31 thg 5, 2020

1 Câu Chuyện Thú Vị


Một phụ nữ da trắng dắt theo con trai 6 tuổi ra ngoài, bà gọi xe taxi, tài xế là một người da đen.
Thằng bé 6 tuổi chưa bao giờ gặp qua người da đen, trong lòng rất là sợ hãi, bèn hỏi mẹ :
“Người này có phải là người xấu không mẹ? Tại sao người đen thui vậy?”
Tài xế người da đen nghe thấy trong lòng rất lấy làm khó chịu.
Lúc này, người phụ nữ liền nói với con trai :
“Chú tài xế này không phải người xấu, ông là một người tốt con à!”
Con trai nhíu mày trầm tư một hồi lại hỏi tiếp :
“Nếu chú ấy không phải là người xấu, vậy chú có phải đã làm điều gì xấu xa, cho nên Thượng Đế mới trừng phạt chú?”
Người da đen ấy nghe xong, mắt ngấn lệ, ông ta rất muốn biết người phụ nữ da trắng ấy sẽ trả lời thế nào.
Người mẹ nói : “Ông ta là một người rất là tốt, cũng không làm điều gì xấu xa.
- Vườn hoa của chúng ta có màu hồng, màu trắng, màu vàng … có phải không?”
“Vâng! Đúng ạ!”
- “Vậy hạt của hoa có phải đều là màu đen không?”
Đứa bé nghĩ ngợi một lúc :
“Đúng thế ạ ! Toàn là màu đen hết.”
- “Hạt giống màu đen cho nở ra hoa đầy màu sắc và thơm ngát, đúng không”
“Vâng!”
Cậu con trai đột nhiên ngộ ra và nói:
“Vậy là chú tài xế ấy không phải là người xấu rồi ! Hạt mầu đen tạo ra hoa đẹp thế, chắc chắn chú ấy là người tốt!
Lúc này, xe đã đến điểm dừng, người tài xế kiên quyết không lấy tiền, ông ta nói :
“Lúc bé, tôi đã từng hỏi mẹ.
"Vì sao chúng ta lại đen và vất vả, còn họ lại trắng và sung sướng"?
Mẹ nói "Vì chúng tôi là người da đen, phải chịu thua kém".
Nếu khi xưa mẹ tôi đổi thành câu trả lời của bà, hôm nay tôi nhất định sẽ có một thành tựu khác. Nhưng không sao, tôi đã biết cách dạy con tôi và lũ trẻ trong xóm rồi, đội ơn bà !
Vậy đấy, nếu chúng ta suốt ngày nói với con "mày ngu lắm, lớn lên mày sẽ chẳng làm nên trò trống gì, chỉ có hót cứt, xách vữa,.....bla, bla..." thì chúng sẽ tin là chúng dốt thật, và sẽ chẳng trông chờ gì được nhiêu từ những đứa trẻ được dạy dỗ như vậy.
Vậy ngay từ bây giờ, hãy nhẹ nhàng gọi con dậy, khích lệ chúng, chỉ còn mấy hôm tới là hết năm học cũ. Qua hè, năm học mới, kết quả học tập của con bạn chắc chắn sẽ tốt hơn.
(Sưu tầm)
FB Lm.Ngoc Bảo

Andy Warhol: Người tiên phong của Nghệ thuật Đại chúng

Biên dịch: Trần Mẫn Linh+ (Nghiên Cứu Quốc Tế)
Andy Warhol (1928 – 1987) là một họa sĩ, nhà làm phim và tác giả người Mỹ, đồng thời là người tiên phong của phong trào Nghệ thuật Đại chúng (Pop Art).
Andrew Warhola sinh ra ở Pittsburgh, Pennsylvania. Cha mẹ ông đã di cư sang Hoa Kỳ từ Ruthenia, một khu vực hiện thuộc Cộng hòa Slovakia. Từ năm 1945 đến 1949, Warhol học tại Học viện Công nghệ Carnegie. Năm 1949, ông chuyển đến New York và đổi tên thành Warhol. Ông từng làm nghệ sĩ quảng cáo cho các tạp chí, thiết kế quảng cáo và cửa sổ trưng bày.
Đầu những năm 1960, ông bắt đầu thử làm các tác phẩm nghệ thuật sử dụng chất liệu là những mẩu quảng cáo, tiêu đề (headline) bài báo và những hình ảnh phổ biến trong văn hóa đại chúng Mỹ như hộp súp Campbell hay chai Coca Cola. Năm 1962, ông thực hiện loạt ảnh chân dung Marilyn Monroe. Warhol cũng áp dụng kỹ thuật tương tự cho các đề tài khác, bao gồm chân dung Jackie Kennedy và Elvis Presley. Cùng năm, ông tham gia triển lãm New Realists (các nhà hiện thực mới) tại New York, là cuộc triển lãm quan trọng đầu tiên về Nghệ thuật Đại chúng.
Năm 1963, Warhol bắt đầu làm các bộ phim theo trường phái thực nghiệm. Studio mang tên Factory của ông đã trở thành địa điểm giao lưu của nhiều nghệ sĩ, diễn viên và nhạc sĩ trẻ. Trong số đó có Valerie Solanas, người từng bắn Warhol khiến ông bị thương nặng vào năm 1968.
Tới lúc đó Warhol đã trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế, và trong suốt những năm 1970 và 1980, các tác phẩm của ông đã được trưng bày khắp nơi trên thế giới. Ngày 22/02/1987, Warhol đột ngột qua đời tại bệnh viện ở New York sau khi phẫu thuật túi mật.
                     Tác phẩm Marilyn Monroe và Michael Jackson của Andy Warhol.(kênh 14)

Công Ty SpaceX Của Mỹ Lần Đầu Tiên Phóng Thành Công Tên Lửa Đưa 2 Phi Hành Gia Của NASA Vào Quỹ Đạo

Hình ảnh về sự kiện lịch sử này (Saul Martinez/Getty Images)
Công ty SpaceX của Mỹ vừa mới phóng thành công tên lửa đưa 2 nhà du hành vũ trụ của NASA là Doug Hurley và Bob Behnken lên quỹ đạo trong sứ mệnh lịch sử của họ mang tên Demo-2 tại trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Được biết đây là lần đầu tiên trong gần 10 năm, kể từ năm 2011 các nhà du hành vũ trụ được đưa lên bởi tên lửa phóng từ lãnh thổ Hoa Kỳ. Lần phóng tên lửa đưa các phi hành gia vào vũ trụ cuối cùng được thực hiện tại Mỹ là tên lửa Space Shuttle vào năm 2011
Hai nhà du hành vũ trụ Doug Hurley và Bob Behnken (Photo by Joe Raedle/Getty Images)
Hurley và Behnken được phóng lên vũ trụ lúc 3:22 chiều Thứ 7 ngày 30 tháng 5 (Theo giờ EDT) từ Trung tâm vũ trụ Kennedy, bệ phóng lịch sử 39A tại tiểu bang Florida, đây cũng là nơi mà chương trình Apollo và Space Shuttle cất cánh.

Được biết thì trước đó, SpaceX đã có ý định phóng vào Thứ 4 ngày 27 tháng 5 nhưng sau đó bị hoãn lại vì lý do thời tiết.
Đây là một bước ngoặt được xem là lịch sử, khi một công ty tư nhân đã đưa các nhà du hành vũ trụ vào quỹ đạo thay vì là do các chương trình của chính phủ như trước đây. Theo nguồn tin thì Tổng thống Trump cũng đã đến Florida để chứng kiến sự kiện lịch sử này.

Được đưa lên bởi tên lửa SpaceX Falcon 9, Hurley và Behnken hiện đang trên đường tới Trạm vũ trụ quốc tế ISS, tuy nhiên trước khi đến được đó, họ sẽ phải đi một quãng đường dài khoảng 19 giờ trên quỹ đạo.
Viết bởi Nhật Long (Việt Page News

XIN TRÃI LÒNG RA VỚI CỐ HƯƠNG- Thơ Uyên Sơn

XIN TRÃI LÒNG RA VỚI CỐ HƯƠNG


Thơ Uyên Sơn


Tết nay chị có về xứ Mỹ *
Cho gởi đôi lời với cố hương
Cửu Long giờ vẫn phù sa cuộn ?
Từ lúc xa nhau mấy dặm đường !


Ta thưở hai mươi vào chiến trận,
Quê nhà xa khuất nẽo trong mơ
Mang thân pháo thủ nơi tiền tuyến....
Nào biết đời trôi giạt bến bờ.


Công viên Dân Chủ có còn không ?
Thẳng tắp Hùng Vương phủ bụi hồng.
Tượng Đài Chiến Sĩ sương mờ nhạt,
Qua cổng trường xưa có chạnh lòng ?


Đường Đốc Binh Kiều có nhớ ta ?
Hàng me Lê Lợi khuất trăng tà....
Hương thơm ngõ vắng nhà ai đó
Mấy chục xuân qua vẫn mặn mà ?


Cầu Quay thức giấc mờ sương sớm,
Ai thẳng đường qua chợ Mỹ Tho.
Tan lớp em về Đinh Bộ Lĩnh....
Bước nhỏ tung tăng tuổi học trò.


Nhớ buổi năm xưa kéo pháo về
Sang phà Rạch Miễu nặng tình quê.
Ngang qua Cầu Bắc ngôi trường lá....
Chỉ thấy nền xưa gió bốn bề !


Do Quang tiệm sách vẫn còn thương....
Anh vẫn đi mua vở tựu trường.
Cảnh Trung , Thiện Ký còn lưu luyến...
Hình ảnh ngày chưa lấm bụi đường.


Cầu tàu Ông Chánh đâu rồi nhỉ ?
Chỉ thấy tàn cây đứng ủ ê !
Xác tàu nghiêng ngửa không còn đợi....
Bóng dáng người xưa đến vỗ về !


Bến nước Lạc Hồng buổi cuối thu
Đò ngang thấp thoáng giữa sương mù.
Cồn Rồng ẩn hiện mờ mưa bụi....
Văng vẳng bên trời tiếng gió ru .


Cầu Dầu con nước triều cao thấp,
Bình Đức ven bờ sóng vỡ đôi.
Em e ấp khép bờ vai lạnh.....
Vì buổi ban đầu mặc áo bơi !


Quán xưa Trưng Trắc còn đông khách ?
Duyên Thắm chờ nhau đã mấy lần !
Ta nghe hương thoảng “Mì A Lục”...
Thoang thoảng mùi hương chốn bụi trần !


Một lần đem pháo xuống Ông Văn,
 Qua ngõ nhà xưa chẳng dám ngừng.
 Xuôi về Chợ Cũ qua Cầu Vĩ....
Thấy mẹ nhìn theo luống đoạn trường !


Long Định một thời ta đóng quân,
Đêm đêm phản pháo địch xa gần.
Trung Lương mận đỏ hồng đôi má....
Tân Hiệp thương ai bước tảo tần .


Hỏi sao ngày tháng đi nhanh quá !
Mới đó đầu ta tóc điểm sương.
Quê xưa giờ vẫn xa ngàn dậm...
Xin trãi lòng ra với cố hương !


Florida , Lập Đông 2006.
Bài thơ nầy tác giả nhắc về Mỷ Tho (là quê hương ) đã từ lâu xa cách......

Vài ảnh Mỷ Tho xưa trước 1975 (Từ Google )
Trường TH.Nguyễn Đình Chiểu Xưa
















Chùa đạo Hồi (chùa Chà)

Đường phố

CHUYỆN THẬT NGẮN

Lẽ đời
Bà bán quán trước cổng trường qua đời trong một đêm giông gió Những tưởng đám tang bà sẽ rất ảm đạm và vắng lạnh bởi bà lâu rồi chỉ còn sống một thân một mình. Những lũ trẻ trong trường đã đến tiễn đưa bà, hàng hàng dài sau linh cữu. Ngày xưa, bà bán quà cho chúng, bà hỏi thăm, nhắc nhở chuyện học hành của chúng . Và những buổi chiều tối, bà để chúng ngồi chờ bố mẹ trong cái quán ọp ẹp của bà.
Giày nở
Sắp đến tết, nhà lại nghèo, mua cho con được đôi giày, ba mừng rỡ.Chân con to nên giày hơi chật, nhưng con vẫn mang cho ba vui . Ba biết vậy nhưng giày mua ở vĩa hè không đổi được .Ba lặng lẽ nhìn con an ủi;”Rồi giày sẽ từ từ nở ra con ạ!”.
Ngày Tết, con mang thử giày, chợt có cảm giác giày như rộng ra, vừa vặn. Con ngơ ngác nhìn ba, ba cười hiền từ:”Thấy chưa? Ba đã nói rồi mà….” rồi ba âm thầm xức dầu lên mấy ngón chân phồng rộp của mình..
Con đâu biết, ba cố nong chân mình vào vào cho giày “nở” thêm ra!
Đi xe….
Lúc bé, con gái luôn ngồi đằng sau xe để ba chở đi học, đi chơi. Vòng tay ôm chặt lấy ba, con gái thì thầm: “Ba ơi! mai mốt lớn biết chạy xe, con lại chở ba đi chơi ba nhé”.
Rồi con gái lớn phải đi học xa nhà, lời hứa ngày xưa gác lại.
Đến khi ra trường, con gái có được việc làm và mua được một chiếc xe cho riêng mình thì ba đã không còn. Nhiều lúc đang chạy xe trên đường, con gái chợt khóc: “Ba ơi, ôm chặt lấy con ba nhé…..”
Định mệnh
Vẫn nhớ có lần em nói:
– Cho dù vật đổi sao dời, em quyết không thể sống thiếu anh được!
Lúc đó tôi cười trêu em:
– Hay á! Nghe cũng giống cải lương ghê!
Em cấu vào vai tôi, nũng nịu….
Và rồi sau hơn 5 năm tôi công tác vùng sâu, em trôi về một thành phố lạ, ngang nhiên câu “xa mặt cách lòng”.
Tôi bao giờ vẫn một mực trước sau. Chỉ có điều, sao cứ mãi quặn lòng trăn trở, vì tuy gặp được chồng giàu, nhưng nghe đâu em lại là kẻ đến sau….
Đôi kính đen
Ông bà tôi vui thú điền viên ở tỉnh lẻ, các con có chồng vợ ra riêng, thay phiên nhau về thăm ông bà mỗi tháng. Ông điện thoại lên báo bà bị phát hiện ung thư gan ở giai đoạn cuối. Mẹ tôi thu xếp công việc để lo cho ông bà. Hôm tôi đưa mẹ về quê sẵn dịp thăm ông bà, nghe bà nói với mẹ:
– Hổm rày ba con cứ đeo kính đen ở trong nhà, con nói với ba trong nhà có nắng bụi đâu mà đeo.
Bà đâu biết rằng ông cố giấu đôi mắt đỏ, khóc đếm từng ngày dần xa bà.
Nhầm
Còi tàu lửa 4 giớ rú lên thì ông đã thức dậy. Cầm lon trà nhẹ hững ông nghĩ bụng, chỉ ít cũng được một ấm. Ai dè…
Soi cái đèn hột vịt ở góc bếp, ông lọ mọ bốc một nhúm bỏ vào tách sành chế nước. Ngụm trà đầu lạt như nước ốc.
Sáng ra nhìn bà ông trách nhẹ rồi tiện tay đưa sang. Bà nhìn nhúm phổ tai cắt sẵn để nấu chè giờ đã thấm nước nở tràn ra miệng tách.
Ông cười gượng, lặng lẽ bỏ đi.
Người học trò đầu đời
Tuổi trẻ, nhà bà ở tận trong ngọn rạch cùn, cách chợ 3 giờ đi xuồng. Về sau có chồng về ở gần trường, nhưng lớn tuổi rồi đâu có đi học được. Tuy nhiên bà rất muốn biết chữ. Tôi mua cho bà quyễn vần “con chó, con gà” và dạy cho bà tập đọc. Từ chữ a, chữ b đến vần xuôi, vần ngược, ráp vần rồi đánh vần, sau hơn hai tháng bà biết đọc. Dần dần bà đọc được cuốn tiểu thuyết Giọt Máu Chung Tình. Bà là mẹ của tôi, hồi đó tôi mới có 12 tuổi.
Người đàn ông vĩ đại
Bố kính yêu!
Con muốn nói với bố rằng.Con yêu bố rất nhiều.
Bố có biết không?. Từ nhỏ đến giờ, trong con bố luôn là một ông bố tuyệt vời nhất. Con cám ơn cuộc sống vì đã cho con được làm con của bố.
Bố! Con xin lỗi vì con là người con luôn làm bố lo lắng nhất. Hôm nay đây, khi con nhìn kỹ bố, con mới nhận ra rằng bố đã già đi rất nhiều. Những sợi tóc đã bạc nhiều hơn trên mái đầu của bố. Khuôn mặt bố đã xuất hiện nhiều nếp nhăn. Và bố cũng gầy đi thấy rõ. Một ý nghĩ thoáng qua chợt làm con lo sợ!….
Bố ơi! Bố có biết không?Trong trái tim con, bố luôn là người đàn ông vĩ đại nhất.
Mãi mãi bên con bố nhé
Mẹ!
Từ gánh ve chai của mẹ, con bước vào đời…. Và con đã không làm mẹ thất vọng khi đưa cho mẹ tờ giấy báo đậu đại học thủ khoa của mình.
Đôi bàn tay gầy gò lam lũ quen với đồ phế thải, cầm tờ giấy run run. Cũng là giấy nhưng tờ giấy của con được chắt chiu từ sự nhọc nhằn của mẹ, từ tình thương và nghị lực của con…
Lòng con chợt thắt lại khi mắt mẹ rưng rưng cầm đọc tờ giấy…ngược. Thì ra những lá thư mẹ gửi cho con là nhờ người viết hộ!
Con búp bê
– Minh Tâm, mi có nhà không?
– Có, Phụng hả, vô đây.
Đứa bạn sà tới, đặt lên tay tôi một vật gì đó rất mềm.
– Tau cho mi con búp bê nì làm bạn, tao mua đấy!
Tôi sung sướng cầm lấy
– Cám ơn, mi thật tốt.
– Hổng có chi, thấy mi không có bạn, tau mới mua tặng cho mi đó. Thôi tau về đây.
Tôi xúc động ôm con búp bê vào lòng, thầm cám ơn ông trời cho tôi một đứa bạn tốt. Chiều, tôi lần qua nhà nó chơi. Một tay dò đường, một tay ôm con búp bê. Nhà nó và nhà tôi sát bên nhau. Đang đi, chợt có tiếng đứa nhỏ nói như reo lên: “A! Một con búp bê mù chúng mày ơi, ngộ ghê….!”
Tôi rụng rời buông tay. Con búp bê rơi xuống đất.
Cái xương cá
Gia đình đông anh em, bữa cơm lâu mới có con cá. Lũ anh dành ăn phần xương để dành phần thịt cho em gái út.
Em lấy chồng miền xa, anh đến thăm em. Em làm mâm cơm có mấy con cá bự để anh em lai rai uống rượu. Đang ăn miếng thịt ngon lành, em rể bỗng nói: “Nhà em hồi trước giờ chỉ thích mút xương và ăn đầu cá để dành phần thịt cho cha con em”. Anh chợt thấy sống mũi cay cay. Chợt nhớ về những ngày xưa…..
Bộ ngựa gỗ
Đã bao thế hệ ông bà tôi từng nằm trên bộ ván này. Lúc nào nó cũng đen bóng. Hồi còn đi học, tôi cũng thích nằm lên đó trong những buổi trưa hè oi ả…
Ba mẹ tôi đã mất gần hai năm nay. Một hôm về quê, ghé nhà không thấy bộ ván đặt nơi chỗ cũ, tôi hỏi thằng em út:
– Bộ ván ngựa đâu rồi, chú?..
– Em đem nó ra nhà bếp, nhà tường mà để nó ở đây trông không xứng!
Tôi chợt nghe một nỗi buồn len nhẹ vào hồn….
Cảm xúc
Cả nhà tiển chân con ra ngoài này đi học. Cha ôm chặt con vào lòng, bảo: “Ba tự hào vì con là người dũng cảm”. Nước mắt mẹ lăn dài. Con can đảm lắm mới bước chân lên tàu được, không biết tự lúc nào môi con bật máu.
Mười đêm rồi, quê mình vào lũ. Đêm nào con cũng khóc. Giấc mơ đầu khô khốc. Hoảng hốt con bật dậy, bóng cha hiện ra giữa dòng nước xoáy, mâm cơm mặn mòi bát nước mắm trống trơn…Ám ảnh, con ôm đài rồi bất chợt lịm đi….
Hạnh phúc
Hôm nay ngày sinh nhật, lại thêm một lần đáng nhớ trong cuộc đời, tôi nhận được tin nhắn rất sớm với lời lẽ thật dễ thương. Anh nhắn: “Chúc em sinh nhật thật vui”. Dù chỉ vỏn vẹn một câu nhưng là món quà tinh thần không gì sánh nổi. Món quà đã mười bốn năm nay chưa một ai ban tặng. Hôm ấy tôi sống lại kỷ niệm một thời đã qua và mỉm cười mãn nguyện. “Đó là hạnh phúc” dù không hoa, không tiệc….Chỉ với một tấm lòng luôn hướng về nhau, thì ra lâu nay anh vẫn còn nhớ tôi……
Quá khứ
Cả làng ngày xưa không có một lớp học. Thầy mở lớp tại nhà dạy con em trong làng cái chữ. Làng nghèo, học trò trả công thầy bằng khoai, bằng sắn. Thầy vừa dạy học vừa trông chừng thằng bé mồ côi. Mười lăm năm sau, trường cấp 1-2 mọc lên tươi màu ngói đỏ. Học sinh đi học đồng phục đẹp đẽ, thầy cô giáo trẻ trung. Ông giáo già trở thành người quét lá sân trường. Không ai buồn nhớ ngày xưa ông đã từng dạy chữ!
Lòng cha
Ngày chị về làm dâu, cha nói: “Vợ chồng phải yêu thương nhau”. Ngày con đi lấy chồng, cha dặn: “Phải giữ đạo làm dâu”.
Trước đây, khi chị em dâu xích mích, cha bảo: “Chị dâu con vì anh con mà rời gia đình, xa người thân yêu ruột thịt đã là một thiệt thòi”.
Con khóc, nghĩ cha không công bằng.
Nay, con về chơi, thấy con buồn, cha bảo: “Phận làm dâu ráng chịu thiệt thòi cho phải đạo…”.
Con lại khóc, thầm mong có nhiều người “không công bằng” như cha.
Gạo vẫn là gạo
Một thanh niên thỉnh giáo vị đạo sĩ: “Sư phụ, có người nói con là thiên tài, cũng có người mắng con là ngốc nghếch, ý kiến của thầy thế nào ạ?”
“Vậy con đánh giá mình thế nào?” – vị đạo sĩ hỏi lại.
Người thanh niên nọ vẻ mặt ngơ ngác.
“Ví dụ một cân gạo, trong mắt người làm bánh thì nó là bánh nướng, trong mắt người nấu rượu thì nó là rượu, trong mắt người ăn xin thì đó là một bữa cơm cứu mạng. Còn gạo thì vẫn là gạo mà thôi.”
Đạo sĩ nói đến đây, người thanh niên mới như vỡ ra nhiều điều.
Tập
Nhà chỉ có hai mẹ con. Nhà nghèo, ba bỏ đi từ khi nó còn bé.
Mẹ tập cho nó từng li, từng tí một: Tập đi, đứng, tập nắn nót viết chữ. Lớn dần, nó tập cách ăn nói, cách cư xử với mọi người ……tập sống giản dị, khiêm tốn.
Vào đại học, không ai quản lý, nó cũng tập mà tập ăn chơi, đua đòi áo quần, giày dép, điện thoại di động và những cuộc nhậu say bí tỉ… Biết mẹ còm cõi kiếm tiền nuôi nó, nhưng… Thế rồi: Nợ nần, đuổi học….Trắng tay… Nó khóc không thành tiếng -Mẹ ơi!
Hớt tóc
Tuổi đã lớn, nhưng ba tôi không chịu ở yên một chỗ. Vài tháng nhà anh hai, vài tháng nhà chị tư, cứ thế xoay vòng. Mỗi lần đến nhà tôi, ba hay đòi đưa đi hớt tóc và chỉ đến duy nhất một chỗ. Tóc chưa dài, nhưng ba vẫn đòi đi. Tôi cố công tìm hiểu, ba thích đến đó để tâm sự hơn là hớt tóc. Ông thợ già hớt tóc thì luôn sẵn sàng nghe và chia sẽ, vắng khách còn mời chơi vài ván cờ.
Tôi chợt nhận ra, ở nhà, ai cũng có một thế giới cho riêng mình mà quên mất sự hiện diện của ba
ƯỚC
Hồi nhỏ, gia đình khó khăn. Khi thấy người hàng xóm cho con chó Nhật ăn miếng chả lụa, thằng em nói với anh nó: “Ước gì mình được làm con chó đó hén anh!” Lòng anh quặn thắt.
Lớn lên, anh quyết tâm học tập để đổi đời cho em sung sướng. Giờ anh thành đạt, nhà cao cửa rộng, bữa cơm nhiều món ngon vật lạ thì em không còn nữa. Lòng anh như có ai xát muối mỗi khi nhìn thấy con chó Nhật nhà ai đó ăn miếng chả lụa.
Người tốt, người xấu
Trong lần đi công tác lên Đà Lạt, chiếc xe hơi cũ kỹ bò lên dốc đồi, trời sẩm tối, đường vắng, anh thấy sợ. Chợt có một bóng người đàn ông tất tả xách một chiếc túi nhào ra đường vẫy tay dồn dập xin quá giang.
Nhìn tới nhìn lui, anh bỗng ngại. Nhưng đôi mắt kia van xin, tuyệt vọng.
Anh dừng xe chép miệng:
Thôi đành vậy! Tôi chỉ sợ gặp phải người xấu.
– Xin ông cứ trói tay chân tôi lại và cho tôi đi nhờ lên Thị xã. Con tôi đang nằm viện.
Mái tóc
Tôi mê mẩn nhìn hai mẹ con có mái tóc mượt mà, buông xuống lưng như dòng suối. Suối tóc ấy khuất dần vào Trung tâm ung bứu.
Mười ngày sau, tôi sững sờ khi gặp lại họ. Suối tóc biến mất. Hai cái đầu nhẵn thín lắp ló dưới vành mũ.
Tôi thở dài thương xót: ”Tội nghiệp, hai mẹ con mang bệnh nặng!”
Cô bé trăng tròn hồn nhiên:
-Mẹ cháu bắt chước cạo trọc đầu!
-Thi tóc ai mọc nhanh hơn con nhé!
Đêm đêm, người mẹ lén cạo tóc để chờ tóc con mọc trước….
Nỗi khổ
Nghĩ mình gần đất xa trời, lại chỉ có mỗi thằng con nên bà quyết định bán căn nhà dưới quê lên ở với nó cho sum vầy. Sợ bà không quen với cảnh ồn ào ở phố, thằng con dành cho bà tầng trên cùng. Khi bà bảo muốn đi thăm hàng xóm thì thằng con cằn nhằn: “Đây có phải ở quê đâu mà hàng với chả xóm, mẹ cứ ở trên ấy, cơm, nước có các cháu mang lên”. Mỗi lần nhìn khung cửa sổ nhỏ xíu, bà lại nhớ đến mái nhà tranh dưới quê và bà muốn về nhưng về đâu bây giờ? Nhà đã bán rồi…
Con nhà giàu
Bạn bè bảo nó sướng. Gia đình giàu nứt đố đổ vách, cái gì mà chẳng có. Ngày nào cũng vậy, khi bước chân ra khỏi nhà cho đến tối mịt mới về, mẹ thường giúi cho nó nắm tiền bảo ở nhà thích ăn gì thì mua, khỏi chờ cơm!. Từ lâu rồi nó chưa bao giờ biết đến một bữa cơm gia đình. Nó có tình làm đổ vỡ cả đống chén, nồi năng xấc xược chỉ vì muốn nghe một câu la mắng, một cái tát tai mà không được! Tròn mắt nhìn những trẻ bằng tuổi mình được bố mẹ dẫn đi chơi công viên , nó khóc.
Lẻ bạn
Hàng cây bàng phơi mình trong nắng như đổ lữa. Tôi ngồi bên cửa sổ nhìn ra mương nước. Bày chim sẽ mổ từng hạt cơm rơi căng ức. Bỗng có đôi chân nhẹ nhàng dáo dác tìm kiếm-tay cầm ná. Bầy chim sẽ bay lên ngọn cây. Ná đã giương. Đôi chim vô tình. Hòn sỏi rời khỏi ná xé lá xoèn xoẹt.
Con chim rơi xuống, thân rướm máu, đôi mắt hạt tiêu khép hờ.
Chiều khuất nắng. Đàn chim lại trở về nhốn nháo. Tôi không hiểu trong âm thanh hổn loạn kia có tiếng con chim nào khóc vì mất bạn hay không?
Giá như
Rồi một tháng thử việc vất vả cững qua, cầm đồng tiền do mình làm ra mà sao mắt con cứ cay cay. Thời sinh viên con chỉ biết học cho lấy có, chơi bời lêu lổng và chờ ” tiền lương” cha mẹ gửi lên Có những lúc tiền gửi lên không kịp thì con làm mình làm mẩy, trách móc đủ điều.
Giờ đi làm, do chưa có kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ còn yếu, thao tác còn chậm nên thường bị sếp mắng mỏ, nhưng con chỉ biết dạ dạ vâng vâng…
Gía như trước kia biết thương cha mẹ hơn, giá như con biết quý thời gian… giá như…..
Trò chơi
Tôi đi học xa nhà, mỗi năm chỉ về vào dịp Hè hoặc Tết. Những khi về, cu Bin lại reo lên mừng rỡ: ” A, chị Hai về! Chị xếp cào cào lá dừa cho em đi”. Hè này tôi về, nhưng cu Bin không còn reo mừng như mấy lần trước nữa. Má nói cu Bin ở nhà chú Bê thường xuyên hơn ở nhà. Thì ra nhà chú Bê mới mở quán điện tử. Những trò chơi 3D sống động đã cuốn lấy cu Bin. Còn đâu những lần thấy tôi về, cu Bin lại vòi tôi xếp những con cào cào bằng lá dừa màu xanh…..
OAN
Giữa trưa, trên tuyến xe buýt thưa người bỗng xông lên một mùi gây gây, mốc meo khó chịu. Bác tài nhăn mặt chửi đổng. Chị soát vé quạt lấy quạt để. Trên xe toàn là sinh viên, tươm tất. Mùi đâu ra? Tự dưng ai nấy đều ném ánh nhìn nghi ngờ về phía anh thợ hồ ăn mặc nhem nhuốc vừa lên. Anh giật mình, trộm nhìn khắp quần áo mình… Lẽ nào? Anh vội vã xuống ngay trạm kế tiếp. Mọi người thở phào, đâu biết có hộp cơm thừa ai đó bỏ quên, nằm lăn lóc dưới gầm xe…
Người đàn ông và vết thương
Ông cởi áo để trên bờ ruộng trong lúc dọn đất. Khi đến lấy áo, ông bị một con rắn cắn vào tay. Nhanh như chớp, ông lấy dao chặt đứt ngón tay, băng bó qua loa rồi ra về.
Đêm nghĩ lại, ông tiếc ngón tay! Tuy con rắn độc thật, nhưng cắt tay mình đâu phải cách hay. Sáng đi thăm đồng, ông nhặt ngón tay xám ngoét bên mép nước gắn vào vết thương. Đêm ấy, ông mất.
Biết chuyện, người trách ông không dứt khoát bỏ ngón tay nhiễm độc, người trách ông quá nặng tay với mình. Kiểu nào cũng thiệt!
Những ngày xa nhà
Nén tự ái trong lòng, nó trở về nhà trọ ngã vật xuống sàn, nghĩ ngợi. Tự dưng nó nhớ nhà. Giờ này chắc mẹ đang lui cui trong bếp, ba đang bó từng cái chổi tre, nước mắt nó lăn dài. Người ta nói nó quê mùa thô kệch nhưng có là gì trước những lời đay nghiến của bà chủ dành cho mẹ, những cái chổi bị trả lại của ba. Nó ngồi dậy, lau nước mắt, mở toang cửa sổ. Nó nghiệm ra rằng, trong cuộc sống cần phải biết bỏ qua những điều vô nghĩa để sống!
Mẹ xưa
Cô rời quán lên xe. Phở ngon nhưng cô vẫn ăn không hết nữa.
Xe mới, nệm êm, máy lạnh. Đường không gợn sóng. Chân sao tê cứng, mỏi rã hai tay ôm con. Mười lăm năm trước. Cũng đường này, mẹ đưa cô lên tỉnh học. Xe cũ, đường dằn xóc. Mẹ tay bám chặt hàng chân ghế, tay ôm cô chen chúc dưới sàn. Định hỏi sao tay chân mẹ run, lại thôi vì cô cũng mỏi và đói.
Gió đường về không ngồi chen chúc, không đói. Nhưng nước mắt cô cứ vỡ òa theo gió. Mẹ cô vừa mất.
Sầu riêng
Khách miền Bắc vào, mẹ quý lắm, chạy ra tận Nguyễn Tri Phương mua về mấy trái sầu riêng đãi khách. Nhà nghèo, có mấy khi mẹ dám hoang phí thế đâu.
Mấy cô bác chuẩn bị về, mẹ tất bật, gói từng phần quà cho vào túi, lúc nào cũng cười khi nghe: Chị chỉ giỏi bày vẻ!
Ngôi nhà trở lại yên vắng, khách về miền Bắc từ lâu, chỉ khác là đêm nào mẹ cũng thức khuya hơn, dáng mẹ gầy hơn vì lo toan trả nợ!
Mấy tháng rồi nhà không nghe lại mùi sầu riêng.
Đám cưới nhà nghèo
Đám cưới nhà nghèo, rước dâu về chỉ có vài mâm đãi họ hàng, rồi tiệc cũng tàn. Đêm. Thằng Út cứ tấm tức khóc ở buồng bên, mẹ rủ rỉ dỗ dành mãi đến khuya. Chị dâu hỏi anh Hai: “Sao thằng Út nhõng nhẽo hoài vậy?” Anh Hai thở dài thật lâu mới nói: “Tại… mẹ đổi con chó của nó lấy cái mền cho hai đứa mình… ” Chị dâu ngoảnh mặt ra ngoài thương em rơi nước mắt.
Hạnh phúc
Ông bà hiếm muộn chỉ có mình cô là con. Lớn lên, qua mai mối, cô lấy chồng Việt kiều để được đến vùng đất hứa xa xôi. Ông bà thui thủi, đỡ đần nhau cho khuây khỏa nỗi nhớ con. Ba năm sau cô về, đúng vào lúc bà bệnh. Ông ngồi bên bà, tay nhăn nheo, run run đút từng muỗng cháo, lâu lâu lại lấy khăn lau miệng cho bà. Cô chạnh lòng nghĩ tới tổ ấm nơi xa. Từ lâu, cô không còn ăn cơm, nói chuyện cùng chồng… Chợt hiểu: Đâu phải cứ sang giàu mới ươm được mầm hạnh phúc!
Chân mẹ
Ngày đầu tiên đi mẫu giáo, con hăng hái xách ba lô vào lớp học, lúc mẹ vừa đưa đến cửa. Ngày thứ hai, tay kéo áo mẹ, mắt con đỏ hoe, chỉ chực khóc.
Ngày thứ ba, con ôm cứng chân mẹ khi vừa đến cổng trường: “Mẹ ơi! Con về với mẹ!”.
Thế rồi con vào đại học. Những năm đầu con thường xuyên nhắn tin hỏi thăm mẹ. Thời gian sau, tin nhắn thưa dần.
Rồi một ngày, con về ôm chân mẹ: “Mẹ ơi! Con cần mẹ vô cùng!”. Bởi người yêu con giờ đã có bến bờ hạnh phúc khác.
 Soi gương
Tuổi ba mươi, đứng trước gương, chị thấy xương đòn hằn lên càng nổi rõ vùng ngực khô gầy.  Mái tóc rối và xơ xác. Chị chạnh lòng thầm hẹn: Mười năm nữa sẽ chăm chút lấy lại nét đẹp xưa.
Tuổi bốn mươi, đứng trước gương, giật mình hóa ra lâu nay chỉ có vài bộ quần áo, chị e ngại phải dự tiệc cưới ngoài xóm chợ. Rồi chị tự nhủ, mười năm nữa, biết đâu mười năm nữa mình sẽ còn lại chút gì của ngày trước.
Ngoài năm mươi, đứng trước gương, thấy tóc ngả màu, mặt hằn những nét chân chim. Vừa qua cơn bệnh, chị lo không đủ sức để lo cho bé ba và thằng út được vào đại học như anh của nó.
Chợ
Con gái thành phố theo chồng, làm dâu mẹ quê. Cha dặn: “Đất lề, quê thói. Đàn bà cái hạnh ở nhà, cái nết ở chợ”.
Mẹ chồng giao tiền đi chợ. Món tiền còm. Mua sao cho tròn mâm cơm?
Ở chợ bực mình vì giá cả nhưng cố nhịn, mềm mỏng. Lời nhỏ nhẹ bị át bởi lời chanh chua, không cãi… Lòng vui khi thoáng nghe “...nhì thời tu chợ... Con nhà ai đẹp nết!”.
Sau bữa cơm chồng nói: “Mẹ theo em đi chợ. Mẹ rất vừa lòng!” Giật mình tự hỏi: ”Mẹ theo mình ra chợ!?"
Vết sẹo
Cận thấy trên tay bố có một vết sẹo thật to. Hỏi mẹ, Cận mới biết vết sẹo đó là do Cận gây nên. Nói đúng hơn là khi Cận mới hai tuổi, mới chập chững đi, bị vấp ngã suýt té xuống ao, may mà có bố, nếu không thì… Nhưng bố lại va vào một cọc nhọn cạnh bờ ao, một vết toét nơi tay còn để lại sẹo đến bây giờ.
Khi kể về vết sẹo ấy, mẹ còn nói:
– Đó là vết sẹo con nhìn thấy, Bố con còn biết bao nhiêu vết sẹo không nhìn thấy được!
Đã hai mươi năm qua, chưa bao giờ Cận thấy bố nói về vết sẹo trên tay và vết sẹo không thấy trong lòng bố. Qua lời mẹ, nhìn lại mình, Cận biết trong lòng bố đến nay vẫn còn những vết thương chưa thành sẹo.
Cha
Nhà đông con. Cha mẹ tôi vất vả, bươn chải nhiều nhưng nhà vẫn nghèo. Nhìn mâm cơm gia đình đạm bac, cha buồn. Đôi khi có thêm thức ăn cải thiện, mẹ gắp cho cha. Cha không ăn và gắt lên: “Không muốn ăn!” Nhưng tôi hiểu: Cha nói dối. Khi trời mưa lạnh, không ai muốn ra đường, cha ra sông cất cá. Đến bữa cơm, tôi thấy trong mắt cha ánh lên niềm hạnh phúc.
Đến giờ, khi chị em tôi đã lớn, có thể mua biếu cha mẹ những món ăn ngon thì cha bị bệnh tiểu đường phải ăn kiêng, không ăn được những đồ ăn ngon nhiều dinh dưỡng.
Đèn tắt
"Gíó đưa bụi chuối sau hè", câu hát đau lòng thuở các con còn bé và từ sông lạch tôi phải trở thành biển cả để con tôi có cha.
Còn nhớ lúc nghèo. Khi ấy quê tôi chưa có đèn điện, tôi thường dẫn các con đi xem phim. Xách lồng đèn bắt nhái cùng con chó đi theo, vô rạp nó nằm im dưới ghế. Khi về trời mưa bùn sình, thằng lớn cõng thằng út. Lon ton con chó theo sau….
Mẹ cùng con. Đường dài. Phim buồn. Mưa khóc nhìn đèn tắt.
Cha tôi
Ngày bé, mỗi lần nghịch bị hàng xóm mắng vốn, cha lại bắt tôi cúi xuống rồi quất liền mấy roi vào… gối, miệng thì hét lớn “chừa chưa, từ nay còn phá nữa thôi!”, cốt để cho bác hàng xóm hả lòng hả dạ. Chỉ có tôi là nằm im thin thít, đợi cha nói nhỏ “chạy đi con” là như mở cờ trong bụng, ba chân bốn cẳng chạy ra cửa, còn nghe tiếng cha nói với theo “Đi luôn đi, con với cái gì hư quá!”.
Lớn lên có con, mỗi lần con nghịch, cầm roi định đánh, nhớ đến cha ngày xưa, lại thôi, không đánh nữa.
Món ngon của mẹ
Mẹ cả đời vất vả, nhịn nhường, chưa từng tự tay gắp miếng ngon. Ăn cơm, chỉ ưa nhất món mắm cà làm xổi.
Cha bảo thương mẹ nhưng có bao giờ quan tâm mẹ nghĩ gì, thích gì.
Và gánh nặng gia đình đâu thấy cha ghé đỡ cho mẹ nhẹ vai . Về già, cha đổi tánh, càng khó chịu. Đòi ăn chay trường. Giỗ mẹ cũng bắt phải cúng chay. Con lén đặt vào góc khuất bàn thờ dĩa mắm cà mẹ ưa ngày trước. Lòng ngùi ngùi. Sống sao thác vậy. Sinh thời mẹ đâu biết ăn chay!
Nỗi buồn
Còn chưa đầy một tháng nữa là đến thời hạn cuối nộp học phí. Con luôn bị nêu tên. Điện về nhà mẹ bảo chờ thêm ít hôm nữa. Cuối cùng thì tiền cũng đã được gửi ra, con không còn lo nằm trong danh sách “đen” bị nêu tên trên bảng thông báo của trường nữa.
Nghỉ hè về nhà thấy chuồng trâu trống trơn. Con hỏi, mẹ bảo sợ con bị đuổi học nên bán rẻ cho người ta rồi. Nhìn thấy thửa ruộng khô cằn cỗi mà nước mắt con chãy dài trên má…
Cái gối
Nhà nghèo, hai chị em phải nằm chung một cái gối. Tối, giành nhau, em đẩy chị, chị mắng em… nhưng cả hai đều ngon giấc.
Chị xa nhà, em chẳng còn người chung gối.
Nó thèm được giành nhau với chị. Nó nhớ chị, không ngủ được.
Chị được nằm một mình cả hai gối, chẳng ai giành giật. Chị thương em ở nhà thay chị làm bao nhiêu công việc. Chị khóc và mất ngủ….
Nhà chật
Không còn chỗ nào khác, phải đặt bàn thờ má ở ngay cửa sổ. Hũ đựng cốt đặt cạnh hình thờ, lâu dần có thói quen luôn tay đóng cửa vì có cảm giác như má đang bị nóng khi nắng chiếu vào và lạnh ướt khi trời đổ mưa.
Hôm nay giỗ má lần thứ hai. Nắng chiếu vào hũ cốt nóng hổi. Choàng tay qua bàn thờ đóng cửa, cảm giác như đang ôm má vào lòng, bất chợt nói thầm: “Má ơi, má đang ở nơi nào? Về thăm con nghe má!”, lòng bổng nhói đau.
Đưa đón
Ngày xưa nhà nghèo. Mỗi ngày Ba chở hai con đi học trên chiếc xe đạp cà tàng. Đường đến trường nhiều dốc cao. Ba, người đẫm mồ hôi vẫn cố còng lưng đưa hai con đến trường đúng giờ. Có hôm trời mưa như trút nước. Ba cha con chỉ có một áo mưa. Ba nhường cho hai con để không bị ướt. Trên đường đi, Ba thường kể chuyện vui cho hai con nghe. Dù mệt hay khỏe, không bao giờ nghe Ba than một tiếng.
Nay sang đây định cư. Hai con đã trưởng thành và vững chãi. Còn Ba tuổi già không lái xe được. Đi đâu cũng phải khó khăn nhờ hai con chở.
Hôm nay có mấy người bạn đến mời họp mặt. Ba nhờ hai con đưa đón. Đứa em thoái thác: “Con không rảnh đâu, ba nhờ chị Hai chở đi”. Nó lên xe chạy vội ra quán cà phê tán gẫu với bạn bè. Chưa kịp nhờ, cô chị đã gắt gỏng: “Già rồi, không lái xe được, chịu khó ở nhà cho yên thân, đi ra ngoài làm chi để người ta phải mất công đưa đón”.
Ba nghe nói. Buồn. Làm thinh. Thẫn thờ ra sau vườn đốt điếu thuốc.
Mẹ ngồi nghe thấy hết. Nhìn theo Ba, nước mắt rưng rưng.
Biển và những giấc mơ
Bố và con dạo biển. Bố chỉ tay về phía chân trời: “Con còn trẻ, hãy như sóng miệt mài… Bố già rồi sẽ làm bờ cát cho con…”.
Mắt bố dõi nhìn mặt biển xa xăm và gieo vào lòng con một giấc mơ.
Thời gian theo chân sóng. Con học giỏi. Lòng bố vui và một ước mơ….
Ngày giỗ mẹ, bố đau nặng. Con nhận tin thi trượt. Sợ người thêm đau, con nói dối….
Một tháng sau, bố khỏe lại với nụ cười rạng rỡ.
Con lại xa nhà…
Giấc mơ vẫn còn dang dỡ!
Điều thiêng liêng
Theo lệ thường, cứ mùng một Tết má bắt cả nhà đi viếng mười ngôi chùa để cầu an, cứ thế cho đến khi anh em chúng tôi lần lượt trưởng thành. Bạn bè nhiều. Tết đến bốn anh em chỉ mong đi chơi cho thỏa thích. Không còn muốn theo má đi chùa nữa, nên mỗi đứa một lý do… Má lặng lẽ một mình đến chùa cầu an.
Năm nay, má mất. Bốn anh em mỗi đứa gia đình riêng, Tết đến như thấy thiếu điều gì thiêng liêng lắm, dường như là sự bình an trong tâm hồn…
Hai chiếc lá vàng
Sớm khuya, trong góc bàn căng -tin, ông uống cà phê còn bà ăn cháo. Ngồi đối diện, thỉnh thoảng họ trộm nhìn nhau. Ông gọi tính tiền, bảo: “Tính luôn tô cháo…”. Bà ngạc nhiên... Bước đến quầy, bà mua cho ông chiếc bánh tiêu. Ông rót cho bà ly trà nóng….
Ra tới ngạch cửa, bà đi sau nhắc nhở: “Ông coi chừng mấy bậc thang nghe!….” Quay nhìn lại thấy chân bà khập khiễng. Móc chai dầu nóng đưa cho bà, ông bảo: “Bà giữ xức cho ấm chân”.
Ông chậm rãi bước. Bà đứng lại nhìn theo.
Thơ và toán
Ngoài trời mưa rả rích. Anh chợt nảy ra một từ cho khổ cuối của bài thơ dang dở. Anh như đấm hồn vào câu thơ buồn, mang tâm trạng của một kẻ cô đơn đi trên con đường vắng.
Nhưng nào anh có cô đơn, chỉ bên kia vách phên mục, mẹ anh đang nhẫm tính sao cho bữa ăn có đủ chất để anh có sức mà học, khi gánh chè bán hết cũng chỉ kiếm được 20.00 đồng.
Đôi khi người ta đọc một bài thơ rất lãng mạn mà không thấy bên cạnh có một bài toán rất khó giải
Tôn sư trọng đạo
Ông nội tôi là cụ đồ nho quanh năm quần ta, guốc mộc. Tết nào học trò cũng đến. Ông mất, họ khóc suốt đêm.
Bố tôi là thầy giáo thời trước sau này về làm ruộng chân lấm tay bùn. Và học trò cũ có dịp gặp, cúi đầu: “Con chào thầy”, lễ phép.
Tôi là giáo viên thời bao cấp, dép Lào, áo linh, một buổi lên lớp, một buổi bán kem cây. Học trò vẫn “chào thầy” kính cẩn.
Gẫm lại ba đời thầy, phảng phất đâu đây lời “tôn sư trọng đạo”
Quấy rầy
“Con gái mà quậy hơn con trai!”.
“Mầy chỉ quấy rầy ba thôi!”.
Tôi thường mắng mỗi khi nó đòi cuốn sách tôi đang đọc, bắt tôi cõng đi chơi khi đang bận bịu. Tội nghiệp, con mắc chứng bại não thêm dị tật bẩm sinh nhưng khi bị quấy rầy tôi vẫn thế.
Con bỏ ăn hai ngày rồi đột ngột qua đời. Tôi cảm nhận rõ ràng sự hụt hẵng khi gia đình mất đi một người thân.
Trong ảnh, nó vẫn nhìn tôi, ánh mắt ngây thơ hiền hòa như muốn nói: “Con không quấy rầy ba nữa, ba ơi!….”
Lòng mẹ
Ba mất. Mẹ đi lấy người khác. Tôi giận mẹ, khăn gói lên thành phố sống với dì. Mỗi tuần mẹ đều ghé thăm nhưng tôi không muốn gặp. Ngày tôi tốt nghiệp đại học, mẹ đứng nép ngoài giảng đường mỉm cười sung sướng lúc tôi lên nhận bằng. Tôi quay đi vờ như không thấy, chút nữa nước mắt chảy ra. Khi tôi kết hôn, mẹ đến chúc mừng, tôi cũng chẳng quan tâm. Rồi tôi mang thai đứa con đầu lòng. Tôi đau đớn, vật vã, lúc đó tôi mới hiểu được lòng mẹ. Khi đứa bé chào đời, tôi bật khóc nắm lấy tay mẹ, mẹ xoa đầu tôi, vuốt ve đứa cháu.
Mê tín
Các con lớn lên và xa dần vòng tay của mẹ . Ngày ngày trong căn nhà nhỏ mà lòng để tận nơi xa, mẹ cầu mong cho các con “chân cứng đá mềm”. Gửi niềm tin vào trời Phật. Cô đồng nào gần xa mà mẹ không biết, chùa nào lớn bé mà không in dấu chân của mẹ. Điện về nhà là lê thê những “sao hạ, ngày kiêng tháng cữ”,con mỉm cười. ”Mẹ lại mê tín!.”
Mẹ bệnh rồi, lòng như lửa đốt. Làm sao đây?… Con chắp tay nguyện cầu… Biết đâu lời nguyện cầu sẽ trở thành sự thật!.
Gọi mùa yêu dấu
Còn nhớ, trên chiếc xe đạp sườn đầm, ba đã từng đưa rước mình sớm hôm đi về thời tiểu học. Hồi ấy, hơn tất cả những gì có được, dường như mình cảm thấy sung sướng và vô cùng thương ba mẹ.
Rồi ngày thi vào đại học, ba vẫn muốn đưa mình tới tận trường thi, cũng bằng chiếc xe đạp cũ ngày nào. Không dưng mình lại nghe lòng bất ổn vì chút thẹn trước mọi người.
– Ba đưa mầy đi để đỡ phải đạp xe. Dành sức làm bài cho tốt con à!..
Nhìn ba mẹ sớm cằn cỗi trước cuộc mưu sinh nhiều nghiệt ngã, bất giác mình thèm sống lại chút gì của cái thuở nào xưa.
Cứ ngỡ
Yêu anh, nó cứ ngỡ mình có cả thế giới. Đọc báo thấy những chuyện tình tan vỡ, nó nhún vai: ” Chuyện người khác…"
Rồi anh xa nó. Thoạt đầu, nó ngỡ trái đất này chỉ toàn màu đen. Nhưng mọi thứ vẫn vậy. Mặt trời vẫn chiếu sáng mỗi ngày. Nó vẫn đi về, vẫn cười, vẫn nói, chỉ có lòng là buồn hơn. Bây giờ khi đọc về những câu chuyện chia ly, nó ngỡ họ đang viết về mình.
Cứ ngỡ, cứ ngỡ, nó cứ ngỡ tất cả là một cơn mơ…
 Thương mẹ
Cô là con một, hay làm nũng. Không vừa ý là giận dỗi, bỏ cơm, lần nào mẹ cũng dỗ dành. Mẹ xào gan, cho thêm lát gừng, ăn không hợp vị, cô vùng vằng khóc. Mẹ mua phở cho con gái, thở dài: ”Có đi làm dâu mới biết thương mẹ”.
Chiều nay, bị mẹ chồng mắng vì nấu cháo giải cảm cho em chồng mà không có tía tô. Cô vội vã xin lỗi mẹ, vỗ về em rồi đi chợ, vừa đi vừa khóc, chưa lần nào mẹ mắng mà con chịu đựng, vỗ về mẹ, mẹ ơi! ..
Vô tình
Đau nhức cả người. Tự xoa bóp thì mỏi tay. Ngoặt ra sau xoa dầu thì không được. Chị thấy cần biết bao một bàn tay giúp đở.
Nhớ xưa. Lòng tràn ngập nỗi ân hận muộn màng. Ngày ấy, cha đã ngoài 80 nhưng hãy còn chẳm hẳm, vẫn tự phục vụ. Hằng ngày, chỉ lo cơm nước, giặt giũ cho cha, chị coi mình đã tròn bổn phận. Những lần, thoáng thấy cha tự bóp chân tay với vẻ khó khăn, nhưng bận công kia việc nọ, chị vô tình: ”Cha làm được mới không nhờ mình!”
Cứ thế. Giờ, cha đâu còn để chị trở về tuổi xưa! ..
Hương thị
Vào cái Tết năm tôi lên mười, mẹ dẫn tôi đi bộ hết cánh đồng làng sang phố coi hát bội. Rạp hát đó nằm ở Ngả Giữa, diễn suốt ngày, đến hết mùng mười mới vắng khách. Tết Huế, đi coi hát người ta bảo là: Đi bói tuồng, đoán hên xui…
Theo mẹ, tôi chen vào cửa thì bị gọi giật lại: “Nhỏ! Bỏ trái thị đi rồi vô…”  Đang rưng rưng nước mắt, bỗng một bàn tay mềm mại, xoa tóc tôi: “Cưng ngoan nhé! Ông Tổ ưa thị sẽ quên nhắc vở”.
Đã nhiều năm qua, tôi vẫn nhớ giọng nói ngọt ngào của cô đào hát ngồi ăn quà trước rạp. Nhớ cả chuyện ông Tổ hát bội ưa trái thị như lũ trẻ thơ tôi.
Nhịp đập thời gian
Chị nhìn thấy nó trong một cửa hàng lạc xoong. Tần ngần, chị “lên dây”. Vẫn cái âm thanh mơ hồ từ những rung động cũ, cái thuở cứ bồn chồn dán mắt mãi vào chiếc đồng hồ mà chờ đợi...  ”Giờ Y”!
Giữa cái vô cảm của loại đồng hồ xài pin-lặng lẽ sống và lặng lẽ chết, đồng hồ “lên dây” đặt sự sống vào tay người. Như chị.
….Tối, chị đặt nó bên gối. Xa lắc rồi nhịp-đập-của-tim-yêu.
Vấn đề còn quan trọng hơn, bởi bây giờ nó thuộc về… tim mạch!
 (H.Phi chuyển)