30 thg 11, 2020

GEORGIA DOUGLAS JOHNSON: Common Dust – Bụi Trần (Lưu Na chuyển ngữ)

 

                                                     Vạc bay – Tranh: Mai Tâm

(Giữa tang tóc của đại dịch, giữa hỗn loạn xã hội vì chuyện kỳ thị sắc tộc, và nỗi buồn mất mẹ, bài thơ COMMON DUST như một lời nhắc nhở cái đồng đẳng của thân phận con người: tất cả chúng ta đều là cát bụi, rồi sẽ về cát bụi.  Bài thơ như nhắn nhủ chúng ta hãy làm hòa với nhau và làm hòa với chính mình. LN).

Common Dust

BY GEORGIA DOUGLAS JOHNSON

And who shall separate the dust

What later we shall be:

Whose keen discerning eye will scan

And solve the mystery?

 

The high, the low, the rich, the poor,

The black, the white, the red,

And all the chromatique between,

Of whom shall it be said:

 Here lies the dust of Africa;

Here are the sons of Rome;

Here lies the one unlabelled,

The world at large his home!

 Can one then separate the dust?

Will mankind lie apart,

When life has settled back again

The same as from the start?

Bụi Trần

Lưu Na chuyển dịch           

 Ai  người phân cát bụi

Khi tất cả sẽ là

Mắt nào rọi mê muội

Bí mật cõi ta bà

 Đâu giàu nghèo quí tiện

Đâu đen trắng đỏ vàng

Hay thân phận làng nhàng

Vẫn một lời sẽ phán:

 

Tro  Phi châu áp bức

Cốt La Mã kiêu hùng

Xương vô danh tiểu tốt

Đều mộ đất khôn cùng

 

Ai rồi phân cái bụi

Nhân loại có chia mầu

Khi rã tàn hơi thở

Về lại thuở ban đầu

Lưu Na


 

Ngộ Không Phi Ngọc Hùng : Chữ nghĩa làng văn (01/10/2020 )

Danh nhân miền Nam gốc Minh Hương

Trong lịch sử khẩn hoang ở miền Nam, sự đóng góp của người Minh hương từ xưa đến nay về lịch sử và văn hóa thật là to lớn. Bao nhiêu danh nhân Việt nam trong lịch sử là có gốc Minh hương, từ Trịnh Hoài Đức, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Châu Văn Tiếp, Phan Thanh Giản, v…v… đến những nhân vật có tên tuổi trong văn hóa nghệ thuật gần đây như Hồ Dzếnh, Trịnh Công Sơn, Vương Hồng Sển, v…v… Họ đã hòa nhập thành người Việt.

(Vài nét về lịch sử người Minh Hương – Nguyễn Đức Hiệp)

Câu đối thợ nhuộm


“Xuất đối dị, dị đối nan” hiểu theo nghĩa là “ra đối dễ, đối lại khó” . Tuy nhiên một đôi khi lại ngược lại “xuất đối dị, dị đối…dị” như vợ khóc chồng là thợ nhuộm:

Thiếp từ khi lá thắm duyên xe, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ

Chàng ở suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh

Câu phúng trên do cụ Nguyễn Khuyến viết cho chị hàng xóm khóc chồng, có đủ mầu sắc của nhà thợ nhuộm: thắm, tía, đen, điều, đỏ, vàng, hồng, trắng, tím, xanh…

(Nguyễn Kiến Thiết – báo Thời Báo)


Giai thoại làng văn xóm chữ


@

Chữ “@” trong địa chỉ điện thư từ tiếng Anh là “at” là “ở”.

Người Việt gọi nó là “con còng”

Người Đức gọi nó là “chữ A đuôi khỉ”..

Người Phần Lan gọi nó là “chữ A đuôi mèo”.

Người Ba Lan gọi nó là “chữ A con khỉ con”

Người Ý gọi nó là “con ốc”

Người Na Uy gọi nó là “chữ A đuôi heo”

Người Hung Gia Lợi gọi nó là “con sâu”

(Trà Lũ – báo Văn Nghệ Tiền Phong)


Bánh chưng, bánh tét


Người miền Nam gọi bánh chưng là bánh tét, chữ bánh tét là tiếng đọc trạnh kiểu miền nam của bánh tết. Và nhân đây xin thanh toán một “ngộ nhận văn hóa”. Thoạt kỳ thủy, bánh chưng không được gói vuông như bây giờ mà gói tròn như bánh trong Nam, gọi là đòn bánh tét là hoàn toàn chính xác. Ngay giờ đây, xin các bạn chỉ quá bộ sang Cổ Loa, Đông Anh ngoại thành Hà Nội thôi, vẫn thấy người cố đô Cổ Loa gói bánh chưng như đòn bánh tét và vẫn gọi nó là bánh chưng, thảng hoặc mới gói thêm bánh chưng vuông.

Thế cho nên, cái triết lý gán bánh chưng vuông tượng Đất, bánh dầy tròn tượng Trời là một “ngộ sự văn hóa”. Trời tròn đất vuông là một triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập vào triết lý Việt Nam. Đó không phải là triết lý dân gian Việt Nam. Nó không phải là Folklore (nguyên nghĩa: trí tuệ dân gian) mà là Fakelore (trí tuệ giả dân gian).
Bánh chưng tròn dài tượng dương vật, như cái chày, cói nô. Bánh dầy tròn dẹt tựa âm vật, như cái cối, cái nường.
Đó là tín ngưỡng và triết lý nô-nường-chày-cối chưng dầy của dân gian, của tín ngưỡng phồn thực dân gian. Ngay như khi đã gói bánh chưng vuông, dân gian ngày trước vẫn có tục lệ buộc hay ấp hai chiếc bánh một sấp, một ngửa đặt trên bàn thờ và khi biếu họ hàng khách khứa ngày trước dân gian cũng giữ tục biếu một cặp bánh chưng (cũng như trước đây bao giờ dân ta cũng mua một đôi chiếu) chứ không bao giờ tặng một chiếc bánh chưng (cũng như không bao giờ mua một chiếc chiếu).

Nhân tiện nói thêm: việc mua hay chặt cây mía cả gốc cả ngọn đặt bên bàn thờ với giải thích hữu thức ngày sau đó là “gậy chống của ông vải” về nguyên thủy cũng thuộc về tín ngưỡng phồn thực.

(Trong cõi – Trần Quốc Vượng)


Họ và tên


Nghiên cứu tất cả hệ thống tên họ các dân tộc trên thế giới cho thấy người Việt có lẽ là một dân tộc đầu tiên, cùng với người Trung Hoa và Đại Hàn, có một hệ thống tên họ đơn giản và hợp lý nhất. Người Nhật mãi đến năm 1872 mới được quyền có họ, trước đó chỉ có các ngài đại-danh (samourais) là có đặc quyền đó. Theo lịch sử Trung quốc, việc đặt họ tên bắt đầu từ năm 2852 trước Công nguyên, khi vua Phục Hi ra lệnh bắt dân chúng phải có một “gia tính” hay “tộc tính” để phân biệt các hệ phái gia đình và định phép tắc hôn nhân. Đến thế kỷ thứ V trước Công nguyên ở Trung quốc đã có hai loại “gia tính” được dùng: “tính” là “họ gốc”, do cha truyền con nối hoặc do vua ban, và dành cho nam giới; “thị” là “họ cành”, tức tên đặt khi mới sanh dùng cho cả nam lẫn nữ. Giới quý tộc vừa có Tính vừa có Thị, dân giả thì chỉ có tính. Từ đó phát xuất thành ngữ “bá tính” hoặc “bách tính”. Con trai đàn ông xưng “thị” để phân biệt sang hèn, phụ nữ xưng “tính” để phân biệt hôn nhân.

(Văn hóa người Việt qua tên họ – Nguyễn Vy Khanh)


Phúc biến hoá thành phước

Phúc và phước lại là đồng nghĩa dị âm. Chính âm là phúc. Biến âm thành phước. Vấn đề đặt ra: sự biến âm ấy diễn ra từ bao giờ? Vì sao? Đâu là giới hạn?

Mọi người đều biết rằng hiện tượng “viết chệch, đọc lệch” từng xuất hiện trong lịch sử do kiêng húy. Chữ phúc bị kiêng, thoạt tiên từ thời Tây Sơn. Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng (1797 – 1864) có đoạn: “Xã tôi xưa gọi là Long Phúc, vì Nguyễn Huệ có tên giả là Phúc, nên đổi gọi là Long Phú”.

Vậy là Phúc biến thành Phú, tức thay hẳn cả chữ lẫn nghĩa.

Còn Phúc biến thành Phước thì giữ nguyên chữ nghĩa, chỉ đổi âm, thực sự phổ biến kể từ năm Quý Mùi 1883 – thời điểm công tử Ưng Đăng lên ngôi vua, chọn niên hiệu Kiến Phúc.Từ đấy hoàng thân quốc thích đến quan quân lẫn thứ dân thảy đều gọi kiêng. Dòng họ Nguyễn Phúc được đọc trại ra Nguyễn Phước.

Đại học và Cao đẳng

Nền giáo dục phổ thông Pháp-Việt là hễ có bằng Tú Tài Toàn Phần thì đương nhiên được vào học các trường Đại Học (Université) (1), nhưng muốn vào các trường Cao Đẳng thì phải qua một kỳ thi tuyển rất khó. Trước 1945, Việt Nam chỉ có một trường Đại Học và vài trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp ở Hà Nội như Sư Phạm, Canh Nông, Thú Y, Công Chánh và Mỹ Thuật.

(1) Chữ “faculté” thường được dịch là ” khoa”. Nhưng trong tổ chức đại học (université) của Pháp thì faculté thực sự là một trường đại học, còn université là viện đại học. Trong qui chế đại học Pháp “faculté” cao hơn “école supérieure” (trường cao đẳng) vì faculté đào tạo và cấp học vị tiến sĩ (docteur).

(Nền giáo dục VN dưới thời Pháp thuộc – Trần Bích San)

Những cái cũ & xưa nhất của Saigon


Nhà văn hóa cổ nhất



Nhà hát thành phố do kiến trúc sư người Pháp xây dựng hoàn tất vào ngày 17/1/1900. Các phù điêu bên trong được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ XIX. Nhà hát là nơi trình diễn ca nhạc kịch cho Pháp kiều xem. Năm 1956, Nhà hát được dùng làm trụ sở Hạ nghị viện chế độ cũ; tháng 5/1975 trở thành Nhà hát thành phố với 750 chỗ ngồi. Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn toàn bộ phần kiến trúc bên ngoài Nhà hát được phục chế lại như nguyên mẫu ban đầu.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ


Tôi xin nêu lên cái nghề mới ở Việt Nam không kém phần dị hợm như nghề “Nhà Làm Văn Hóa”. Thỉnh thoảng tôi thấy dưới tên ông giáo sư , ông tiến sĩ ở Việt Nam ngày nay, có thêm hàng chữ: Nhà Làm Văn Hóa, hay Nhà Văn Hóa. Miền Nam trước năm 1975 không bao giờ tôi thấy có ai làm cái nghề đó. Mấy ông làm văn hóa ơi. Mấy ông có biết không? Văn hóa của một dân tộc, một quốc gia phải trải qua trăm năm, ngàn năm, phải kinh qua nhiều thế hệ, xã hội, nhiều đời nhiều người mới hình thành. Chớ có ai mà tự mình làm ra văn hóa! Tra ra thì mấy ông kẹ cộng sản Việt Nam bắt chước ông cộng sản Tàu như đúc. Ở Tàu có người đề là Văn Hóa Gia dưới tên mình, phải dịch đó là nhà (người) nghiên cứu văn hóa, chớ không phải là Nhà Làm Văn Hóa, hay Nhà Văn Hóa. Văn Hóa Gia không phải là học vị, bằng cấp như bác sĩ , tiến sĩ, kỷ sư… mà dịch nguyên chữ.

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh – Trịnh Quốc Thuận)


Tờ nhật báo đầu tiên


Gần 4 năm sau khi thành lập, báo Trung Bắc Tân Văn ở miền Bắc tăng tần số phát hành và trở thành tờ nhật báo đầu tiên của Việt Nam, tính từ tháng 1/1919. Trung Bắc Tân Văn do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút..Tờ báo tồn tại đến tháng 4/1941 mới đình bản, ra tổng cộng 7.265 số.




Trung Bắc Tân Văn là tờ báo ra hàng ngày

duy nhất phát hành rộng ở Bắc và Trung Kỳ

(SNg Paris – Một tài liệu hiếm)


Khách sạn cổ nhất




Khách sạn Continental tọa lạc tại 132-134 Tự Do, xây dựng năm 1880 do Kiến trúc sư người Pháp thiết kế, tên khách sạn có ngay từ những ngày đầu. Sau ngày cướp được miền Nam bị tụi Bắc Việt đổi thành Hải Âu. Đến năm 1989, khách sạn được nâng cấp, chỉnh trang và lấy lại tên cũ Continental có diện tích 3430m2, cao 3 tầng, nơi đây đã từng đón tiếp các vị tổng thống, thống đốc, nhà văn, người mẫu nổi tiếng. Ngày nay, khách sạn Continental là một trong những khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế


Tiếng nói, tiếng Việt.


Có năm tôi về Sàigòn, có dịp đến thăm cụ Vương Hồng Sển, được Cụ tiếp tại nhà. Cụ có tặng tôi quyển sách “Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam”. Trước khi viết lời tặng, ký tên vào quyển sách, Cụ Sển gạch ngang chữ “Việt” trong tựa của quyển sách, mà sửa lại là “Nói”. Cụ có nói “ Cán bộ tài khôn, sửa mà không hỏi ý kiến tác giả”. Dân miền Nam nói anh “tài khôn” không có nghĩa là nói anh “tài cán, khôn ngoan” mà hoàn toàn có ý ngược lại. Tiếng Việt thì miền nào cũng là tiếng Việt. Còn tiếng nói thì mỗi miền mỗi 9 khác. Đơn giản vậy thôi. Nhưng có viết sai thì mới thấy “sai một li, đi một dậm”. Nôm na tiền bạc là ” trật con tán, bán con trâu”.

Tiện đây tôi xin chân thành nhắn nhủ quí tác giả một khi có trích dẫn quyển “ Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam” thì xin để ý đừng viết là “ Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam” như nhà xuất bản ấn hành, vì nó sai, vì đó không phải ngươn ý, nguyên tác của cụ Sển, mà xin viết là “ Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam” cám ơn.

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh – Trịnh Quốc Thuận)

Ngộ Không

(Sưu Tập)

TÔI MUỐN - Thơ Trần Phong Vũ (SPSG)


 
TÔI MUỐN

Muốn trở lại ngày xưa
Quỳ trước sân trường để nghe thầy răn dạy
Muốn giả vờ tin
Là đời mình trẻ lại
Ấp úng dạ vâng "Con xin lỗi..."
Thưa thầy
Ôi cái thời học trò nhớ lại vẫn đẹp thay
Áo trắng quần xanh
Mơ tóc dài trường nữ
Mấy cô bạn nhỏ mà lanh
Gấu như là quỷ dữ
Và chanh chua như me, cóc, ổi xoài
Cái thời nhát như thỏ
Lại mắc tội thày lay
Nên bị phạt
Cứ cúi đầu nhận tội
Thằng đứng ngoài hiên ngang
Giơ tay
Cãi chày cãi cối
Rốt cuộc vẫn bị đòn
Nào dám trách ai đâu
Muốn...
Tấm ảnh này gửi lại ngày sau
Bao lứa học sinh
Sẽ bước vào đời
Với tâm hồn trẻ dại
Cứ yên lòng
Đời đánh mới đau hơn
TRẦN PHONG VŨ

29 thg 11, 2020

Tưởng chừng đã phai - đào anh dũng

 TRẺ Magazine, số 1219, ngày 26/11/2020

Năm nay Black Friday sales bắt đầu từ tám giờ tối thứ năm thay vì sáng sớm thứ sáu. Trời thương, không lạnh lắm nên hai ông bà rủ nhau đi mua sắm quà Giáng Sinh cho con cháu. Không muốn đứng sắp hàng lâu ở ngoài trời, ông bà chờ đến tám giờ rưỡi mới đến khu thương xá, vậy mà khi ấy vẫn còn một hàng độ chục người đứng trước cửa. Bãi đậu xe đầy ắp, không còn nơi nào gần nên ông thả bà xuống ngay nơi sắp hàng và lái xe đi tìm chỗ đậu.
Đậu xe xong, ông kéo cái nón may dính cổ áo khoác bằng vải nỉ, trùm lên mái tóc đã thưa cho đỡ lạnh, bước ra xe, thầm nhớ đến những Black Friday của hơn chục năm trước. Những năm ấy, trời lạnh dưới nhiều độ âm mà anh em ông vẫn thức dậy sớm sắp hàng cả giờ đồng hồ để mua những món điện tử bán đại hạ giá, từ khu thương xá này đến khu thương xá nọ. Trời lạnh nhưng lòng ông thật vui khi mua được những món hàng với giá rẻ so với ngày thường, không hề nghĩ đến mình là con thiêu thân bị lôi cuốn vào ánh đèn mê hoặc của thú mua sắm.
Thương xá mới mở cửa khoảng 45 phút nhưng đã có vài khách hàng khệ nệ bưng những thùng hàng, túi xách ra xe. Bước được vài bước, ơ... hình như ông vừa giẫm chân lên một vật gì cồm cộm. Lá cây? Sao không nghe tiếng xào xạc? Thu đã biến mất từ ba bốn tuần nay rồi mà! Ông cúi xuống, thấy một mảnh giấy nhỏ cuộn tròn, và ông lượm nó lên, mở nó ra. Dưới ánh đèn trắng nhạt của bãi đậu xe, ông biết mình vừa tình cờ có thêm 20 đồng. Ông lầm bầm, chắc của nhóc con nào đánh mất đây, và hình ảnh một đứa bé tung tăng theo cha mẹ đi mua sắm, 'xò xè xọc xạch' trong tay một món tiền 'lớn' rồi đánh mất nó lúc nào cũng không hay, mang tâm tư ông về quê nhà bên kia trái đất, vào thuở xa xưa ấy...
Năm ấy, ông học lớp ba, anh của ông học lớp nhì, Nhà Nước có mở một hội chợ ở sân Vận Động tỉnh. Nghe mấy đứa bạn cùng lớp kể những trò chơi nào là chọi banh, thả cổ vịt, quây bánh xe... trúng đồ chơi, hai anh em ông nôn nức từng ngày. Phải đợi đến cả tuần lễ sau ba mới cho mỗi đứa năm tờ một đồng có hình người đập lúa và dẫn hai anh em ông đi chơi hội chợ. Ôi, hai anh em ông mừng như được lì xì, mà cũng đúng thôi vì chỉ vào dịp Tết con nít mới được một món tiền lớn như vậy. Hai đứa cuộn năm tờ một đồng, buộc lại bằng sợi dây thun, cẩn thận cất vào túi quần sọt. Trên đường đi đến hội chợ, thỉnh thoảng ông thọc tay vào túi quần, mò tìm cuộn tiền, cho chắc ăn. Vậy mà khi đến nơi, cuộn tiền năm đồng của ông không cánh mà nó đã bay đâu mất rồi. Ông buồn muốn khóc. Ba rầy, con lớn rồi mà lôi thôi, không biết giữ tiền, làm ông mủi lòng khóc lớn lên. Ông biết tội của mình rồi nhưng ba không thương, còn rầy thêm, hôm nay phải chịu nhịn chơi, cho nhớ, để lần sau biết cẩn thận.
Đến hàng chọi lon, nhìn đám trẻ con cùng tuổi hí hởn, nhắm mục đích, nhón người lấy trớn và vung tay chọi banh, ông vui lây nhưng lòng chùng xuống khi sờ vào túi quần trống rỗng. Đứng nhìn một hồi để lấy kinh nghiệm, anh của ông móc túi lấy tiền, định mua banh, một đồng năm trái, nhưng anh không mua mà đưa cho ông hai đồng và nói, em chơi trước đi. Lòng vui như mở cờ, ông mua ngay năm trái banh, quên luôn câu cám ơn ba má đã dạy. Qua năm ba gian hàng, trúng được vài món đồ chơi bằng nhựa, anh em ông xài hết năm đồng nhưng cười vui như Tết, nắm tay nhau tung tăng đi xem gian hàng này đến gian hàng nọ...
Bỗng dưng đâu đó có tiếng leng keng làm tâm tư ông quay về xứ tuyết. À, đó là tiếng chuông của Salvation Army. Thì ra hôm nay nhân cơ hội thiên hạ ồ ạt đi mua sắm họ cố gắng đứng chịu lạnh trước các cửa hàng để xin tiền từ thiện. Thật là đáng phục! Nhớ đến 20 đồng vừa lượm được, ông bỗng có ý nghĩ rằng cách tốt nhất để hoàn lại số tiền ấy là cho nó vào thùng từ thiện. Ông hăng hái bước đến cái xô tiền sơn màu đỏ có ổ khóa, chào người rung chuông và nhanh nhẹn bỏ tiền vào. Ngay lúc ấy, có một chị phụ nữ dắt một cháu gái với một gương mặt buồn so bước ra cửa, vừa đi chị ấy vừa nói, con hư lắm, may lắm mới tìm lại được. Ông chợt nghĩ, biết đâu đây là người mất tiền, nên ông chận họ lại và hỏi: “Xin lỗi, có phải cháu bé này vừa đánh mất 20 đồng?”
Chị phụ nữ nhìn ông, với chút ngạc nhiên:
“Vâng, đúng vậy!”
“May quá, tôi vừa lượm được. Để tôi trao lại cho cháu.”
Nói xong, ông móc bóp lấy tiền. Không có tờ 20 nên ông đưa cho cháu gái hai tờ mười đồng. Gương mặt cô bé vừa tươi lên bỗng dưng xụ lại:
“Không phải đâu ông, cháu làm mất tờ 20 đồng mà!”
“Ồ, ông bỏ tiền của cháu vào thùng từ thiện rồi.” Ông vừa nói vừa chỉ vào xô tiền Salvation Army, rồi ông nhét hai tờ mười đồng vào tay cháu gái và nói tiếp:
“Đây chính là tiền của cháu. Chúc mừng Giáng Sinh!”
Ông quay đi, bước vào cửa thương xá, không màng đến lời cám ơn của mẹ con cô bé vì ông đang thì thầm cám ơn Trời Phật đã cho ông lượm được tờ 20 chục đồng ấy. Nhờ nó mà ông tìm lại được một kỷ niệm êm ái tình anh em thuở nhỏ, tưởng chừng đã phai nhòa qua bao tháng năm.
đàoanhdũng


28 thg 11, 2020

THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 68- VƯỜN THƠ MỚI - Tố Tâm

  THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 68- VƯỜN THƠ MỚI

Bài xướng:

TỐ TÂM

素心

Tam thập tha hương bất nhật hồi

三十他鄉不日回

Thất danh vô tính phủ minh thôi

失名無姓否鳴催

Ly hương nhất dạ sầu thiên cổ

鄉一夜愁千古

Hoài niệm thâm tình ẩm tửu bôi

懷念 深情飲酒杯

Trn-Lâm Phát

陳林發

Dịch nghĩa:

TÂM NGUYỆN

30 tuổi biệt xứ,  không biết ngày về

Mất tên mất họ, thúc giục  không thể nói

Một đêm xa nhà,  buồn cả ngàn đời

Nhớ về tình thâm, uống chén rượu .

 Diễn dịch thơ lục bát:

TÂM NGUYỆN

Ba mươi bỏ xứ ra đi

Không hề biết đến một khi trở về

Tính danh gặp phải nhiêu khê

Một lòng một dạ chẳng hề nói ra

Một đêm buồn não xa nhà

Ai ngờ muôn thuở xé ra nổi sầu

Nhớ về chốn cũ tình sâu

Thôi thì chuốc lấy một bầu ly bôi.

Trần-Lâm Phát

9-9-2020

1.     a/ Bài họa:

CHẨN HOÀI

軫懷

Kỉ hà niên kỷ bất lai hồi

幾何年紀不 來回

Ngôn ngữ bất đồng ách nạn thôi

言語不同 厄難衰

Cố quốc chẩn hoài tình phụ mẫu

故國軫懷情父母

Cử đầu vọng nguyệt ẩm trà bôi.

舉頭望月飲茶杯

Hương Lệ Oanh VA 

香麗 

 chẩn hoài: thương nhớ trăn trở

幾何 kỉ hà: bao nhiêu

年紀 niên kỷ: số năm

厄難 ách nạn: tai ách, khổ nạn

thôi: suy kém

舉頭 cử đầu: ngẩng đầu

望月vọng nguyệt: ngắm trăng.

Lý Bạch trong bài Tĩnh dạ tư:

舉頭望明月低頭思故

Cử đầu vọng minh nguyệt, đê dầu tư cố hương

Nghĩa là:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cuối đầu nhớ cố hương.

          

1.     b/ Cảm tác :

 

HỒI ỨC CHIA LY 

Tuổi Ba mươi bỏ xứ ra đi

Không biết bao lâu mới được về

Phía trước cuộc đời đầy sóng gió

Tương lai chắc hẳn rất nhiêu khê

Âm thầm chịu đựng nhiều giông bão 

Lặng lẽ chôn sâu lắm não nề 

Trăn trở tình thâm hoài cốt nhục 

Đành cam đối ẩm nỗi sầu bi .

Hương Lệ Oanh VA 

(Thấu hiểu nỗi lòng người xa xứ qua bài thơ của tác giả TLP) 

2.Cảm tác:

NHỚ QUÊ

Đi thuở ba mươi mãi chửa về.
Lòng luôn nặng trĩu khối tình quê.
Đổi tên, giọng nói càng xa lạ,
Thay họ, tâm tư quá não nề.
Đất khách, ngậm ngùi bao nỗi nhớ,
Đêm dài, khắc khoải những cơn mê.
Cũng đành u uất cùng năm tháng,
Mượn rượu khuây sầu, vị tái tê…

Minh Tâm

3. Phỏng dịch:

TỎ LÒNG.

Ba mươi tuổi bỏ hẳn quê nhà,

Tên họ bôi nhòa chẳng lộ ra.

Biệt xứ  một đêm đau vạn thủa,

Thâm tình mãi nhớ rượu cho qua.

Mỹ Ngọc.

Sep. 26/2020.

 

4.Cảm tác:

NỖI LÒNG NGƯỜI XA XỨ

Thanh xuân rất đẹp tuổi ba mươi

Hoàn cảnh ra đi lạc xứ người

Tính cách, họ tên đành vắng tiếng

 Thói quen, âm ngữ đổi theo thời

Ngắm trăng lòng cảm về quê cũ

Nhặt lá thu buồn nén lệ rơi

Chẳng biết ngày nao mừng hội ngộ?

Khát mong thầm kín- giọt men đời!

 

Kim Trân kính bút

  5.Bài họa:

懷念 

十餘年不去回

他方難否言催

多苦

故國低頭酒少杯.

 

HOÀI NIỆM

Nhị thập dư niên bất khứ hồi

Tha phương tị nạn phủ ngôn thôi

Sơ thời đa khổ sầu miên khốc

Cố quốc đê đầu tửu thiểu bôi.

Nguyễn Cang

Dịch nghĩa:

TƯỞNG NHỚ

Hơn hai mươi năm không về lại

Tha hương tị nạn, thôi thúc chẳng nói nên lời

Lúc đầu nhiều đau khổ, sầu khóc mãi

Ngẫng đầu nhớ cố hương, uống chút rượu giải sầu.

 6. Phỏng dịch, họa (Chu Hà):

Bài 1:

Kính phỏng dịch bài Tố Tâm của Huynh Trần Lâm Phát:

 

Xa quê lúc tuổi mới ba mươi
Đổi họ thay tên nuốt nghẹn lời
Một phút chia lìa sầu vạn thuở
Thâm tình có nhớ rượu tìm vơi!...

 

Chu Hà

 

Bài 2:

Kính họa Bài diễn dịch thể lục bát

 

BA LẦN VƯỢT BIÊN

 

Ba lần vượt biển trốn đi
Tử sinh kề cận mấy khi nghĩ về
Thị thành đày chốn sơn khê
Gian nan cực khổ bốn bề khó ra
Quê hương sao chẳng thấy nhà
Tàu nơi hải ngoại sân ga cũng sầu
Đêm buồn giấc ngủ khó sâu
Tìm quên mượn rượu lắc bầu cạn bôi… !


Chu Hà

 

Bài 3:


Kính họa bài cảm tác "NHỚ QUÊ" của bạn Minh Tâm

 NỖI NIỀM

Bỏ xứ ra đi khó trở về

Ngoảnh đầu ruột thắt biệt làng quê
Đường đao mũi đạn không chùn bước
Sóng cả vực sâu há lại nề
Văn hóa trời Tây ai chẳng thích
Tự do xứ Mỹ lắm người mê.
Nhưng sao vẫn thấy lòng nhung nhớ
Nghĩ đến thâm tình ruột nhói tê.

Chu Hà

Bài 4:

 Kính họa "HỒI ỨC CHIA LY" của Hương Lệ Oanh

 NỖI NIỀM

Bao người tị nạn bỏ nhà đi
Mấy kẻ yêu quê muốn trở về
Cuộc sống xứ người đà ổn định
Nồi cơm đất mẹ khét nhào khê
Tự do sẵn có quen thành tánh
Lệ thuộc nghe thôi đã nặng nề
Nhớ lắm thương nhiều đành ráng chịu
Buồn thời đối ẩm bớt ai bi!...

 Chu Hà

 Bài 5:

Kính họa bài " Nỗi lòng người xa xứ” của Kim Trân:

 LỠ DỞ MỘT ĐỜI

 Xa quê lúc tuổi mới đôi mươi

Lưu lạc bao năm sống cõi người
Xuất xứ nương nhờ đành đổi tiếng 
Nhập gia an phận phải tùy thời
Nhiều khi uất hận lòng tê tái
Lắm lúc buồn đau lệ đẫm rơi
Lỡ dở một thời ôm số phận
Đành thôi sự thế cũng qua đời!...

Chu Hà

 


 Mời xemTHƠ XƯỚNG HỌA KỲ 67-VƯỜN THƠ MỚI : Hương Trần