31 thg 8, 2021

LỜI KHUYÊN CHÂN THÀNH CỦA BÁC SĨ

Hân hạnh giới thiệu:
Một bài viết về Sức Khỏe
...Trích từ trang nhà nlsbaoloc.info...

Trần thị Sâm sưu tầm.

***Nguyên tắc thứ nhất
Đừng tin những gì quảng cáo trên báo đài, truyền thông và thế giới mạng về thuốc. Vì không độc thì không gọi là thuốc, người ta chỉ uống thuốc để tự tử, chứ không ai uống nước để tự tử bao giờ. Chính vì thế, mà ở các quốc gia tiên tiến, cấm quảng cáo thuốc trên phương tiện truyền thông dân dụng, chỉ được quảng cáo thuốc ở tạp chí và hội thảo chuyên ngành Y.
***Nguyên tắc thứ hai
Khi đi khám bệnh bất kỳ ở đâu, người bệnh cần có 1 câu hỏi phải hỏi:
- BỆNH CỦA TÔI DO NGUYÊN NHÂN GÌ ?
Vì chỉ có thầy thuốc giỏi mới điều trị nguyên nhân bệnh, còn lại những thầy thuốc kém hiểu biết chỉ biết điều trị hậu quả hay còn gọi là chữa triệu chứng của bệnh.
***Nguyên tắc thứ ba
Đừng bao giờ tin những gì mình tìm kiếm trên mạng internet rồi tự suy diễn, tự làm Bác sĩ cho mình và gia đình mình. Vì như thế chỉ làm hại chính mình và gia đình mình. Hãy cứ nghĩ, nếu bản thân Bạn đủ khả năng được các trường Y nhận vào học thì các Bạn đã trở thành Bác sĩ, chưa kể các Bác sĩ đã được đào tạo chính quy một thời gian dài về bộ máy tinh vi nhất của quả đất - con người - bình thường và bất thường từ tế bào đến bao nhiêu rối loạn khác về cả thể chất lẫn tinh thần, nhưng chưa chắc họ đã giỏi thì các Bạn chỉ vài cú enter với google, không có kiến thức căn bản về Y khoa, thì các Bạn như người điếc không sợ súng và tự hại mình thôi.
***Nguyên tác thứ tư
Đừng bao giờ tin những quảng cáo về các loại thức ăn, thức uống bổ, giúp chữa bệnh này hay bệnh khác .
Ví dụ, sữa chống loãng xương, thực phẩm chức năng, thức uống collagen, v.v... Chỉ là những trò kinh doanh kiểu đa cấp để kiếm lãi. Loãng xương là một trong những tiến trình của một quá trình lão hóa của bất kỳ động vật nào được diễn ra ở mức độ phân tử sinh học, tiến trình này cho tới nay, y học vẫn còn mò mẫm và bất lực.
***Nguyên tác thứ năm
* Ăn uống và làm việc là thuốc. Ăn uống và làm việc đúng thì không hoặc ít bệnh tật.
* Ăn uống và làm việc sai là tự đưa mình vào nơi khổ đau của bệnh tật, vì sức khỏe qúy hơn vàng.

Chúc các bạn dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và phồn vinh 

NHỚ ƠN NHỮNG NGƯỜI THẦY - Trần Phong Vũ

 


( Tưởng nhớ cô giáo của tôi)
Năm tôi bắt đầu vào lớp Đệ Thất ( lớp 6) , tôi được đi học luyện thêm anh văn. Đích thân bố của bạn tôi (nhà văn Minh Văn Xuân Tước) dẫn tôi vào lớp học gửi gấm.
Chỉ là lớp dạy kèm thôi nhưng cô giáo không chỉ đơn thuần dạy Anh văn, cô còn dạy cho chúng tôi đủ điều về nết ăn ở, cách sống ở đời...Lúc đó tôi chưa biết gì chỉ nghĩ là cô khó. Giờ trải qua bao nhiêu năm trong nghề, tôi đã hiểu là giáo dục không đơn thuần dạy chữ mà còn phải rèn nhân cách học sinh.
Hồi đó, cô tôi còn trẻ, cô mặc váy mà lại có quần dài. Thì ra cô theo tây nhưng thời đó không ai dám mặc váy mà lên lớp. Thế là cô giáo cùng bộ trang phục kỳ lạ đó để lại trong lòng tôi một ấn tượng mãi mãi không bao giờ tôi quên..
Trong lớp tôi có một chị rất đẹp, da trắng, lông mày lá liễu. Đẹp đến nổi khiến cho tâm hồn một cậu bé 11 tuổi như tôi cũng phải rung động. Tôi thích chị... nhưng chỉ thế thôi vì...tôi là em. Nhỏ hơn chị đến 3,4 tuổi...
Một ngày kia tôi nổi hứng lén gửi cho chị một bức thơ viết bằng 1 trang vở tôi xé ra gấp 4. Nội dung không có gì ( dám mà viết bậy ) chỉ là hài hước giới thiệu một lò võ dạy Taekwondo, judo, ancomdo, migoido..... Trong giờ học chị lén mở ra xem, chị cười... Trông chị thật đẹp và tuyệt vời biết bao. Lòng tôi cũng sung sướng vô cùng. Nhưng mà sau đó... chị gục đầu xuống bàn, cười và .... bất tỉnh.
Cô tôi xoa dầu, bắt gió, thấy chị có vẻ tỉnh bèn bắt tôi ngồi xích lô đưa chị về nhà. Gia đình chị tiếp nhận với một vẻ bình thường nhạt nhẻo. Họ bảo không sao đâu, chị bị như thế là thường, chị có bệnh tim bẩm sinh. Sau này tôi mới biết mẹ chị mất sớm, bố lấy vợ kế và tôi bắt đầu hiểu được thái độ, cách cư xử của người đời.
Cô tôi sau khi hỏi cho ra nhẽ đã sạc cho tôi một trận. Dù tôi chỉ phân bua là tôi muốn chị vui thôi. Không biết có phải vì cô sớm nhìn ra bản chất con người hay mơ mộng của tôi không mà nhất quyết bắt tôi phải đi xin lỗi chị. Cô bảo như thế là xúc phạm.... Hic.. Tôi vâng dạ hứa cho cô vui lòng mà trong bụng không phục ... Tôi có tỏ tình hay nói gì bậy đâu. Nhưng rồi... tôi không còn cơ hội để nói lời xin lỗi vì chị không quay lại lớp học nữa.
Giờ này không biết chị còn sống hay đã chết..? Cho tôi gửi đến chị lời xin lỗi muộn màng.... Chị à...em yêu chị...
Tôi rời khỏi lớp học thêm vì những biến động tuổi dậy thì. Năm năm sau chán chê trò dâu bể, tôi quay lại lớp học anh văn. Chấp nhận ngồi học với các em lớp 6 để...học lại từ đầu. Cô tôi đã già hơn một chút ( Cô có tóc bạc)...
Cô hỏi tôi "Nghe nói em làm thơ..?" Dạ , "Em có viết văn không.." Dạ, có chút chút... ". Giỏi quá thế có xuất bản quyển nào chưa..? " Dạ có được một quyển.." Thế thì lần sau xuất bản nhớ tặng cô một quyển nhé...!!!" Dạ, nhưng mà thôi cô ơi, nghề văn thi nó bạc bẽo lắm em...bỏ rồi...Cô lẩm bẫm tiếc nhỉ...!!!
Cô thấy tôi hay hát những bài nhạc trẻ tiếng anh đương thời. Cô hỏi em thích mấy bài đó à ...nó hay không ? Tôi thành thật... Em thấy hay vì là nhạc rock mà cô.
Cô bắt tôi vào nhà, mở cho tôi nghe băng casset bài "Sad movie" rồi dịch và giải thích cho tôi biết bài hát đó hay là vì sao..... Cô bảo em phải hiểu nội dung bài hát mới thấy hết cái hay... đừng có lảm nhảm hát mấy bài nhạc trẻ mà không hiểu gì...!
Ôi cô của tôi, Cô đã hết lòng để rèn nhân cách cho tôi....
Cô không biết rằng tôi đã lại dối cô...!!!
Sự thật...
Tôi không hề viết văn hay có một bài thơ nào ra hồn.
Tôi chỉ là tuổi trẻ háo thắng, chạy theo mớ hư danh ảo
Thương cô và thương chị...
TRẦN PHONG VŨ
____
Đi tìm em giữa thành phố lao xao
Những vòng xoay ngã rẻ cuốn về đâu
Về đâu những trò đời điên đảo
Lạ rồi quen mà nhớ được bao lâu !!!
VŨ KA


Trung Quốc sẵn sàng chớp lấy cơ hội vàng tại Afghanistan (NGhiên Cứu Quốc Tế )



Tác giả: Châu Ba (Zhou Po), “中国已准备好抓住在阿富汗的黄金机会”, New York Times, 22/08/2021.

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Tốc độ và phạm vi Taliban tiếp quản Afghanistan làm cho các nước phương Tây phải tỉnh người suy nghĩ lại về chuyện rốt cuộc họ sai lầm ở chỗ nào, vì sao sau khi tiêu tốn mấy tỷ đô la vào cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm họ lại dùng phương thức không vẻ vang như vậy để chấm dứt tất cả.

Nhưng Trung Quốc thì đang hướng về phía trước, họ chuẩn bị lấp khoảng trống Mỹ để lại sau khi vội vã rút quân, qua đó nắm lấy cơ hội vàng này.

Tuy Bắc Kinh chưa chính thức thừa nhận Taliban là chính quyền mới của Afghanistan, nhưng hôm Thứ Hai tuần trước, Trung Quốc đã ra tuyên bố họ “tôn trọng ý nguyện và sự lựa chọn của nhân dân Afghanistan”, và sẽ “phát triển mối quan hệ hữu hảo hợp tác láng giềng với Afghanistan”.

Tín hiệu từ Trung Quốc phát đi rất rõ ràng: Bắc Kinh không có phân vân về vấn đề xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Taliban, và chuẩn bị trở thành kẻ ngoài cuộc tham dự có ảnh hưởng nhất tại xứ sở Afghanistan hầu như đã bị Mỹ bỏ rơi.

Khác với Mỹ, Trung Quốc không có bất cứ gánh nặng nào trên vấn đề Afghanistan. Từ khi Mỹ xâm nhập Afghanistan, Trung Quốc luôn giữ giọng điệu nhỏ nhẹ, không muốn làm cấp phó của Mỹ trong bất cứ thể chế chính trị cường quyền nào. Bắc Kinh nhìn thấy Washington, do can thiệp vụ việc Afghanistan, mà rơi vào cảnh khó khăn hỗn loạn và trả giá cao.

Đồng thời Trung Quốc đã cung cấp cho Afghanistan mấy triệu đô la viện trợ y tế, xây dựng các bệnh viện, và một nhà máy phát điện mặt trời, v.v… Trung Quốc còn tăng cường thương mại song phương với Afghanistan, cuối cùng trở thành một trong các bạn hàng lớn nhất của nước này.

Cùng với việc Mỹ rút ra khỏi Afghanistan, Bắc Kinh có thể cung cấp cho Kabul những thứ họ cần nhất: sự trung lập về chính trị và đầu tư về kinh tế.

Về kinh tế

Ngược lại, Afghanistan cũng có những thứ Trung Quốc coi trọng: cơ hội xây dựng cơ sở hạ tầng và nền công nghiệp — có thể nói, năng lực của Trung Quốc trong các lĩnh vực này là không ai có thể sánh nổi — và cơ hội tiếp cận các mỏ khoáng sản chưa khai thác trị giá 1.000 tỷ đô la, gồm các kim loại công nghiệp quan trọng như lithium, sắt, đồng và cobalt.

Tuy có nhà phê bình cho rằng, sự đầu tư của Trung Quốc tại Afghanistan chưa phải là một trọng điểm chiến lược, nhưng tôi không nghĩ thế.

Các công ty Trung Quốc vốn nổi tiếng về khoản đầu tư tại các quốc gia chưa ổn định lắm -– nếu điều đó có nghĩa là họ có thể thu lợi. Tuy loại đầu tư này không phải bao giờ cũng thuận buồm xuôi gió, nhưng Trung Quốc có thể nhẫn nại chờ đợi.

Dù ở một mức độ nhất định, sự tồn tại của quân đội Mỹ đã ngăn cản việc các tổ chức vũ trang dùng Afghanistan làm cảng tránh bão, song việc Mỹ rút quân cũng có nghĩa là cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm giữa Mỹ với Taliban đã kết thúc.

Vì thế, trở ngại cho việc Trung Quốc tiến hành đầu tư quy mô lớn tại Afghanistan đã được dỡ bỏ. Để cung cấp nguyên vật liệu cho cỗ máy kinh tế của mình, dĩ nhiên, Trung Quốc sẽ là nhà nhập khẩu chủ yếu các kim loại công nghiệp và khoáng sản của thế giới.

Kế hoạch đầu tư chiến lược lâu dài của Trung Quốc hiện nay là sáng kiến “Một vành đai một con đường”. Đây là một nỗ lực nhằm xây dựng hệ thống thiết bị hạ tầng cơ sở và cung cấp vốn cho khu vực này.

Trước đó, Afghanistan luôn luôn là bộ phận có sức thu hút nhưng bị bỏ quên trong sáng kiến lớn nói trên. Nếu Trung Quốc có thể mở rộng dự án “Một vành đai một con đường” từ Pakistan tới Afghanistan –– ví dụ làm một xa lộ cao tốc từ Peshawar đến Kabul –– thì sẽ mở ra tuyến giao thông đường bộ ngắn hơn để tiến vào thị trường Trung Đông.

Về chính trị

Hiện nay, Bắc Kinh đang ở vào vị thế có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với tình hình chính trị Afghanistan. Lịch sử Afghanistan cho ta thấy, rất ít trường hợp một nhóm lại có thể kiểm soát được cả quốc gia này. Xét tới việc Taliban lấy được Afghanistan nhanh như thế, người ta có lý do để dự đoán sau đây, nước này có thể sẽ xảy ra một số rối loạn nội bộ.

Hiện nay trong 5 quốc gia Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc là quốc gia cung cấp nhiều người nhất cho sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn tổ chức xong một đơn vị bộ đội với quy mô 8.000 binh sĩ chờ lệnh đi làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình. Hành động đó sẽ có thể làm cho Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia đóng góp nhiều binh sĩ nhất cho các sứ mạng gìn giữ hoà bình.

Nếu Liên Hợp Quốc phái lực lượng gìn giữ hoà bình đi Afghanistan thì hầu như có thể khẳng định binh sĩ gìn giữ hoà bình đến từ Trung Quốc –– nước láng giềng hữu hảo của Afghanistan –– sẽ được hoan nghênh hơn các đơn vị binh sĩ gìn giữ hoà bình đến từ phương xa.

Trở thành kẻ tham dự có ảnh hưởng đối với Afghanistan nghĩa là Bắc Kinh sẽ ở vào địa vị có lợi hơn trong việc ngăn cản các tổ chức chống Trung Quốc tìm kiếm chỗ đứng ở Afghanistan. “Phong trào Islam Đông Turkestan” (East Turkestan Islamic Movement) là tổ chức chống Trung Quốc được Bắc Kinh quan tâm nhất.

Một báo cáo của Chính phủ Trung Quốc cho biết, Phong trào Islam Đông Turkestan ra đời đầu tiên tại Afghanistan. Theo quan điểm của Liên Hợp Quốc, hồi thập niên 2000, phong trào này từng được Taliban và Al Qaeda ủng hộ. Một số học giả và chuyên gia tỏ ý nghi ngờ về việc Phong trào này liệu có khả năng khuấy động bạo lực, hoặc có thể tiếp tục tồn tại hay không.

Cho dù như vậy, hồi tháng 7 năm nay, khi hội đàm với Mullah Abdul Ghani Baradar, Phó Thủ lĩnh lực lượng Taliban, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từng nói, ông hy vọng Taliban sẽ “triệt để vạch rõ giới hạn” với Phong trào Islam Đông Turkestan, bởi lẽ tổ chức đó “gây ra mối đe doạ trực tiếp với an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

Vương Nghị còn tỏ ý mong muốn Taliban sẽ “Xác lập hình ảnh tích cực, thi hành chính sách có tính bao dung”. Tín hiệu này cho thấy Trung Quốc hy vọng Taliban sẽ thực thi cam kết thực hành chế độ cai trị “bao dung” (inclusive governance).

Để đáp lại, Baradar hứa Taliban quyết không cho phép bất cứ tổ chức nào lợi dụng lãnh thổ Afghanistan để tiến hành các hoạt động gây nguy hại cho Trung Quốc.

Vai trò của Pakistan

Đương nhiên Pakistan cũng là một phần quan trọng đối với hoà bình và ổn định của Afghanistan. Cho dù là láng giềng gần, nhưng như lời của cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, thì “bào thai song sinh dính liền nhau” này không phải bao giờ cũng cùng nhìn về một hướng.

Chính sách của Pakistan đối với Afghanistan, trên mức độ lớn, chịu sự điều khiển bởi một mục tiêu chiến lược là bảo đảm Kabul có một Chính phủ thân Pakistan, và làm suy yếu ảnh hưởng ngày càng tăng của Ấn Độ tại Afghanistan. Duy trì mối quan hệ hữu hảo giữa Afghanistan với Pakistan là phù hợp với lợi ích tự thân của Bắc Kinh, không chỉ trong vấn đề thành công của sáng kiến “Một vành đai một con đường”.

Trung Quốc có ảnh hưởng lớn tại Pakistan, điều đó không phải là bí mật gì. Xuất phát từ dự kiến về nhu cầu trong tương lai, và dự kiến Trung Quốc sẽ có vai trò quan trọng hơn, tháng 6 năm nay, Bắc Kinh cam kết tiếp tục ủng hộ sự phát triển và cải thiện mối quan hệ Trung Quốc – Pakistan.

Sau cùng, mặc dầu Mỹ đang rời đi, nhưng Bắc Kinh và Washington vẫn còn cơ hội để cùng nhau cố gắng phấn đấu vì một Afghanistan ổn định. Cho dù Trung Quốc và Mỹ vẫn còn tồn tại bất đồng với nhau, song họ đều đã từng triển khai một số hoạt động hợp tác tại Afghanistan, ví dụ như liên kết đào tạo nhân viên ngoại giao và kỹ thuật cho nước này.

Cả hai nước đều không muốn nhìn thấy Afghanistan rơi vào cảnh nội chiến, đều ủng hộ một phương án giải quyết chính trị do người Afghanistan chủ trì và thực hiện. Bởi vậy, Afghanistan cung cấp một lĩnh vực, nơi hai nước lớn đang cạnh tranh nhau có thể tìm thấy một sự nghiệp chung.

Hôm thứ Hai tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken, rằng Trung Quốc sẵn sàng chuẩn bị đối thoại với Mỹ “thúc đẩy thực hiện sự hạ cánh mềm cho vấn đề Afghanistan”.

Xưa nay, Afghanistan luôn được coi là nghĩa địa của các đế chế: Alexander Đại đế [tức Quốc vương Alexanros III của nước Macedonia cổ đại], đế quốc Anh, Liên Xô, và Mỹ hiện nay. Giờ đây, Trung Quốc tiến vào Afghanistan, thứ họ mang theo không phải là bom đạn, mà là các dự án kiến thiết, và cơ hội chứng minh có thể phá bỏ được lời nguyền nói trên.

Châu Ba (周波Zhou Bo) là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và An ninh quốc tế của Đại học Thanh Hoa, và là thành viên của Diễn đàn Trung Quốc (China Forum). Thời gian 2003 ~ 2020 ông là Đại tá Quân Giải phóng, chuyên gia tư duy chiến lược về mặt An ninh quốc tế của quân đội Trung Quốc. Ông từng làm Giám đốc Trung tâm Hợp tác an ninh  của Văn phòng Hợp tác quân sự quốc tế thuộc Quân uỷ trung ương, Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch và ghi chú từ bản tiếng Trung. 

DÒNG SÔNG- MẸ VÀ EM - Thơ Hà Thu Thủy


DÒNG SÔNG- MẸ VÀ EM
Tàng cây xanh bên bờ sông hút gió
Giọng mẹ à ơi ru hởi ru hời
"Tàu súp- lê một còn than còn thở
Tàu súp-lê hai còn đợi còn chờ".
Tóc mẹ bay trong gió sông vời vợi
Lời ru hòa vào sóng nước Đồng Nai
Anh đi xa vẫn nặng lòng nhung nhớ
Dòng sông quê cùng tóc mẹ buông dài.
Ba nhịp cầu nối hai bờ sông nhỏ
Chiều tan trường rợp áo trắng tung bay
Em mắt cận trong vùng sương khói ấy
Anh nhớ hoài mái tóc buộc chia hai.
Bao nhiêu năm sống cuộc đời viễn xứ
Quên nhiều điều nhưng vẫn nhớ dòng sông
Nhớ mẹ già nua giờ không còn nữa

Và nhớ em trăm nỗi nhớ chùng lòng. 

Hà Thu Thủy

🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸



Xem Thơ Hà Thu Thủy

MẸ -,MẤT MẸ Thơ Hà Thu Thủy

Sự tha thứ cho kẻ sát nhân

Sự tha thứ cho kẻ sát nhân

28/08/2021
Shirhan

Cuối tháng 8-2021, ở Mỹ diễn ra một sự kiện về luật pháp thật đáng ghi nhớ.

Người đàn ông có tên Sirhan Sirhan, là thủ phạm đã âm mưu hạ sát Thượng nghị sĩ Robert F Kennedy vào năm 1968, được khơi lại niềm hy vọng rằng sẽ được trả tự do vào cuối năm 2021, từ án chung thân trọng tội giết người. Trải qua 16 lần đệ đơn xin ân xá, với nỗ lực của nhiều đời luật sư, cuối cùng thi Sirhan cũng đã nhận được sự chấp thuận vào hồ sơ xét ân xá, ở năm 77 tuổi.

Tuy nhiên, Sirhan sẽ còn phải trải qua 90 ngày thẩm định của California Parole Board (tạm dịch: Hội đồng Ân xá California), và thêm 30 ngày chờ quyết định cuối cùng của thống đốc tiểu bang, Gavin Newsom.

Điều không ai ngờ tới là sức nặng của lời kêu gọi ân xá lần này, có một tiếng nói rất đặc biệt: Douglas Kennedy, con trai của chính người bị sát hại.

Sirhan là một người Palestine sinh ra ở Jerusalem, đã thụ án 53 năm vì tội sát hại thượng nghị sĩ RFK (Robert F Kennedy), và cũng là anh trai của Tổng thống John F. Kennedy.

RFK (Robert F Kennedy) là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ khi ông bị bắn hạ tại khách sạn Ambassador ở Los Angeles, ngay sau khi có bài phát biểu chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng ở California.

Tháng 6-1968, khi cha của mình ngã gục trên con đường đầy người hò reo ủng hộ, thì Douglas Kennedy chỉ mới là đứa trẻ đang chập chững bước đi. Hình ảnh và cái tên Sirhan đã là sự ám ảnh đến vô cùng trong trí nhớ của Douglas Kennedy từ những câu chuyện kể của người lớn và lịch sử ghi lại. Và đến khi ông trưởng thành, nước Mỹ vẫn chưa nguôi sự tức giận của mình về sự kiện một người Trung Đông nhập cư đã bắn vào vị ứng cử viên tổng thống được yêu mến của mình. Nhưng giờ đây, Douglas lại là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất, kêu gọi việc xin trả tự do cho Sirhan.

Cuộc đời có rất nhiều điều thật kỳ diệu. Nhưng bao dung và công chính thì chưa bao giờ là điều dễ gặp trong cuộc sống đầy vị kỷ hôm nay.

George Gascón, Ủy viên công tố Los Angeles nói câu chuyện giữa vị cố tổng thống RFK và Sirhan là điển hình của chuyện không thể chấp nhận nổi trong tâm lý con người: “Một bên là đáng kính trọng, và một bên là kẻ không ai có thể ưa nổi”, nói với tờ Times of Israel trong ngày 28-8, vị Ủy viên còn xác nhận rằng hơn nữa với chính ông, hình tượng của RFK là điều mà ông vô cùng ngưỡng mộ.

Chính vì vậy, không ai có thể tưởng tượng được cảnh Douglas Kennedy, con trai của người bị hại, là người lên tiếng xin ân xá. Ông Douglas nói đã có lúc khi trò chuyện mặt đối mặt với Sirhan, ông hiểu được con người này, rơi nước mắt vì số phận của hắn. “Tôi từng nghĩ rằng tôi đã sống cả đời với nỗi sợ khi nghe tên ông ta, theo cách này hay cách khác. Nhưng hôm nay, tôi cảm tạ đời mình khi có thể nhìn ông ta, như là một con người đáng để thương xót và yêu thương”, ông Douglas nói.

Phiên điều trần được mô tả rằng Sirhan là một ông già tóc bạc chậm chạp, xuất hiện trong bộ đồ màu xanh, thỉnh thoáng lấy chiếc khăn giấy trong túi ra, và như mỉm cười khi nghe Douglas Kennedy nói về mình. Khi nói với Hội đồng Ân Xá, Sirhan cho biết giờ đây ông đã học cách kiềm chế cơn tức giận của mình và và hứa sẽ sống đoạn cuối cuộc đời yên lành. Những gì diễn ra trong phiên điều trần đó làm người ta ngẩn người về tính công chính của một phiên tòa ở Mỹ, đặc biệt khi luật sư của Sirhan là Angela Berry đã nói rằng sự phán xét con người, cũng tùy thuộc vào giai đoạn, và xin mọi người hãy nhìn vào Sirhan của ngày hôm nay.

“Nếu chúng ta từ chối suy xét đến sự ân xá, dựa trên mức độ nghiêm trọng của một tội đã từng gây ra, thực tế là nó đã tước đi quyền của hàng triệu con người có khả năng đổi thay đời mình. Và nên nhớ sự đổi thay phục thiện chính là sự xét đoán cần thiết, hơn là cứ mặc định một người có là một nguy cơ đối với xã hội hay không”, bà Angela Berry nói.

Sirhan phạm tội khi 24 tuổi, và thú nhận rằng ông đã bị sự điên cuồng của tuổi trẻ thúc đẩy khi nghe thấy một vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ phát biểu trên đài về sự ủng hộ của mình đối với Israel. Sirhan mang đến đất nước tự do phần lý tưởng và hận thù, từ vùng đất mình đã sinh ra, và trở thành nạn nhân của nó.

Câu chuyện của Sirhan ắt hằn là điều đáng để suy nghĩ cho nhiều người, về sự cần thiết của luật pháp và sự bao dung. Nếu ở một thế giới khác đang tràn ngập những phán xét và nhận định dựa trên cảm tính, thao túng chính trị, Sirhan ắt hẳn sẽ không thể có một phiên tòa công chính như vậy, chẳng hạn như ở Trung Quốc hay Việt Nam. Bài học quốc gia làm giàu hay vượt trội sẽ chẳng có ý nghĩa gì, nếu đất nước không nuôi dưỡng được lòng người về sự trắc ẩn và lẽ phải.

Ủy viên công tố George Gascón, đã nói rằng xin hãy xét cho một Sirhan hôm nay. “Tôi yêu mến RFK, nhưng tôi đã cố gạt mọi cảm xúc qua một bên và suy nghĩ về sự bao dung của luật pháp, và thậm chí tôi cố không hình dung người bị hại đã có thể là một tổng thống của Hoa Kỳ, mà chỉ là một công dân bình thường bị hại”. Thậm chí một nhân chứng là Paul Schrade, vốn cũng bị thương do lạc đạn từ vụ mưu sát ấy, cũng ủng hộ việc nên trả lại tự do cho cho một người khao khát được phục thiện ở phần cuối đời mình.

Khi được hỏi về quê hương của mình, ông Sirhan đã ôm mặt, nghẹn lời, không nói được gì một lúc lâu.

Trong thời đại của xu hướng đám đông thực dụng, sòng phẳng, và thậm chỉ cười chê sự yếu đuối và thiệt thòi của tha thứ; chuyện ân xá nhân vật Sirhan không khác nào một mũi khâu nhỏ cho vết thương tàn bạo trong trái tim của nhân loại hôm nay.

NGƯỜI ĐẶT TÊN CHO ĐƯỜNG PHỐ SÀI GÒN TRƯỚC 1975..

 Từ lâu, người Sài Gòn đã rất khâm phục cách đặt tên cho đường phố ở Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn.

Mọi người vẫn đinh ninh rằng đó là tập họp của một công trình có sự đóng góp trí tuệ của nhiều người, một Hội đồng gồm nhiều: học giả, sử gia, nhà văn uy tín…

Nhưng thật sự bất ngờ khi được biết kiệt tác lịch sử này đã được hoàn thành bởi một công chức...!           

Người đó là Trưởng Phòng Họa Đồ thuộc Tòa Đô Chánh-Sài Gòn.



Ông Ngô Văn Phát, Nhà văn – bút hiệu Thuần Phong, sinh ngày 16-10-1910 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu....!

 

Sau hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 Pháp bàn giao chính quyền cho Chính Phủ Bảo Đại, với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.

Để đánh dấu việc giành độc lập từ tay người Pháp, Toà Đô Chánh Sài Gòn được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ tên đường từ tên Pháp qua tên Việt trong khoảng thời gian ngắn nhất. Nhiệm vụ này được giao cho Phòng Hoạ Đồ. 

Sau hơn ba tháng nghiên cứu, ông Ngô Văn Phát đã đệ trình lên Hội Đồng Đô Thành toàn bộ danh sách tên các con đường và đã được chấp thuận trong sự nể phục...!

Các con đường được đặt tên với sự suy nghĩ rất lớp lang, mạch lạc với sự cân nhắc, đánh giá, bao gồm cả công trạng từng anh hùng, phù hợp với địa thế và các dinh thự đã có sẵn từ trước... Tác giả đã cố gắng đem cái nhìn vừa tổng quát lại vừa chi tiết, những khía cạnh vừa có tình vừa có lý, đôi khi chen lẫn tính hài hước, vào việc đặt tên hiếm có này. Phải là một con người có tâm, có tầm mới nghĩ ra và đặt tên cho hay, ý nghĩa, phù hợp với lòng người...!

-Đầu tiên là những con đường mang những lý tưởng cao đẹp mà toàn dân hằng mơ ước: Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Cộng Hoà, Thống Nhất. Những con đường hoặc công trường này đã nằm ở những vị trí thích hợp nhất.

-Đường đi ngang qua Bộ Y Tế (xưa) thì có tên nào xứng hơn là Hồng Thập Tự.

-Đường De Lattre De Tassigny chạy từ phi trường Tân Sơn Nhất đến bến Chương Dương đã được đổi tên là Công Lý, vì đi ngang qua Pháp Đình. (Toà án xưa).

-Đại Lộ Nguyễn Huệ nằm giữa trung tâm Sài Gòn nối từ Toà Đô Chánh (Ủy ban Nhân dân Thành phố nay) đến bến Bạch Đằng rất xứng đáng cho vị Anh hùng đã dùng chiến thuật thần tốc phá tan hơn 20 vạn quân Thanh. Đại Lộ này cũng ngắn tương xứng với cuộc đời ngắn ngủi của Ngài-Nguyễn Huệ.

-Những danh nhân có liên hệ với nhau thường được xếp gần nhau như Đại Lộ Nguyễn Thái Học với đường Cô Giang và đường Cô Bắc, cả ba là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Bái. 

-Đường Phan Thanh Giản nằm gần đường Phan Liêm, Phan Ngữ là hai người con Ông, đã tiếp tục sự nghiệp chống Pháp sau khi Phan Thanh Giản tuẩn tiết...!

-Ông Cao Thắng một chuyên gia làm súng chống Tây thì “được” ở gần 2 Nhà kháng chiến: Nguyễn Thiện Thuật và Phan Đình Phùng.

-Những đại lộ dài nhất được đặt tên cho các anh hùng Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi và Hai Bà Trưng. Mỗi đường rộng và dài tương xứng với công trạng dựng nước, giữ nước của các Ngài. 

-Đường mang tên Lê Lai, người chịu chết thay cho vua Lê Lợi thì nhỏ và ngắn hơn, được nằm cận kề với đại lộ Lê Lợi. Như Quân và Thần xưa kia...!

-Đường Khổng Tử và Trang Tử trong Chợ Lớn với đa số người dân là người Hoa cư ngụ nên gắn liền với họ.

-Bờ sông Sài Gòn được chia ra ba đoạn, đặt cho các tên Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, và Bến Hàm Tử, để ghi nhớ những chiến công, các trận thuỷ chiến lẫy lừng trong lịch sử chống quân Mông Cổ, chống Nhà Nguyên của Hưng Đạo Đại Vương vào thế kỷ 13. 

-Thẳng góc với hai đường Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm là đường Hồ Xuân Hương. Đó là Ba nữ sĩ nằm bên cạnh nhau, thật là có lý vì cả ba đều là văn thi sĩ nổi danh...

 

•Năm 1957, ông Ngô Văn Phát có bài đăng trên bộ Tự điển Encyclopedia – Britannica ở Luân Đôn (Anh Quốc). Đó là chuyên đề Khảo cứu về thành phố Sài Gòn. •Năm 1964 với chuyên đề Ca dao giảng luận in trên tạp chí Trường Viễn đông Bác cổ ở Paris (sau in thành sách ở Sài Gòn). 

•Cùng năm này ở Trường Cao học Sorbonne (Paris), ông cũng có chuyên đề "Nguyễn Du et La  Métrique Populaire" (Nguyễn Du với thể dân ca) trong bộ sách nhan đề: Mélanges sur Nguyên Du (Tạp luận về Nguyễn Du).

•Những năm 1970, ông được mời thỉnh giảng môn Văn học dân gian tại Đại học Văn khoa, Sư phạm Huế và Cần Thơ.

Ngoài ra, hầu hết những con đường khác ở Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn đều do Ông và đồng sự đặt ra...

 

*TÊN NHỮNG CON ĐƯỜNG Ở SÀI GÒN-GIA ĐỊNH VÀ CHỢ LỚN TRƯỚC VÀ SAU NĂM 1975....

•Bùi Chu > Tôn Thất Tùng.

•Chi Lăng > Phan Đăng Lưu.

•Công Lý > Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

•Cộng Hòa > Nguyễn Văn Cừ.

•Cường Để > Tôn Đức Thắng.

•Duy Tân > Phạm Ngọc Thạch.

•Đoàn Thị Điểm > Trương Định (cả Đoàn thị Điểm và Trương Công Định đều đổi thành Trương Định).

•Đỗ Thành Nhân > Đoàn Văn Bơ.

•Đồn Đất > Thái Văn Lung.

•Đồng Khánh > Trần Hưng Đạo B.

•Gia Long > Lý Tự Trọng.

•Hiền Vương > Võ Thị Sáu.

•Hồng Thập Tự > trước là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nay là Nguyễn Thị Minh Khai.

•Huỳnh Quang Tiên > Hồ Hảo Hớn. 

•Lê Văn Duyệt (Gia Định) > Đinh Tiên Hoàng.

•Lê Văn Duyệt (Sài Gòn) > Cách Mạng Tháng 8.

•Minh Mạng > Ngô Gia Tự.

•Ngô Tùng Châu > Nguyễn Văn Đậu.

•Ngô Tùng Châu (Sài Gòn)> Lê thị Riêng.

•Nguyễn Đình Chiểu > Trần Quốc Toản.

•Nguyễn Hoàng > Trần Phú.

•Nguyễn Huệ (Phú Nhuận) > Thích Quảng Đức.

•Nguyễn Huỳnh Đức > Huỳnh Văn Bánh.

•Nguyễn Minh Chiếu > Nguyễn Trọng Tuyển.

•Nguyễn Phi > Lê Anh Xuân.

•Nguyễn Văn Học > Nơ Trang Long.

•Nguyễn Văn Thinh > Mạc Thị Bưởi

•Nguyễn Văn Thoại > Lý Thường Kiệt.

•Pétrus Ký > Lê Hồng Phong.

•Phạm Đăng Hưng > Mai Thị Lựu.

•Phan Đình Phùng > Nguyễn Đình Chiểu.

•Phan Thanh Giản > Điện Biên Phủ.

•Phan Văn Hùm > Nguyễn thị Nghĩa

•Phát Diệm > Trần Đình Xu.

•Sương Nguyệt Ánh > Sương Nguyệt Anh.

•Tạ Thu Thâu > Lưu Văn Lang.

•Thái Lập Thành (Phú Nhuận) > Phan Xích Long.

•Thái Lập Thành (Q1) > Đông Du.

•Thành Thái > An Dương Vương.

•Thiệu Trị > Nguyễn Văn Luông.

•Thoại Ngọc Hầu > Phạm Văn Hai.

•Thống Nhất > Lê Duẩn.

•Tổng Đốc Phương > Châu Văn Liêm.

•Trần Hoàng Quân > Nguyễn Chí Thanh.

•Trần Quốc Toản > 3 Tháng 2.

•Trần Quý Cáp > Võ Văn Tần

•Triệu Đà > Ngô Quyền.

•Trịnh Minh Thế > Nguyễn Tất Thành.

•Trương Công Định > Trương Định (cả Đoàn Thị Điểm và Trương Công Định đều đổi thành Trương Định).

•Trương Tấn Bửu > Trần Huy Liệu

•Trương Minh Ký > Lê Văn Sĩ.

•Trương Minh Giảng > Trần Quốc Thảo.

•Tự Đức > Nguyễn Văn Thủ.

•Tự Do > Đồng Khởi.

•Võ Di Nguy (Phú Nhuận) > Phân thành 2 đường Phan Đình Phùng và Nguyễn Kiệm.

•Võ Di Nguy (Sài Gòn) > Hồ Tùng Mậu.

•Võ Tánh (Phú Nhuận) > Hoàng Văn Thụ.

•Võ Tánh (Sài Gòn) > 1 phần của Nguyễn Trãi, khúc giao với Cống Quỳnh.

•Yên Đổ > Lý Chính Thắng.

 

**Ông mất vào năm 1983 tại Sài Gòn hưởng thọ 73 tuổi...!

Một con người uyên bác, trí thông, học thức như ông vừa có Tâm, có Tầm, có Tài, có Đức đáng được người sau ngưỡng mộ và tri ân...!

 

(Đinh Trực sưu tầm)

Ảnh từ Saigon trong tôi

29 thg 8, 2021

5 câu hỏi thường gặp của người bệnh ung thư trong mùa dịch Covid-19

Lưu trú tại cộng đồng, cần chú ý điều gì?; Có thể ngưng hoặc trì hoãn hóa trị trong mùa dịch Covid-19?; Có được tiêm vắc xin Covid-19?... là những câu hỏi thường gặp của người bệnh ung thư trong mùa dịch.
Đang điều trị ung thư, có được tiêm vắc xin Covid-19? /// Duy Tính
Đang điều trị ung thư, có được tiêm vắc xin Covid-19?
DUY TÍNH

1. Khi lưu trú tại cộng đồng, người bệnh ung thư cần chú ý điều gì?

Người bệnh ung thư cũng như người thân cần tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế:

- Đeo khẩu trang thường xuyên tại nơi đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt, vật dụng thường xuyên tiếp xúc. Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
- Giữ khoảng cách trên 2 m khi tiếp xúc với người khác.
- Không tụ tập nơi đông người.
Khai báo y tế hằng ngày.
2. Liệu tôi có thể ngưng hoặc trì hoãn hóa trị trong mùa dịch Covid-19?
Bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc trên từng người bệnh cụ thể. Việc quyết định có nên trì hoãn điều trị hay không phụ thuộc vào mục tiêu điều trị, số chu kỳ hóa trị người bệnh đã hoàn thành, sự đáp ứng điều trị và tác dụng phụ mà người bệnh gặp phải trong quá trình điều trị…
3. Tôi đang điều trị ung thư, vậy có được tiêm vắc xin Covid-19?
Các hướng dẫn thực hành lâm sàng tại châu Âu, Mỹ đều khuyến cáo người bệnh ung thư nên tiêm vắc xin Covid-19 khi có sẵn.
Đối với những bệnh nhân có hệ miễn dịch bị ức chế sau hóa trị, khả năng đáp ứng miễn dịch với vắc xin Covid-19 có thể kém hơn so với dân số chung trong cộng đồng.
Những thành viên trong gia đình, những người chăm sóc bệnh nhân ung thư cũng cần phải được tiêm phòng đầy đủ.
4. Nếu người bệnh ung thư có các triệu chứng sốt, ho, cảm cúm…, nên liên hệ với ai?
Nếu bạn đang trong quá trình điều trị ung thư, bạn nên liên hệ với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn và đặt lịch hẹn tái khám. Nếu bạn đang theo dõi sau điều trị, bạn nên liên hệ với y tế tại địa phương để được hướng dẫn loại trừ khả năng nhiễm Covid-19.
5. Trước khi tái khám khoa hóa trị, tôi cần lưu ý những gì?
Cần liên hệ trước với bệnh viện, khoa phòng hoặc bác sĩ điều trị để được hướng dẫn. Quy trình tiếp nhận, sàng lọc bệnh nhân tại bệnh viện và kế hoạch điều trị của người bệnh có nhiều thay đổi để thích nghi với tình hình diễn biến của dịch.
Tại bệnh viện, người bệnh và người nhà cần có thái độ chủ động phòng chống lây nhiễm như: luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách, không tụ tập nơi đông người, thường xuyên vệ sinh tay bằng nước sát khuẩn.

(Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)