30 thg 9, 2019

Giáo dục trên bàn ăn chính là “phao cứu mạng” của trẻ em Mỹ

San San (daikynguyen.com)
Sau khi gặp bạn học cũ từ Mỹ trở về, người đàn ông Trung Quốc tỏ ra rất không vui. Tuy nhiên, khi nghe bạn kể lại chuyện cũ, cuối cùng anh đã hiểu được rằng giáo dục trên bàn ăn của cha mẹ Mỹ chính là phao cứu mạng cho con cái của họ.



Dưới đây là toàn bộ câu chuyện tự thuật:
Niềm vui lớn nhất của tôi trong năm nay chính là được gặp lại bạn học cũ từ Mỹ về nước vào dịp Tết Nguyên Đán. Tôi rất vui được gặp gia đình họ. Kỳ thực, không có lời nào có thể diễn tả nổi niềm vui của tôi lúc đó. Anh bạn tôi tên là Hoàng, ngày anh trở về, tôi có mời gia đình anh đến nhà hàng ăn cơm nói chuyện. Sau bao năm không gặp, hai người nói chuyện vô cùng hưng phấn nhưng đến khi thanh toán, một sự việc diễn ra khiến tôi có chút khó chịu.
Là chủ nhân mời khách, lẽ ra mọi chi phí sẽ là tôi chịu trách nhiệm trả. Tuy nhiên, anh Hoàng không đồng ý và yêu cầu nhân viên phục vụ chia tiền để anh trả phần của mình.
Trên đường về, anh hỏi tôi: “Lúc nãy tôi đã hơi thất lễ, bạn có cảm thấy ái ngại không?”.
Tôi nói: “Có một chút nhưng tôi hiểu được hành động này chính là một nét văn hóa Mỹ.”
Anh Hoàng mỉm cười nói: “Thực tế, đây không chỉ là văn hóa Mỹ mà còn là phong cách của gia đình chúng tôi. Dù là người lớn hay trẻ em, họ đều phải tự trả tiền ăn của mình”.
Tôi nói: “Làm vậy có quá nghiêm khắc với trẻ em không?”.
Anh Hoàng trả lời: “Nghiêm khắc không phải là yêu thương sao? Tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện”.
Trong lần tham gia trại hè ở trường trung học Mỹ, một đứa trẻ Mỹ và một đứa trẻ Trung Quốc đã vô tình bị lạc vì chúng quá hứng thú với các viên đá. Hơn nữa, lúc đó trời nhá nhem tối, họ không còn nhìn thấy đường nên đã bị trượt ngã xuống núi và bị thương ở chân.

Ảnh: Adobe Stock.

Trời ngày càng tối hơn, trong trường hợp không có đèn báo, không có thức ăn và sự giúp đỡ, họ phải tự dựa vào chính mình để sống sót. Bởi vì hai đứa trẻ này có thể bị đóng băng đến chết bất cứ lúc nào khi màn đêm buông xuống.
Đứa trẻ Mỹ nói với cậu bé Trung Quốc: “Chúng ta chỉ có thể dựa vào chính mình”.
Đứa trẻ Trung Quốc nói: “Chúng ta có thể làm gì bây giờ?”.
Đứa trẻ Mỹ nói: “Chúng ta leo trở lại”.
Đứa trẻ Trung Quốc nói: “Vách núi sâu như vậy, làm sao chúng ta có thể leo trở về chứ? Hơn nữa tớ không nhớ đường”.
Lúc này đứa trẻ người Trung Quốc đã khóc vì không biết phải làm gì.
Đứa trẻ người Mỹ nói: “Tớ nhớ đường, đợi tớ lên được rồi sẽ tìm người đến cứu bạn”.
Nghe thấy vậy, đứa trẻ Trung Quốc đã không khóc nữa.
Đứa trẻ Mỹ đã dựa vào đôi tay và đôi chân của mình để leo lên. Lúc cảm thấy sức lực đã cạn, cậu bình tĩnh lại hít một hơi thật sâu rồi quyết định tiếp tục leo. Tuy nhiên, chân cậu không thể nhấc nổi nữa vì không còn sức, lúc leo qua những mỏm đá sắc nhọn, cậu đã để lại những vết máu đỏ tươi. Ngay khi cậu chuẩn bị leo qua mỏm đá cuối cùng để thoát ra khỏi vực thì hòn đá dưới chân bật ra khiến cậu lại rơi xuống trở lại một lần nữa.
Lúc này, cậu nằm ngửa trên tảng đá, miệng thở hổn hển và trong lòng cảm thấy tuyệt vọng. Bởi vì cậu không còn chút sức lực nào nữa. Bóng tối, đói khát, sợ hãi và kiệt sức dường như muốn nuốt chửng cậu. Cậu bé nhìn bầu trời rộng lớn và vách đá cao vời vợi rồi bật khóc.
Lúc này, đứa trẻ Trung Quốc nghe thấy tiếng khóc của đứa trẻ Mỹ.
Đứa trẻ Trung Quốc nói: “Cậu thế nào rồi?”.
Đứa trẻ Mỹ nói: “Tớ lại rớt xuống lần nữa”.
Đứa trẻ Trung Quốc nói: “Vậy thì… chúng ta sẽ chết ở đây phải không?”.
Lúc này, đứa trẻ Mỹ ngưng khóc và nói: “Tuyệt đối không! Tớ phải leo lên một lần nữa. Bạn đợi tớ ở đây một chút nữa nhé!”.
Lau khô nước mắt, cậu bé Mỹ lại dựa vào sức mình quyết leo lên lần nữa. Cậu lấy tay lật những hòn đá đang đè lên người ra và bắt đầu leo trở lại. Lần này, mỗi bước leo lên, cậu đều kiểm tra xem mỏm đá có bám chắc chắn không. Bằng cách lặp đi lặp lại bước thử nghiệm thăm dò, cuối cùng cậu đã leo lên đến đỉnh.
Tuy nhiên, từ chỗ núi đá đến đường quốc lộ còn cách một quãng đường xa, muốn ra đến ngoài thì cần phải dùng đôi chân để đi nhưng chân cậu bị trầy xước khắp nơi và không thể đi lại như bình thường. Không còn cách nào khác, cậu nhắm mắt một cái rồi nằm xuống mặt đất và bò đi.
Ảnh minh hoạ: cyranowriter.

Ngay khi đến đường quốc lộ thì có một chiếc xe dừng lại trước mặt cậu. Người lái xe vội bước xuống, hỏi thăm tình hình và giúp cậu liên lạc với giáo viên. Lúc này, giáo viên của hai đứa trẻ cũng đang vội quay xe trở lại tìm nên cách đó không xa. Đội tham gia trại hè được chia làm hai, nhóm một chịu trách nhiệm đưa cậu bé Mỹ đến bệnh viện gần nhất, nhóm còn lại đến vách núi tìm kiếm đứa trẻ Trung Quốc.
Lúc đó, cậu bé Mỹ trở thành anh hùng còn đưa trẻ Trung Quốc đã ở trong tình trạng thoi thóp. 
                                    ***
Vừa nghe câu chuyện của anh Hoàng, tôi nhìn anh qua gương chiếu hậu và thấy những giọt nước mắt. Anh Hoàng nói tiếp: “Thật ra thì, đứa trẻ Trung Quốc trong câu chuyện chính là tôi”.
Tôi thấy anh Hoàng nói đến đây liền sờ đầu cậu con trai và nói: “Lớn lên con sẽ hiểu”.
Anh Hoàng hỏi tôi lần nữa: “Bạn có biết tại sao đứa trẻ Mỹ nhỏ bé như vậy nhưng lại có khát khao sinh tồn lớn như thế không?”.
Tôi quay lại và nói: “Vì chúng có lòng can đảm”.
Anh Hoàng chia sẻ: “Ngoài sự can đảm ra, tôi còn thấy một điều, từ nhỏ đến lớn, trẻ em Mỹ đều được cha mẹ dạy cho một đạo lý trên bàn ăn: ‘Mọi thứ đều cần phải tự mình trả tiền’. Bởi vì cha mẹ và bạn bè, thầy cô chỉ có thể giúp bạn trong một đoạn thời gian chứ không thể đi theo cả đời. Họ không thể ở bên bạn mọi lúc. Do đó bạn cần phải ý thức được rằng: ‘Chỉ có thể dựa vào chính mình'”.
Tôi cảm thấy rằng, những phân tích của anh Hoàng thật có lý. Chính nhờ sự độc lập này, trẻ em Mỹ biết rằng khi gặp nguy hiểm đến tính mạng thì hoảng loạn không có ích lợi gì. Chỉ có thể dựa vào sức lực của chính mình mới có thể mong được sống sót.
Cha mẹ Mỹ thường dạy con trên bàn ăn một câu: “Mọi thứ đều phải tự mình trả tiền”. Câu nói có vẻ đơn giản nhưng trong vô thức nó lại hình thành nên tính độc lập mạnh mẽ của trẻ em Mỹ. Đây cũng chính là chiếc “phao cứu mạng” mà cha mẹ Mỹ trang bị cho những đứa con của mình. 
San San
Theo SecretChina

Vì sao bình minh và hoàng hôn, mặt trời trông to hơn? (vnexpress)

Mặt trăng quay quanh quỹ đạo của trái đất, trái đất quanh mặt trời. Khoảng cách giữa trái đất và hai thiên thể này từ sáng đến tối hầu như không thay đổi. Thế mà có lúc ta thấy mặt trời hoặc mặt trăng to như cái nia, còn lúc khác lại chỉ bé như quả bưởi. Tại sao vậy?
Lý do là trong những điều kiện nhất định, mắt của con người nhìn mọi vật dễ sinh ảo giác. Chúng ta hãy xét hai ví dụ:
(
fd
Hình 1.
1) Khi ta để một vật vào giữa các vật khác nhỏ hơn, ta sẽ thấy nó to hơn bình thường. Ngược lại nếu để nó giữa các vật khác to hơn, ta lại thấy nó như nhỏ lại. Hình1: Vòng tròn nhỏ ở giữa bên phải nhìn có vẻ lớn hơn ở bên trái, mặc dù chúng to như nhau.
fd
Hình 2.
(2) Hiện tượng ảo giác quang học, hay còn gọi là tác dụng thấu quang. Hình 2: Hình tròn màu trắng nhìn có vẻ to hơn hình tròn màu đen, mặc dù chúng bằng nhau. Kết hợp hai ví dụ trên, chúng ta có thể giải thích hiện tượng thay đổi độ lớn của mặt trời và mặt trăng như sau:
Khi mặt trời và mặt trăng mới mọc hoặc sắp lặn, phía đường chân trời chỉ có một góc khoảng không. Gần đó lại là núi đồi, cây cối, nhà cửa hoặc các vật khác. Mắt chúng ta tự nhiên sẽ so sánh mặt trời hoặc mặt trăng với các vật kể trên, vì vậy ta có cảm giác chúng như to hẳn ra. Nhưng khi lên tới đỉnh đầu, bầu trời bao la không có vật gì khác, chúng ta thấy chúng nhỏ hẳn lại.
Mặt khác, khi mặt trời hoặc mặt trăng mới mọc hoặc sắp lặn, bốn phía đều mờ tối khiến ta có cảm giác chúng sáng hơn (như ví dụ 2, vòng tròn trắng giữa nền đen). Khi đó, mắt ta sẽ thấy chúng to hơn.
(Theo 10 vạn câu hỏi vì sao)

Lại vừa nhận được tin ...tào lao..( FB Phan Trần Đức )

'Nhật Bản cấm dùng lò vi sóng'
Thông tin này xuất hiện vào cuối tháng 8 trên một trang Facebook đang có gần một triệu người thích và theo dõi. Hiện bài đăng đã thu hút gần 2.000 lượt chia sẻ và hơn 600 bình luận từ người dùng. Hầu hết ý kiến đều không tin vào thông tin này, nhưng nhiều người khác dường vẫn như tin tưởng
Các bài đăng về lò vi sóng trên mạng xã hội không phải là mới. Hồi tháng 5, trang kiểm chứng thông tin Snopes đã xác minh và cho biết tin đồn bắt nguồn từ một trang web của Nga. Trang này đăng một bài nói rằng Nhật Bản sẽ bỏ lò vi sóng vào năm 2020.
Tuy nhiên, đây là một ấn phẩm châm biếm. Trang web này đã tuyên bố từ chối trách nhiệm ở cuối bài viết, nói rằng "tất cả nội dung trên trang đều không phải là tin tức thực tế". Tuy nhiên, điều này không ngăn được thông tin sai lệch bị lan truyền trên các mạng xã hội, gây hoang mang cho người dùng. Snopes cho hay, bài báo từ website châm biếm của Nga đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau kể từ khi xuất hiện. "Tuy nhiên, bất kể bạn nghe ngôn ngữ nào, tin đồn Nhật Bản cấm lò vi sóng vào năm 2020 là sai sự thật", Snopes nhấn mạnh.

Thực tế, các trang web của Bộ Y tế, bộ Lao động và Phúc lợi Nhật Bản không đưa bất kỳ lệnh cấm nào liên quan đến lò vi sóng.
Lò vi sóng là một thiết bị ứng dụng vi sóng để làm nóng hoặc nấu chín thức ăn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), quan niệm thực phẩm nấu trong lò vi sóng trở thành "chất phóng xạ" là sai lầm. "Thiết kế của lò vi sóng đảm bảo rằng các vi sóng chỉ tồn tại bên trong lò và xuất hiện khi nó được bật cùng cửa đóng. Rò rỉ vi sóng xung quanh và thông qua cửa kính bị giới hạn ở mức thấp hơn mức khuyến nghị theo tiêu chuẩn quốc tế", WHO viết. "Tuy nhiên, người dùng nên sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo thiết bị luôn trong tình trạng tốt".
Xem Lại :TB Mới Nhất Vế Lò Vi Sóng

NẾU KHÔNG – Thơ vkp phượng tím



  
    Nếu không... mãi miết tìm Trăng
Thì Chim Bói Cá chẳng băng chiến hào
    Để cho cọc nhọn đâm vào
Tim gan rướm máu, lệ trào Nguyệt Cung(cung Hằng)!
    *Nếu không... ôm mộng vẫy vùng
Mong đem chí lớn tận cùng biển khơi
    Thì đâu có cảnh lệ rơi
Tràn đầy sông suối khắp trời Đại dương...
    *Nếu không... trọn nghĩa cương thường
Người đi trước, lên thiên đường an vui
    Kẻ đi sau giữ  ngọt bùi
Đắng cay gởi đến cho Người nhận thay...
    *Nếu không...được siết chặt tay
Người ơi, xin chớ buông tay vội vàng
    Chút tình tri kỷ lỡ làng
Sắt cầm lỗi nhịp, lại hoàn tri âm!
    *Lắng lòng... lệ nhỏ âm thầm!!!

Saigon tháng 9/2019- vkp phượng tím

70 quốc gia thao túng dư luận qua Internet, Trung Quốc là ‘người chơi’ chính

Trương Thanh (daikynguyen.com)
 

Một báo cáo của Viện nghiên cứu Internet Oxford, Anh Quốc (Oxford Internet Institute) mới đăng lên trên trang tin Techcrunch của Anh, cho biết, có ngày càng nhiều các chính phủ và các đảng chính trị sử dụng truyền thông xã hội, công nghệ tự động hóa và hệ thống dữ liệu lớn (big data) để thao túng dư luận. 
Hai năm trước, có 28 quốc gia tiến hành loại hoạt động thao túng dư luận này, hiện nay con số đã tăng đáng kể, có tới 70 quốc gia và Facebook đã trở thành nền tảng hàng đầu được lựa chọn.

Các phương pháp được sử dụng

Theo báo cáo, do ảnh hưởng toàn cầu của truyền thông xã hội, sự lan truyền của tin tức giả và những câu chuyện độc hại đã trở thành “chuyện bình thường” của các chủ thể chính trị toàn cầu. Các công cụ và công nghệ điện toán phục vụ tuyên truyền trên toàn cầu là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền tảng dân chủ.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những kỹ thuật tuyên truyền chính trị này bao gồm: Sử dụng nick ảo để lan tỏa, phóng đại lời nói căm hận hoặc các hình thức thao túng nội dung; Thu thập dữ liệu hoặc tiến hành định vị bất hợp pháp; Sử dụng đội quân trực tuyến để bắt nạt và quấy rối sự khác biệt chính kiến trên Internet.
Báo cáo cảnh báo rằng, các kỹ thuật này đã được sử dụng để tuyên truyền, đồng thời theo dõi, kiểm duyệt và hạn chế không gian công đồng kỹ thuật số, và giúp các chính quyền độc tài toàn cầu nhân cơ hội mở rộng quyền kiểm soát đời sống công dân.
Báo cáo còn chỉ ra một phát hiện quan trọng, là cả các quốc gia dân chủ cũng như các quốc gia độc tài chuyên chế đều sử dụng các công cụ và kỹ thuật phi pháp này.
Ở 45 quốc gia dân chủ, các chính trị gia và các đảng chính trị thông qua sử dụng công cụ tuyên truyền trên mạng để giành được sự ủng hộ của cử tri, như xây dựng lực lượng những người theo dõi giả mạo hoặc truyền bá việc mình được sự ủng hộ của người dân trên các phương tiện truyền thông đã bị thao túng.
Ở 26 quốc gia chuyên chế, chính phủ đã sử dụng Internet như một công cụ kiểm soát thông tin để đàn áp dư luận và tự do báo chí, làm mất uy tín, chỉ trích và lấn át tiếng nói của phe đối lập.
Trong đó có 7 quốc gia sử dụng các lực lượng mạng để thao túng dư luận bao gồm Trung Quốc , Ấn Độ, Iran, Pakistan, Nga, Ả Rập Saudi và Venezuela. 7 nước này đã mở rộng tầm ảnh hưởng dư luận của họ sang cả các quốc gia khác thông qua Facebook và Twitter.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các tài khoản ảo được sử dụng rộng rãi trong tuyên truyền chính trị, có 80% các quốc gia khảo sát sử dụng tài khoản loại này. 

20 quốc gia đã ký một thỏa thuận ngăn chặn tin tức giả

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ cho biết, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, 20 quốc gia trong đó có Vương quốc Anh, Pháp và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận được khởi xướng bởi Tổ chức Phóng viên không biên giới vào ngày 26/9 vừa qua, để ngăn chặn việc phổ biến tin tức giả trên Internet.
Tuần trước, phương tiện truyền thông xã hội Twitter đã cho đóng hàng ngàn tài khoản lan truyền thông tin giả trên khắp thế giới, bao gồm cả các tài khoản giả mạo của Trung Quốc đưa thông tin sai lệch về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
Quay trở lại báo cáo, các nhà nghiên cứu nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là “người chơi chính” trong cuộc chiến tin giả toàn cầu. Họ sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội để tuyên truyền các thông tin sai lệch và từ lâu họ đã dùng cách này để đối xử với người dân của mình.
27 quốc gia đã ký một tuyên bố chung tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào thứ Hai (23/9) để làm rõ lập trường của họ về “các quy tắc cơ bản” của không gian mạng, về các hacker được nhà nước bảo trợ và cách tiến hành cạnh tranh công bằng trên Internet. Các bên ký kết bao gồm: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc, New Zealand, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước lớn ở châu Âu.
CNN báo cáo rằng 27 quốc gia nói trên cũng đã ký một tuyên bố lên án hai quốc gia, tuy không nêu tên, nhưng giới quan sát cho biết nhiều quốc gia trong số này đã từng lên án Trung Quốc tấn công mạng trong hơn 10 năm qua, đồng thời lên án việc Nga sản xuất Petya, một biến thể phần mềm gián điệp (ransomware) khiến nhiều máy tính trên khắp thế giới bị tấn công.

Cây cầu ‘vô hình’ cho phép du khách đi xuyên qua mặt nước

Cầu Moses ở Hà Lan được xây dựng và hoàn thành vào thế kỷ 17. Nó chia hào nước làm đôi và chìm xuống mặt nước, nhìn từ xa như thể một cây cầu vô hình vậy.
Vào thế kỷ 17, một loạt các pháo đài và hệ thống hào nước được xây dựng trải dài trên khu vực West Branbant. Mục đích của các công trình này là để bảo vệ người dân chống lại những cuộc xâm lược của quân Pháp và Tây Ban Nha. 
Pháo đài Fort de Roovere là một trong số đó. Nơi này có một hào nước bao quanh, nước trong hào quá sâu để có thể tiến vào nhưng cũng lại quá nông nên không thể chèo thuyền ra. Cuối cùng, hai kiến trúc sư Ro Koster và Ad Kil quyết định xây chiếc cầu Moses đặc biệt giúp mọi người băng qua mặt nước để đến với pháo đài, theo Interesting engineering
Ảnh: RO&AD Arch.

Lấy cảm hứng từ Thần tích Moses rẽ nước Biển Đỏ mở lối cho người Do Thái đi qua, chiếc cầu được thiết kế và xây dựng ngang bằng với mặt nước, nhìn từ xa có cảm giác dường như nước tràn vào bên trong. Nhưng khi lại gần, bạn mới thấy cầu Moses hoàn toàn khô ráo. Cấu trúc đặc biệt của nó khiến cho nước trong con hào được chia làm đôi. 
Ảnh: Wikipedia.

Cây cầu Moses thu hút rất nhiều khách du lịch, đa phần trong số đó tò mò về kiến trúc của cây cầu. Phần thân cầu nằm sâu trong lòng nước, điểm cao nhất ngang bằng với mặt nước, vậy khi trời mưa nó có bị nhấn chìm?

Ảnh: Amazing Places.

Trên thực tế, nước sẽ không bao giờ tràn vào làm ngập cây cầu bởi các nhà thiết kế đã tính toán chính xác khu vực xung quanh. Có 2 đập nước ở phía đầu và cuối của con hào khiến mực nước luôn ở một vị trí ổn định. Ngoài ra, dưới chân cầu còn lắp một máy bơm để bơm thoát nước khi trời mưa. 
Ảnh: YouTube.

Các kiến trúc sư sử dụng loại gỗ Accoya, một loại gỗ có tuổi thọ cao, cấu trúc ổn định khi ngâm nước trong thời gian dài. Ngoài ra, cây cầu còn được phủ một lớp kháng khuẩn không độc hại và bọc trong màng nhôm để tránh bị nước ăn mòn. 
Ảnh: RO&AD Arch.
Ảnh: RO&AD Arch.
Ngày nay, cây cầu đã trở thành điểm tham quan nổi tiếng gắn liền với địa danh lịch sử này. 

Ngọc Linh(daikynguyen.com)

Chủ nghĩa dân tộc da trắng’ là gì ? (Nghiên Cứu Quốc Tế )


Nguồn: What is “White Nationalism”?, The Economist, 14/08/2019.
Biên dịch: Lê Hồng Loan

Trong năm nay, sự gia tăng các cuộc tấn công khủng bố của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng bao gồm các vụ thảm sát ở thành phố Christchurch (51 người chết) và El Paso (22 người chết). Thông thường, những kẻ giết người viện dẫn nỗi sợ hãi về việc người da trắng bị “thay thế” và lấy cảm hứng từ những hành vi tàn bạo tương tự khác, đặc biệt là cuộc thảm sát 77 người ở Oslo và một hòn đảo gần đó của Anders Breivik vào năm 2011. Nhưng chủ nghĩa dân tộc da trắng là gì, và nó đến từ đâu?
Hiện tượng này rất khó xác định vì sự tản mát về mặt ý thức hệ và địa lý. Nhìn chung, những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng muốn đạt được trạng thái thuần chủng cho người da trắng. Một số người cố hết sức để tránh tuyên bố công khai rằng các chủng tộc khác là thấp kém hơn, cho rằng mỗi chủng tộc nên đạt được trạng thái thuần chủng riêng. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là những người chủ trương người da trắng là thượng đẳng, họ tin rằng các chủng tộc tạo thành một hệ thống thứ bậc chuẩn mực với người da trắng ở trên cùng. Họ đòi hỏi các chính sách từ kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn đến thuần hóa chủng tộc trên quy mô lớn, hoặc thậm chí diệt chủng. Tất cả những điều này thường gắn liền với nỗi sợ hãi về “người da trắng bị diệt chủng”, hay người da trắng bị “thay thế”, tức ý tưởng rằng “chủng tộc da trắng” đang bị chèn ép đến mức diệt vong thông qua tỷ lệ sinh thấp, hôn nhân khác chủng tộc và tỷ lệ sinh cao hơn của những người không phải da trắng.
Chủ nghĩa dân tộc da trắng hiện đại, nay đã lan rộng khắp thế giới, lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ sau cuộc nội chiến. Với sự chấm dứt chế độ nô lệ, các tiểu bang đã hành động để bảo vệ vị trí đặc quyền của những người theo đạo Tin lành Mỹ cùng di sản Tây Âu, bao gồm các đạo luật “Jim Crow” để thực thi chính sách tách biệt chủng tộc. Những người khác đã dùng đến bạo lực bán quân sự và giết người ngoài pháp luật. Sự định hình tư duy về địa vị người da trắng cũng tăng lên với sự gia tăng nhập cư, đặc biệt là của người Trung Quốc, người Công giáo Ailen, người Nam Âu và người Do Thái. Các đạo luật về nhập cư mới được thiết kế để hạn chế số lượng người mới đến. Cuốn sách “Sự kết thúc của Chủng tộc Vĩ đại (“The Passing of the Great Race”) của Madison Grant, xuất bản năm 1916, đã kết hợp quan điểm của những người theo chủ nghĩa bản địa bài ngoại với thuyết ưu sinh để tạo ra một học thuyết về quyền lực tối cao của người da trắng và thuyết “tự sát chủng tộc”. Adolf Hitler được cho là đã viết thư cho Grant, nói rằng cuốn sách đó là “thánh kinh” của mình.
Mặc dù bị mất uy tín bởi cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít và sau đó là các cuộc đấu tranh dân quyền vào những năm 1950 và 1960, chủ nghĩa dân tộc da trắng đã trải qua sự hồi sinh vào cuối thế kỷ 20, dẫn đến một số cuộc tấn công bạo lực ở Mỹ và châu Âu.
Năm 1988, David Lane đã viết cuốn “Tuyên ngôn Diệt chủng Người da trắng” (The White Genocide Manifesto), trong đó đưa ra một cái tên mới thay thế cho thuyết “tự sát chủng tộc” của Grant. Văn bản này đã lần đầu đưa ra lời hiệu triệu mạnh mẽ cho sự ủng hộ chủ nghĩa dân tộc da trắng: “Chúng ta phải bảo đảm sự tồn tại của dòng giống chúng ta và một tương lai cho những đứa trẻ da trắng” (We must secure the existence of our people and a future for white children), một cụm từ được những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng ca tụng là “14 chữ thiêng liêng”.
Ngoài một niềm tin cốt lõi về ưu thế thượng đẳng của người da trắng, những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng có quan điểm rất khác nhau về các vấn đề khác. Một số người chia sẻ sự nghi ngờ sâu sắc đối với chính phủ liên bang; một số người ủng hộ câu chuyện lịch sử của những người theo chủ nghĩa xét lại về cuộc nội chiến trong đó tôn vinh Hợp bang miền Nam; một số người tin vào thuyết âm mưu bài Do Thái cho rằng người Do Thái muốn kiểm soát toàn cầu, bao gồm một thuyết cho rằng giới tinh hoa Do Thái theo chủ nghĩa quốc tế phải chịu trách nhiệm về việc khuyến khích nhập cư. “Nhật ký Turner” (The Turner Diaries), một câu chuyện giả tưởng theo chủ nghĩa dân tộc da trắng xuất bản năm 1978 bởi William Luther Pierce, kể câu chuyện về một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại chính phủ liên bang bởi những người bảo vệ chủng tộc da trắng. Nó đã ảnh hưởng đến cả Lane và Timothy McVeigh, một cựu chiến binh bị vỡ mộng và nhiệt tình bảo vệ quyền sử dụng súng, người đã thực hiện vụ đánh bom thành phố Oklahoma, giết chết 168 người vào năm 1995.
Chủ nghĩa dân tộc da trắng phát triển nhanh chóng với sự ra đời của internet. Nó đã lợi dụng ý tưởng về những góc tối của không gian mạng để che giấu quan điểm chính trị trong những câu chuyện hài hước để không bao giờ tiết lộ liệu người viết có nghiêm túc hay không. Điều này cho phép những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng sử dụng những người không tin vào thuyết gia trắng thượng đẳng, chỉ vào đó “để giải trí”, nhằm truyền bá thông điệp của họ đến một bộ phận độc giả rộng lớn hơn. Trong khi đó, tại châu Âu, những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng đã giận dữ về cuộc xâm lược tưởng tượng của người Hồi giáo, đặc biệt là sau sự kiện 11/9 và sự trỗi dậy của chủ nghĩa thánh chiến toàn cầu. Trong cuốn sách “Sự Thay thế Vĩ đại” (“The Great Replacement”), Renaud Camus tuyên bố những người Pháp thực thụ đang bị thay thế bởi những người nhập cư từ châu Phi và Trung Đông, được khuyến khích bởi một giới tinh hoa theo “chủ nghĩa thay thế”. Những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng Mỹ đã xếp người Hồi giáo vào nhóm các chủng tộc xâm lược, nhưng vẫn chủ yếu tập trung vào người Latinh, người da màu, và người Do Thái.
Những người chỉ trích Donald Trump cáo buộc ông là một người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng. Điều đó không có bằng chứng. Tuy nhiên, những lời nói của ông thể hiện sự ủng hộ hệ tư tưởng da trắng thượng đẳng. Ví dụ, vào năm 2017, ông đã mô tả một cuộc tuần hành “Unite the Right” (Đoàn kết cánh hữu) tại Charlottesville, Virginia, là việc “những người biểu tình phản đối một cách rất lặng lẽ việc tháo dỡ bức tượng của Robert E. Lee”, một cách nói nhẹ nhàng đến đáng ngạc nhiên để mô tả những kẻ phát xít tự xưng mang những ngọn đuốc và hô khẩu hiệu “Người Do Thái sẽ không thay thế chúng ta”. Năm ngoái, những người cực đoan cánh hữu đã giết nhiều người ở Mỹ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1995, năm xảy ra vụ đánh bom thành phố Oklahoma. Phần lớn trong số này được thực hiện bởi các những người theo thuyết da trắng thượng đẳng. Đó là một mối đe dọa mà các chính quyền ở phương Tây đã quá xem nhẹ.

Vì sao người Trung Quốc ngày càng trở nên thiếu văn minh?

Từ một câu chuyện hành xử thiếu văn minh nơi công cộng, người dân Trung Quốc đã bàn luận sôi nổi về những hành vi đáng xấu hổ của dân tộc mình, từ đó kêu gọi phục hồi đạo đức đang xuống dốc tại mảnh đất 5000 năm văn hiến.


Cách đây không lâu, một cư dân mạng Trung Quốc đã chia sẻ câu chuyện của bản thân, trong một lần đi máy bay, anh đã gặp một người dẫn chương trình nổi tiếng. Người nổi tiếng này ngay khi vào chỗ ngồi của mình liền thuận thế gác chân lên tường cabin máy bay, thậm chí còn cà qua cà lại. Lúc đó nhiều người trong máy bay đã nhìn anh ta, hành vi như vậy được tác giả Sát Phương viết trên kênh Khán Trung Quốc là “biểu hiện của không có tố chất” (từ “tố” có nghĩa là trắng nõn, “tố chất” là người có phẩm hạnh cao sang, thanh khiết, chứ không phải là “yếu tố cơ bản của con người” như trong tiếng Việt).

Sau khi hình ảnh của mình bị bàn tán quá nhiều, anh chàng nổi tiếng kia liền xin lỗi về hành động của mình. Anh giải thích rằng lúc đó bị những cơn giãn tĩnh mạch ở chân nên anh cần phải đặt chân lên cao để thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu. Anh nghĩ rằng mình đang ngồi ở hàng đầu, không có ai phía trước hoặc ở bên cạnh, và bản thân cũng đã thay dép sạch rồi nên không làm bẩn bức tường. Lời xin lỗi cũng được cư dân mạng chấp nhận, nhưng các bình luận tiếp tục quay sang chủ đề về đạo đức nơi công cộng của người Trung Quốc ngày nay.
Những người lớn không chịu lớn

Câu chuyện mở rộng sang các hành vi khác nữa, như một số người thích vứt rác ở bất kỳ đâu mà họ thích. Hay như vụ việc cách đây không lâu ở cửa hàng nội thất IKEA Tây Hồng Môn, do thời tiết nóng bất thường, nhiều người dân đã lũ lượt kéo vào đây, nằm ngồi trên hàng mẫu trưng bày, người thì trợn mắt ngoác mồm, người lại ngả ngốn lướt internet. Quá đáng hơn nữa, có cha mẹ để con cái mông trần lăn lộn trên giường ngủ trắng sạch vốn là hàng mẫu, thậm chí một vài đứa trẻ biến giường thành tấm bạt lò xo để chơi đùa.

Có người nói, “ban đầu tôi đến IKEA để mua đồ nội thất. Tôi thấy một cô lớn tuổi mặc đồ ngủ nằm trên ghế sofa, nên tôi nhất thời tưởng mình nhầm lẫn đã đi nhầm vào phòng khách nhà cô ấy”. Còn có cặp đôi kia nằm dài trên ghế, tình tứ ôm nhau như chốn không người. Tác giả Sát Phương đã nhận định rằng những việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến người khác ở nơi công cộng mà đây còn là thể hiện của việc thiếu hụt tu dưỡng đạo đức cơ bản nhất.

Hành động thiếu văn hóa tại những nơi công cộng hiện nay đã là hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc (ảnh: Presa).

Lâm Ngữ Đường từng nói: “Một số người Trung Quốc chỉ biết gia đình mình, họ không biết xã hội mình. Không có ý thức công cộng, càng không được dạy dưỡng về ý thức công cộng”.

Tác giả Sát Phương cho rằng, những cảnh sau đây giờ đã không hề hiếm trong xã hội Trung Quốc: Bật nhạc thật to khi đang đi trên tàu điện ngầm cùng biết bao nhiêu người, để chuông điện thoại hoặc thậm chí nói chuyện trong khi đang xem phim trong rạp, trẻ em la hét đạp thình thịch vào ghế đằng trước khi đi máy bay mà người lớn không dạy bảo hoặc xin lỗi người bị làm phiền…

Tác giả bài viết trên Khán Trung Quốc đã phải cảm thán:

Quá nhiều người Trung Quốc đại lục, vì lợi ích của chính họ, từ lâu đã mất đi tố chất cần thiết cùng sự hàm dưỡng. Càng đáng sợ hơn, là họ cũng không nhận ra hành vi của mình là sai. Họ giữ tâm lý của những đứa trẻ lớn, tự lấy mình làm trung tâm, coi sự thô lỗ như dũng cảm, nhổ nước bọt như vinh quang.

Trên một chuyến tàu điện ngầm An Huy, Hợp Phì, có một vị đại gia một mình chiếm 4 chỗ ngồi. Trước bao người, ông này cởi giày và nằm xuống ghế, bất kể bên cạnh có một cô gái trẻ. Một thanh niên nhìn thấy, không trực tiếp lên án nhưng lịch sự bước tới hỏi: “Bác khó chịu trong người ạ? Khó chịu thì đi gặp bác sĩ, đừng nằm ở đây…”

Ông chú kia lập tức ngồi bật dậy, nhanh chóng hét lên. Tất cả các loại từ chửi thề được văng ra với cậu thanh niên tội nghiệp. Sau đó, dường như vẫn chưa đủ, ông ta bắt đầu thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Chàng trai trẻ không đánh trả cho đến khi các hành khách khác tách hai người ra.

Có một cô kia ở Thượng Hải. Trong xe điện ngầm vài năm trước, không chỉ ngồi gặm chân gà trong xe mà nhổ cả xương ra sàn tàu. Khi bị nói, cô này không những không nhận lỗi, mà thái độ còn vô cùng kiêu ngạo. Và cô ấy là một giáo viên dạy đàn violin tại một tổ chức giáo dục. Trong hai năm qua, người ta đã ghi nhận được nhiều lần cô này ăn đồ ăn trên tàu điện ngầm và vứt đồ bừa bãi. Sự nổi tiếng của cô thậm chí còn sinh ra vô số người, như “Anh trai tôm hùm” của Bắc Kinh.

“Da mặt của những người này thực sự rất dày. Không gian công cộng cũng vì họ mà thêm phần ô yên chướng khí, bọn họ bất chấp mọi thứ và tinh thần tự tôn của họ là không thể chấp nhận được”, tác giả Sát Phương cho biết, kèm theo lời lý giải:

“Rốt cuộc, những người thiếu đạo đức công cộng không có gì hơn là: Thứ nhất là vô minh. Thứ hai, thiếu giáo dục. Nói tóm lại, họ không thể tự đặt mình vào vị trí của người khác. Nếu ta có thể đồng cảm, để nghĩ cho người khác, thì sẽ không cư xử như vậy”.

Đôi trai gái thản nhiên cắn hạt hướng dương, bỏ vỏ trên sàn tàu điện ngầm (ảnh: Shanghaiist).
Mọi sự giáo dục đều phải bắt nguồn từ việc này…

Nhà văn Trung Quốc nổi tiếng Dư Thu Vũ đã từng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình. Có dịp, anh sang Đức trải nghiệm cuộc sống và chuẩn bị thuê nhà. Khi anh muốn ký hợp đồng thuê nhà dài hạn ngay, ông chủ nhà đã nói: “Bạn chưa sống thử, không biết tốt hay xấu, vì vậy trước tiên hãy ký hợp đồng ngắn hạn để có trải nghiệm một chút, sau đó hãy quyết định có nên sống lâu ở đây hay không”.

Vì vậy, nhà văn sống trong nhà 5 ngày và cảm thấy rất hài lòng. Ông nhấc điện thoại và thảo luận về việc thuê nhà dài hạn với ông già.

Bất ngờ, anh vô tình làm rơi kính xuống đất và tấm kính vỡ tan. Nhà văn đã nhanh chóng nói: “Xin lỗi, tôi đã làm vỡ kính”.

Ông già nói với lòng bao dung: “Không thành vấn đề, bạn không cố tình. Tôi sẽ lấy thêm một cái nữa”. Sau khi nhà văn cúp điện thoại, anh quét dọn kính vỡ và loại rác khác cho vào túi rác và đặt bên ngoài nhà.

Một lúc sau, ông lão đi đến và nhìn thấy túi rác đầy những mảnh thủy tinh vỡ bên trong. Thật bất ngờ, ông lập tức nói với nhà văn: “Anh có thể chuyển đi vào ngày mai, tôi sẽ không cho anh thuê nhà nữa”.

Nhà văn rất ngạc nhiên hỏi: “Tôi làm vỡ kính và làm ông không vui?”

Ông già lắc đầu: “Không phải, là bởi vì anh không biết nghĩ đến người khác”.

Sau đó, ông lão phân loại lại rác và bỏ các mảnh thủy tinh vào một chiếc túi riêng, ghi một dòng chữ bên ngoài túi: “Có thủy tinh bên trong, nguy hiểm!”.

Ông lão dùng hành động của mình để nói với nhà văn Dư rằng: Người sống trên đời, không thể chỉ nghĩ tới bảo hộ mình. Biết dùng lòng tốt mà nghĩ đến người khác, chính là một người được dạy dỗ tốt nhất”.

Carnegie đã viết trong Nhược điểm của nhân tính rằng:

Người chỉ nghĩ cho bản thân mình là không thể cứu được. Cho dù anh ta có được trải qua loại giáo dục như thế nào, anh ta vẫn là không được dạy làm người.

Tác giả Sát Phương đã kết lại một câu như khẩn cầu người Trung Quốc, “tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể có ý thức không gây rắc rối cho người khác, và dùng lòng tốt suy nghĩ cho người khác”.

Từ những câu chuyện của người Trung Quốc đại lục và nỗi buồn tủi của họ, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự tương đồng trong xã hội Việt ngày nay. Những người lớn chưa trưởng thành vẫn đang hàng ngày hành động tùy tiện ở mọi nơi, từ chỗ xếp hàng trong siêu thị, rạp chiếu phim, bệnh viện, nhà hàng cho tới trên đường phố, cơ quan hành chính, công sở…

Những nỗi buồn và hổ thẹn giống nhau, thì cũng cần những lời kêu gọi giống nhau. Tôi muốn kể lại câu chuyện này để lời cầu khẩn được lan tỏa hơn nữa, bởi chúng ta, những người Việt, cũng cần đốc thúc nhau làm người tử tế.

Thuần Dương (daikynguyen.com)

Nước ngọt đường ăn kiêng có thể làm bạn giảm tuổi thọ

Nhiều người lựa chọn nước ngọt có đường nhân tạo để giảm béo, hay nguy cơ có hại nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy thực tế đường ăn kiêng cũng gây hại tương tự như nước ngọt có đường tự nhiên.
Kết quả từ một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới về nước ngọt cho thấy chỉ cần 2 ly nước ngọt ăn kiêng mỗi ngày có thể làm giảm tuổi thọ của bạn.
Nghiên cứu được tiến hành trên 450000 người tại 10 quốc gia ở Châu Âu. Những người tử vong trong 16 năm nghiên cứu có xu hướng uống nhiều nước ngọt hơn. Tác giả chưa đưa ra khuyến cáo cuối cùng và đề nghị cần phải nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.
Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ ở những người dùng các thức uống ngọt nhân tạo cao hơn đáng kể so với nước ngọt dùng đường tự nhiên.
Các nhà khoa học tại Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế của WHO tại Lyon khuyến cáo mọi người rằng việc dùng nước lọc để thay thế các loại nước ngọt là lựa chọn khôn ngoan.
Các chuyên gia chỉ ra rằng rằng việc đánh thuế cao các loại nước có đường – đã thực hiện tại Anh- có thể làm tăng lương tiêu thụ các loại nước ngọt ăn kiêng, trong khi ảnh hướng của những loại nước ngọt này đối với sức khỏe vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ.
Tại hội nghị Tim mạch của Cộng đồng Châu Âu tổ chức tại Paris đưa ra khuyến cáo người dân cần hạn chế tối thiểu các loại nước ngọt trong chế độ ăn.
Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí JAMA Internal Medicine Journal, là nghiên cứu lớn nhất tìm hiểu về mối liên hệ của lượng nước ngọt tiêu thụ và tỷ lệ tử vong. Các nghiên cứu trước đây đã đưa ra mối liên hệ này, nhưng chưa có bằng chứng đủ thuyết phục. Nghiên cứu này chỉ ra những người tiêu thụ hơn hai cốc ( khoảng hơn 250 ml) nước ngọt ăn kiêng một ngày có tỷ lệ tử vong cao hơn đến 26% trong vòng 16 năm. Tỷ lệ tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch lên đến 52%.
Ở những người sử dụng hai ly nước ngọt có đường hoặc nhiều hơn mỗi ngày, tỷ lệ tử vong tăng lên khoảng  8%.
Nghiên cứu toàn cầu với hơn 450.000 người trưởng thành ở 10 quốc gia – cho thấy tiêu thụ hàng ngày của tất cả các loại nước ngọt có liên quan đến nguy cơ tử vong trẻ cao hơn.

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, tiến sỹ Neil Murphy cho biết: Điều đáng chú ý trong nghiên cứu của chúng tôi là mối liên quan chặt chẽ của cả nước ngọt dùng đường tự nhiên và chất ngọt nhân tạo với tỷ lệ tử vong. Cơ chế vẫn chưa được biết rõ, tuy nhiên các nghiên cứu trước đây cho rằng chất ngọt nhân tạo làm tăng dung nạp glucose, từ đó làm tăng lượng insulin trong huyết tương.
Tiến sỹ Murphy cho rằng cần nghiên cứu sâu thêm để đánh giá tác động lâu dài đối với sức khỏe của các chất ngọt nhân tạo có nhiều trong nước ngọt như aspartame hay kali acesulfame. Một số người bác bỏ kết quả từ các nghiên cứu trên vì họ cho rằng những người dùng nước ngọt ăn kiêng thường đã có sẵn các vấn đề về sức khỏe. Nhưng nghiên cứu mới này cho thấy mối liên hệ giữa việc uống nước ngọt ăn kiêng và tỷ lệ tử vong ngay ở những người khỏe mạnh.
Nhóm nghiên cứu quan ngại về khuyến cáo tăng cường sử dụng các thức uống ăn kiêng thay cho thức uống có đường tự nhiên. Tác giả bài báo nêu rõ: “Đường hóa học với hàm lượng calories thấp đang thu hút sự chú ý của người dùng và được nhiều ưu tiên như mức thuế thấp”.
“Các chất tạo ngọt nhân tạo có ít hoặc không có calories, tuy nhiên tác động lâu dài của chúng đối với thể chất và tinh thần của con người vẫn chưa được biết rõ”.
Chuyên gia về đột quỵ, Giáo sư Michell Elkind, chủ tịch hội Tim mạch học Hoa Kỳ cho rằng: “Nghiên cứu này rất quan trọng, đây là một nghiên cứu lớn và đa quốc gia”. “Thông điệp gửi đi đó là hãy dùng nước lọc, hãy tránh dùng các loại nước ngọt và cảnh giác với các loại nước uống ăn kiêng”.
“Dùng nước lọc là biện pháp an toàn nhất. Bạn cũng có thể dùng trà hoặc cà phê. Hãy hạn chế thấp nhất việc sử dụng các loại nước uống có sắn”. “Việc thay đổi hành vi của người dùng rất khó khăn nhưng kết quả của nghiên cứu này có thể mang lại nhận thức mới”

Giận Mà Thương - Thơ Sông Trăng



Không đến kịp
nên đành thôi trễ hẹn
Cơn mưa chiều có làm ướt áo ai
Mưa có lăn qua bờ môi ứa nghẹn
Giọt rơi buồn
vướng víu cọng tóc mai

Mưa chiều nay
em bâng khuâng tự hỏi
Đếm bước chân buồn
những bước loanh quanh
Phố xá chen chân, riêng mình trơ trọi
Trách hờn mưa em có nhớ đến anh?

Bàn tay lạnh
không còn tay ai nắm
Xác lá nằm thim thíp, mảnh chiều cong
Mưa hắt hiu
cho cô đơn vừa ngấm
Giận mà thương em giấu ở trong lòng

Sông Trăng

BF là gì?



BF là gì?
> Một cậu bé nói với một cô bé:
> - Tớ là BF của cậu!
> Cô bé hỏi:
> - BF là gì?
> Cậu bé cười hì hì trả lời:
> - Nghĩa là Best Friend đấy. (Bạn tốt nhất)
> Sau này họ hẹn hò, chàng trai lại nói với cô gái:
> - Anh là BF của em!
> Cô gái dựa nhẹ vào vai chàng trai, thẹn thùng hỏi:
> - BF là gì hả anh?
> Chàng trai trả lời:
> - Là Boy Friend đấy! (Bạn trai)
> Vài năm sau đó họ kết hôn, sinh được những đứa con thật xinh xắn, người chồng lại cười và nói với vợ rằng: - Anh là BF của em!
> Người vợ dịu dàng hỏi chồng:
> - BF là gì hả anh?
> Anh chồng nhìn đàn con xinh xắn và hạnh phúc trả lời:
> - Là Babies’s Father. (Bố của các con)
> Khi những đứa con lớn dần, nhìn vợ và những đứa con yêu quý, người đàn ông lại nói:
> - Chúng mình là BF:
> Người vợ tươi cười hỏi:
> - BF là gì nữa đây anh?
> Người chồng vui vẻ trả lời:
> - Là Beautiful Family! (Gia đình tuyệt đẹp)
> Khi họ già, cùng nhau ngồi ngắm hoàng hôn trước hiên nhà,
> Ông lão lại nói với vợ:
> - Bà nó à! Tôi là BF của bà đấy!
> Bà lão cười với những nếp nhăn trên mặt:
> - BF là gì hả ông?
> Ông lão mỉm cười thật hạnh phúc và trả lời một cách thần bí:
> - Là Be Forever! (mãi mãi thuộc về nhau).
> Khi ông lão hấp hối cũng nói :
> - Tôi BF bà nha.
> Bà lão trả lời với giọng buồn:
> - BF là gì vậy ông??
> Ông lão trả lời rồi nhắm mắt:
> - Là Bye Forever! (Vĩnh biệt mãi mãi)
> Vài ngày sau, bà lão cũng ra đi, trước khi nhắm
> mắt, bà lão nói nhỏ bên mộ ông lão:
> - BF (Beside Forever) nha ông. (Bên nhau mãi mãi)
> Beside Forever
> Beside Forever........ (Mãi mãi bên nhau)

(Báo Việt Luận Úc Châu)