Về Bài "THU VŨ DẠ MIÊN " của BACH CƯ DỊ

Cùng Bạn,
Lâu lắm Cali mới hưởng được một trận mưa  rỉ rả suốt đêm qua và sẽ kéo dài hết ngày hôm nay. Mưa thì có nước xài và ao hồ bớt cạn và những cánh đồng bát ngát cây trái có nước để tưới tiêu thật mừng, tuy nhiên người ta đang lo âu cho những trận đất chuồi núi lở sẽ xảy ra ở những vùng bị bão lửa vừa qua sẽ khủng khiếp nếu mưa bão liên tục. Nhưng thôi tạm để qua một bên cái lo âu muôn đời của kiếp nhân sinh, mời các bạn thơ hãy thưởng thức một bài thơ của Bạch Cư DỊ dưới đây, và riêng tôi cũng thật cảm khái nghe tiếng mưa tí tách bên ngoài đêm qua, nhất là sáng nay dậy sớm , bên ly cà phê nóng thơm lừng, nhìn màn mưa bên ngoài mà cảm thấy vô cùng hạnh phúc, mình được ân huệ của Trời Đất,hơn biết bao nhiêu người khác trên hành tinh nầy đang đói lạnh không nhà! Xin cảm tạ Ơn Trên.
Mailoc

Thu Vũ Dạ Miên

                Bạch Cư Dị

Lương lãnh tam thu dạ, 
An nhàn nhất lão ông. 
Ngoạ trì đăng diệt hậu, 
Thuỳ mỹ vũ thanh trung. 
Hôi túc ôn bình hoả, 
Hương thiêm noãn bị lung. 
Hiểu tình hàn vị khởi, 
Sương diệp mãn giai hồng. 



Dịch nghĩa:

Ngủ Trong Đêm Thu Mưa 

Một đêm giá lạnh trong ba tháng thu;
có một ông già đang an nhàn.
Lên giường trễ sau khi tắt đèn;
ngủ ngon trong tiếng mưa rơi.
Chỉ còn tro tàn trong lò sưởi;
bỏ thêm trầm hương vào lồng đốt.
Buổi sáng quang đãng, khí lạnh chưa tới;
Lá đỏ đẫm sương rụng đầy thềm.

- Bản dịch của Mai Lộc -- 

Ba tháng thu một đêm lạnh lẽo 
Một lão nhân trong vẻ an nhàn . 
Lên giường đèn tắt muộn màng 
Vùi say giấc điệp mơ màng nhạc mưa . 
Trong lò hồng tro vừa tắt ngủm 
Thêm trầm hương một nhúm vào lồng 
Rét còn chưa tới, rạng đông 
Sương đêm nhuộm thắm rực hồng lá thu . 

         Mailoc phỏng dịch
 Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây :

        Inline image
1. Nguyên bản chữ Hán cổ của bài thơ :

  秋雨夜眠           THU VŨ DẠ MIÊN

涼冷三秋夜,    Lương lãnh tam thu dạ,
安閒一老翁。    An nhàn nhất lão ông.
臥遲燈滅後,    Ngọa trì đăng diệt hậu,
睡美雨聲中。    Thụy mỹ vũ thanh trung.
灰宿溫瓶火,    Hôi túc ôn bình hỏa,
香添暖被籠。    Hương thiêm noãn bị lung.
曉晴寒未起,    Hiểu tình hàn vị khởi,
霜葉滿階紅。    Sương diệp mãn giai hồng !
         白居易                             Bạch Cư Dị

     Inline image

2. Chú thích :
    - Lương Lãnh : Lương là Mát; Lãnh là Lạnh; Lương Lãnh là Mát  đến thấy lạnh, vì đã Tam Thu là vào khoảng tháng 9 âm lịch.
    - Bình Hỏa : là Cái bình bằng sành hơ trên lửa cho nóng để ôm ngủ cho ấm trong đêm thu lạnh lẽo.
    - Bị Lung : là cái mền bung ra như cái lồng để chui vào cho ấm.
    - Hiểu Tình : là Buổi sáng tạnh ráo không có mưa thu.
    - Sương Diệp : là Những chiếc lá nhuốm sương thu.

3. Bối cảnh xuất xứ của bài thơ :
            Bài thơ trên đây được sáng tác vào năm Đại Hòa thứ 6, đời vua Đường Văn Tông. Lúc bấy giờ Bạch Cư Dị đang là Phủ Doãn của tỉnh Hà Nam, đã trên sáu mươi tuổi và thân thể đã suy nhược già yếu. Việc quan tuy nhàn hạ nhưng vô vị, cộng thêm người bạn thơ thân thiết là Nguyên Chẩn 元稹 vừa mới tạ thế, nên tâm tình
của ông đang xuống dốc buồn chán và lãnh đạm với mọi việc. 

4. Nghĩa Bài Thơ :
                          Ngủ Trong Đêm Mưa Thu
          Một lão ông đang an nhàn ngủ đi trong cái lạnh lẽo của ba tháng mùa thu. Nằm trăn trở hèn lâu khi đèn đóm đà tắt hết, rồi ngủ thiếp đi ngon lành trong tiếng mưa thu. Tro tàn trong lò còn làm ấm lên cái bình sưởi, và trầm hương còn tỏa hương thơm vào tấm chăn thơm ấm áp. Trong buổi sáng mai quang tạnh nhưng lạnh lẽo nầy, ta còn nằm ráng mà chưa muốn thức dậy, trong khi sương thu đã nhuộm đỏ cả các lá cây rụng xuống phủ đỏ cả các bậc thềm !   
5. Diễn Nôm :
                   Ngủ Trong Đêm Mưa Thu

                    Image result for 秋雨夜眠 白居易

                     Ba tháng thu lạnh lẽo,
                     An nhàn một lão ông.
                     Tắt đèn đi ngủ trễ,
                     Mưa thu say giấc nồng.
                     Bình sưởi tàn tro ấm,
                     Chăn gối thoảng hương nồng.
                     Sáng trời chưa muốn dậy,
                     Sương nhuốm lá đỏ hồng !  
    Lục bát :
                  Ba thu lạnh lẽo heo may,
                  An nhàn một lão ông ngoài sáu mươi.
                  Đèn tàn nằm trễ nghe lười,
                  Mưa thu thánh thót ngủ vùi năm canh.  
                  Tro tàn bình ấm còn quanh,
                  Trầm hương thoang thoảng chăn lành lạnh thơm.
                  Sáng ngày biếng dậy chập chờn,
                  Sương thu nhuộm lá đỏ rơn mặt thềm !           

                                                         Đỗ Chiêu Đức

Tôi là một nhà truyền giáo người Mỹ ở Honduras – Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh bạo lực mà họ chịu đựng

America Magazine
Tác giả: Patrick Gothman
Dịch giả: Lam Kiều Lam



Cô bé Brithani Lizeth Cardona Orellana, 3 tuổi (dưới cùng bên phải), cùng với chị gái 5 tuổi Janeisy Nicolle và anh trai 9 tuổi Kenner Alberto. Hai bên là dì và cậu của họ tại nhà họ ở San Pedro Sula, Honduras. Ảnh chụp ngày 2/11/2018. Nguồn: AP / Moises Castillo
Tại mỗi tiệm bánh Dunkin ‘Donuts ở Honduras, luôn có một nhân viên bảo vệ mang súng đứng canh gác. Khi bạn vào một tiệm thuốc tây, người bảo vệ với khẩu súng ngắn đeo trên ngực, sẽ giữ khẩu súng của bạn một cách thận trọng, trong khi bạn chờ đợi mua thuốc theo toa bác sĩ.
Vào những ngày lễ, không bắn pháo hoa bắn chính thức, chỉ có một số pháo nổ và súng nổ bất hợp pháp, nổ tung trong màn đêm. Vào đêm trước Giáng sinh, Năm mới, lễ Quốc khánh, mọi thị trấn trên khắp đất nước, những tiếng súng vang vọng trong bóng đêm như một lực lượng vũ trang phi nước đại ra khỏi thị trấn, giống như trong phim cao bồi miền Tây hoang dã.
Năm năm trước, tôi rời Hoa Kỳ để cùng với những người Mỹ và những người Nicaragua tình nguyện đến làm việc tại ngôi nhà dành cho trẻ em trên bờ biển phía bắc Honduras, nơi phục vụ trẻ em mồ côi và trẻ em không còn sống với gia đình do nghèo khổ, bị lạm dụng hoặc cả hai. Chúng tôi trực tiếp chứng kiến thiên đường và địa ngục từ những người hàng xóm bên cạnh, và bạn có thể nghe thấy tiếng súng nổ vào ban đêm từ cả hai phía.
Lần đầu tiên tôi bị một khẩu súng chĩa vào tôi trong khi tôi đang chờ taxi vào sáng tinh mơ ở khu phố giàu có nhất San Pedro Sula, trung tâm công nghiệp của đất nước, và vào thời điểm đó là “thủ đô giết người” của thế giới. Nhân viên bảo vệ nhìn thấy tôi đang đứng bên ngoài chủng viện, nơi tôi đã qua đêm với tư cách khách mời. Anh ta trèo xuống từ tháp pháo của mình trên góc phố và tiếp cận tôi với một tay cầm con dao rựa, tay kia nâng một khẩu súng lục.
“Anh đang làm gì ở đây?” Anh nheo mắt nhìn tôi, chớp mắt lại.
“Tôi chỉ chờ taxi. Tôi đi tới sân bay”, tôi nói.
Anh ta hỏi: “Vậy tại sao anh lại đợi ở đây, trên đường này? Không có gì tốt đẹp xảy ra ở đây vào thời điểm này”. Xung quanh chúng tôi là những ngôi nhà biệt thự theo tiêu chuẩn của Mỹ. Tôi muốn trở lại bên trong chủng viện, nhưng cánh cổng cao 15 feet đã đóng lại sau lưng và tôi không thể mở nó mà không đánh thức tất cả các linh mục, nữ tu và chủng sinh bên trong.
Tôi đề nghị: “Tôi có thể sang khu nhà khác và đợi. Xe của tôi chỉ cách năm phút thôi”.
“Không! Anh đợi ở đó. Đừng đi đâu cả. Đợi đấy”, anh ta nhấn mạnh.
Khi xe taxi của tôi cuối cùng đã đến, anh ta cất súng vào bao và nói lời xin lỗi, nhưng tôi không nấn ná lâu để đáp lời anh.
Trước khi dọn đến Honduras, tôi đã đến thăm đất nước này. Trong một tuần, tôi giúp hướng dẫn một nhóm học sinh trung học từ tất cả các trường Công giáo ở Giáo phận Dallas, những người cung cấp một số việc làm thủ công và vật liệu cho “giáo phận chị em của chúng tôi”. Trong bóng tối của một ngọn núi xanh lớn, chúng tôi đã xây dựng lại và sơn một ngôi trường đông đúc, nơi Luis là người hướng dẫn địa phương của chúng tôi, có vợ là giáo viên. Luis giống như viên thị trưởng ở ngôi làng nhỏ này. Ông điều hành trường học, giúp giải quyết các tranh chấp, hướng dẫn học Kinh Thánh cho cộng đồng và làm lễ vào Chủ Nhật, và là một trong những cư dân duy nhất có xe hơi, nên ông cũng cung cấp dịch vụ xe cứu thương.
Một buổi sáng, ông chào chúng tôi với đôi mắt đỏ ngầu và thâm quầng. Ông đã đưa một người hàng xóm bị đau dạ dày đến bệnh viện vào giữa đêm — hơn một giờ lái xe mỗi bận, từ phía bên kia của ngọn núi. Ông trở lại kịp lúc để ăn sáng và cầu nguyện và chào đón chúng tôi vào buổi sáng tại trường.
Luis và vợ ông là những tấm gương nổi bật về hàng loạt câu chuyện mà họ đã làm được trong bối cảnh nghèo đói cùng cực. Với lòng quyết tâm và một trái tim thiện lành, người ta có thể trở thành trụ cột của cộng đồng — một cộng đồng đáng để ở lại.
Có lần tôi hỏi Luis, có phải nhiều thanh niên trong làng của ông muốn bỏ đi Mỹ hay không. “Tất cả bọn họ”, ông nói với tôi. Không có sự xấu hổ trong giọng nói của ông, mà đơn giản chỉ là sự thật. Khi tôi hỏi ông, có bao giờ ông nghĩ đến việc bỏ đi, ông lắc đầu. Ông có vợ và một đứa con trai, một công việc tốt, một cộng đồng nơi ông sống, giúp tạo ra sự khác biệt; ông không thể tưởng tượng đến việc bỏ đi.
Nhiều năm sau, khi tôi chuyển đến một thị trấn ở phía bên kia của ngọn núi đó, tôi đón xe buýt để thăm Luis và gia đình ông. Ông rất vui mừng khi gặp lại tôi nhưng đã cảnh báo tôi, lần sau đừng đi xe buýt. “Nó không an toàn”, là tất cả những gì ông nói.
Trong hai năm ở Honduras, tôi đã học cách yêu thương những đứa trẻ đó tại ngôi nhà nơi chúng tôi làm việc, như thể chúng là con mình. Mục tiêu của chúng tôi là chuẩn bị cho chúng cuộc sống lành mạnh và hiệu quả ở Honduras, mặc cho thời thơ ấu tàn bạo và đau khổ mà chúng đã phải chịu đựng. Nếu chúng tôi có thể tặng cho những đứa trẻ tình yêu thương đầy đủ, sự ổn định và bình yên giữa cơn bão động bao quanh chúng, sau lưng chúng là quá khứ, thì chúng tôi tin chúng có thể có một cơ hội chiến đấu.
Tuy nhiên, bạo lực xảy ra không hề báo trước, và nó bất kể những niềm tin chân thành. Vừa trở về từ lớp tiếng Anh tôi dạy trong ngày, tôi nghe tin một trong những tình nguyện viên và giám đốc điều hành của chúng tôi, là người đến từ Hoa Kỳ, đã bị tấn công trên bãi biển gần khu nhà chúng tôi. Có lẽ khoảng 200 mét từ khu trú ẩn của chúng tôi, họ đã bị kề dao phay vào cổ và một tình nguyện viên, một trong những người bạn thân nhất của tôi, cô đã bị hãm hiếp. “Chúng tôi biết các người từ đâu tới. Nếu các người kể cho ai nghe thì chúng tôi sẽ trở lại và giết các người và tất cả những đứa trẻ”, những kẻ tấn công đã nói khi thả họ đi.
Sau khi đến bệnh viện và báo cáo cảnh sát, người bạn yêu quý của tôi đã trải qua đêm cùng với tất cả chúng tôi trên nền nhà, một vài người trong chúng tôi mang dao phay kề bên và tất cả chúng tôi không thể ngủ được. Sáng hôm sau, cô ấy đã được di tản ra khỏi nước này, và tất cả chúng tôi cũng đã được ban giám đốc đề nghị rời khỏi nơi này. Bổng dưng, sự lựa chọn đáng ghét là phải chạy trốn khỏi đất nước này, trong đó có rất nhiều người hàng xóm Honduras của chúng tôi, đã biến thành vấn đề của tôi. Những kẻ phạm tội vẫn chưa bị bắt, và cộng đồng tình nguyện viên ít ỏi của chúng tôi nhanh chóng suy yếu khi nhiều người thừa nhận, họ không còn cảm thấy an toàn để tiếp tục làm việc. Ngày hôm sau, những người còn lại cũng rời khỏi đất nước.
Vài năm sau, tôi đã liên lạc được với Luis qua WhatsApp. Hóa ra ông và gia đình đã trốn khỏi thị trấn nhỏ của họ vào giữa đêm. Một băng đảng địa phương đã yêu cầu ông trả cho họ tiền phí “bảo vệ”, và khi Luis từ chối, họ đe dọa sẽ giết ông và cả gia đình. Họ chạy trốn đến một thành phố lớn hơn, nhưng ông và vợ không thể tìm được công việc giảng dạy và vẫn sợ băng đảng cuối cùng sẽ tìm thấy họ. Ông hỏi tôi có thể giúp ông xin tị nạn ở Hoa Kỳ được không.
Tôi đã liên lạc với vài luật sư di trú, họ nói với tôi rằng, Luis phải vượt đường xa tìm đến biên giới Mexico-Hoa Kỳ và nộp đơn xin tị nạn ở đó. Nhưng ngay cả khi ông ấy có thể tới được biên giới, tôi phải nói với Luis rằng, có khả năng gia đình ông sẽ không được cấp quy chế tị nạn. Luis đau khổ. Ông cần bảo vệ gia đình của mình, ông nói, và cách tốt nhất ông có thể làm là bỏ đi, để có thể giúp gia đình ông được sống. Có thể tôi và anh kết hôn, chỉ trên giấy tờ, ông nói nghiêm túc. Ông nói đúng, rằng việc đó (tức hôn nhân đồng tính: ND) bây giờ hợp pháp ở đây, tại Hoa Kỳ, tôi giải thích, nhưng tôi không thể kết hôn với ông để ông có quốc tịch. Cho dù lời đề nghị của ông là ngớ ngẩn, tôi đã bứt rứt khi gõ lời từ chối ông, biết rằng quyết định của tôi là vấn đề sống, chết.
Tôi vẫn nhận được tin nhắn từ Luis mỗi vài tuần, cầu xin tôi giúp đỡ, mặc dù thành thật mà nói, tôi không còn đủ can đảm để mở tin nhắn của ông ra xem nữa. Vì những tin nhắn liên tục nhắc tôi rằng, tôi bất lực, khiến tôi không chịu nỗi. Tôi biết rằng tôi có quyền phớt lờ nạn bạo lực ở Honduras và giả vờ như tôi không sống ở đất nước đã tạo ra sự tuyệt vọng của Luis, cũng là đất nước có thể giúp sửa chữa nó.
Với tất cả những gì tôi biết, Luis có thể là một thành phần trong đoàn di cư vô danh, chờ đợi ở phía bên kia biên giới phía nam để xin tị nạn. Đó là điều mà một người bạn thực sự nên biết. Điều quan trọng phải biết những người này là ai và những gì họ làm là hợp pháp (xin tị nạn là hợp pháp ở Hoa Kỳ: ND). Không có cách nào để họ xin tị nạn từ nước họ. Ám chỉ rằng những người có mặt ôn hoà, làm thủ tục xin tị nạn tại các cửa khẩu là vi phạm luật pháp của Mỹ, là không trung thực.
Khi tôi gặp Luis lần đầu tiên, tôi cho rằng ở Honduras có thể có được nền giáo dục, công việc và trở nên ổn định về mặt tài chính mà bạn sẽ không bao giờ cần phải rời khỏi đất nước. Nhưng hình ảnh trong đầu tôi về “người Honduras đạo đức” đã chứng minh sự ảo tưởng, khi Luis thậm chí bị buộc phải chạy trốn khỏi bạo lực và nghèo đói ở Trung Mỹ. Nếu chúng ta muốn chấm dứt việc các gia đình ban đêm chạy trốn vào biên giới của chúng ta, thì chúng ta cần tìm hiểu lý do tại sao ban đêm của họ trở nên quá khủng khiếp để bắt đầu.
Các loại vũ khí nhiễu loạn đường phố của họ đến từ nuớc Mỹ chúng ta. Tham nhũng xâm nhập vào chính phủ của họ là kết quả trực tiếp của cuộc đảo chính và bất ổn mà đất nước chúng ta đã liên tục chỉ thị hoặc dung túng trong hơn một thế kỷ. Trước khi Banana Republic là một cửa hàng quần áo sang trọng, đó là một thuật ngữ áp đặt lên một quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào một nền kinh tế mạnh mẽ hơn bên ngoài biên giới của nó. Nó chỉ là một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân, và nạn nhân nguyên thủy là Honduras.
Nghèo đói và bạo lực, nguyên nhân của những đoàn lữ hành, là những căn bệnh mà chúng tôi đã truyền nhiễm cho các nước này. Việc những người nổi giận với những người di cư giống như những kẻ đi xâm chiếm Trung và Nam Mỹ, và những người da trắng đầu tiên, tự hỏi tại sao người Mỹ bản địa luôn ốm đau.
Những người trong chúng ta sống ở phía bắc biên giới Mexico phải học cách hòa mình vào đất đai của chúng ta và tại sao hàng xóm của chúng ta ở phía nam vẫn nghe thấy tiếng súng nổ vào ban đêm. Tôi đã chạy trốn từ bên này sang bên kia và theo dõi trong vô vọng những người tôi quan tâm đến đang cố gắng đi theo. Nhưng được sinh ra trong thiên đường không có lý do gì để lên án những người vẫn còn bị mắc kẹt trong địa ngục.


Tác giả: Patrick Gothman là cây bút người Công giáo, sống tại thành phố Seattle, bang Washington. Ông hiện là biên tập viên cho trang Reaching Out, một ấn phẩm về những câu chuyện của những người L.G.B.T., từ những người có đức tin.

Bàn về Khúc ngâm người tiết phụ đời Đường

Văn Việt .




29 thg 11, 2018

Thú ăn động vật sách đỏ ( Từ Bình Luận Án)

 Thú ăn động vật sách đỏ


Trần Hồng Phong

Hôm qua 26/11/2018, báo chí trong nước đưa tin về vụ có một "tay chơi" là giám đốc một doanh nghiệp, khoe ảnh đang giơ hai con chim quý và hô hào “Có ai nhậu không, thiếu tay”, trên trang cá nhân của mình. Nhậu mồi là động vật sách đỏ có vẻ là một thú vui của không hiếm đàn ông Việt Nam.

<< Đây là một chú mèo rừng ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), là một trong những loài động vật quý hiếm thuộc danh mục nhóm IB, mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. Không loại trừ khả năng có những gã đàn ông muốn có cơ hội nhậu món mồi quý hiếm này (ảnh minh họa)



Trong tấm ảnh, là một người đàn ông tuổi còn trẻ, đang cười nham nhở (hay đắc ý) trên tay cầm hai con chim đã bị vặt trụi lông, thui qua lửa để ăn nhậu. Theo báo, người đàn ông này được cho là giám đốc một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước và loại chim xuất hiện trong ảnh là chim Hồng Hoàng, sinh sống nhiều trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước). Đây cũng là loại chim quý nằm trong sách đỏ của IUCN về các loài nguy cấp.

Thực hư chuyện này thế nào, có phải là động vật sách đỏ hay không, sẽ bị xử lý ra sao... , tôi không quan tâm lắm mà cũng không muốn đào sâu. Mà chỉ là tôi bỗng liên tưởng đến thú vui ăn nhậu của giới đàn ông Việt Nam, trong đó có cả ... tôi!

Nói một cách ngắn gọn, là tôi thấy đàn ông Việt Nam giai đoạn đang xây dựng xã hội chủ nghĩa hiện nay rất khoái nhậu nhẹt, say sưa. Gặp nhau, thay vì cùng uống trà, hay cà phê ... thì luôn có quan điểm cho rằng như vậy là sơ giao, nhẹ nhàng quá. Chưa được nhiệt tình, thể hiện sự quý mến nhau. Cho nên là phải nhậu.

Mà đã nhậu, thì thức uống tất nhiên phải là thứ có cồn như bia, rượu và càng đắt tiền càng quý. Đồ mồi cũng vậy, càng quý hiếm lạ lại càng quý, thể hiện được sự tôn trọng quý mến nhau. Hoặc ít ra cũng chứng minh mình những người rành ăn nhậu, biết chơi.

Thế nên, đồ mồi mà làm từ heo, bò, cá ... thường bị xem là quá thường. Chê.

Mà đồ mồi phải là đặc sản, lạ, và đặc biệt là càng hiếm, càng đắt tiền lại càng ... tốt(!?). Nói về tiền, thì nhiều ông về nhà keo kiệt với vợ, con từng đồng. Tỷ như con xin tiền vài chục ngàn đồng mua cuốn truyện thì hoặc không cho, hoặc bắt phải hứa hẹn chăm ngoan điểm tốt. Nhưng ra quán nhậu bạn bè bù khú, thì góp vào 500K, hay 1 triệu, 2 triệu là chuyện đơn giản (bằng cả tháng tiền mua sữa cho con). Tiền cứ nhẹ như lá đa.

Nói về mồi nhậu, thì món "lạ", món "đặc biệt" thường là đặc sản địa phương, hay thú rừng quý hiếm.

Tôi không phải là đại gia, cũng không làm quan, nên chưa có cơ hội dùng đồ mồi dạng cao cấp như tay gấu, não khỉ, ... nhưng xin thú nhận là cũng đã nhiều lần cùng bạn bè ăn hoặc được mời những món quý hiếm như: heo rừng, chồn hương, dúi, nai, nhím, ...vv

Nói chung là khi ăn thấy lạ, ngon, sướng! Nhưng cũng chỉ là cảm giác thoáng chốc thôi. Chứ không đến mức thèm khát, nhớ nhung gì.

Nhưng càng chững tuổi, tôi càng thấy mình có gì đó sai sai khi ăn những món mồi như vậy. Đó cũng là lý do tôi "cảm hứng" viết vài dòng chia sẻ chút kỷ niệm ở đây.

1. Có một lần, tôi được khách hàng mời nhậu món đồ mồi là con Dúi - một loài chuột núi sống hoang dã. Khi nhân viên nhà hàng hỏi làm thành mấy món, rồi giới thiệu "ngon lắm" ... vì tò mò nên tôi có đi ra phía sau, nói để xem con Dúi là con gì mà hồi giờ chưa biết. Nhân viên dẫn tôi ra phía sau nơi đặt chuồng nhốt thú. Tôi thấy cả một dãy cũi sắt chạy dọc tường, nhìn các con thú bị giam trong cũi, mắt nhòa nhoẹt ghèn, run bần bật như cầy sấy. Đặc biệt là một con thú giống như một con chó con hay chồn con chi đó, ánh mắt của nó nhìn tôi vừa như cầu cứu, lại vừa thù hận, phẫn uất khiến tôi bị ám ảnh mãi. Khi tôi đi vào nói với mọi người về cảm giác của mình, mọi người đều cười, nói tôi "yếu đuối". Nói đã ăn con gà con lợn, thì ăn con dúi cũng vậy thôi. Mà đã ăn thì đừng suy nghĩ dong dài chi cho thêm rắc rối.

2. Lại có lần vào quán thịt heo rừng ở Sài Gòn cùng nhóm bạn. Anh bạn tôi kêu một dĩa "heo rừng hấp hành". Lát sau nhân viên nhà hàng mang ra một đĩa thịt hấp. Anh bạn tôi nhìn, nói: "thịt này mà heo rừng cái gì? Mang vô đổi thịt heo rừng thật ra đây". Cậu trai nhân viên cười hề hề, mang dĩa thịt vô, lát sau mang ra một đĩa thịt khác. Anh bạn cầm đôi đũa gạt gạt kiểm tra rồi lại nạt lần nữa "vầy mà heo rừng! Vô nói ông chủ đem heo rừng thiệt ra đây. Bộ giỡn mặt hả". Cậu nhân viên cười nói: "vậy là mang thiệt heo rừng thiệt phải không?". Rồi lát sau lại mang ra một đĩa thịt mới (lần thứ ba). Lần này, anh bạn tôi kiểm tra cẩn thận, rồi gật gù "Ừ đây mới đúng là thịt heo rừng thiệt". Rồi chỉ cho tôi cách phân biệt: "heo rừng là phải có lông mọc theo từng chòm 3 sợi như vầy, như vầy".

3. Từ chuyện heo rừng trên, tôi lại nhớ ở ngay ở quê tôi (Bình Định) vài năm trước, báo đăng từng phát hiện vụ một cơ sở chuyên mua heo nái già về, cấy lông chòm 3 cộng, rồi dùng cây khò đốt da cháy xém, giả làm "heo rừng". Sản phẩm "heo rừng" này tiêu thụ khắp cả nước, mỗi ngày bán ra mấy tạ. Như vậy, tức là heo rừng giả nhiều ê hề trên thị trường. Suy cho cùng, cũng là để thỏa mãn cái thú nhậu "thú rừng" của mấy ông nhậu thôi.

4. Có lẽ chuyện gây tranh cãi khá nhiều vài năm gần đây là việc ăn thịt chó. Tôi cũng từng ăn thịt chó (từ hơn 10 năm trước, vài lần theo bè bạn rủ, chứ thực tình tôi không thích thú gì lắm món này). Tôi cũng từng ủng hộ quan điểm mỗi người có quyền tự do ăn uống, chọn món mình thích, miễn là không vi phạm pháp luật (viết bài đăng trên báo Thanh Niên). Nhưng sau này, tôi thấy chó là một loài động vật rất khôn ngoan và đặc biệt trung thành với chủ. Thực tế rất nhiều người nuôi chó làm thú cưng trong nhà, thân thiết yêu thương không khác nào một người bạn thật sự. Nên họ rất căm thù những kẻ trộm chó, ăn thịt chó. Thậm chí có thể giết chết những kẻ trộm chó! Nhiều vụ như vậy đã xảy ra. Nói chung, nay tôi ủng hộ quan điểm nên hạn chế, thậm chí là cấm ăn thịt chó.

5. Lại có một lần cách nay đã khá lâu rồi, tôi đi theo một đoàn công chức nhà nước ra tham quan một nơi là Vườn quốc gia. Ở đây có một số loài động vật được xếp vào sách đỏ, rất quý và hiếm. Anh giám đốc vườn quốc gia này (tôi xin không nêu tên cụ thể vì lý do tế nhị) có lẽ vì quý mến đoàn chúng tôi, nên đã sai lính bắt nguyên một ổ trứng của một loài động vật trong sách đỏ đem luộc... đãi khách! Khi ăn còn dặn chúng tôi là tuyệt đối không ai bỏ trứng này vào túi mang về. Vì nếu lỡ bị phát hiện có thể bị truy tố hình sự! Chúng tôi chỉ là một đoàn công chức quèn quèn mà còn được chiêu đãi như vậy, thì không lẽ quan chức to không được chiêu đãi món quý hiếm, và cũng là "hàng cấm" này hay sao?!

6. Việc các quan to, thậm chí rất to, ăn nhậu hay dùng/sử dụng sản phẩm từ những loài quý hiếm, thậm chí có trong sách đỏ - là sự thật đã và đang tồn tại ở Việt Nam từ lâu. Chỉ có điều là không ai dám nói, dám tố cáo. Mà có tố thì cũng không chắc ai dám xử lý, không khéo lại mang vạ vào thân.

Đọc trong sách báo, thấy trước đây vua chúa từng ăn cả thịt cọp, thịt voi, hay "nem công chả phượng"... Giờ thì có thể là sừng tê giác, cao hổ cốt, sâm nhung đặc biệt ...

Vì sao rất nhiều người thích ăn những món hiếm lạ như vậy? Tôi nghĩ không hẳn là vì món đó ngon hay bổ. Mà chính là do vì nó quá quý hiếm, đắt tiền, người thường không có cơ hội ăn, nên mình ăn, rồi khoe đã ăn, đã biết - để chứng tỏ với thiên hạ mình là giới "đẳng cấp". Tức là có yếu tố tâm lý, hay muốn khoe khoang mà thôi.

Đôi khi tôi tự hỏi, một người có "thành tích" ăn một con cọp hay một con tê giác, hay đại loại vậy - thì liệu có gì là hay ho tài giỏi hơn một người ăn uống bình thường? hay thậm chí là một người ăn chay? Hình như đâu có ai hơn ai chứ nhỉ? mà cũng chẳng có gì đáng khoe khoang.

Nói rộng ra, chuyện ăn thú rừng sách đỏ là một thú vui ăn uống có phần phàm tục của một số người. (Tôi không nói về chuyện vi phạm pháp luật). Nhưng thực ra đối với loài người nói chung, có một cái "thú" còn nguy hại hơn, là thú tham lam quyền lực. Mà có vẻ như nếu ai có cái thú này, thì thường sẽ bao trùm luôn cái thú ăn uống những của ngon vật lạ (như một tất yếu).

....

28 thg 11, 2018

Hoàng Nguyên Vũ - Đôi mắt chú mèo con và đứa bé bị cô giáo vẽ đen lên ký ức

(Cho những thầy cô giáo hay bạo hành trẻ em) 
Chúng ta lớn, đủ bao dung để tha thứ cho những ai làm đau mình, nhưng quên thì chắc chắn sẽ không quên được...
Một buổi trưa miền Trung nắng như đổ lửa, có một cậu bé mang một chú mèo con màu vàng đến tặng cô giáo. Lúc đó, cậu bé đang trong kỳ nghỉ hè của lớp 3. Trước đó, khi chia tay lớp, cậu bé có nói với cô giáo: "Thưa cô, mẹ con nói khi nào mèo con ăn được và cứng cáp sẽ tặng cô một con vì lần trước cuốn sổ điểm của cô bị chuột xé nát".
Cô giáo cầm con mèo, chỉ hỏi cậu bé một câu: "Mẹ con thế nào rồi?". "Dạ, bố bảo mẹ cũng có thể sống được rồi ạ". Cậu bé trao con mèo cho cô rồi đi về. Con mèo nhìn nó, ngơ ngác như chính nó đã từng ngơ ngác những tháng ngày trước đó với những gì cô giáo hành xử với nó. Nó vẫn mặc chiếc áo ấm đã xé đi lớp bông của chị nó để lại, để làm áo mặc mùa hè, cái quần dệt kim loang lổ bụi bẩn, đi giữa cái gió lào miền Trung rất gắt...


Thực ra nhà nó với nhà cô giáo cách nhau tầm mấy trăm mét. Khi nó lên lớp 3, mẹ nó muốn nó là học trò của cô giáo, đơn giản vì nhà gần. Ở nông thôn mà, lũ trẻ thường chọn cô gần để học. Hồi đó, nó học giỏi nổi tiếng vùng đó. Hầu hết là các môn tự nhiên. Riêng môn văn, nó dùng tư duy thực tế nên văn chương không bay bổng gì. Các bài văn tả hay dùng phép so sánh hơi thô kệch. Đến khi làm học trò của cô giáo hàng xóm này, nó luôn luôn bị miệt thị bởi những bài văn hay đem những thứ quanh nhà ra so sánh khi tả một cái gì đó trong đề văn.
Nó cũng chẳng hiểu tại sao cô giáo lại ghét nó như vậy. Khi xếp hàng vào lớp, nó lỡ đứng cong một chút, cô phang thẳng cái thước to thay vì đánh khẽ như các bạn khác. Bài tập vẽ của nó vẽ như các bạn, nó 5 điểm còn các bạn toàn 8. Toán thì chắc cô khó chấm khác. Chính tả cũng vậy. Chỉ môn văn là cứ ăn điểm 5 thường xuyên.
Hễ nó đi chậm là cô cho đứng ngoài cho đến giờ ra chơi, cậu bé ngồi tựa cái tường gạch cũ, cô dạy đến đâu chép đến đấy. Có lần thầy hiệu trưởng đi qua, gọi cô giáo ra quát một trận, cô mới cho vào và hình như từ đó cô cũng thù nó hơn. Nó mang thau nước trực nhật, cô thường chê sao nước bẩn và có thể phạt nó bằng roi vọt.
Dĩ nhiên, nó không hiểu. 
Bộ quần áo nó mặc cô luôn đưa ra miệt thị trước lớp, ăn bẩn ở dơ và lôi cả cha mẹ nó ra nói, không lẽ nghèo đến mức không sắm nổi cho con cái bộ áo quần...
Riêng cái này thì nó hiểu. Đúng, thời điểm đó nhà nó nghèo đến mức đó đấy.
Trước đó, nhà nó không hề nghèo. Bố nó làm thợ mộc cừ tay, nhà gỗ cũng lớn nhất nhì làng. Ông đẽo cày giỏi nhất xứ đó, khách hàng nườm nượp. Rồi một ngày, nó cùng lũ trẻ nghịch hay ném vào vách phên nhà bác họ, tên Lập. Một tháng sau bác họ tuyên bố: "Được, ném thì tao cho ném luôn", bác huy động anh em nhà bác trên dưới, đêm nào cũng như đêm nào, ném tan tác cả hai cái nhà nó trong suốt 6 tháng trời. Đến mức giường ngủ bố nó phải lót ván phía trên đề phòng gạch ngói vỡ rơi trúng mặt. Bố nó uất ức không làm gì được trong 6 tháng, mẹ nó phát bệnh. Bố nó đêm nào cũng vác dao đi rình kẻ ném nhà, may thay bố nó không tóm được ai, nếu không, nó sẽ có một người cha đi tù về tội giết người.
Chuyện ném nhà được kết thúc khi mẹ nó bệnh quá nặng, không đi viện thì chỉ có nước chết. Và, nó ngơ ngác khóc nhìn mẹ bất tỉnh được đưa đi, ấy là khi kỳ nghỉ hè đã đến.
Cho đến bây giờ, nó cũng không hiểu tại sao mỗi ngày nó đến lớp, cô giáo cứ nghĩ ra một hình phạt gì đó dành cho nó. Sau này lớn lên nó hỏi mẹ với cô có hiềm khích gì không, mẹ bảo là không. Nó chỉ biết rằng vào năm lớp 3, nỗi ám ảnh lớn nhất của nó là cô giáo. Cô giáo tên Hồng Sửu. 
Khi mẹ nó đi viện, bố nó dặn nó một câu, con muốn thoát khỏi cảnh này thì phải học thôi. Nhà mình ông nội là thầy đồ, cố nội là quan, cụ tổ là ông Nguyễn Văn Giai, nghe đâu được đặt tên đường trong Nam...và cứ thế, nó học, bắt đầu từ môn văn. Và cũng chỉ một năm sau, nó trở thành học sinh giỏi môn văn, vào trường năng khiếu, tạm biệt cái trường làng nhỏ bé với những kỷ niệm buồn năm nó mười tuổi. Ký ức với nó chỉ thoáng qua chút nhớ như chú mèo con xa mẹ và lăn vào một gia đình khác để sống.
Sau này gặp lại cô giáo, nó vẫn chào hỏi. Nó lớn lên, nó tạm lý giải vấn đề rằng có chút gì bất ổn về cô khi nghĩ về gia đình nó. Rồi nó tha thứ. Nhưng, làm sao nó quên được?
Biết bao nhiêu thầy cô đã dạy nó, đã yêu thương, đã nhớ nó. Nhưng có một người thầy, mãi mãi vẫn ăn sâu trong trí nhớ nó về những đòn roi và miệt thị, đã vẽ vào đời nó những nét vẽ đen lên một tờ giấy trắng 30 năm trước...
Dù đời vẽ vôi vẽ phấn vẽ bụi lên điều đó, nhưng, cái màu đen năm xưa, nó vẫn hằn sâu lắm. Tính cho đến lúc nó ngồi viết những dòng này đây, thưa cô...

HOÀNG NGUYÊN VŨ 27.11.2018

(Từ Blog Thuy My)

Xem Thêm :Sao đỏ - "hồng vệ binh", nỗi ám ảnh của học trò

Về Bài CỬU TỬ PHA VĂN GIÁ CÔ của Lý Quần Ngọc ( NGHE BÌM BỊP KÊU



Người xưa, trên những bước lưu đầy, cám cảnh tha hương, đường về sông ngăn núi cách, một chiều thu đất khách, còn nghe được tiếng chim chá cô hót để nhớ về nhà. Tôi nay, cuối đời xa xứ, lang thang vô định, ngay cả đến nỗi nhớ, cũng không biết gửi về đâu? Nhân ngày lễ Tạ Ơn xứ người, đôi lời vụng từ ý xưa, mong được chia sẻ phần nào, để cho bớt buồn thôi. Cầu chúc an lành.  PKT 11/22/2018 

Cửu Tử Pha Văn Chá Cô
Lý Quần Ngọc  (-847-)

Lạc nhật thương mang thu thảo minh
Chá cô đề xứ viễn nhân hành
Chính xuyên cật khúc khi khu lộ
Cánh thính câu châu cách trách thanh
Tằng bạc Quế Giang thâm ngạn vũ
Diệc ư Mai Lĩnh trở quy trình
Thử thời vị nhĩ trường thiên đoạn
Khất phóng kim tiêu bạch phát sinh

Nghe Tiếng Chim Chá Cô Hót Ở Lưng Đèo Cửu Tử
PKT - Mây Tần - Chim Hót Lưng Đèo

Bát ngát cỏ thu một góc trời,
Chá Cô xáo xác rộn chiều rơi.
Gập ghềnh dốc núi chồn chân khách,
Lách cách càng xe não dạ người.
Sông Quế thuyền neo mưa cản ngược,
Núi Mai lối chắn nẻo về xuôi,
Chim ơi tiếng hót tha hương ấy,
Cho khất đêm nay tóc bạc rồi. 
   
Tri Khac Pham


Bài Của Đỗ Chiêu Đức
                                                  

                 Image result for 九子坡聞鷓鴣 李群玉
 九子坡聞鷓鴣              Cửu Tử Pha Văn Giá Cô

落照蒼茫秋草明,   Lạc chiếu thương mang thu thảo minh,

鷓鴣啼處遠人行。   Giá cô đề xứ viễn nhân hành.

正穿詰曲崎嶇路,   Chính xuyên cật khúc khi khu lộ,

更聽鉤輈格磔聲。   Cánh thính câu chu cách trách thanh

曾泊桂江深岸雨,   Tằng bạc Quế giang thâm ngạn vũ,

亦于梅嶺阻歸程。   Diệc vu Mai lĩnh trở quy trình. 

此時為爾腸千斷,   Thử thời vị nhĩ trường thiên đoạn,

乞放今宵白發生。   Khất phóng kim tiêu bạch phát sinh. 
             
 李群玉                                        Lý Quần Ngọc

           Image result for 九子坡聞鷓鴣 李群玉

*Chú Thích :
    - Giá Cô : Một loại chim trong rừng núi, kêu theo con nước; giống như là chim Bìm Bịp của ta vậy.
    - Cật Khúc : là Quanh co. Cật Khúc Khi Khu 詰曲崎嶇 là Quanh co gập ghềnh, chỉ đường núi lồi lõm quanh quẹo khó đi.
    - Câu là Cái Móc; Chu là cái thùng xe; nên Câu Chu Cách Trách 鉤輈格磔 là Tiếng khua cọc cạch giữa cái khoen móc của thùng xe và càng xe khi đi trên đường núi đá gập ghềnh.
    - Tằng : là Đã từng; Bạc : là Đậu thuyền lại.
    - Diệc : là Cũng; Vu : là ở chỗ.
    - Vị Nhĩ : là Vì mi, là Tại mầy.
    - Khất : là Xin; Phóng : là Buông; Khất Phóng 乞放 : là
                Xin hãy buông tha.

* Dịch Nghĩa :
                    Nghe Bìm Bịp Kêu Trên Đèo Cửu Tử 

                          Image result for 九子坡聞鷓鴣 李群玉 
     
        Ánh nắng chiều vàng vọt trải xuống làm cho đám cỏ thu sáng rực lên. Tiếng chim bìm bịp kêu làm xúc động tâm tình người đi xa như ta đây, trong lúc xe đang ngã nghiêng trên đường núi quanh co gập ghềnh và tiếng cọc cạch ken két không ngớt vang lên dưới càng và thùng xe. Ta nhớ lại, đã từng đậu thuyền ở bến Quế giang này trong một chiều mưa lớn và cũng ở chỗ Mai Lĩnh nầy đã làm cản trở bước chân ta. Giờ đây, ta cũng vì nghe tiếng kêu của mi mà đứt ngàn khúc ruột, xin hãy tha cho ta đêm nay đừng để sáng ngày tóc ta lại phải bạc thêm nữa !

* Diễn Nôm :
                       Image result for 九子坡聞鷓鴣 李群玉

                  Nắng chiều nghiêng đổ cỏ thu xanh,
                  Bìm bịp kêu thương viễn khách hành.
                  Khúc khuỷu gập ghềnh đường núi lõm,
                  Lọc cà lọc cọc tiếng xe phanh.
                  Đã từng bến Quế nghe mưa đổ,
                  Lại nữa đĩnh Mai cản lộ trình.
                  Giờ lại nghe mi buồn đứt ruột,
                  Tha cho tóc bạc suốt thâu canh !
  Lục bát :
                  Nắng chiều nhuộm cỏ thu vàng,
                  Tiếng bìm bịp vọng bàng hoàng khách xa.
                  gập ghềnh đường núi la đà,
                  Tiếng xe kẻo kẹt kẻo cà nhớ xưa.
                  Đậu thuyền sông Quế nghe mưa,
                  Đĩnh mai cản bước như vừa mới qua.
                  Nghe chim ruột đứt xót xa,
                  Bạc đầu xin hãy tha ta đêm này ! 

                                                 Đỗ Chiêu Đức
Bài Cảm ý của Mai Xuân Thanh

Bìm Bịp Kêu Trên Đèo

Nắng nhạt, thu vàng, cỏ mướt xanh
Tiếng bìm bịp vọng khách du hành
Đường nghiêng khúc khủyu quanh co thắng
Xe lắc rung càng lọc cọc phanh
Mai Lĩnh chân trơn từng chậm bước
Quế Giang mưa lớn phải đăng trình
"Mi" nghe phiền não buồn gan ruột (1)
Tóc bạc xin tha, thức trắng canh

Mai Xuân Thanh
Ngày 24/11/2018
(1) Mi : Bìm Bịp