30 thg 11, 2017

Không đánh, không mắng, các trường mầm non ở Mỹ ‘phạt’ trẻ em như thế nào?

Gần đây liên tục xảy ra tình trạng ‘Bạo hành trẻ em mầm non’, sự việc này khiến dư luận xôn xao, mọi người đều phẫn nộ. Trước xu hướng bạo hành trẻ em bị phát hiện ngày càng nhiều, người bạn tôi có con học mầm non ở Mỹ có chia sẻ vì sao nước ở Mỹ bạo hành trẻ em hầu như rất hiếm xảy ra ở trường học.
Vậy ở nước Mỹ, làm thế nào để tránh khỏi vấn đề này?

Cô bạn tôi, có con gái được trực tiếp trải nghiệm nền giáo dục mầm non ở Mỹ, nhận xét rằng giáo viên ở Mỹ “không quản học sinh”, họ quản lý theo kiểu “tự do mở rộng”. Vì thế nên sẽ không có áp lực lên giáo viên nhưng trẻ em lại có kỷ luật và nghe lời. Những điều này là thật sao? Ai cũng biết trẻ em mầm non hiếu động và hành động “tự do” như thế nào, trường mầm non ở Mỹ làm sao để khiến trẻ nghe lời, và họ có các hình phạt với trẻ như thế nào?

Ở Mỹ, hành vi đánh đập hành hạ trẻ em đều là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trong các trường mầm non, nghiêm cấm tất cả hình phạt về thân thể. Bởi vì trẻ em còn quá nhỏ, cho nên bất cứ hình phạt thân thể nào đối với chúng cũng đều là một loại ngược đãi.

Và vì nuôi dưỡng những mầm non là công việc cực kỳ quan trọng và đòi hỏi kỹ năng được đào tạo chuyên nghiệp, ngay từ khâu quản lý việc kinh doanh trường mầm non đã phải rất chặt chẽ.

Tiêu chuẩn trường mầm non của Mỹ

Mỹ rất coi trọng việc thành lập trường mầm non. Ví dụ ở California, các nhà trẻ, trường mầm non không có giấy phép sẽ bị phạt 200 đô la Mỹ một ngày, thậm chí có thể quy vào hành vi vi phạm luật hình sự.

Về việc lựa chọn đội ngũ giáo viên, các tiểu bang ở Mỹ lựa chọn giáo viên mầm non thường đòi hỏi có trình độ đại học, giấy chứng nhận tư cách và thông qua kiểm tra lý lịch. Một số tiểu bang có những yêu cầu nghiêm ngặt hơn, sẽ đòi hỏi giáo viên mầm non có bằng thạc sĩ trở lên.

Ở California, các nhà trẻ, trường mầm non không có giấy phép sẽ bị phạt 200 đô la Mỹ một ngày, thậm chí có thể quy vào hành vi vi phạm luật hình sự. (Ảnh: pixabay.com)

Bởi việc xác định được sự quan trọng của một giáo viên mầm non, không chỉ là cô bảo mẫu, chăm bé, mà còn dạy bé từ những điều nhỏ nhất để hình thành kỹ năng sống và nhân cách. Hơn nữa, bé hàng ngày tiếp xúc với cô giáo, những hành vi, cử chỉ của cô đều sẽ hằn sâu trong tâm trí trẻ, cô giáo mầm non không thể là người thiếu nhân cách, nóng nảy, cộc cằn, thậm chí ngoại hình cũng không thể quá khó coi.

Vì sao các giáo viên mầm non ở Mỹ không nghiêm khắc quản lý trẻ em?

Từng có một người mẹ Trung Quốc có con theo học ở mầm non Mỹ phàn nàn rằng: “Tôi bảo giáo viên đúng giờ cho con tôi uống nước, nhưng cô ấy không hề làm theo”.

Còn giáo viên này thì trả lời rằng: “Nước uống đặt ở ngay nơi đó, nếu em ấy khát có thể tự lấy uống, chúng tôi không muốn ép buộc trẻ em”.

Nhìn qua thì giống như giáo viên kia rất không quan tâm đến trẻ nhỏ, nhưng không lâu sau đó người mẹ này phát hiện tính độc lập và khả năng thích ứng hoàn cảnh của đứa trẻ này tốt hơn rất nhiều.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nhận ra rằng, giáo viên mầm non ở Mỹ yêu quý trẻ em là thực sự xuất phát từ trái tim, và rất sẵn sàng biểu đạt tình cảm của mình một cách tự nhiên nhất và chân thành nhất. Họ chọn ngành nghề vì sự yêu thích và đam mê, không phải vì tiền, đi làm không phải là để kiếm miếng cơm manh áo, mà làm gì cũng phải có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm ở trong đó. Thế nên đã là cô giáo mầm non thì chắc chắn phải yêu trẻ và luôn tìm tòi sáng tạo trong công việc, sẵn sàng áp dụng những phương pháp giáo dục tiên tiến và nhân văn nhất.

Vì sao giáo dục mầm non ở Mỹ vô cùng tự do và mở rộng?

Nói đến nền giáo dục ở Mỹ, ấn tượng đầu tiên của rất nhiều người chính là sự tự do, rộng mở, học sinh có thể tự lựa chọn ngồi trên bàn hoặc ngồi dưới sàn, trực tiếp gọi thẳng tên giáo viên… Thật ra đây không phải không có nguyên tắc, mà là người Mỹ tôn trọng sự tự do, cho trẻ em quyền lợi bình đẳng, và môi trường để thể hiện bản thân.

Nói đến nền giáo dục ở Mỹ, ấn tượng đầu tiên của rất nhiều người chính là sự tự do, rộng mở.(Ảnh: pixabay.com)

Tuy nhiên, quy định vẫn sẽ là quy định, bất kỳ sự tự do nào cũng phải nằm trong khuôn khổ nhất định và không làm ảnh hưởng tới những người khác. Các trường mầm non ở Mỹ rất nghiêm khắc đối với vấn đề thời gian, đi trễ 10 phút thì cổng trường sẽ đóng cửa, nếu quá 10 phút, sẽ bị phạt.

Các trường mầm non tư lập thì thời gian tương đối thoải mái hơn, nhưng nếu tan học trễ hơn giờ quy định thì trường học có thể bị phạt tiền tính theo mỗi phút.

Ngoài thời gian nghiêm khắc thì các trường mầm non ở Mỹ đối với quy phạm hành vi (Quy tắc ứng xử) cũng rất nghiêm khắc. Đứa trẻ mỗi ngày sẽ mang về một “thẻ hành vi” yêu cầu phụ huynh ký tên, trong thẻ có 10 mục: 1. Học tốt, 2. Có trách nhiệm, 3. Có lịch sự, 4. Giao tiếp tốt, 5. Dũng cảm, 6. Không chú ý, 7. Thiếu sự chuẩn bị, 8. Không có ý thức trách nhiệm, 9. Quấy nhiễu học tập, 10. Hành vi không an toàn. 5 mục đầu tiên là tích cực, 5 mục sau là tiêu cực.

Và giáo viên đều có ghi chép nhận xét trẻ mỗi ngày. Vậy nên có thể nói, vấn đề tự do không có kỷ luật ở Mỹ như lời đồn đại là không hề tồn tại.

Các trường mầm non ở Mỹ phạt trẻ em như thế nào?

Sau khi đọc những điểm trên, chắc rằng chúng ta sẽ ngờ vực: Giáo viên không thể đánh, không thể mắng học sinh, vậy rốt cuộc họ phải dùng biện pháp gì để xử phạt những đứa trẻ mắc lỗi, ngỗ ngược? Câu trả lời rất đơn giản. Biện pháp đó chính là “Cấm túc” (không cho phép đi khỏi khu vực đã quy định)

Dựa theo độ đuổi của các bé mà thời gian cấm túc cũng không giống nhau. Ví dụ trẻ em 2 tuổi ngồi 4 phút, trẻ 3 tuổi ngồi 6 phút. Đừng nghĩ chỉ vài phút, đối với trẻ em, đó đã là một khoảng thời gian rất dài. Việc tách trẻ ra một mình vừa làm trẻ bình tĩnh trở lại vừa khiến chúng muốn được quay trở lại với các bạn nên phải kiềm chế bản thân mà cải biến hành vi cho phù hợp hơn. Cho nên đây có thể nói là “tuyệt chiêu” của các giáo viên mầm non ở Mỹ.

Việc tách trẻ ra một mình vừa làm trẻ bình tĩnh trở lại vừa khiến chúng muốn được quay trở lại với các bạn đây cũng là “tuyệt chiêu” của các giáo viên mầm non ở Mỹ. (Ảnh: immica.org)

Ở Mỹ, chắc chắn giáo viên sẽ không được phép động chạm gây tổn thương cho cơ thể cũng như tinh thần trẻ nhỏ. Việc bạo hành là điều kinh khủng tương đương với tội hình sự. Người Mỹ đặc biệt tôn trọng trẻ em, không phải chỉ bởi các bé còn nhỏ tuổi, non nớt, cần sự ưu ái, quan tâm chăm sóc mà còn vì trong quan niệm của họ, mỗi một con người ngay từ khi ra đời đã là một cá thể độc lập, có cá tính và những mong muốn độc lập của mình. Bất kể bố mẹ hay thầy cô giáo đều không nên áp đặt đặc quyền chi phối và hạn chế hành vi của chúng. Trẻ nhỏ được gián tiếp truyền thụ một suy nghĩ rằng, sau này trong cuộc sống, không ai kể cả cha mẹ hay thầy cô có thể thay thế chúng trong những lựa chọn và quyết định dù là nhỏ nhất. Vì thế, cần phải làm cho trẻ cảm thấy rằng, bản thân chúng, chứ không phải ai khác là người quyết định và chịu trách nhiệm với chính mình.

Thế nên, mẹ Việt có thể sẽ thấy hơi kỳ lạ khi cô giáo hay mọi người Mỹ trưởng thành khác khi nói chuyện với trẻ nhỏ lại ngồi xuống để có thể giao tiếp với trẻ đầy đủ nhất bằng ánh mắt và sự lắng nghe thật sự. Khi nói chuyện với trẻ, người lớn cũng rất chăm chú nghe khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng. Khi trẻ ăn cơm, không thể nhồi, ép; Khi trẻ phạm lỗi cũng không ngay lập tức la hét, quở mắng; Khi muốn trẻ làm gì đó như quần áo hay đi rửa tay ăn cơm, cũng không thể to tiếng ra lệnh… Cả xã hội đều trân trọng và tôn trọng trẻ em như vậy, thì từ trong nhận thức cơ bản nhất, họ đã không có khái niệm bạo hành trẻ. Đó là cách ngăn chặn tội ác một cách triệt để nhất.

Trẻ em ở Mỹ thường học những gì?

Trong ấn tượng của nhiều người, giáo dục ở Mỹ theo kiểu tự thân phát huy, giáo viên tùy ý giảng dạy. Trên thực tế, nền giáo dục ở Mỹ là rất linh hoạt, cho trẻ nhỏ tiếp xúc, quen thuộc với các môn học như đọc viết, toán học, khoa học…

Ví dụ, trẻ em sẽ sử dụng các cốc đo, xi lanh và các thiết bị khác để tiến hành đo lường, không những phải động tay mà còn động não. Hoặc để cho các em sắm vai biểu diễn, dựa theo hứng thú mà tiến hành chơi trò chơi, lựa chọn đồ chơi. Nếu chủ đề của trò chơi là “nhà” thì các em sẽ sử dụng một số ốc vít, chốt, ống nhựa và các vật liệu khác, tự thiết kế, xây dựng ngôi nhà nhỏ của mình.

Giáo dục Mỹ dựa theo hứng thú mà tiến hành chơi trò chơi, lựa chọn đồ chơi.(Ảnh: bizsale.vn)

Ngoài ra, trường học còn mời những người chuyên nghiệp từ bên ngoài về dạy một số môn học. Ví dụ như huấn luyện viên bóng đá địa phương sẽ được mời đến dạy trẻ em chơi bóng vào thứ Tư, và ảo thuật sẽ được biểu diễn vào thứ Năm…

Những trường mầm non ở Mỹ cũng rất coi trọng khả năng độc lập đọc sách của trẻ em, nhưng việc này chỉ dành cho những lớp tương đối lớn tuổi. Giáo viên sẽ dạy trẻ viết và đánh vần những từ đơn giản, cũng dạy chúng đọc những quyển sách về khoa học, đời sống, kỹ thuật và nghệ thuật…, bồi dưỡng cho chúng thói quen an toàn, khỏe mạnh và vệ sinh. Vì vậy các trường mầm non ở Mỹ không hề thiếu sách, họ rất quan tâm đến khả năng tự đọc sách của mỗi đứa trẻ.

Nước Mỹ phát triển và hưng thịnh như ngày nay bởi rất nhiều nguyên nhân, song có lẽ một trong những nguyên nhân quan trọng là người Mỹ đã quan tâm một cách thực sự đến việc giáo dục và đào tạo con người ngay từ giai đoạn đầu tiên. Cách mà người Mỹ dạy trẻ em ở độ tuổi mầm non có lẽ sẽ cho chúng ta nhiều gợi ý về một sự quan tâm hơn nữa trong việc giáo dục trẻ ở giai đoạn này. Bởi khi chúng ta có đầy đủ sự quan tâm, thì nhận thức và hành động của toàn xã hội mới có thể thay đổi và đúng mực hơn.
Thanh Bình – Thu Hiền

MÙA THU GỌI - Thơ Ngu uyên


Thu đến rồi sao thấy lá vàng
Tình thu gọi mãi cứ miên man
Gió thu vờn nhẹ cho lá rụng
Có phải tình thu đến muộn màng...?

Thấp thoáng heo may cũng vội sang
Ru tình ai gọi cũng miên man
Để thu đi nhẹ vào trong nắng
Và gió heo may đuổi lá vàng.
Ngu uyên

Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui

Tác giả: Nguyễn Diệu Anh Trinh

Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức Đà Nẵng từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Tựa đề bài viết mới của bà là tên một ca khúc Trịnh Công Sơn.

 Tôi thức dậy khi tiếng chim hót ríu rít thật vui tai trên rặng cây cao ở khu rừng thông bên cạnh nhà. Sáng thứ sáu, ngày cuối tuần vui vẻ, tôi mang tâm trạng vui tươi đó khi diện chiếc quần jean và cái áo trắng model hết cở để đi làm. Trong tuần, chỉ có ngày thứ sáu là được tự do mặc jean thoải mái, khác với những ngày đầu tuần, lúc nào cũng phải dress up nghiêm túc, lịch sự để gặp gỡ, làm việc với khách hàng. Khách hàng là … thượng đế nên mình không được ăn mặc lè phè..

Tôi thật may mắn được làm việc với ông Sếp rất dễ thương, không hề biết làm khó dễ nhân viên là gì.

Kể từ dạo công ty tôi làm mở mang thêm mấy dãy lầu, sân bãi đậu xe cũng được nới rộng ra. May quá, văn phòng của Sếp phải dời sang building khác để thuận tiện cho ông trong việc họp hành, giao tiếp với khách hàng hay gặp gỡ các Sếp lớn. Tôi được đưa sang làm ở phòng film, cách văn phòng của Sếp một dãy cơ xưởng lớn. Một mình một cõi, cả tháng chưa thấy mặt Sếp, khi có chuyện gì cần dặn dò, trao đổi thì Sếp điều khiển từ xa, qua mấy cái email là xong.

Công việc trôi chảy nhịp nhàng như thế, tính ra cũng xấp xỉ hai mươi năm rồi, tôi chưa hề bị khiển trách, thỉnh thoảng còn được khen thưởng. Là người phụ nữ da vàng duy nhất của bộ phận Proof- Reading (Đọc bản vẽ) tôi nhận được khá nhiều ưu tiên từ Sếp so với các đồng nghiệp khác màu da, khác màu mắt. Thích nhất là giờ giấc làm việc thật thoải mái. Thay vì mỗi ngày làm tám tiếng, năm ngày một tuần đi đi về về, tôi đã xin làm rút gọn trong bốn ngày, mười tiếng một ngày với lý do nhà xa, mà thật ra là để đở “hao xăng” và lại có thêm được một ngày nghĩ, tha hồ mà lang thang lên trang web … buôn dưa leo với mấy "bà tám". Giờ có mặt ở bàn làm việc của tôi cũng chẳng bó buộc, tôi không sợ bị đi trễ, không bị áp lực trong công việc và giờ giấc. Tôi biết đó là những ưu đãi trong nghề nghiệp mà không phải ai ước là cũng có được. Đường công danh của tôi, tuy không đạt đến đỉnh như bao người với quyền cao chức trọng, nhưng đó là một công việc tôi yêu thích, với đồng lương xứng đáng so với khả năng và tuổi tác của mình.

Lòng hân hoan, thơ thới, tôi lái xe đi qua con đường quen thuộc mà tôi đã đi lại nhiều năm. Buổi sáng sớm, đường phố chưa tấp nập lắm, sương mai còn phủ lờ mờ khiến cảnh vật thật huyền ảo, mùi cỏ mới cắt dịu dàng, thoang thoảng làm tôi ngất ngây. Tôi vặn lớn volume của CD trong xe, lắng nghe âm thanh tiếng nhạc dạo … “… Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười …”(TCS) …nghe có lý lắm! Bỗng nhìn lên kiếng chiếu hậu, ánh đèn màu xanh biếc đang chớp chớp, xoay xoay … Chết cha rồi, cảnh sát! Tôi bình tĩnh đưa tay tắt nhạc, cẩn thận lái xe thêm một đoạn, tìm cách tấp vào một khu shopping bên phải, tắt máy xe và chờ đợi. Chiếc xe cảnh sát nối đuôi tôi, cũng tấp vào phía sau. Mấy phút sau, một viên cảnh sát người Mỹ trắng cao to với hàm râu xồm xoàm làm khuôn mặt thêm phần oai vệ, nếu tôi không muốn nói là dữ tợn:

- Chào bà buổi sáng, vui lòng cho tôi xem bằng lái xe và giấy bảo hiểm.

Tôi lấy bằng lái xe ra trình. Hắn lịch sự:

- Cám ơn quí bà

Rồi đi về phía xe của hắn, đang còn chớp đèn đàng sau. Tôi ngồi yên trong xe mình, cũng chưa rõ mình bị stop vì lý do gì… có lẻ chạy quá tốc độ cho phép?

... Không, tôi đâu có nôn nóng gì trên đường đi làm, bao nhiêu năm lái xe tôi chưa hề bị phạt về vụ này mà! Đang toan tính kiếm vài câu xã giao năn nỉ nếu bị hắn phạt quá nặng vì một tội vô cớ nào đó. Cảnh sát mà, họ làm tiền cho ngân sách chính phủ nên tôi đành chấp nhận một cách … lạc quan! Viên cảnh sát trở lại, hỏi tôi:

- Xin bà vui lòng cho tôi biết, tốc độ cho phép của đoạn đường bà đang lái xe, thưa bà!

Trời ơi, gì chớ bài học này, con số 45 miles nằm chình ình trên tấm bản nhỏ phía lề phải, dựng rải rác trên lề đường, có nhắm mắt tôi cũng nằm lòng mà, tuy vậy tôi cũng nhỏ nhẻ, lịch sự:

- Thưa ông, tốc độ cho phép là 45 miles một giờ.

Viên cảnh sát hỏi tiếp:

- Thưa bà, vậy vừa rồi bà đang chạy với tốc độ là bao nhiêu?

Tôi e dè:

- Tốc độ của tôi lúc nãy chừng 50 miles (tôi biết chắc, đây là con số … có thể tha thứ)

Viên cảnh sát nhìn tôi:

- Thưa bà, bà đã chạy với tốc độ 70 miles một giờ …

Tôi xây xẩm mặt mày, không lắng nghe hắn nói lải nhải gì thêm về luật giao thông … Tôi biết, một khi cảnh sát đã phán là y như tòa án phán, không kiện thưa làm gì cho tốn công mà còn phải trả lệ phí toà án. Nó nói mình chạy 70 miles? Cũng có thể lắm, khi vừa lái xe mà vừa nghe nhạc xập xình, có thể đầu óc hưng phấn nên lở trớn … Tôi thầm tính toán, với tốc độ vượt mức cao nghệu như thế, tôi phải chi ra bao nhiêu tiền để đóng phạt cho lần này, chi phí này chúng tôi vẫn gọi đùa là…tiền ngu!

Viên cảnh sát lải nhải một hồi, ông ta trả lại tôi cái bằng lái xe và tấm thẻ bảo hiểm xe. Tôi nhìn đôi mắt màu xanh lá cây biêng biếc của hắn và nghĩ đến những tờ đô la cũng màu xanh như thế phải chi ra một cách oan uổng. Vẫn chưa thấy tờ biên lai phạt màu vàng, không biết hắn xác định tội trạng của mình như thế nào đây, tôi nghe ông tiếp:

- Bà đã chạy quá nhanh trên đoạn đường vắng vẻ này, rất nguy hiểm cho bà.

- Vâng, thưa ông, tôi biết!

- Bà nên luôn nhớ rằng, lúc nào tôi cũng chạy xe sau lưng bà, cẩn thận nhé!

Tôi rủa thầm trong bụng, quái, hắn muốn gì đây mà lên giọng hăm dọa phụ nữ? Cảm giác bực bội len lỏi vào tâm trí.

- Tạm biệt bà, chúc bà một ngày tốt lành!

Ôngta nói xong, đưa bàn tay lông lá ra bắt tay tôi rồi quay lưng đi, không kịp nhận ở tôi một lời cám ơn… giả dối!

Tôi kiểm soát lại một lần nữa giấy tờ của mình, nhìn quanh chỗ ngồi trong xe, không có gì rơi rớt. Tôi mở cửa xe bước ra ngoài cẩn thận xem xét, mọi thứ đều OK. Tôi nổ máy xe, lái khỏang năm phút là đến cổng công ty, tâm trạng vẫn còn hoang mang.

Lấy chìa khóa mở cửa phòng, việc đầu tiên tôi làm là lục bóp xem lại giấy tờ. Vẫn không thấy tờ giấy phạt ở đâu để biết ngày nào là hết hạn đóng phạt. Có một người đồng sự mang hồ sơ đến giao, hắn hỏi bâng quơ vài câu, tôi vui miệng kể cho hắn nghe sự việc xảy ra sáng nay. Hắn cười lớn:

- Vậy là chị được tha rồi. Hôm nay chị diện đẹp quá, một ngày may mắn cho chị đó!

Tôi nghe và vẫn không tin đó là sự thật, dễ gì tên cảnh sát râu xồm lại bỏ qua một cách vô lý khi hắn đã ngăm nghe là tôi chạy quá tốc độ khủng khiếp như thế.

Khoảng chín giờ sáng, Sếp tôi đi họp, tiện đường ông đem một số dụng cụ văn phòng đến giao cho tay thư ký trong phòng tôi. Có lẻ khuôn mặt tôi đang còn băn khoăn nên Sếp hỏi:

- Chào cô, mọi chuyện đều tốt chứ, tôi có thể giúp gì cho cô hôm nay không?

Tôi kể lại chuyện gặp cảnh sát sáng nay và chờ ở Sếp một lời an ủi vì mới sáng sớm đã bị … hao tài. Ông Sếp hỏi tới hỏi lui:

- Cô chắc là ông ta chỉ trả lại giấy tờ chứ không bắt cô ký giấy phạt chứ?

- Tôi chắc, không ký giấy gì cả.

Vậy là cô được tha rồi, may mắn quá! Nếu không, giá chót là cô phải tốn hai trăm đồng cho lần phạt này. Hôm nay chắc tên cảnh sát đó có chuyện vui nên dễ dãi đó, lấn sau cẩn thận nhé!

Tôi vẫn còn bán tin bán nghi, không thể nào tin vào vận đỏ hôm nay. Cho đến ngày hôm sau …

…Trưa thứ bảy, tôi được phép đi ra ngoài ăn trưa vì căng tin đóng cửa. Vốn không thích những thức ăn nhanh của Mỹ nên bất đắc dĩ lắm tôi đành phải ghé vào một cửa hàng ăn vội đỉa salad. Trong khi đang chờ lấy order…

- Xin lỗi bà, cho phép tôi ngồi ghế này được không?

Tôi ngước mắt nhìn, một ông Mỹ đang đứng cạnh bàn tôi và … chính xác là hắn đang hỏi tôi.

Tôi trả lời như một cái máy:

- Được, xin ông cứ tự nhiên

Người đàn ông ngồi xuống, rất thân thiện:

- Chào bà, khỏe chứ!

- Cám ơn ông, tôi cũng thường. Ông khỏe không?

- Cám ơn bà. Nhà bà ở gần đây sao?

- Công ty tôi làm cách đây chừng 5 phút, thưa ông.

Tôi trả lời rất thờ ơ, người đàn ông vẫn nhìn tôi:

- Bà thật không nhận ra tôi hay sao, bà Nguyễn?

Câu hỏi của người đàn ông làm tôi giật mình. Tôi hơi sửng sốt rồi tự hỏi mình, quái, quen biết ở đâu? Sao hắn biết mình họ Nguyễn? Có thể quen mặt vì gặp nhau trong công ty hàng ngày. Tôi dò hỏi:

- Xin lỗi, ông cũng làm ở SGI Inc, phải không?

 Người đàn ông cười:

- Bà không nhớ chúng ta mới gặp nhau hôm qua hay sao?

Lúc này tôi mới mở to mắt nhìn, Ah, đôi mắt “màu xanh đô la” và … hàm râu .....  Thì ra hôm nay viên cảnh sát mặc thường phục nên tôi không thể nào nhìn ra được người đã stop tôi sáng hôm qua. Tôi tỏ vẻ ân hận:

- À, thật đáng tiếc, chào ông …

Có tiếng người phục vụ gọi tôi lấy thức ăn, người đàn ông đứng lên đi theo:

- Để tôi giúp bà.

Người đàn ông đến quày giúp tôi lấy thức ăn và nhận luôn phần ăn của ông ta bưng về bàn. Chúng tôi cùng ngồi ăn trưa. Tôi vừa dùng đĩa salad của mình vừa lắng nghe. Nét mặt người đàn ông có vẻ bùi ngùi, ông ta nói thật chậm, giọng kể lể, câu chuyện của ông đưa tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác:

 - … Ba tôi là một sĩ quan quân đội Hoa Kỳ, đã từng tham dự cuộc chiến tranh ở Việt Nam nhiều năm. Mẹ tôi nói Việt Nam ở xa lắm, bên kia bờ đại dương.  Ngày Ba tôi rời gia đình thì tôi mới năm tuổi, ông đi ... và đi mãi không về. Mẹ tôi vật vả, oán hờn cái đất nước bên kia bờ đại dương đã nuốt trọn hình hài của ba tôi. Vì sau nhiều đợt kiếm tìm đều trở về trong thất vọng, thân xác ba tôi vẫn còn nằm lại đâu đó, trong một khu rừng già nhiệt đới hay đã tan tành dưới đạn bom vô tình năm xưa.. Từ đó, mẹ tôi ghét cay đắng những con người từ cái xứ sở đã cướp đi người bà yêu thương. Khi những đoàn người Việt Nam di dân sang đây ồ ạt, bà dạy tôi không được giao tiếp với những đứa bạn mang dòng họ Nguyễn. Theo sự tìm hiểu của bà, đó là dòng họ lớn nhất của người Việt Nam. Tôi không biết mẹ tôi đúng hay sai, nhưng tôi hiểu là tôi nên làm mẹ vui lòng. Cho đến một ngày … năm năm trước đây, mẹ tôi bị đau thận, cả hai quả thận của bà đều không còn hoạt động được bao lâu nữa. Bà mỏi mòn chờ một trái thận “từ thiện” thích hợp để kéo dài đời sống. Và … như một định mệnh, hay nói đúng ra là một sự đền bù được Thượng Đế sắp đặt, một phụ nữ bị tai nạn xe hơi qua đời, trong bằng lái xe có dấu hiệu sẵn lòng hiến dâng cả hai trái thận. Mẹ tôi may mắn được ghép một trái thận từ người phụ nữ nào đó, mang họ Nguyễn, cái họ khắc nghiệt mà bà căm ghét từ lâu. Chúng tôi không được phép biết tên vị ân nhân đó, chỉ biết đó là một bà họ Nguyễn … Thưa bà … mẹ tôi nay sống khỏe mạnh phần đời còn lại với một trái thận mang họ Nguyễn, ... như họ của bà đây.

Người đàn ông có đôi mắt xanh biếc ngưng một lát, ông ta nhìn tôi … và tiếp:

- …Sáng hôm qua tôi đã nhìn thấy trong bằng lái xe của bà dòng chữ màu đỏ ORGAN DONOR (Hiến Dâng Nội Tạng), bà Nguyễn … thật cám ơn bà. Xin thay mặt mẹ tôi, thật cám ơn những trái tim nhân ái đến từ bên kia bờ đại dương.

... Nước mắt ướt nhoè khuôn mặt khi tôi nghe lời cám ơn rất trân trọng của người đàn ông. Trong khi thân xác bao người như cha anh và đồng đội của ông đang còn nằm lại trên quê hương tôi. Mấy mươi năm qua rồi, tôi làm sao dám nhận ở anh lời cám ơn hôm nay. Nhưng qua câu chuyện của người đàn ông vừa kể, quả thận được hiến dâng của người phụ nữ họ Nguyễn nào đã cứu được mạng sống của mẹ anh, người đàn bà khác chủng tộc, không quen biết cũng là một hóa giải cho bao ưu phiền bấy lâu. Tôi nghe mà mừng.

Chia tay người đàn ông, tôi nhận được thêm ở ông lời cầu chúc:

- Chúa sẽ ban phước lành cho bà!

- Cám ơn ông!

Tôi chào ông trở về nơi làm việc. Giữa trưa, bầu trời xanh thẫm, vài cụm mây trắng lang thang trên cao, tia nắng mùa hè xuyên qua cành lá, rơi xuống sân bãi đậu xe. Gió đưa nhẹ cành cây làm bóng nắng lung linh nhảy múa. Tôi bước vào công ty, những bước chân như reo vui.

... Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười ...*

* Ca từ của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nguyễn Diệu Anh Trinh.

(V.Nga chuyển)

Những loại virus nguy hiểm nhất hành tinh (Từ khoahoc.tv)

Virus Ebola có thể đang gieo rắc sự kinh hoàng, nhưng không phải là loại virus nguy hiểm nhất thế giới. Virus HIV cũng vậy, bởi "sát thủ" đáng sợ nhất với loài người là một virus họ hàng với Ebola.

1. Virus Marburg

Virus họ hàng của Ebola hiện được coi là virus đáng sợ nhất đối với loài người. Tên của nó được đặt theo tên của một thị trấn nhỏ, yên bình bên dòng sông Lahn ở bang Hessen, Đức, vốn không liên có liên hệ gì với căn bệnh mà virus gây ra. Virus Marburg thực tế là một virus gây sốt xuất huyết.
Virus Marburg được lây truyền qua tiếp xúc, từ việc người tiếp xúc với những chú khỉ ăn phải những loại hoa quả đang ăn dở từ dơi mang mầm bệnh. Người mắc bệnh sẽ bị virus tấn công vào những bộ phận trọng yếu và những cơ quan chính như gan, thận, phổi, ruột, cơ quan sinh sản, tuyến nước bọt.
Sau khi xâm nhập vào các cơ quan, virus sẽ gây cho người bệnh chứng sốt xuất huyết nặng: co giật và chảy máu các màng nhầy, da và cơ quan nội tạng, với tỉ lệ tử vong từ 50-100% chỉ sau 8-10 ngày.
Virus Marburg

2. Virus Ebola

Trên thế giới hiện có 5 chủng Ebola với mỗi chủng được đặt thên theo các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Phi là Zaire, Sudan, rừng Tai, Bundibugyo và Reston. Trong đó, virus Ebola Zaire là loại nguy hiểm nhất, với khả năng gây tử vong tới 90%. Đây cũng là chủng đang hoành hành khắp Guinea, Sierra Leone, Liberia và Nigieria. Các nhà khoa học nhận định, loài cáo bay có thể đã mang virus Ebola Zaire tới các thành phố ở Tây Phi.

3. Virus Hanta

Virus Hanta
Virus Hanta là tên gọi chung của nhiều chủng virus. Nó được đặt theo tên của một dòng sông, nơi các binh sĩ được cho là lần đầu tiên bị nhiễm virus Hanta trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Các triệu chứng bệnh bao gồm trục trặc ở phổi, sốt và suy thận.

4. Virus cúm gà

Các chủng cúm gà khác nhau thường xuyên gây hoảng loạn, có lẽ chủ yếu vì tỉ lệ tử vong do nhiễm phải ở người lên tới 70%. Tuy nhiên, trong thực tế, nguy cơ nhiễm chủng H5N1, một trong những chủng cúm gà được biết đến nhiều nhất, tương đối thấp. Bạn chỉ có thể mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với gia cầm và chim hoang dã. Đó được coi là lí do tại sao, hầu hết các ca nhiễm cúm gia cầm xuất hiện ở châu Á, nơi người dân thường sống gần gũi với gà, vịt.

5. Virus Lassa

Một y tá ở Nigeria là người đầu tiên nhiễm virus Lassa. Virus này lây lan do chuột. Một khi đã bị nhiễm bệnh, virus sẽ xuất hiện trong nước tiểu của chúng, rồi xâm nhập vào cơ thể người qua đường ăn uống hoặc hít thở.
Các triệu chứng thường thấy khi mắc phải virus Lassa là buồn nôn, đau thắt, tức ngực, sau đó nôn và đi ngoài ra máu.
Ngoài ra, bệnh nhân sẽ bị xuất huyết nội, gây chảy máu nhiều bộ phận, thậm chí là mù mắt. Tim nạn nhân cũng sẽ đập nhanh hơn bình thường rất nhiều, dễ khiến tim ngừng đập khi kiệt sức.
Các ca nhiễm bệnh có thể mang tính địa phương, đồng nghĩa với việc virus tấn công một vùng nhất định, chẳng hạn như Tây Phi, và có thể tái xuất bất kỳ lúc nào. Các nhà khoa học ước tính, 15% các con vật gặm nhấm ở Tây Phi mang trong mình virus Lassa.
Theo thống kê, hàng năm có khoảng 300.000 người mắc bệnh tại châu Phi, trong đó có khoảng 5.000 ca tử vong mỗi năm.
Tuy tỉ lệ tử vong khá thấp, nhưng người bệnh thường sẽ chết trong vòng chưa đầy 2 tuần nếu không được chữa trị. Ngoài ra, hiện cũng chưa có loại vaccine nào có thể chống lại căn bệnh này.
 Virus Lassa

6. Virus Junin

Đây là loại virus gắn liền với bệnh sốt xuất huyết Argentina. Những người nhiễm virus sẽ bị viêm mô, nhiễm trùng và chảy máu da. Vấn đề ở chỗ, các triệu chứng này dường như phổ biến đến mức bệnh do virus Junin dễ bị nhầm lẫn với các chứng bệnh khác và hiếm khi được phát hiện ngay từ đầu.

7. Virus sốt Crimea-Congo

Virus sốt Crimea-Congo lan truyền do động vật trung gian mang mầm bệnh là các con bét. Loại virus này tương tự hai virus Ebola và Marburg về quá trình phát triển bệnh. Trong những ngày đầu tiên nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ có các nốt xuất huyết ở mặt, miệng và họng.

8. Virus Machupo

Loại virus này gắn liền với bệnh sốt xuất huyết Bolivia. Khi xâm nhập vào cơ thể người, virus gây sốt cao kèm theo chảy máu nghiêm trọng. Diễn tiến bệnh tương tự như ở trường hợp của virus Junin. Virus có thể lây lan từ người sang người và chuột thường được coi là con vật trung gian truyền bệnh.

9. Virus rừng Kyasanur (KFD)

Các nhà khoa học đã phát hiện virus KFD ở các khu rừng vùng duyên hải miền tây nam Ấn Độ vào năm 1955. Virus được cho là lan truyền do các con bét, nhưng giới nghiên cứu nói rất khó để xác định bất kỳ trung gian truyền bệnh nào. Dơi, chim và lợn lòi đều có thể là vật trung gian truyền bệnh. Người nhiễm KFD sẽ bị sốt cao, đau đầu dữ dội, đau cơ và có thể bị xuất huyết.

10. Virus sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một hiểm họa thường trực. Nếu lên kế hoạch đi nghỉ mát ở vùng nhiệt đới, bạn cần nắm rõ các thông tin về bệnh sốt xuất huyết. Bệnh truyền nhiễm do muỗi và tấn công khoảng 50 - 100 triệu người mỗi năm tại các điểm du lịch được ưa thích như Ấn Độ và Thái Lan. Vấn đề còn nghiêm trọng hơn đối với 2 triệu người dân đang sống trong khu vực chịu sự đe dọa của sốt xuất huyết.

11. Virus gây sốt Rift Valley

Đây cũng là một trong những loại virus nguy hiểm tại vùng châu Phi và khu vực các nước Ả rập.
Virus gây sốt Rift Valley
Virus này được lan truyền bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng đều xuất phát từ nguồn duy nhất: từ các loài vật mang mầm bệnh bị xẻ thịt.
Virus từ đây phát tán trong không khí, lây lan qua đường hô hấp, hoặc người mắc bệnh do ăn thịt, uống sữa của vật mang mầm bệnh. Thậm chí muỗi cũng góp phần khiến dịch bệnh này bùng nổ.
Virus này gây ra căn bệnh sốt Rift Valley nguy hiểm, có những triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng nhẹ có thể bao gồm: sốt, đau nhức bắp thịt, đau đầu và thường kéo dài trong một tuần.
Đối với các trường hợp nặng, người bệnh có thể mất thị lực sau 3 tuần, hoặc nhiễm trùng não gây đau đầu nghiêm trọng - gây lú lẫn, thậm chí gây xuất huyết nghiêm trọng dưới da.
Đến giai đoạn xuất huyết, tỉ lệ tử vong của bệnh gây ra lên tới 50% và bệnh nhân sẽ chỉ kịp... trăn trối trong vỏn vẹn 3 ngày.
Nguy hiểm hơm, bệnh này vẫn chưa có thuốc chữa, mà chỉ có thể bổ sung sức đề kháng cho bệnh nhân. Phương pháp duy nhất giúp phòng tránh sốt Rift Valley đó là tiêm phòng đầy đủ.

12. Virus Nipah

Đây là một loại virus "mới nổi" có khả năng gây bệnh cho cả động vật lẫn con người, và được lan truyền nhờ... dơi.
Dơi mang mầm bệnh sẽ ăn các loại quả, để lại virus Nipah trên đó. Sau đó, virus sẽ được truyền trực tiếp tới con người sau khi ăn quả, hoặc sau khi con người ăn thịt, uống sữa của loài gia súc đã ăn quả.
Virus Nipah được phát hiện lần đầu vào năm 1998 sau khi bệnh dịch bùng phát ở một ngôi làng có tên Nipah (Malaysia). Một số người đã mắc phải bệnh do ăn thịt một con lợn chứa virus.
 Virus Nipah
Sau khi thâm nhập vào cơ thể người, virus có thể gây ra một số hiện tượng nhiễm trùng không rõ nguyên nhân. Người bệnh có thể bị viêm đường hô hấp cấp tính, và thậm chí trường hợp nặng là viêm não dẫn tới tử vong.
Tỉ lệ tử vong bởi căn bệnh gây ra do virus Nipah lên tới 40-70%. Hiện chưa có thuốc chủng ngừa cho cả người và động vật. Việc điều trị chủ yếu dành cho người là chăm sóc, hỗ trợ chuyên sâu.

13. Virus sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF)

Sốt xuất huyết Crimean-Congo là một căn bệnh gây ra bởi một loại virus RNA phổ biến rộng rãi nhất tại Châu Phi và các nước vùng Balkans, Trung Đông và Châu Á.
Virus Nipah
Virus CCHF được truyền từ động vật sang người - chủ yếu từ các loài gia súc - qua vết cắn của những con bọ ve ký sinh, hoặc do tiếp xúc trực tiếp với động vật mang bệnh.
CCHF lan truyền qua loài bọ Hyalomma marginatum - sống ký sinh trên gia súc

Sự tha hóa của du lịch

SGGP

Mưa thút thít. Nằm trên sàn gỗ bóng loáng vì mồ hôi người ở bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), bất chợt nhớ câu thơ: “Tôi đi tìm tôi trong cơn mưa” của thi hào Nga Lermontov mà thấy đồng điệu, đồng cảm.

Sự tha hóa của du lịch



Dường như trong cuộc mưu sinh, cũng có lúc con người phải dừng - trú mưa để tịnh tâm thấy cái được, cái mất của chặng đường đã qua; hoặc giả cứ vùng chạy trong mưa để mưa gột rửa, làm mát cái đầu “phát triển quá nóng”.
Và không hiểu sao, gần tháng nay, đi từ Moskva, Saint Petersburg của Nga đến những cung đường Tây Bắc ở Việt Nam, một cảm giác bất an bỗng dưng trỗi dậy trong tôi, từa tựa như cô bé lọ lem đang từ căn bếp cũ kỹ đầy trâu lợn được chuyển sang sống tại căn phòng hổ phách với sự xa hoa chỉ dành cho các Sa hoàng.

1. Bản Lác, một địa danh du lịch từng có thời được ví như “thánh địa văn hóa Thái”, trở nên ồn ào, đông đúc. Hàng dãy xe đậu san sát cạnh những chiếc xe chạy điện của Trung Quốc, thêm tiếng cười, tiếng nói rổn rảng “cho sờ tay tí” của những quý ông mặt đỏ bừng sau chục chén rượu đặc sản càng làm không khí đặc quánh mùi chợ tình, kết tinh cho một thời “người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch”.
Và quả là cái gì cũng có cho các “thượng đế”, có bia, có rượu, có mồi nhậu đặc sản núi rừng và cả… sơn nữ ca. Bà chủ nhà tuổi Nhâm Tý, khá nõn nà trong bộ đồ dân tộc nói giọng thánh thót còn hơn người Hà Nội: “Các anh chờ tí để dọn nhà sàn. Nhà em gì cũng có”.
Và đúng là cái gì cũng có nếu có tiền. Thậm chí bạn khỏi nhúc nhích cứ ngồi một chỗ tức khắc có người cõng bạn qua mấy bậc thang lên tận chỗ ngủ là một sàn gỗ rộng chừng 70m², đủ chứa cả trung đội vừa ăn, vừa ngủ, vừa hát hò tại chỗ. Để thêm phần hưng phấn cho tour du lịch “trải nghiệm văn hóa”, bà chủ nhà và bên cạnh là ông chồng phốp pháp, cổ đeo dây chuyền vàng to như sợi dây xích chó liền mời chào bữa tối có lợn mán, gà đồi, cá suối, ốc đá với giá 1 triệu đồng/ mâm.
Và gút lại bữa tối giá 1 triệu đồng, cộng thêm 1 triệu đồng tiền văn nghệ văn gừng với sự tham gia của “đoàn ca múa nhạc tỉnh” biểu diễn giao lưu trong vòng 1 giờ. Trời tối dần, sấm chớp đì đùng vì áp thấp nhiệt đới càng hun nóng sự chờ đợi.
Cuối cùng, khoảng 6 giờ tối thì lợn cũng lên mâm trong sự phấn khích tột cùng của du khách - thực khách mong tìm của lạ ở vùng Tây Bắc xa xôi, cách trở. Với họ, đêm nay Tây Bắc là tất cả, đúng nghĩa là ngày hội có sự chếnh choáng của men rượu mềm môi. Và những tờ bạc 100.000 đồng được giúi vội, lại thêm một bài hát, điệu xòe được tiếp nối. Đến bất tận khi tiền và rượu chưa cạn. Thật sự là một đêm văn nghệ “đỉnh cao” khi gần như tất cả các bài hát vùng cao đều được phô diễn, và vẫn còn thiếu… phải nhờ cậy bài hát Cô gái Sầm Nưa, Hoa đẹp Chăm Pa với vũ điệu lăm vông ca ngợi đất và người của nước Lào anh em. 
Nhưng rồi tất cả cũng qua đi như một giấc mộng đêm hè. Khi đã tỉnh giấc chúng ta buộc phải đặt câu hỏi được và mất gì với cách làm du lịch kiểu “nghìn lẻ một đêm” như vậy?
Cách đây chừng 20 năm, người viết cũng có dịp tới bản Lác, khi đó còn hoang sơ lắm với khách nghỉ lại nhà sàn Thái chủ yếu là khách Tây. Họ đến đúng nghĩa là du khảo văn hóa, đến với người dân địa phương để tìm hiểu bản sắc dân tộc từ chữ viết cổ của người Thái đến làn điệu dân ca với âm hưởng núi rừng, rồi kiến trúc nhà sàn Thái và trang phục khác biệt ra sao… Tất nhiên, khách Tây chi tiêu dè sẻn, ăn uống vừa đủ để nuôi sống đam mê khám phá, song bù lại họ trả nguyên vẹn cho Tây Bắc vẻ tinh khôi, im ắng vốn có. Hay nói cách khác là sự tử tế trong ứng xử để không làm biến chất, làm tự chuyển hóa bản tính chân thật, lương thiện của người miền núi. 
2. Tiếc rằng, cái cũ tốt đẹp đó đã qua đi. Giống như rất khó tìm lại được làn khói lam mỏng manh tỏa ra từ những ngôi nhà sàn nép mình bên dòng suối, bóng cây. Và thời gian qua đi, thời gian không trở lại khi giờ đây bản Lác đã sạch bóng khách Tây, sạch bóng thứ tiếng Anh phát âm còn “đậm đà bản sắc dân tộc”. Chỉ đọng lại nỗi buồn khi đồng tiền xé toang vẻ tĩnh mịch của Tây Bắc.
Có gì đó giống với nước Nga mà tôi cũng vừa đi ngang. Tất nhiên mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi người mỗi kiểu, mỗi nền văn hóa mỗi khác biệt. Nhưng có cái chung là ai cũng thấy mệt với dòng du khách mà người dân địa phương phải chịu đựng, trừ những người trực tiếp mần du lịch.
Ở Saint Petersburg, thủ đô phương Bắc của nước Nga, một thành phố đẹp nhất nhì châu Âu, lượng khách đổ về nhất là dịp mùa hè và mùa thu hơn 5 triệu người (tương đương số dân thành phố) thì sự quá tải đã lên đến mức báo động. Người dân nơi đây than vãn vì sự đắt đỏ, vì sự ồn ào của một nền văn hóa quá khác biệt. Các cung điện mùa hè, mùa đông, mùa thu… ngập cờ phất của khách tour, đến mức các Sa hoàng có sống lại cũng giật nảy mình ngao ngán cho sự đời. 
Khi đến một khu bán đồ trang sức, chủ yếu là hổ phách ở gần Cung điện Mùa Đông, tôi ngạc nhiên khi thấy khách mua toàn người Trung Quốc, mà họ rút ví 5.000 - 10.000 USD mua một món đồ cứ như chúng ta rút tiền mua tờ vé số.
Anh nhân viên tên là Tengiz, một người gốc Armenia nhưng sinh ra ở Tbilisi thuộc Georgia, khá ngạc nhiên thấy chúng tôi nói tiếng Nga khá chuẩn, khác hẳn đám du khách châu Á khi giao tiếp “mỏi hết tay, chân”, đã cười nói ở đây chỉ phục vụ du khách Trung Quốc và dịch vụ có từ A đến Z, mua xong muốn ăn nhậu thì ở trên lầu có nguyên một nhà hàng Trung Hoa đỏ đèn suốt đêm. Có thời nơi đây tìm được một nụ cười “Liên Xô” rất khó thì nay đã là thường trực. Vì có người mua, cháy hàng, tức là thu nhập tăng và cũng dễ ban phát nụ cười thân thiện miễn phí.
Cũng theo lời Tengiz, họa hoằn lắm mới có khách Nga ghé mua vì giá đã đội lên cả chục lần và người Nga giờ đã là dân tộc thiểu số ở ngay trên mảnh đất quê hương, hệt như  vùng Tây Bắc chúng ta.
Nhưng có khác biệt rất lớn trong ứng xử ở Nga so với ta. Đối với du khách nước ngoài lạ nước, lạ cái, người dân Moskva và đặc biệt là dân đất kinh kỳ Saint Petersburg có thái độ hết sức thân thiện, nhiệt tình chỉ dẫn trên tinh thần “phi vụ lợi”. Khi đi tàu cao tốc Sapsan chạy về Moskva, cô nhân viên bán vé đã ngạc nhiên hết sức lúc chúng tôi đặt mua vé khoang hạng thương gia đắt gấp đôi so với khoang thường. “Để trải nghiệm ư? Các anh đâu cần tốn đến 130 USD khi tàu chạy có 4 giờ là đến nơi”, cô gái khuyên nhủ hết lòng. Và chúng tôi đành mua vé rẻ để đáp ứng thịnh tình của “tâm hồn Nga”.
Song ở Tây Bắc cũng như ở mọi nơi trên đất nước chúng ta, tình huống đó nếu có thì sẽ hoàn toàn khác. Cũng cô nhân viên bán vé sẽ nói tiền nào của nấy, dịch vụ hoành tráng lắm, các anh nên mua ngay vé kẻo người khác sẽ mua hết. Và sự thật là vậy, không có kịch bản khác.
3. Mùa thu đã đến cả ở nước Nga xa xôi và cả ở vùng Tây Bắc không quá xa xôi. Nếu như nước Nga có mùa thu vàng với những hàng bạch dương ngút ngàn thì Tây Bắc có đồi núi chập chùng, tiếng suối róc rách và sương mù dường như còn lẩn khuất đâu đó. Nói thế để thấy chúng ta càng phải trân trọng, gìn giữ cho bằng được vẻ đẹp của tạo hóa. Tất nhiên du lịch là cần thiết, là nguồn thu đáng kể để xóa bỏ khoảng cách giàu - nghèo giữa miền xuôi và miền ngược, song không thể đánh đổi mọi thứ vì tiền.
Ngày xưa, người dân tộc chân chất bán các sản vật ở các quán cóc liêu xiêu theo cách lữ khách tự bỏ tiền vào ống tre để sẵn, không cần người bán phải có mặt; nay hoàn toàn khác. Khác đến nỗi cái gì cũng tiền, đứng chụp ảnh từ một góc đẹp cũng có người ra đòi 10.000 đồng tiền “tạo dựng cảnh quan”, rồi tiền này kia, từ tiền chụp “seo phì” đến tiền uống một ly nước mát. 
Còn gì nói thêm về du lịch vùng cao? Chắc là chuyện nhỏ về cái nhà vệ sinh. Nhỏ mà lớn. Lấy ví dụ như ở bản Lác, người ta quan tâm trước tiên là sự nhồi nhét du khách, cái còn lại không phải chuyện lớn. Đến mức khu đi vệ sinh đã xuống cấp trầm trọng mà không ai nghĩ phải sửa lại đường nước thải vệ sinh hơn. Thiết nghĩ, chúng ta phải lo nghĩ trước tiên cái nhỏ là “văn hóa toilet” rồi mới đến chuyện lớn hơn là vấn đề quy hoạch và chiến lược phát triển bền vững. Và cứ làm cái nhỏ trước. 
Chiếc xe chở du khách vẫn chạy, lướt qua là những tấm biển mời chào thưởng thức đặc sản Tây Bắc. Mà đâu đâu cũng gà đồi, lợn cắp nách, hoặc lợn mán, lợn tên lửa và gà chạy bộ. Và hết.

BÍCH AN

Cùng tham quan Apple Park, khuôn viên mới trị giá 5 tỷ USD của Apple

Sau rất nhiều năm chờ đợi, khuôn viên hình tàu vũ trụ đỉnh cao của Apple trị giá 5 tỉ USD cuối cùng cũng đã hoàn thành.



Đầu tháng này, Apple Park đã bắt đầu cho mở cửa trung tâm khách hàng cao cấp mới của mình, phục vụ cà phê cũng như bán rất nhiều đồ lưu niệm độc quyền của Apple. Bên cạnh đó, đa số nhân viên của hãng cũng đã chuyển đến làm việc tại trung tâm này từ đầu năm nay và dự kiến toàn bộ đội ngũ sẽ về “ngôi nhà mới” trong vài tháng tới.

Với hàng ngàn cây trồng, những con đường đã được lát gạch cẩn thận và phần mái nhà được trang bị rất nhiều tấm pin mặt trời, có thể nói khuôn viên Apple Park gần như đã hoàn thành. Chỉ còn khu vực vườn rất nhỏ gần khu thể hình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Trong hơn một năm qua, Matthew Roberts cùng với chiếc máy bay không người lái của mình, đã tỉ mỉ ghi lại rất nhiều hình ảnh ấn tượng, đẹp mắt của khuôn viên này từ góc độ trên cao.

Hãy cũng ngắm nhìn một số tác phẩm đỉnh cao này nhé!


Toàn cảnh Apple Park - tòa nhà “tàu vũ trụ” có thiết kế vòng cung độc đáo, tọa lạc tại thành phố Cupertino, bang California.


Đây là cổng chính dẫn đến đại sảnh và khu cafe. Có thể thấy Apple đã hoàn thiện khung cảnh nơi đây bằng cách cho “trải” một thảm cỏ xanh ở phía trước.
Đây là cổng chính dẫn đến đại sảnh và khu cafe. Có thể thấy Apple đã hoàn thiện khung cảnh nơi đây bằng cách cho “trải” một thảm cỏ xanh ở phía trước.


Các trạm kiểm soát an ninh cũng đã xuất hiện khắp nơi trong khuôn viên.
Các trạm kiểm soát an ninh cũng đã xuất hiện khắp nơi trong khuôn viên.


Một phần ý tưởng thiết kế Apple Park là xóa mờ ranh giới giữa không gian bên trong và không gian ngoài trời.
Một phần ý tưởng thiết kế Apple Park là xóa mờ ranh giới giữa không gian bên trong và không gian ngoài trời.


Rất nhiều khu vườn cây ăn quả được trang trí bên trong “chiếc phi thuyền” này.
Rất nhiều khu vườn cây ăn quả được trang trí bên trong “chiếc phi thuyền” này.


Vòi phun nước khu trung tâm cuối cùng cũng đã được hoàn thành.
Vòi phun nước khu trung tâm cuối cùng cũng đã được hoàn thành.


Apple Park sở hữu một trong những mái nhà sử dụng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới với khả năng tạo ra 17 megawatt để cung cấp điện năng cho 75% khu vực trong khuôn viên.
Apple Park sở hữu một trong những mái nhà sử dụng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới với khả năng tạo ra 17 megawatt để cung cấp điện năng cho 75% khu vực trong khuôn viên.


Đây là trung tâm khách hàng với phần mái vô cùng ấn tượng đã được mở cửa hồi đầu tháng này. Đến nay, đây cũng là khu vực duy nhất mà khách hàng có thể trải nghiệm.
Đây là trung tâm khách hàng với phần mái vô cùng ấn tượng đã được mở cửa hồi đầu tháng này. Đến nay, đây cũng là khu vực duy nhất mà khách hàng có thể trải nghiệm.



Khu vực xung quanh phòng thể hình của khuôn viên vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Khu vực xung quanh phòng thể hình của khuôn viên vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.



Apple Park chắc chắn sẽ là một trong những kỳ quan vĩ đại nhất của thế kỷ 21.


Apple Park chắc chắn sẽ là một trong những kỳ quan vĩ đại nhất của thế kỷ 21.

(Từ Cảnh chuyển)