúc phạm đến người đã mất, vu khống cho người đã mất những ý nghĩ và hành động mà họ không có.

Tội chưa!

Hoàng Đằng
03/12/2019 (08/11/Kỷ Hợi)
nguồn : https://quangtribacca.blogspot.com/2022/05/giao-si-ac-lo-va-chuquoc-ngu-hoang-ang.html#more

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
 
 
Từ năm 1965 đến 1973, có khoảng 250 chuyên gia điện toán của hãng IBM đến Việt Nam Cộng Hoà để trợ giúp thiết lập và huấn luyện.
Các chuyên gia này đến Việt Nam với tính cách tình nguyện nhưng được hãng IBM tài trợ rất hậu hỷ nơi ăn chốn ở, đi lại và lương bổng. Đến năm 1975, có khoảng 130 nhân viên và chuyên gia IBM người Việt cùng với gia đình họ bị kẹt lại ở Việt Nam.
Được biết đến năm 1975, Việt Nam Cộng Hoà có khoảng 12 IBM mainframes ( có vẻ giống như máy chủ sever hiện nay) được dùng trong chính phủ và quân đội và rất nhiều hệ thống xử lý dữ liệu hạng nhỏ và trung được dùng trong các công ty tư nhân, điển hình là công ty Shell Việt Nam, một trong những doanh nghiệp đầu tiên đã điện toán hoá tại miền nam Việt Nam.
Một trong nhiều công trình ứng dụng quan trọng cần được nhắc đến là công trình thiết kế và phát triện hệ thống nhập, xử lý và in ấn tiếng Việt hoàn toàn bằng điện toán, còn được gọi là "1403 Vietnamese print train" đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1970 do IBM giúp thiết kế và ứng dụng. Chương trình "Người Cày Có Ruộng" đã sử dụng hệ thống này để nhập dữ liệu, xử lý và in ấn các chứng chỉ làm chủ đất đai cho hơn 400 ngàn nông dân không có đất trước đó. Ứng dụng này cũng được Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hoà sử dụng để chấm điểm thi Tú Tài (thử nghiệm năm 1972 và chính thức sử dụng 1974).
Fb Duy Tuệ
....
Năm 1972 tôi thi Tú Tài 1, chưa có thi trắc nghiệm và năm 1973 cũng thế nhưng chứng chỉ Tú tài 2 năm 1973 thì có in bằng máy tính IBM, có bảng điểm và chưa có dấu Tiếng Việt. Vậy chính xác là Tú Tài 1974 mới gọi là Tú Tài IBM. Hồi đó người ta gọi khoa học đó là điện toán ( Tính toán bằng điện tử) là chính xác hơn
ngày nay ta gọi là MÁY TÍNH vì thật ra thập niên 70 trở đi, các tiệm thuốc tây lớn ở Saigon đã trang bị loại máy tính tiền ở các quầy thuốc. Loại máy đó chạy bằng cơ học không liên quan gì đến máy tính điện tử như hiện nay.
Ngày nay khoa học về điện toán được gọi bằng cái tên phổ thông là Tin học (Infomatics) là một ngành khoa học chuyên nghiên cứu quá trình tự động hóa việc tổ chức, lưu trữ, xử lý và truyền dẫn thông tin của một hệ thống máy tính cụ thể hoặc trừu tượng....
TRẦN PHONG VŨ



Mộc Châu. Thác Dải Yếm / Hình chụp Quách Như Nguyệt

Sau khi đi Ninh Bình, 3 người nhóm N đi Mộc Châu vì Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La có cây cầu bằng kính dài nhất trên thế giới, mới được khánh thành vào tháng Tư năm 2022.


Người post bài : Còn nhiều ảnh đep nhưng là blog nên số lượng có giớ hãn

Mời Xem Các ảnh khác tại 

Quách Nhu Nguyệt về Hà Nội(tháng 2/2023 )  

NHỮNG VỤ TRẢ THÙ ĐẪM MÁU NHẤT LỊCH SỬ NHÂN LOẠI

Nợ máu phải trả bằng máu, nhưng khi sự căm hận đã lên đến đỉnh điểm, con người có thể nhấn chìm cả 1 chủng tộc trong biển máu.


Khái niệm trả thù luôn song hành với lịch sử nhân loại. Con người luôn mang trong mình khát khao được trút sự thù hận của mình lên những kẻ đã đối xử tệ bạc với mình. Hammurabi, bộ luật cổ xưa nhất được tìm thấy từ trước tới nay, đã lấy quan điểm “an eye for an eye” – nợ máu phải trả bằng máu làm gốc rễ. Và nó đã diễn đạt chính xác khái niệm trả thù.

Bộ luận Hammurabi đã đánh dấu sự khởi đầu chính thức của việc chuẩn hóa khái niệm trả thù. Nó vẫn giữ được những ảnh hưởng của mình trong cuộc sống hiện tại, thể hiện trong việc hình thành hệ thống pháp luật dựa trên sự trừng phạt những kẻ dám đi ra ngoài những khuôn khổ của xã hội.

Trên thực tế, trả thù đã vượt ra xa khỏi những chuẩn mực đó. Khát khao được nhìn thấy kẻ thù của mình phải gánh lấy tai họa chỉ được giới hạn ở cấp độ cá nhân, và khi đó, hành động trả thù đã đi quá những giới hạn của pháp luật. Hãy cùng chúng tôi điểm lại những vụ trả thù đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.

5. 47 Ronin


Đây là sự kiện đã trở thành huyền thoại trong lịch sử nước Nhật, nó trở thành cột mốc được tô đậm bởi lòng trung thành và sự thù hận. Sự kiện này cũng đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh và văn học ra đời sau đó.

Dưới thời Edo, các Samurai được biết đến với vai trò cố vấn quân sự, bảo vệ cho tài sản và tính mạng của những nhân vật quan trọng trong xã hội. Một trong những lời thề của các Samurai là trả thù cho cái chết của chủ nhân mình. Và 47 người Samurai của Naganori Asano đã thực hiện trọn vẹn lời thề này.

Khi ghé thăm Edo (Tokyo hiện nay), Naganori Asano đã dùng gươm gây thương tích cho Kira Yoshinaka, sau khi tranh cãi nổ ra giữa 2 người. Nhà cầm quyền quyết định buộc Naganori phải mổ bụng tự sát. Tất nhiên, ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực thi.

47 người Ronin (những samurai vô chủ) kiên nhẫn chờ đợi. Hai năm sau, họ đột nhập vào nhà Yoshinaka, khống chế và buộc ông phải tự sát giống như chủ nhân quá cố của họ. Khi Yoshinaka từ chối, họ đã chặt đầu ông và đem nó đến ngôi mộ của Naganori. Ngay sau đó, họ đầu thú và 46 người Samurai này đã tự kết liễu đời mình. Số phận của người Samurai thứ 47 cho đến nay vẫn là một dấu hỏi lớn.

4. Thảm sát Ngày lễ Thánh Barthélemy

Khi Kháng Cách, một cộng đồng thuộc Cơ Đốc giáo tách khỏi Công giáo La Mã, ra đời sau cuộc cải cách tôn giáo khởi phát bởi Martin Luther vào thế kỷ 16, nhà thờ đã coi họ như cái gai trong mắt mình. Không đơn giản chỉ là việc tranh giành nhau biểu tượng tôn giáo, nhà thờ đã mất đi nhiều hơn thế: quyền lực, lãnh thổ, tài chính…

Đinh điểm của những mâu thuẫn giữa 2 phe Kháng Cách và Công giáo cực đoan là sự kiện công chúa Marguerite de Valois kết hôn với Henry xứ Navarre. Cuộc hôn nhân giữa 2 người đứng đầu 2 phe đối lập đã hoàn toàn thất bại trong nỗ lực xoa dịu những căng thẳng. Những người Công giáo cực đoan vốn đã rất khó chịu với sự hiện diện của những người Kháng Cách giữa lòng thủ đô Paris, nay càng không thể chấp nhận được cuộc hôn nhân giữa công chúa của họ với một người Kháng Cách. Thêm vào đó, sự hào nhoáng xa xỉ của đám cưới giữa thời điểm mất mùa đói kém đang tràn lan càng làm cho mọi việc thêm phần căng thẳng.
 

Rất đông người Kháng Cách đã đến tham dự hôn lễ nhằm bảo vệ thủ lĩnh của mình. Nhưng ngay sau khi kết thúc đám cưới, đô đốc Coligny, lãnh tụ quân sự được kính trọng nhất của phe Kháng Cách đã bị ám sát. Thủ phạm ngay sau đó đã trốn thoát, nhưng những gì xảy ra sau đó đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Lo sợ trước sự trả thù của phe Kháng Cách, Vua Charles IX và Thái hậu Catherine đã quyết định “Tiên thủ hạ vi cường”: hạ sát toàn bộ những người Kháng Cách trong thành Paris trước khi họ có bất kỳ động thái nào khác. Ước tính có trên dưới 4000 người Kháng Cách đã thiệt mạng trong vụ thảm sát này.

Không chỉ dừng lại ở đó, Vua Charles đã mở rộng quy mô của cuộc thảm sát này ra trên toàn bộ lãnh thổ nước Pháp. Tất cả những ai thuộc mang trong mình dòng máu Kháng Cách đều bị xử tử. Tổng cộng khoảng 100.000 người đã thiệt mạng sau khi sắc lệnh này được ban ra.

3. Aaron Burr

Có rất ít cuộc trả thù mang nhiều tính chất chính trị như câu chuyện giữa Alexander Hamilton và Aaron Burr. Và cũng hiếm cuộc trả thù nào diễn ra chóng vánh và trực tiếp như thế.

Burr và Hamilton đều phục vụ trong quân đội cách mạng dưới sự lãnh đạo của Washington. Cả hai đều theo đuổi sự nghiệp chính trị và đều đạt được những thành công sau đó. Hamilton được biết đến như là người đồng sáng lập ra tờ báo Những người chủ trương Liên bang, một trong những tờ báo có ảnh hưởng chính trị cực lớn thời bấy giờ, đồng thời là Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên của Hoa Kỳ. Ông chính là cánh tay đắc lực cho những tổng thống thời bấy giờ, gồm có George Washington, Thomas Jefferson và John Adams, với một trong những vai trò chính là loại bỏ những đối thủ ngáng đường họ trên con đường tranh cử tổng thống.
Nhưng với Burr, Hamilton đã đi quá giới hạn của mình. Ngay sau khi mất chức Tổng thống một cách cay đắng vào tay Thomas Jefferson, và tất nhiên, với công lớn thuộc về Hamilton khi ông luôn có ảnh hưởng lớn với Hạ viện Hoa Kỳ, Burr tới tranh cử chức Thống đốc New York và phát hiện ra mình cũng gặp phải sự chống đối của Hamilton ở đây. Không còn chịu nổi nữa, Burr quyết định thách đấu súng với Hamilton, và theo thông lệ, ngay lập tức được chấp nhận. Ngày 11 tháng 7 năm 1804 trở thành ngày định mệnh với toàn bộ nước Mỹ khi phó thủ tướng Aaron Burr và Bộ trưởng Bộ Tài chính Alexander Hamilton chĩa súng vào nhau – kết quả là Alexander bị thương nặng và tử vong sau đó không lâu, bất chấp những nỗ lực của các bác sỹ vào thời đó.

Luật đấu súng quy định rằng không một cáo trạng nào được phép đưa ra sau cuộc đấu, do đó, Burr vẫn tiếp tục quay về thực hiện tiếp nhiệm kỳ phó tổng thống của mình trước khi bị buộc tội phản quốc do nỗ lực xây dựng một đế chế cho riêng mình ở các bang thuộc miền Nam lãnh thổ Hoa Kỳ.

2. Boudica

“Sòng phẳng” và “Chơi đẹp” chưa bao giờ là những điểm tích cực của Đế chế La Mã. Khi Vua Prasutagus qua đời, ông để lại quyền cai trị Celtic Iceni cho người vợ Boudicca và 2 người con gái của mình. Nhưng Rome lại có kế hoạch khác: họ xâm lược Iceni, biến người dân thành nô lệ và cưỡng hiếp 2 người con gái của Boudica. Không may cho Rome, họ không hiểu rằng mình đã vay một món nợ quá lớn.

Những gì chúng ta được biết về Boudica đều có nguồn gốc từ những ghi chép trong lịch sử của đế chế La Mã. Họ mô tả bà như là “một người phụ nữ cao lớn và đáng sợ, với mái tóc đỏ rực dài đến tận hông… Bà mang theo một ngọn giáo có khả năng truyền sự khiếp đảm tới bất cứ ai trông thấy mình.” Và lịch sử cũng đã chứng minh rằng, Boudica nói riêng và người Celts nói chung không nhỏ bé và khiếp nhược như bất cứ một dân tộc nào đã bị xâm lược bởi đế chế La Mã. Ngược lại, họ đã cho thấy mình là một trong những dân tộc đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại.

Vào khoảng năm 60 sau Công nguyên, nhân thời điểm chính quyền La Mã đang bận rộn trong cuộc chiến ở miền Bắc xứ Wales, Boudica đã lãnh đạo những người Iceni và Trinovantes nổi dậy. Họ đã thiêu hủy hoàn toàn Camulodunum, một trong những thuộc địa của La Mã lúc bấy giờ, đồng thời cũng là nơi đặt đền thờ Vua Claudius. Ngay sau đó, đội quân nhanh chóng tiến đến Londinium (London hiện nay). Sau khi chiến thắng binh đoàn số 9 của Đế chế La Mã, 2 thành phố Londinium và Verulamium đã bị thiêu hủy hoàn toàn. Ước tính khoảng 70.000 – 80.000 người bản địa và người La Mã đã thiệt mạng trong cuộc thảm sát này.

Dù sau cùng, Boudica đã phải chịu thất bại trước sự vượt trội về lực lượng của đối phương (nhiều ghi chép cho rằng, La Mã đã thiệt hại mất 3 binh đoàn trong trận Watling Street), nhưng cuộc nổi dậy này đã khiến bà trở thành một biểu tượng của người dân Anh. Lịch sử đã ghi nhận bà như là một trong 10 nữ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

1. Thành Cát Tư Hãn

Ngay sau khi đã thôn tính gần như toàn bộ Châu Á, Thành Cát Tư Hãn tiếp tục tính đến các quốc gia vùng Trung Đông. Để thể hiện thiện chí của mình, ông gửi một món quà bao gồm nhiều châu báu và mỹ nữ tới Đế quốc Khwarezm, được hộ tống bởi khoảng 500 binh lính. Tuy nhiên, người Khwarezm tỏ ra không mấy thiện chí với một chủng tộc “sinh sống trong túp lều”, và họ thẳng thừng từ chối bằng cách hạ sát toàn bộ những binh lính hộ tống đoàn vận chuyển.

Tại thời điểm này, Thành Cát Tư Hãn vẫn tỏ ra hết sức bình tĩnh. Ông cho người Khwarezm một cơ hội thứ hai khi tiếp tục gửi một sứ giả đến thương lượng với họ. Và người Khwarezm đã mắc một sai lầm khủng khiếp khi gửi trả Thành Cát Tư Hãn cái đầu của vị sứ giả đáng thương này.


Để trả thù cho tất cả những nạn nhân xấu số trên, Thành Cát Tư Hãn đã phát động một cuộc thảm sát với quy mô có lẽ chỉ đứng sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Bốn vị tướng xuất sắc nhất, trong đó có Bạt Tốc Đài, cùng với binh đoàn gồm 200.000 chiến binh thiện chiến đã tiêu diệt hoàn toàn một đội quân có số lượng lớn gấp 5 lần họ. Toàn bộ đế quốc Khwarezmia bị xóa sổ, với khoảng 4 triệu người thiệt mạng. Lịch sử mô tả rằng “ngay cả chó mèo cũng không được tha mạng”. Chưa thỏa mãn cơn giận dữ của mình, Thành Cát Tư Hãn còn cho làm chệch hướng toàn bộ những dòng sông trên lãnh thổ Khwarezmia nhằm mục đích xóa sổ hoàn toàn quốc gia này khỏi bản đồ.

“Khi hai nước giao tranh, đừng giết sứ giả.” Nhất là khi sứ giả đó được cử đến bởi Thành Cát Tư Hãn.

Theo: TríTHỨc Trẻ

Copy từ Trang Lưu Khâm Hưng

27 thg 4, 2023

Có phải là tri kỷ - GHIMHO

Thế nào mới được gọi là bạn tri kỷ!
 
Câu hỏi đơn sơ của một người bạn chợt làm tôi chạnh lòng nhớ về kỷ niệm. Lùi xa về quá khứ… Ngày mà Phú Nhuận nơi tôi ở là một xã nhỏ của ngoại ô thành phố Sài Gòn, nơi dân cư còn thưa thớt, trẻ con trong làng còn lang thang đi vớt lăng quăng nơi mương rạch chung quanh. Trước mỗi nhà trong xóm tôi là cái mương dẩn nước từ sông vào, đã có trẻ con chết đuối . Thế nên mẹ tôi rất sợ cho tôi, vì tôi là chuyên gia xuống sông vớt cá. Có lúc làm trôi mất cái nón, về mẹ hỏi, biết là đi vớt cá- bị một trận đòn nhừ tử. Từ đó chừa tội lội sông.
Thế nhưng lại vướng vào tội khác… Lúc ấy tôi có bạn tri kỷ là Lợi, cô bé hơn tôi một tuổi. Tôi chơi thân với Lợi vì bạn ấy hung dữ, có thể bảo vệ tôi khỏi bị bắt nạt. Đến tuổi đi học, tôi đến trường. Bạn ấy không được đi học nhưng tình bạn vẫn khắn khít vì sau khi học về tôi và Lợi lại tung tăng cùng làng khắp xóm. Lúc ấy học trò sướng vô cùng, không biết học thêm là gì. Ba mẹ thì đầu tắt mặt tối có biết gì đến việc học hành, được cắp sách đến trường là vinh hạnh lắm rồi. Xóm tôi rất nhiều trẻ thất học. Chẳng thế mà đầu năm lớp tư ( lớp hai bây giờ ) tôi bỏ học đi rong trong rạp Văn Cầm ba ngày, ba mẹ chẳng biết gì cả.
Lợi thất học nhưng khôn vô cùng, bạn ấy dạy tôi rất nhiều về xã hội người lớn. Chúng tôi đi bán vé số khô bò cùng với nhau, tôi còn phải giữ em. Lợi đã giúp tôi khiêng em tôi đi khi nó đòi ẳm. Tôi thì ốm yếu nhưng Lợi mạnh bạo. Khi đi dạo bán vé số, tôi thường đếm số vé còn lại và số tiền mình có. Có khách lấy xem, không mua. Tôi đếm lại thấy thiếu vé, ngẫm nghĩ… có lẽ ông khách đã tham lam lấy mất của mình chăng! Lại đếm nữa, thấy đủ. Lợi dạy tôi rằng… Không được nghi ngờ người khác khi không thấy. Một nghi mười ngờ, một ngờ mười tội, chết xuống âm phủ cưa hai nấu dầu. Từ đó tôi tâm niệm – Không thấy thì không nói. Lợi giúp tôi rất nhiều trong việc giữ em và bán vé số. Đi với bạn ấy tôi thấy an tâm và tự tin. Chúng tôi lang thang khắp nơi … từ chợ Phú Nhuận đến tận bến Bạch Đằng, Lăng ông Bà Chiểu… Thật là một người bạn tri kỷ bấy giờ.
Dần dần tôi phải học nhiều hơn, lên cấp hai … tôi không còn được đi rong mà phải phụ ba mẹ công việc gia đình, làm gà vịt ra chợ bán, giặt quần áo, lau nhà, theo mẹ ra bến xe mua gà… Đi học ở Gia Long tôi cũng không chơi thân với ai nhiều. Tự biết mình thuộc giai cấp hạ lưu( theo lời anh tôi nói), tôi chỉ có ông anh là bạn tri kỷ. Đi đâu anh cũng dắt đi, xem phim ở rạp Văn Cầm, Đại nhạc hội ở rạp Cẫm Vân, hội chợ Tao Đàn…Lúc anh thiếu tiền mua sách, tôi đập ống heo mua. Tôi không biết xài tiền vì tánh keo kiệt. Đưa tiền cho anh vì anh hứa sau này làm lớn sẽ nâng đỡ tôi. Ngày thi Đệ Thất, anh vẽ hình con ngựa to trên tường với dòng chữ - Hồ văn Sa sẽ đậu Đệ Thất. Anh vẽ lá cờ quốc gia trong tập và dán hình mình giữa lá cờ. Giống như hình tổng thống Ngô Đình Diệm trong lá cờ lúc tụi tôi xem phim chào cờ. Tôi tin chắc anh sẽ làm lớn.
Mỗi ngày tâm sự, chuyện ngắn chuyện dài, cùng dậy sớm làm gà vịt, đi Bến Lức thăm em. Mẹ tôi bận rộn mua bán nên phải gởi con cho mợ Tư Bến Lức nuôi. Mỗi tháng tôi và anh làm sứ giả giao lưu, mang tiền bạc đưa mợ Tư và thăm em. Huệ rồi đến Nga, đến Hoàng. Nhờ vậy mà tôi được tắm sông Bến Lức thoải mái, không biết bơi – đứng trên bờ nhìn anh bơi, tôi tức lắm kêu um sùm. Anh phải cỏng tôi xuống sông cho quậy nước một hồi. Lúc lên bờ, tôi cứ tưởng anh bơi thật. Có biết đâu anh lội bùn mà cỏng em. Lúc anh đi học tiếng Nhật tôi cũng học theo. Tôi đi học may anh cũng muốn đi nhưng lại phải đi du học. Năm anh đi du học tôi học lớp 10. Ngày anh đi tôi buồn thấm thía, mất đi người tri kỷ.
Hụt hẫng lúc đầu, tôi quay sang chơi thân với Sang và Minh Đức. Cùng đi thăm cô nhi viện khắp nơi, Làng cô nhi Long Thành, Cô nhi viện Diệu Quang, Suối nước trong Thủ Đức, Cô nhi viện Thị Nghè, làng cô nhi SOS… theo chân Minh Đức đến tổ chức Hướng đạo Phật tử cắm trại Vũng Tàu, cùng tắm rửa cho cô nhi với trường bạn Petrus Ký… Tình bạn thân thiết không chỉ trong phạm vi học đường, chúng tôi thường đến nhà nhau, học bài cùng nhau. Sau này tôi cũng thân thiết với Mỹ Ngọc khi Ngọc Quý phải đi lấy chồng. Mỹ Ngọc buồn vô cùng. Không biết có thể gọi là tri kỷ… Sau này có dịp cùng Sang học Anh văn, ngày Sang đi Mỹ tôi đã khóc ngậm ngùi khi lại mất thêm người bạn thân thiết.
Sau chiến tranh 75, tôi chơi thân với Châm và Tuyền từ những buổi họp thanh niên. Cùng lang thang khắp khóm một, cùng dẩn thiếu nhi đi cắm trại ở sân gôn, chứng kiến chuyện tình của bạn… Ngày tôi về kinh tế mới, bạn vẫn xuống thăm giúp mang thuốc men, vật dụng cần thiết. Ngày đi dân công hỏa tuyến, nơi biên giới cận kề cái chết tôi nghĩ nhiều đến bạn. Tôi viết lại những cảm nhận tại chiến trường và gởi về Châm vì không biết có còn ngày trở về, tiếc là những lá thơ dài không đến tay người nhận. Tuyền xuất ngoại, tôi và Châm lại tiếp tục những ngày lang thang. Chúng tôi đi với nhau không biết chán, nói bao nhiêu thứ trên đời. Rồi đến một ngày bạn ấy cũng theo chồng đi Mỹ, lại thêm một lần chua xót. Châm là người bạn thân thiết nhất mà tôi phải xa rời. Quá nhiều kỷ niệm, chúng tôi đã chia sẽ bao nhiêu thứ đến nổi tôi nghĩ không bao giờ tôi có được một tình bạn nào sâu đậm hơn. Ngày nhận được email của Châm tôi đã rơi nước mắt vì sung sướng. Những ngày bạn về nước tôi dành hết thời gian cho bạn. Thời gian trôi qua, tình thân còn đó nhưng thời gian, không gian chia cách. Trước cuộc sống bộn bề lo toan, không bao giờ tôi nghĩ mình có thể kết bạn được với ai để có thể chia sẽ tâm tư, để có thể nói được những vui buồn mình đã trãi. Cuộc sống tất bật và không ai có thời gian để tìm hiểu nhau nhiều, giao tiếp chỉ là bề ngoài. Tiền bạc, vật chất là quyết định cho những tình thân. Cuộc sống trở nên thầm lặng và chỉ biết có công việc. Tôi từ chối những cuộc vui chơi, du lịch của cơ quan, bạn cùng chổ làm. Không còn gặp lại người bạn nào của một thời Gia Long, Sư phạm tôi chỉ còn nghĩ đến gặp bạn trong mơ. Ngày về hưu, duyên cơ hội ngộ lại bạn bè năm xưa nhưng cũng chỉ một vài buổi họp. Sau phút vui mừng, ai về nhà nấy. Có thời gian nào để cùng nhau chia sẽ tâm tư, chuyện khó khăn trong đời.
Chuyện đời đưa đẩy … Facebook xuất hiện…Dần dần tôi tìm lại bạn cũ, quen thêm bạn mới . Cùng với thời gian, tình thân đã đến thật nhanh theo tốc độ của FB. Không phải chỉ là xã giao hời hợt nữa mà là những tâm sự từng ngày. Bao nhiêu vui buồn cuộc sống thể hiện lên những dòng tin nhắn, comment.
Ngày đứng giữa sông nước Hạ Long, chung quanh là các bạn trẻ nước ngoài, tôi đã nghĩ rất nhiều về từ tri kỷ. Trước đó tôi nghĩ đến từ ấy rất thiêng liêng và ước ao có một người bạn tri kỷ cùng đi khắp nơi, trãi nghiệm cùng nhau, chia sẽ cùng nhau. Tôi không nghĩ mình có thể tìm được niềm vui bên những người xa lạ. Thực tế… tôi đã lầm. Trước khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, tâm hồn con người trở nên khoáng đạt. Chúng tôi đến từ các miền đất khác biệt hẳn nhau..Mã Lai, Anh, Singapore, Đức và VN. Sự cởi mở, lòng yêu thiên nhiên và những trò chơi nhỏ nhỏ nhưng vui nhộn đã kết hợp mọi người. Buổi tối lên bong tàu trò chuyện với nhau bằng những ngôn ngữ âm thanh kết hợp điệu bộ, tình thân đã đến và từ tri kỷ không còn ý nghĩa.
Có lẽ thực tế đã cho tôi cái nhìn khác về cuộc sống.

                      Kỷ niệm lần đầu tiên tiếp xúc với Hạ Long và tình bạn....
 
Mời Xem Hồi Ký Của GhimHo :