31 thg 7, 2021

Về SPSG - Bài của Thày Nguyễn Duy Linh trên Web mới

 

Trường của chúng tôi là

Tiền thân của trường Sư Phạm Sài Gòn khi xưa chính là trường Sư Phạm Nam Việt, được thành lập năm 1950. Lúc đầu nằm trong khuôn viên trường Đỗ Hữu Vị, gần Chợ Bến Thành, phía sau Bệnh Viện Saigon trên đường Huỳnh Thúc Kháng ( Ngày nay là Trường Kỹ Thuật Cao Thắng ).

Năm 1955 trường Sư Phạm Nam Việt di chuyễn về đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần Thảo Cầm Viên, sau nầy là trường Trung học Võ Trường Toản.

Năm 1956 trường được dời về và sát nhập vào trường Quốc Gia Sư Phạm, trước khi trường nầy được xây dựng mới tọa lạc tại góc đường Thành Thái - Cộng Hòa (nay là An Dương Vương - Nguyễn Văn Cừ).

Trường Quốc Gia Sư Phạm có một cơ sở trực thuộc là trường Sư Phạm Thực Hành - nằm trên đường Trần Bình Trọng.

Trường Sư Phạm Nam Việt lúc bấy giờ tuyển giáo sinh có bằng tiểu học - đào tạo trong thời gian 4 năm. Trong 2 năm đầu học tập dưới dạng tổng quát như bậc trung học. 2 năm kế tiếp học thêm các môn nghiệp vụ như : Sư Phạm Lý Thuyết, Sư Phạm Thực Hành, Tâm Lý Giáo Dục, Quản Trị Học Đường…và thực tập. Cuối năm thứ 4, giáo sinh thi tốt nghiệp lấy Chứng Chỉ Khả Năng Sư Phạm CAP ( Certificate d’ Aptitude Pédagogique ) và thi lấy bằng trung học DEPSI ( Diplôma d’ Éudes Primaire Supénieures Indochinoise ) Tương đương bằng trung học đệ nhất cấp sau nầy.

Trường Quốc Gia Sư Phạm sau nầy đổi tên là trường Sư Phạm Sài Gòn bắt đầu tuyển sinh năm 1955. Giáo sinh phải có bằng trung học Đệ Nhất Cấp và được đào tạo phân ra 2 hệ : học 1 năm ngạch giáo viên tiểu học, học 3 năm ngạch Giáo Học Bổ Túc (Ra trường có thể được bổ nhiệm dạy những lớp đầu cấp của bậc trung học).

Từ năm 1962 trình độ dự tuyển vào trường của giáo sinh được nâng lên cao, phải có bằng Tú Tài phần I, học trong 2 năm. Chương trình đào tạo được cải tiến, học thêm nhiều môn học mới, cụ thể và chuyên sâu hơn trong nghiệp vụ giảng dạy trong lớp, quản trị học đường, giao tiếp cộng đồng…

Trong nổ lực nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên như nhiều nước phát triễn khác, dạy bậc tiểu học cũng phải là người tốt nghiệp ngành Sư Phạm bậc đại học, kể từ năm 1973, trình độ dự tuyển của giáo sinh cũng được nâng lên là phải có bằng Tú Tài phần II, học 2 năm chuẩn bị cho bước đầu đổi tên trường là Cao Đẳng Sư Phạm.

Không chỉ cung cấp cho bậc tiểu học toàn miền nam nhiều giáo viên giỏi,trường Sư Phạm Sài Gòn còn cung cấp cho bậc trung học nhiều giáo viên ưu tú, vì đa số giáo sinh sau khi tốt nghiệp đi dạy học vẫn phấn đấu học thêm ở các trường Đại Học Luật Khoa, Văn Khoa, Khoa Học…

Tính chung từ năm 1962 đến năm 1975 trường Sư Phạm Sài Gòn đào tạo tất cả 13 Khóa. Sau tháng 4-1975 giáo sinh tốt nghiệp vẫn được tiếp tục nhiệm vụ giảng dạy sau khi đã qua khóa bồi dưỡng nghiệp vụ và chính trị.

Kinh qua những năm học dưới mái trường Sư Phạm Sài Gòn, cùng với những khóa bồi dưỡng ngắn hạn về chính trị, nghiệp vụ…Các giáo viên giờ đây đã trưởng thành trong vai trò chủ chốt của ngành giáo dục là giáo viên dạy gỏi, nhà giáo ưu tú…và thành công trong vai trò cấp lãnh đạo của ngành giáo dục quận, huyện, tỉnh, thành…

Gs. Nguyễn Duy Linh

http://suphamsaigon.blogspot.com


SAIGON 1920-1929 - Entrée de l'École Normale d'Instituteurs -
TRƯỜNG SƯ PHẠM, Rue Rousseau nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm
Địa chỉ Số 3 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nơi nầy sau 1954 được chia thành ba phần: trường Trưng Vương (phần bên trái), Võ Trường Toản (phần bên phải) và phần giữa là Nha Tổng Giám Đốc Trung Học (nơi sau này là Nha Khảo Thí, lo về các kỳ thi Trung học và Tú Tài tại miền Nam VN).

Ảnh SPSG hải ngoại hop cách nay 3 năm
Ngồi Thầy Lẹ Thanh Hoàng Dân,Dương Ngoc Sum,Doãn Quốc Sỹ,Nguyễn Duy Linh.



Thở để chống dịch - GS.Trương Nguyện Thành

 Vanvn- Khi tự cách ly trong phòng khách sạn nhỏ ở thành phố Salt Lake vì nhiễm Covid-19, tôi quan sát rất kỹ ảnh hưởng của virus lên sức khỏe của mình.

Đó là tháng 4.2020 ở tiểu bang Utah, Mỹ. Vài ngày đầu, ngoài sốt cao, tôi cảm thấy hơi thở ngày càng khó. Nó đòi hỏi tôi phải ý thức hít mạnh như cơ thể đang đói oxy. Đây là lúc tôi nhận ra, Covid-19 rất khác với các bệnh cảm cúm.

Cổ họng tôi rất rát. Những cơn sốt cao đến và kéo dài. Khi bớt sốt, người tôi cảm thấy mất sức rõ rệt và hơi thở nặng nề hơn. Thêm nữa, những cơn ho có đờm và có độ bám khá lạ. Ở trong phòng một mình, cơ thể yếu đi và tôi cảm thấy lo lắng, nhưng biết rằng sợ hãi không giúp mình kháng bệnh.

Giáo sư Hóa học Trương Nguyện Thành

Là người nghiên cứu khoa học, tôi tự tra cứu thông tin trên mạng về hệ thống hô hấp và cách não bộ con người điều khiển hơi thở. Một khám phá rất đáng ngạc nhiên, đó là dung tích trung bình bình thường mỗi lần hít vào thở ra của một người chỉ 500 mL không khí trong khi dung lượng tối đa mà phổi có thể sử dụng cho việc hít thở là 4.600 mL. Điều này có nghĩa, bình thường chúng ta chỉ sử dụng khoảng 10% chức năng của phổi.

Cái khó là não con người điều tiết hoạt động hít thở một cách tự động theo bản năng bởi hệ thần kinh thực vật. Chúng ta thường không biết khi nào mình hít vào hay thở ra. Do đó, khi virus công phá hệ hô hấp, ta mất dần khả năng sử dụng 10% đó của phổi và không biết phương án nào thay thế.

Nhưng chúng ta còn những 90% chức năng phổi chưa khai thác, tại sao không tìm cách tận dụng chúng để cơ thể biết cách nâng cao khả năng sử dụng phổi? Và nếu có bị Covid công phá hệ hô hấp thì khả năng vượt qua nguy kịch thiếu oxy cao hơn. Đây chính là một trong những mục tiêu của môn thể dục mind-body mà tôi bắt đầu có ý tưởng xây dựng từ lúc ấy.

Từ nền tảng kiến thức về khoa học thần kinh, tâm lý học, khoa học sức khỏe cùng với kinh nghiệm về Yoga, Khí công và Thái cực quyền, tôi bắt đầu kiến tạo những nguyên tắc hoạt động mới cho môn này và dùng chính mình làm thí nghiệm.

Tôi nằm trên giường, dùng tâm trí kiểm soát hơi thở, cố giữ hơi thở sâu và đều. Khi nào ngủ sẽ ngủ, còn khi thức thì kiểm soát hơi thở, hoặc làm một số động tác thể dục nhẹ để máu luân chuyển khắp người.

Hồi còn trẻ, tôi đọc một cuốn sách về Yoga. Trong sách có một câu tôi nhớ mãi: “Ai kiểm soát được hơi thở sẽ kiểm soát được cuộc sống”. Do vậy, tôi không làm gì ngoài việc chăm sóc hơi thở, lắng nghe cơ thể mình khi tự cách ly.

Những ngày sau đó, ho vẫn còn nhưng giảm dần. Sau 10 ngày cách ly, tôi nhận kết quả âm tính và tự lái xe về nhà.

Trở về nhà, tôi tiếp tục nghiên cứu, phát triển phương pháp thở mới, tôi thấy sức khỏe tiến bộ rõ, cơ bắp dẻo dai và mạnh mẽ hơn, tinh thần và giấc ngủ cũng tốt hẳn lên. Sau một năm nghiên cứu và thí nghiệm, kết quả trên cá nhân thật sự ngoài tưởng tượng. Đầu năm 2021, tôi thử nghiệm với hai người bạn lớn tuổi U70, U80 và gần đây với một phụ nữ 36 tuổi, chỉ sau một tháng tập thở mind-body, họ đều thừa nhận sức khỏe tiến triển rất tích cực.

Phương pháp tập thở này dựa trên khoa học thần kinh. Ta dùng ý thức điều khiển hơi thở để tối ưu khả năng sử dụng chức năng của phổi qua việc tăng lượng không khí hít vào, tối ưu khả năng chuyển đổi chất ở phổi và từ đó giúp kích hoạt não bộ tốt hơn do tăng nồng độ oxy lên não. Sự độc đáo thể hiện qua việc hít vào hai lần và thở ra hai lần trong một nhịp thay vì thông thường một lần hít vào và một lần thở ra mỗi nhịp. Phương pháp thở này có thể phối hợp với các động tác di chuyển cơ thể giúp cơ bắp ngày càng dẻo dai, linh hoạt, mạnh mẽ và săn chắc.

Tôi mới chia sẻ trên mạng các video hướng dẫn thở đứng, ngồi và nằm cũng như một số bài thể dục mà mọi người ở mọi lứa tuổi có thể tập tại nhà trong thời gian cách ly xã hội. Khi sức khỏe chúng ta tốt, hệ miễn dịch cũng tốt lên.

Bác sĩ ở Việt Nam đã bắt đầu hướng dẫn F0 và F1 cách thở tại nhà. Với tình hình dịch Covid-19 đang rất phức tạp, bạn có hai lựa chọn trong lúc cách ly xã hội ở nhà: Ngồi chờ ngày chích vaccine nhưng chưa biết khi nào và tập thể dục – đặc biệt tập thở để tăng cường năng lực của phổi, từ đó tăng cường khả năng chống dịch nếu bị nhiễm virus.

Khi nhà nước đang triển khai các phương án nhằm chống Covid-19 lan rộng, tôi cho rằng việc tập trung cải thiện sức khỏe từng cá nhân là một “phương án chống dịch” tích cực, đỡ tốn kém và lành mạnh.

Khi tưởng như không thể làm gì, sống chậm giúp ta nhìn lại những điều thật sự quan trọng với mình và gia đình. Mình không chỉ sống cho mình mà còn cho những người xung quanh.

TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH

Tin Từ Thethao247.vn

 Một người đàn ông Nhật Bản đã giơ cao tấm biển này để chào đón và động viên các VĐV trước khi họ thi đấu tại Olympic Tokyo 2020

Nội dung của tấm biển:
"Chào buổi sáng các vận động viên! Kể cả khi các bạn không giành được huy chương, các bạn vẫn là người tuyệt vời nhất. Hãy tin tưởng vào bản thân mình nhé!"
Không phải tất cả các VĐV tham dự Olympic, ai cũng giành được thành tích tốt nên cử chỉ thân thiện của người đàn ông này chắc chắn sẽ để lại ấn tượng đẹp đối với các VĐV ❤



Tình sử Hồ Xuân Hương -Nguyễn Du tiếp theo

Mừng gặp bạn ở sông Hoàng]

Hồ Xuân Hương

Sứ đoàn từ Phú Xuân đến Thạch Đình sông Hoàng Giang, một cuộc tiếp rước long trọng của quan Tổng Trấn Bắc Thành bấy giờ là Nguyễn Huỳnh Đức và quan Tổng Hiệp Trấn (Phó) Lê Chất. Xe ngựa, lính hầu đi chật đường đưa từ Thạch Đình về dinh Tuyên Vũ. Qua mỗi địa phương đều có bàn hương án quan huyện, trấn tiếp rước… Thời gian Nguyễn Du đi sứ là 12 tháng rưỡi.. Từ Lạng Sơn đến Bắc Kinh, các quan địa phương Trung Quốc chu cấp nơi ăn ở, tiếp rước. Qua cửa Nam Quan đi Quế Lâm đến Võ Xương rồi đến Bắc Kinh. Tôi đã đi lại cuộc hành trình này năm 2009 để dịch toàn bộ các thơ Nguyễn Du trên đường đi sứ, so sánh thời nay và những điều Nguyễn Du mô tả.
Hồ Xuân Hương đã đến sông Hoàng Giang chờ đợi từ nhiều ngày đầu tháng 4 năm Quý Dậu, gặp lại Nguyễn Du sau hai mươi năm từ biệt cũng bến sông này, nơi Thạch Đình từ biệt năm xưa… Nhưng than ôi, Hồ Xuân Hương chỉ trông thấy Nguyễn Du từ xa, nào dám lại cầm tay tâm tình, vì chàng đường đường là một vị Chánh Sứ, quan trên trông xuống, người ta trông vào, muôn cặp mắt phủ, huyện, lính lệ…

Hồ Xuân Hương về nhà viết bài Hoàng giang ngộ hữu hỉ phú; Mừng gặp bạn trên sông Hoàng:

.Từ độ em biết yêu lần đầu, như người con gái tuổi Xuân vừa biết mùa Xuân đầu tiên,
.Mỗi khắc thời gian như vàng em lấy làm quí trọng.
.Đã hò hẹn nhau, lòng em nhớ cả kiếp sống mình.
.Tình đôi ta rất nặng em không quên dù hóa kiếp cả trăm thân.
.Dòng Tô Lịch chưa cạn, đôi ta vẫn còn duyên nợ.
.Sông Vị Hoàng còn đầy những giọt nước mắt ái ân em tiễn đưa chàng ngày nào, nhưng hôm nay chàng là quan Chánh Sứ, bao cặp mắt từ quan đến dân trông vào,
.Em dù nồng ấm hay phai nhạt nào có dám thổ lộ.
.Nhưng lòng son em vẫn thương chàng, mười phân vẹn mười.
*

Mừng gặp bạn ở sông Hoàng.
Nhà xuân từ được bén hơi xuân,
Nửa khắc vàng xem trọng mấy cân.
Trót hẹn nhớ cho đành một kiếp,
Nặng nề quên cả đến trăm thân.
Cạn dòng Tô Thủy còn duyên nợ,
Đầy giọt Hoàng giang những ái ân.
Nồng nhạt mặc dù đâu nhẽ dám,
Tấc son này vẫn thắm mười phân.
Thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương Ký.



Nồng nhạt cam đành đâu dám tỏ,
Vẫn chờ cho hóa đá ngàn năm ,
Ngân Triều
,Ảnh minh họa, Google
*
Bản chữ Nôm Ngân Triều soạn:
𢜠趿伴𣄒滝黄
𣄒春自得𤊰唏春
姅尅鐄䀡重氽釿
㤕𠻷𢘾渚忊殳砝
 泥悁  𦥃𤾓身
𣴓𣳔𥗹水群緣𧴱
𣹓湥黃江仍愛恩
燶𤁕嚜𠱋 洱噉
 𧹪尼吻 𧺀辻分
*
Ngân Triều cảm đề:
Mừng gặp bạn ở sông Hoàng.
Tuổi xuân từ biết đã vương mang,
Mỗi khắc yêu thương quý tợ vàng.
Nguyện ước lòng son ghi cả kiếp,
Thủy chung dù chuyển hóa thân tan.
Dòng Tô chưa cạn, còn duyên nợ…
Nước mắt lâm ly nhớ bến Hoàng...
Nồng nhạt cam đành đâu dám tỏ,
Vẫn chờ mong, hóa đá ngàn năm.
Thủy chung: 始 終tấm lòng yêu thương, trọn vẹn; trước sao, sau vậy; mãi mãi không hề thay đổi.
lâm ly: 啉 离 buồn thảm, thương cảm biết bao.
*


-Chân dung TS Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh, Paris Ve, tác giả 27 bài nghiên cứu "Tình sử HXH-ND"




*Cáo lỗi vì có một số chữ Nôm thành ô vuông do FB không nhận.




Giải mã bí ẩn văn hóa Gò Ba Sao: Hà Văn Thùy (Nghiên Cứu Lịch Sử )

I. Dẫn nhập

Năm 1929, một nông dân vùng Gò Ba Sao thành phố Nam Tinh (南星), huyện Quảng Hán (广汉), khu Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc, trong khi đào giếng đã khám phá một kho lớn các món ngọc bích quý giá. Suốt nhiều năm các nhà khảo cổ Trung Quốc tìm kiếm di chỉ mà không thành công cho đến năm 1986, khi công nhân tình cờ tìm thấy hai hố cúng tế có chứa hàng ngàn vật dụng bằng vàng, đồng, ngọc bích, và các mảnh gốm đã bị đập vỡ, đốt cháy và chôn cất cẩn thận. Các hiện vật bằng đồng được tìm thấy bao gồm các tượng nam giới, chuông, động vật trang trí như rồng, rắn, gà, các loài chim và rìu. Thẻ bài, mặt nạ và thắt lưng là một số hiện vật làm bằng vàng, cùng nhiều vật bằng ngọc bích như thẻ bài, nhẫn, dao và ống. Nổi bật là bức tượng lớn nhất thế giới với kích thước cao 260 cm, nặng 180 kg và một cây bằng đồng với chim, hoa và đồ trang trí (396 cm, nặng 800 kg), mà một số học giả đã xác định là hình tượng của cây phát sinh (fusang) trong thần thoại Trung Quốc. Những hiện vật nổi bật nhất là hàng chục mặt nạ bằng đồng lớn và tượng đầu người (ít nhất là 6 mặt nạ giát vàng) tiêu biểu với khuôn mặt có góc cạnh, đôi mắt hình quả hạnh được phóng đại, với đồng tử nhô ra, vành tai trên lớn. Ngoài ra còn có một số lượng lớn ngà voi và vỏ sò. Các nhà nghiên cứu ngạc nhiên khi tìm thấy một phong cách khác lạ so với nghệ thuật Trung Quốc, mà cơ bản được cho là lịch sử đồ tạo tác của văn minh sông Hoàng Hà.

Mở rộng khảo sát, các nhà khảo cổ phát hiện một thành phố có tường bao quanh, được xây dựng khoảng 1.600 năm TCN. Thành phố cổ có một bức tường dài 2.000 m ở phía đông, phía nam một bức tường 2.000 m, tường phía tây 1.600 m bao quanh diện tích 3,6 km2. Thành phố được xây dựng trên bờ sông Giản Hà (涧河) và một phần của nhánh sông Mamu. Các bức tường có đáy 40 m, bề mặt 20 m, chiều cao từ 8-10 m, được bao quanh bằng hệ thống kênh rộng 25-20 m, sâu 2-3 m. Kênh được sử dụng cho tưới tiêu, vận chuyển nội bộ, phòng thủ và thoát lũ. Thành phố được chia thành vùng công nghiệp và khu dân cư, khu vực tôn giáo xung quanh một trục trung tâm. Dọc theo trục này hầu hết hố chôn cất đã được tìm thấy trên bốn nghĩa trang. Các hội trường có khung gỗ hình chữ nhật, lớn nhất là một hội trường khoảng 200 m2.

Văn hóa Gò Ba Sao được chia thành nhiều giai đoạn. 
Giai đoạn đầu tiên tương ứng với giai đoạn I của di chỉ Bảo Đôn (宝墩). Giai đoạn II-III cùng thời với triều đại nhà Thương. Tuy nhiên nơi đây đã phát triển một phương pháp chế tác đồng khác so với nhà Thương, là ngoài thiếc, đồng được pha thêm chì. Giai đoạn cuối cùng (giai đoạn IV) sáp nhập với các nền văn hóa Ba và Thục. Văn hóa Gò Ba Sao kết thúc, có thể hoặc là do thiên tai (bằng chứng của lũ lụt lớn đã được tìm thấy), hoặc cuộc xâm lược bởi một nền văn hóa khác. Văn hóa Gò Ba Sao ghi dấu một chế độ thần quyền trung ương mạnh với việc buôn đồng từ nhà Ân (Yin) và ngà từ Đông Nam Á. (1)

Nhiều nhà khảo cổ xác định văn hóa Gò Ba Sao liên quan với vương quốc Thục cổ xưa và liên kết các đồ tạo tác được tìm thấy tại các di chỉ thuộc về các vị vua huyền thoại đầu của Thục. Các tài liệu tham khảo về vương quốc Thục có rất ít trong hồ sơ lịch sử của Trung Quốc (được đề cập trong Sử ký và kinh Thư như là một đồng minh của nhà Chu trong việc đánh bại nhà Thương). Nhưng thông tin về các vị vua huyền thoại của Thục có thể được tìm thấy trong biên niên sử địa phương. Theo Hoa Dương quốc chí biên soạn thời nhà Tấn (265-420), vương quốc Thục được thành lập bởi Tàm Tùng (Cancong 蚕 丛). Cancong được mô tả là có mắt lồi, một đặc điểm được tìm thấy trong các văn vật của Gò Ba Sao. Các đối tượng hình mắt khác cũng được tìm thấy, từ đó có thể suy luận về tục thờ mắt trong văn hóa Gò Ba Sao. Các nhà lãnh đạo khác được đề cập trong Hoa Dương quốc chí còn có Bách Quán (Boguan 柏 灌), Ngư Phù (Yufu 鱼 凫), và Đỗ Vũ (Duyu 杜宇). Nhiều tượng cá và chim, gợi ý về totems của Boguan và Yufu (Yufu tên thực sự có nghĩa là chim cốc), và gia tộc của Yufu đã được đề xuất như là một trong nhiều khả năng được liên kết với Gò Ba Sao. Phát hiện gần đây tại Kim Sa cũng được giả định là việc dời đô của vương quốc Thục và là sự tiếp tục của văn hóa Gò Ba Sao.

Phát hiện năm 1986 đã đưa Gò Ba Sao thành di tích hàng đầu của văn hóa Trung Hoa, cho thấy, ở các vùng khác nhau của Trung Quốc có những nền văn hóa độc lập, thách thức quan niệm truyền thống cho rằng nền văn minh Trung Quốc lan tỏa từ đồng bằng trung du sông Hoàng Hà. Các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã bắt đầu nói về “nhiều trung tâm sáng tạo làm nên nền văn minh cổ Trung Hoa.”

Năm 2019, phát hiện thêm sáu hố hiến tế chứa đầy đồ tạo tác nghi lễ. Những đồ tạo tác bằng ngọc được tìm thấy trong các hố hiến tế có kiểu dáng tương tự như những hiện vật được phát hiện ở văn hóa Lương Chử nổi tiếng thuộc tỉnh Chiết Giang cách đấy gần 2.000 km về phía đông. Lượng lớn vỏ sò, một hình thức tiền tệ vào thời điểm đó, lấp đầy các hố, được cho là có nguồn gốc từ Nam Á. Điều này một lần nữa lôi kéo sự chú ý của công luận đối với Sanxingdui. (2)

Số lượng khổng lồ ngà voi bên trong hố hiến tế là một trong những đặc điểm khác thường nhất của Sanxingdui. Trong hố số 3, hơn 100 chiếc ngà đã được khai quật. Các hố mới đã tạo ra một số phát hiện đáng kinh ngạc, bao gồm một mặt nạ đồng khổng lồ rộng hơn một mét – một trong những hiện vật lớn nhất của loại hình này từng được tìm thấy. Trong văn hóa Sanxingdui con số 3 có vai trò quan trọng: Hiện vật trong hố tế lễ được chia thành ba lớp. Bức tượng khổng lồ bằng đồng trên cây không có mái che ở Hố 2 có 3 tầng, mỗi tầng có 3 nhánh, với tổng số 9 con chim thiêng ngự giữa chúng. Số lượng nhiều loại hiện vật khác được tìm thấy bên trong hố là bội số của 3.

Việc thiếu các tài liệu thành văn bên trong các hố tế lễ đã khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên. Với sự tinh vi rõ ràng của Sanxingdui và giao thương với các vương quốc Trung Quốc khác, việc không có chữ viết nào được tìm thấy là điều đáng chú ý.

Do không xác định được chủ nhân của di chỉ qua hình thái sọ hay giải trình tự DNA cùng với hồ sơ lịch sử sơ sài đã tạo điều kiện cho các giả thuyết thần bí Sanxingdui. Trong nhiều năm, một thuyết âm mưu cho rằng địa điểm này là tàn tích của một nền văn minh ngoài hành tinh đã lan truyền ở Trung Quốc. Theo đó, người ngoài hành tinh đã đến Trái đất hơn 5.000 năm trước và xây dựng một chuỗi các khu định cư dọc theo vĩ tuyến 30 về phía bắc. Điều này dẫn đến việc tạo ra các kim tự tháp Ai Cập, Vườn treo Babylon, nền văn minh Maya, cũng như thành phố đã mất ở tỉnh Tứ Xuyên. Những người ngoài hành tinh sau đó đã rời khỏi hành tinh thông qua một hố sâu ở Bermuda. Mặc dù xác định niên đại bằng carbon cho thấy các hố hiến tế được tạo ra 2.000 năm sau khi người ngoài hành tinh được cho là tới Trái đất, nhưng giả thuyết về người ngoài hành tinh đã thu hút được sự quan tâm đáng kể trên Internet Trung Quốc. Các tác phẩm điêu khắc Sanxingdui nhấn mạnh đôi mắt của đối tượng theo cách tương tự như các hiện vật được tìm thấy ở Ai Cập cổ đại. Trong khi đó, ngà voi và chùy vàng được tìm thấy trong các hố tế lễ, có một số đặc điểm với các di tích Trung Đông. Từ đó dẫn tới giả thuyết về mối liên hệ với Ai Cập và Trung Đông của Sanxingdui.

II. Giải mã bí mật Gò Ba Sao.


Để hiểu một nền văn hóa, điều quan trọng nhất là phải xác định được chủ chân nền văn hóa đó. Đáng tiếc là cho đến nay chưa có báo cáo nào về nhân chủng của dân cư Sanxingdui. Do vậy, chủ nhân của nền văn hóa này vẫn chỉ là đồn đoán mang ít nhiều dáng dấp của thuyết âm mưu.

Từ khảo cứu trong nhiều năm qua về lịch sử hình thành dân cư Đông Á, chúng tôi biết rằng, cũng như dân cư Trung Quốc, người Ba Thục Tứ Xuyên là người Indonesian (Lạc Việt) từ Việt Nam đi lên. Trong môi trường địa phương, hình thành nhánh Tày-Thái. Muộn nhất là khoảng 40.000 năm trước, người Việt cổ đã từng săn bắn hái lượm ở đây. Khoảng 5000 năm trước, Ba Thục trở thành trung tâm văn hóa nông nghiệp phát triển, trồng lúa, kê, nuôi gà, chó, lợn, trâu bò. Khoảng 2879 TCN, trên đất Đông Á xuất hiện ba nhà nước cổ: Xích Quỷ-Văn Lang ở lưu vực Dương Tử. Nhà nước của Đế Lai ở lưu vực Hoàng Hà. Nhà nước Ba Thục của Tàm Tùng thuộc vùng Tứ Xuyên. Vào cuối Thời đá mới, khoảng 4000 năm trước, cũng như đại bộ phận dân cư Trung Quốc, người Ba Thục chuyển hóa di truyền từ loại hình Việt cổ Australoid sang người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam. Do sống trên địa bàn rừng núi và bồn địa chia cắt, người Ba Thục hình thành bản sắc văn hóa riêng. Có thể, do vị vua thần Tàm Tùng có đặc điểm với đôi mắt lồi nên nẩy sinh tín ngưỡng thờ mắt (Nhãn thần), đề cao uy lực của đôi mắt trong việc chống lại thiên nhiên hùng vĩ bằng cách tạo ra đôi mắt xếch mang tính đe dọa cùng mãnh lực của cái nhìn bằng đồng tử lồi ra ngoài. Người Ba Thục liên hệ với Trung Nguyên, từng hợp sức với nhà chu chống lại nhà Thương. Trong khi đó cũng gần gũi với dân Nam Dương Tử. Đồ đồng Ba Thục được pha thêm chì giống với đồ đồng Việt Nam và Nam Dương Tử, trong khi đồ đồng Trung Nguyên của nhà Thương chỉ có hai thành phần là đồng và thiếc. Việc cho rằng văn hóa Sanxingdui hoàn toàn khác biệt với phần còn lại của Đông Á là không đúng với sự thật.



So sánh hiện vật cho thấy, tượng đầu người Sanxingdui rất giống với thao thiết của văn hóa Lương Chử, nhiều mẫu ngọc của Sanxingdui giống với ngọc của Lương Chử, Thạch Gia Hà. Nha chương (thẻ bài) Sanxingdui rất giống thẻ bài Việt Nam. Việc có nhiều ngà voi tại Sanxingdui là dễ hiểu vì có thể đất của vương triều Thục xuống tới địa phận nước Lào và Thái Lan hiện nay, nơi có nhiều voi châu Á. Vỏ sò có thể nhận từ Việt Nam và Nam Dương Tử.

III. Kết luận.


Không phải trên trời xuống, cũng không phải du nhập từ Ai Cập hay châu Mỹ, chủ nhân văn hóa Sanxingdui là người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên. Có thể suy đoán rằng, lịch sử quốc gia Ba Thục bắt đầu từ vị vua thần Tàm Tùng khoảng 5000 năm trước (cùng thời với Thần Nông trong văn hóa Lương Chử) trải qua thời đại của Bách Quán (Boguan 柏 灌), Ngư Phù (Yufu 鱼 凫), Đỗ Vũ (Duyu 杜宇) và cuối cùng là gia tộc Khai Minh, kết thúc năm 316 TCN do cuộc xâm lăng của nhà Tần. Tránh họa diệt vong, hậu duệ của dòng họ Khai Minh là Thục Chế, Thục Phán trở về quê cũ Việt Nam, cùng người Việt chống quân Tần rồi lập nước Âu Lạc, xây dựng thành Cổ Loa theo hình tượng tòa thành cũ Sanxingdui. Gò Ba Sao là một trong ba nền văn hóa bản địa của người Việt hình thành trên địa bàn Đông Á. Việc phát hiện văn hóa Sanxingdui cho thấy trong lịch sử, người Việt ở Đông Á đã sáng tạo những nền văn hóa rực rỡ.

Sài Gòn, 22.7.2021


Tài liệu tham khảo.

Sanxingdui. http://en.wikipedia.org/wiki/Sanxingdui
Wu Haiyun and Ye Ruolin. The Mysterious Ancient City That’s Rewriting Chinese History http://www.sixthtone.com/news/1007903/The%20Mysterious%20Ancient%20City%20That%E2%80%99s%20Rewriting%20Chinese%20History/





Xem Thêm :

30 thg 7, 2021

NGÀY XƯA LÚC T CÒN BÉ. - Thơ Hà Thu Thùy

NGÀY XƯA LÚC T CÒN BÉ.
**THƠ TẶNG SUMO

Tinh mơ chạy lên đồi
Cỏ cây vừa thức giấc
Trời cao xanh vời vợi
Sương ngàn giọt giăng giăng.
*Hái sương về tặng ông
Đính lên hoa trong vườn
Hoa được giọt sương trong
Rủ bướm về bay lượn.
*Nhặt nắng về cho bà
Phơi nong cau vừa bỗ
Khô trăng tròn bánh đa
Hong đụn rơm óng ả.
*Rủ gió về tặng bố
Dịu cơn nóng trưa hè
Mát đường về xa tắp
Nhẹ hơn những vòng xe.
*Gom ráng chiều cho mẹ
Phủ lên khói bếp nồng
Bay vương vấn hàng tre
Thơm mùi cơm lúa đồng.
Hà Thu Thủy

GIÁM ĐỐC, NHÀ VĂN VÀ CHÓ CẢNH

GIÁM ĐỐC, NHÀ VĂN VÀ CHÓ CẢNH


Kiều Trọng Kha (TQ) Vũ Phong Tạo dịch


 
           Trong những nhà văn ở trong cái thành phố nhỏ này, không có ai lại may mắn, vận đỏ bằng tôi, tôi cho rằng như vậy.
Mỗi tháng, ngoài tiền nhuận bút trên ngàn đồng (1 nhân dân tệ tương đương 3.000 VNĐ-ND), tôi còn kiếm được một “công tác đẹp tuyệt”: Dắt chó cảnh đi dạo cùng  ông Trần, Giám đốc Công ty Thành Đông.
Giám đốc Trần của công ty Thành Đông, có thể nói là “Đại gia đặc biệt” ở thành phố nhỏ bé này.
Ông ấy đã từng nói với tôi rằng: “Lợi nhuận mỗi ngày của Công ty có thừa khả năng nuôi sống một năm tất cả những nhà văn chúng tôi trong toàn thành phố!”
Sở dĩ tôi coi đây là một “công tác đẹp tuyệt”, là bởi vì công việc này quá ư nhẹ nhàng – 6 giờ chiều hàng ngày đến cổng công ty chờ đón giám đốc Trần, rồi sau đó dắt “chó cảnh của ông chủ”, cùng ông chủ đi tản bộ trong công viên, trong thời gian khoảng một tiếng đồng hồ, ông giám đốc Trần dắt chó quay trở về “Phủ giám đốc”, thì tôi cũng hết ca làm việc. Về tiền bồi dưỡng, mỗi lần ông xuất công quỹ 100 tệ trả cho tôi - Cuối  tháng thư ký của ông ấy sẽ mang tiền đến tận nhà tôi.
Cuối tháng, thư ký của giám đốc Trần quả thật mang một sấp tiền giấy một trăm đồng đỏ au đến nhà tôi, tôi sướng quá vội hô toáng lên như muốn kể khổ: “Viết văn thật không đáng giá - Nhọc xác đau đầu không nói làm gì, nhuận bút còn thấp tè tè…”
Ngay lập tức câu nói của vợ tôi lại như gai đâm vào lưng, vui mừng không nổi nữa: “Lớn bé anh cũng là một văn nhân, trong công viên dắt chó theo hầu ông giám đốc Trần giải sầu, nếu như gặp những bạn nhà văn của anh, thì liệu có lúng túng như gà mắc tóc không! Hay là…”
Mỗi ngày thiếu đi khoản thu nhập một trăm đồng, đối với gia đình thu nhập thấp như chúng tôi phải nói là ảnh hưởng rất lớn. Nhằm thuyết phục vợ, tôi nghĩ ra biện pháp bắn một mũi tên trúng hai đích, vẹn cả đôi đường.
Tôi dùng tháng lương đầu tiên mà giám đốc Trần cấp cho tôi, ra chợ thú cảnh mua lấy một con chó cảnh nhỏ, đương nhiên tuyệt đối không thể so sánh được với chú  chó cảnh quý phái của ông giám đốc Trần.
Chiều tối hàng ngày, trong công viên, mọi người vẫn thường nhìn thấy hai người dắt chó với thân hình khác nhau một trời một vực: Một vị cao gầy lênh khênh đeo kính trắng, một vị thân hình phốp pháp mặt to tai lớn.
Mọi người trong công viên đều nói rằng: Hai chúng tôi là chủ nhân chân thành nhất của thú cảnh, tình yêu động vật thật đáng ca ngợi.

Nghe họ nói vậy, tôi sung sướng râm ran khắp cả thể xác và tâm hồn.
Ngay lập tức một câu nói của giám đốc Trần lại đánh gục tôi trở về với “Mười      tám tầng địa ngục”.

Ông ta nói với thư ký đi sau lưng rằng: “Nhà văn cũng thật khó khăn, từ ngày mai trở đi, chế độ đãi ngộ cho anh ta cặp kè với tôi, mỗi ngày nâng lên 150 đồng, cao bằng tiền ăn của “Bá Bá”!(*)

(*): Bá Bá là tên con chó cảnh của giám đốc Trần.

 
Nhà văn-Nhà giáo Kiều Trọng Kha, sinh năm 1970, tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ ngôn Văn học Hán ngữ Trường Đại học Sư phạm Sơn Đông, bút danh Cửu Sơn Nhu Tử, nam, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học Quách Lý, thành phố Trâu Thành, tỉnh Sơn Đông, Hội viên Hội Nhà văn thành phố Trâu Thành, Hội viên Hội Nhà văn viết truyện cực ngắn thành phố Trịnh Châu.
Đã công bố trên 200 tác phẩm các thể loại, đăng rải rác trên 70 loại báo, tạp chí văn học “Văn học Trung Quốc”, “Truyện cực ngắn chọn lọc”, “Truyện mini chọn lọc”,  “Văn nghệ Phật Sơn”, “Đại thế giới truyện cực ngắn”, v.v…
Có trên 40 tác phẩm được chọn in trong 30 loại tuyển tập “300 truyện mini Trung Quốc”, “Truyện cực ngắn tinh tuyển”, “Truyện cực ngắn hay năm 2006”, “Truyện cực ngắn Trung Quốc tinh tuyển năm 2008”, v.v…
Tác phẩm “Giám đốc, Nhà văn và chó cảnh” của Kiều Trọng Kha, là một trong những truyện con kiến được giải thưởng, được chọn in trên tạp chí điện tử “Đọc truyện cực ngắn” (
www.xiaoxiaoshuo.com), ngày 25-8-2010.




Tranh biếm họa trên mạng



Angela Merkel - Đàn bà dễ có mấy tay

 

Tuần lễ cuối tháng ba đầu tháng tư vừa rồi, Tập Cận Bình, Chủ tịch Tàu cộng đến thăm ba nước Pháp, Đức, Bỉ.
Paris là điểm dừng chân đầu tiên. Ông giành ưu tiên này cho Pháp quốc bởi cách đây tròn 50 năm, tháng Giêng năm 1964, tổng thống Pháp, tướng Charles De Gaule là nguyên thủ phương Tây đầu tiên ban ân huệ cho Mao, công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Để tỏ lòng hiếu khách, Pháp không những trải thảm đỏ tận chân cầu thang máy bay, mà còn trải lòng ra đón. Yến tiệc xa hoa chưa từng có tại lâu đài Versailles nguy nga. Buổi hòa nhạc Trung Hoa tại nhà hát Opera. Dạ tiệc, khiêu vũ lu bù trong cung điện Roi-Soleil tráng lệ. Champagne trào bọt trắng lòa với những hợp đồng chục tỷ Euro.
Khác hẳn Pháp, người Đức đón Tập không ồn ào, xa xỉ, nhưng cũng vẫn giành được những hợp đồng không thua kém. Đặc biệt là bà Thủ tướng Angela Merkel đã ghi hai bàn thắng ngoạn mục, mà vẫn giữ đúng những nghi lễ ngoại giao.

Bàn thắng thứ nhất: Tập muốn sử dụng chuyến thăm Đức để gây một sức ép, buộc Nhật phải thừa nhận những tội lỗi đã gây ra cho Tàu cộng trong Thế chiến II. Để thực hiện ý đồ này, Tập khéo léo mời bà Angela Merkel cùng đến thăm đài tưởng niệm nạn nhân chiến tranh Holocaust. Bà Merkel khôn ngoan nhận ra ngay ý đồ. Bà đáp: “Ngài có thể đi một mình vào lúc rảnh rỗi”. Bà không dại gì tham dự vào vòng xoáy ma quái của những cuộc chơi do Tập bày ra. Bị từ chối thẳng thừng, Tập cười lịch sự, nhưng trong lòng hẳn cay đắng lắm.

Bàn thắng thứ hai: Trong bữa ăn tối chia tay, ở mục tặng quà lưu niệm, bà Merkel tặng Tập một tấm bản đồ Trung Hoa cổ, do nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon vẽ vào năm 1735, dựa trên những khảo sát địa lý của các nhà truyền giáo Dòng Tên, và được xuất bản tại Đức vài năm sau đó.
Tập cầm quà trong tâm trạng nửa cười nửa mếu. Trên tấm bản đồ có ghi “China Proper” (Trung Quốc chính thức) trong đó không có Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Điếu Ngư, hay biển Đông. Riêng đảo Đài Loan và Hải Nam được vẽ bằng một màu khác, ngụ ý rằng hai hòn đảo này chưa thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của nhà Thanh lúc đó.
Những nội dung trên tấm bản đồ này lại trái ngược với quan điểm chính thức của chính quyền do Tập đang điều hành. Theo họ thì Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng, Đài Loan, Điếu Ngư, và biển Đông là “lãnh thổ lịch sử không thể chối cãi của Trung Quốc”.
Hơn nữa, những chi tiết trên bản đồ lại gợi ra bao vấn đề. Bản đồ được vẽ năm 1735 là năm Hoàng Đế Càn Long trị vì. Ông là một nhân vật kiệt xuất nhất trong triều đại nhà Thanh, mà vẫn chưa thể kiểm soát nổi những vùng miền nói trên thế thì làm sao có thể gọi là “lãnh thổ lịch sử từ thời cổ đại”, “không thể tách rời”, “không thể chối cãi”.
Tổng thống Pháp François Hollande tiếp Tập lịch sự đến mức ông không dám nhắc đến chuyện “nhân quyền” mà Tập vốn ghét cay ghét đắng. Còn bà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chẳng ngại ngùng đánh thẳng vào lòng kiêu hãnh bành trướng không phải của riêng Tập mà cả dân tộc Đại Hán.
Báo chí phương Tây gọi món quà bản đồ là “cú tát tai của Merkel” có lẽ cũng không ngoa!
Quả là:


“Đàn bà dễ có mấy tay,
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan?”


H.Phi chuyển

PHÔI PHA - Thơ Nguyễn Cang và Bài Họa Của vkp phượng tím

 PHÔI PHA

Vạt nắng ban mai rạng sắc tươi
Còn đâu rộn rã tiếng ai cười
Người đi bỏ lại tình trăn trở
Tha thiết một thời hỏi có vui
Gió cuốn bèo trôi lạc bến rồi
Câu thề nguyện ước cũng xa xôi
Tình yêu đã nhạt theo màu nắng
Héo hắt trong tôi cả một đời !

Nguyễn Cang ( July 29, 2021)

Bài Họa của vkp/phượng tím
Thương Lắm Saigon ơi
Saigon nay đã hết xinh tươi
Hòn Ngọc Viễn Đông vắng tiếng cười
Vũ Hán Cô Vi gieo đại dịch
Việt Nam đất mẹ chẳng còn vui
Bao ngày cấm túc sắp qua rồi
Cứu giúp nhau viên thuốc gói xôi
Tương ái tương thân tình nghĩa trọng
Giảm đi đau khổ... nhớ ơn đời!!!
Saigon Tháng 7/2021 - VKP phượng tím

NGƯỜI PHỤ NỮ ĐÃ CỨU TRẺ EM NƯỚC MỸ THOÁT KHỎI THẢM HOẠ THALIDOMIDE: TS. FRANCES OLDHAM KELSEY

Từ FB.Trần Tịnh Hiền

 Ngày 7-8-2015 BS. Kelsey từ trần hưởng thọ 101 tuổi, chỉ 24 giờ sau khi được trao tặng Huân Chương Canada, huân chương cao quý thứ hai của nước này, vì đã chống lại thuốc Thalidomide.

Ngược dòng thời gian, 1960 BS Kelsey được US-FDA tuyển mộ vào nhóm 7 BS làm toàn thời gian và 4 BS trẻ làm bán thời gian để thẩm định hồ sơ thuốc cho FDA. Hồ sơ đầu tiên mà nhóm phải thẩm định là từ Cty Richardson-Merrell với sản phẩm THALIOMIDE (Kevadon). Thalidomide là thuốc giảm đau và an thần, được chỉ định đặc biệt cho phụ nữ có thai để chống “ốm nghén” (morning sickness). Mặc dù đã được Canada và hơn 20 quốc gia châu Âu và Châu Phi chấp nhận BS Kelsey vẫn chưa cấp phép sử dụng tại Hoa Kỳ với lý do chưa đủ số liệu về an toàn. Dưới áp lực của công ty dược phẩm bà vẫn cương quyết đòi thêm dữ liệu với lý do có một nghiên cứu ở Anh Quốc cho thấy nó làm viêm dây thần kinh ngoại biên. Ngoài ra bà đòi hỏi chứng minh an toàn cho thai nhi.
Thalidomide được lưu hành ở Tây Đức từ 1957 là thuốc không cần toa BS (on the counter) và được cho là an toàn cho thai kỳ. Vào thời kỳ đó các nhà khoa học chỉ tìm hiểu tác dụng gây quái thai trên súc vật thí nghiệm và nghĩ rằng thuốc không qua màng nhau được. Cuối năm 1959 thì có các báo cáo cho thấy có liên quan đến các trường hợp quái thai, sanh ra từ các bà mẹ sử dung thalidomide! Mức độ trầm trọng của tác dụng phụ này tuỳ thuộc vào ngày mà các bà mẹ sử dụng thuốc: vào ngày 20 sau khi thụ thai sẽ gây tổn thương não bộ, ngày 21 gây hư mắt, ngày 22 hư tai, ngày 28 thì mất tay chân... Qua năm 1961 thì thalidomide bị thu hồi nhưng đã quá muộn! Có khoảng từ 10,000 -20,000 thai nhi đã bị ảnh hưởng trong đó 40% tử vong ngay sau khi sanh và những trẻ sống sót bị dị tật ở tay chân, mắt, tim hay đường tiểu.
Tại Hoa Kỳ do sự cương quyết của BS Kelsey Thalidomide không được cấp phép, nhưng cũng đã có 17 trẻ dị tật bẩm sinh đã được sanh ra từ các bà mẹ đã tham gia vào một thử nghiêm lâm sàng. Cty Richardson-Merrell đã nộp hồ sơ yêu cầu xét duyệt 6 lần, nhưng BS Kelsey vẫn từ chối 6 lần!
BS Kelsey được tuyên dương như một nữ anh hùng đã giúp Mỹ thoát khỏi thảm hoạ Thalidomide có thể với hàng chục ngàn trẻ em dị tật, nếu thuốc được chấp nhận sớm. Ngày 7-8-1962 bà được trao tặng Huân Chương của Tổng Thống Hoa Kỳ tặng cho người cống hiến xuất sắc cho dịch vụ dân sinh (President's Award for Distinguished Federal Civilian Service) do Tổng Thống John F Kennedy trao tặng; và là người phụ nữ Hoa Kỳ thứ hai được huân chương này. Sau này bà còn được tưởng thưởng nhiều huân, huy chương danh giá khác cho sự cống hiến của bà. Với sự kiện này Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua với 100% thượng nghị sĩ & dân biểu Tu chính án Kefauver Harris Amendment về “đánh giá tác dụng thuốc” vào 1962 để FDA áp dụng. Sau 40 năm phục vụ BS Kelsey nghỉ hưu vào năm 2010 và FDA đã thành lập một phần thưởng mang tên bà - Kelsey’s Award - để tưởng thưởng cho nhân viên hoạt động tốt của cơ quan này...
- Một bài học để đời cho các nhà nghiên cứu, sản xuất thuốc và cho cả những người có thẩm quyền xét duyệt.
- Những quy định đã được xây dựng về nghiên cứu và phê duyệt thuốc mới (bao gồm cả vaccine) là những bài học đầy xương máu với nghĩa chính xác nhất của từ, của những người đi trước nên đừng bỏ đi...
- “Cứu cánh” hay “phương tiện” đều phải có đạo đức như nhau...
Ai sẽ là Frances Kelsey của Việt Nam?

29 thg 7, 2021

Qua Mấy Đồi Hoa Vàng - Thơ Sông Trăng



Qua Mấy Đồi Hoa Vàng
Trắng xóa mây đùn con dốc thênh thang
Trời xanh trong veo đồi hoa trãi vàng
Theo bước chân ngày vầng dương rực rỡ
Hoa cúc tươi cười ngậm giọt sương tan
Đôi chim tung tăng vui đùa trong nắng
Dắt tay em qua mấy đồi hoa vàng
Em đi bên anh rộn ràng hơi thở
Hương thời gian trôi mênh mang mênh mang
Trên đỉnh dốc, lòng vui niềm hoan lạc
Dưới chân đồi, cỏ biếc vang ca
Gió đuổi gió mây theo mây ngào ngạt
Sóng tình cuồn cuộn, ngày phôi pha…
Anh đưa em qua mấy đồi hoa vàng
Lắng nghe đất trời rộn rã xênh xang
Tình yêu chắp cánh rạng ngời sắc thắm
Níu giữ đời nhau hạnh phúc dịu dàng…

Sông Trăng